Ngày 14/6/2012, Hội đồng Tư vấn Chính sách Trường ĐHKHXH&NV họp phiên thứ II dưới sự chủ trì của GS.VS Phan Huy Lê - Chủ tịch - và các Phó Chủ tịch: GS. Vũ Dương Ninh và PGS.TS Phạm Xuân Hằng.
Hội đồng đã nghe và thảo luận xung quanh các vấn đề: đẩy mạnh nghiên cứu về văn hoá Óc Eo; xây dựng và thành lập chương trình nghiên cứu, đào tạo về biển, đảo Việt Nam; xây dựng và thành lập chương trình về KHXH&NV.
Tại phiên họp, các ý kiến phát biểu cần tổ chức và chỉ đạo thống nhất tầm quốc gia việc nghiên cứu các di tích văn hoá Óc Eo, đẩy mạnh các nghiên cứu cơ bản, toàn diện về văn hoá Óc Eo nhằm mục tiêu làm sáng tỏ hơn nữa về địa bàn phân bố, các loại hình, niên đại... Các trường đại học trong đó có Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN cần tổ chức các chương trình nghiên cứu và hội thảo khoa học quốc tế về văn hoá Óc Eo với sự hợp tác, tham gia của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài.
Về chương trình nghiên cứu biển, