Ngôn ngữ
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH ngày 13/3/2020 về triển khai công tác đào tạo từ xa nhằm ứng phó với dịch Covid-19, Công văn số 988/BGDĐT-GDĐH ngày 23/3/2020 đảm bảo chất lượng ĐTTX; Công văn số 737/ĐHQGHN-CT&CTHSSV ngày 09/3/2020 của Đại học Quốc gia Hà Nội về phòng chống dịch Covid-19 và triển khai công tác dạy học trực tuyến. Thời gian qua, nhằm đảm bảo kế hoạch năm học, một số đơn vị đã chủ động, tích cực triển khai các phương thức đào tạo từ xa (ĐTTX), đào tạo trực tuyến (ĐTTT).
Để thống nhất thực hiện, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng đơn vị, yêu cầu của từng chương trình đào tạo, việc tổ chức giảng dạy, học tập trực tuyến hướng tới chất lượng cao nhất trong bối cảnh hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đề nghị các đơn vị thực hiện các nội dung sau:
1.Việc triển khai ĐTTX, ĐTTT và công nhận kết quả học tập tích lũy tại các đơn vị đào tạo đối với các khóa đào tạo chính quy và vừa làm vừa học trong thời gian dịch Covid-19 được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 988/BGDDT-GDDH ngày 23/3/2020 của Bộ GD&ĐT (chi tiết tại Công văn đính kèm).
Theo đó thủ trưởng các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN căn cứ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để đánh giá, phân tích các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đào tạo trực tuyến của đơn vị mình, xem xét các điều kiện triển khai thực tế tại đơn vị để quyết định công nhận kết quả học tập tích lũy trong thời gian sinh viên không học tập trung do dịch Covid-19, đảm bảo chất lượng, khách quan, trung thực. Cụ thể:
- Các học phần được tổ chức trên hệ thống đào tạo trực tuyến (hệ thống quản lý học tập - LMS, quản lý nội dung học tập - LCMS), có đầy đủ học liệu và hệ thống mô phỏng thí nghiệm theo yêu cầu của chương trình đào tạo thì thủ trưởng đơn vị quyết định công nhận kết quả tích lũy cho sinh viên;
- Đối với những học phần chỉ tổ chức đào tạo qua các công cụ dạy học trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom, Google meeting,… việc tổ chức đánh giá kết thúc học phần chỉ được tiến hành khi thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của học phần. Nếu chưa đủ, khi quay trở lại học tập trung, các đơn vị đào tạo phải dạy bù để đánh giá, công nhận kết quả học tập tích luỹ theo quy định;
- Các học phần khác chỉ coi đào tạo trực tuyến là hình thức hỗ trợ sinh viên tự học thì sau khi dịch Covid 19 tạm ổn, các lớp cần học tập trung trực tiếp, hệ thống hóa, giải đáp, củng cố, sau mới kiểm tra đánh giá kết thúc học phần theo quy chế đào tạo hiện hành.
- Các đơn vị tham khảo một số yêu cầu khi tổ chức và quản lý ĐTTT ở ĐHQGHN (chi tiết tại Phụ lục đính kèm Công văn này tại đây).
2. Thủ trưởng các đơn vị đào tạo quán triệt nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý về ĐTTX, ĐTTT trong bối cảnh chống dịch Covid-19
Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý về ĐTTX, ĐTTT và ứng dụng CNTT trong đào tạo; Bồi dưỡng nâng cao kiến thức của đội ngũ cán bộ quản lý về công nghệ thông tin (CNTT) và ứng dụng CNTT trong quản lý ĐTTT; bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý về các yêu cầu, hình thức thực hiện hoạt động quản lý ĐTTT có hiệu quả trong môi trường ứng dụng công nghệ.
3. Thủ trưởng các đơn vị đào tạo tăng cường quản lý hạ tầng công nghệ ĐTTT có hiệu quả và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của giảng viên, sinh viên, cán bộ quản lý
Quản lý việc sử dụng có hiệu quả hạ tầng công nghệ ĐTTT; quản lý việc bảo mật, bảo trì, bảo quản hệ thống các thiết bị phần cứng, phần mềm để việc sử dụng ổn định, an toàn, hiệu quả; quản lý việc nghiên cứu phát triển, cập nhật công nghệ mới đáp ứng nhu cầu của người sử dụng tham gia vào quá trình đào tạo.
4. Tăng cường quản lý phát triển học liệu ĐTTT đa dạng, đảm bảo chất lượng chuyên môn và kỹ thuật
Trên cơ sở học liệu đã xây dựng, để quản lý phát triển học liệu ĐTTT, các trường cần tập trung quản lý việc thiết kế, triển khai xây dựng nội dung học liệu; quản lý công việc thẩm định, xét duyệt; quản lý việc khai thác và vận hành hệ thống học liệu; quản lý việc rà soát, chỉnh sửa, cập nhật định kỳ và thường xuyên học liệu điện tử của toàn bộ các học phần. Việc quản lý phát triển nội dung học liệu có vai trò rất quan trọng để phát triển nội dung theo hướng phù hợp với yêu cầu thị trường lao động và đáp ứng nhu cầu người học. Ngoài ra, các trường cần tổ chức một hệ thống các khoá học mở trực tuyến để cung cấp kiến thức bổ trợ, tham khảo cho sinh viên – mà hiện nay khoá học mở trực tuyến này đang là xu thế của nhiều trường đại học trên thế giới, ở cấp nhà trường và cả ở cấp quốc gia.
5. Xây dựng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong môi trường ĐTTX, ĐTTT
Trước mắt với tình hình hiện nay ngoài các quy trình về xây dựng, phát triển đội ngũ của đơn vị, Thủ trưởng đơn vị cần làm ngay tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giảng viên đáp ứng những yêu cầu cần thiết để thực hiện hoạt động giảng dạy trực tuyến có chất lượng; Quản lý, giám sát việc thực hiện các hoạt động giảng dạy của giảng viên. Định kỳ đánh giá giảng viên, khảo sát, lấy ý kiến người học về giảng viên.
6. Tăng cường quản lý các hoạt động dạy - học trực tuyến, hiệu quả, chất lượng
Tạo động lực thúc đẩy sinh viên tích cực tham gia quá trình tự học, tích cực tìm hiểu nghiên cứu các tài liệu học tập và tương tác với giảng viên, sinh viên khác; tạo điều kiện cho giảng viên tích cực phát huy vai trò giảng dạy trong môi trường trực tuyến, tích cực đổi mới, sáng tạo nhằm tạo động lực học tập cho sinh viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy - học; quản lý các hoạt động dạy - học và tương tác hiệu quả trên môi trường trực tuyến. Căn cứ vào đề cương chi tiết học phần, xây dựng kế hoạch lớp học phần và thiết kế các hoạt động giảng dạy cho khoá học trực tuyến để nâng cao hiệu quả truyền tải kiến thức đến người học. Cần xây dựng kế hoạch khóa học với các nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy; các hoạt động giảng dạy được xây dựng chi tiết để triển khai trên lớp học trực tuyến; tạo cơ chế thúc đẩy và kiểm soát các hoạt động tương tác giữa giảng viên - sinh viên và giữa các sinh viên nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học.
7. Quản lý hoạt động hỗ trợ sinh viên và xây dựng hệ thống các tài liệu hỗ trợ cung cấp cho sinh viên
Đơn vị đào tạo cần rà soát, cập nhật quy trình quản lý ĐTTT, quy trình hỗ trợ sinh viên, xây dựng, ban hành quy trình hỗ trợ sinh viên; quản lý đội ngũ hỗ trợ sinh viên đáp ứng yêu cầu tổ chức và quản lý ĐTTT; quản lý các hoạt động hỗ trợ sinh viên theo quy trình đã ban hành; thông báo rộng rãi cho cán bộ, sinh viên quy trình hỗ trợ sinh viên, các hoạt động hỗ trợ sinh viên, quy trình quản lý đào tạo trực tuyến.
8. Thủ trưởng các cơ sở đào tạo thuộc ĐHQGHN chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung chỉ đạo trên, bảo đảm chương trình, chất lượng đào tạo và chịu trách nhiệm giải trình; quản lý và lưu trữ các thông tin liên quan đến các học phần tổ chức đào tạo trực tuyến nhằm phục vụ công tác kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra.
Mọi ý kiến trao đổi về giảng dạy trực tuyến, triển khai kiểm tra đánh giá xin gửi về địa chỉ email: bandaotaodhqghn@vnu.edu.vn.
Tác giả: VNU Media - Ban Đào tạo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn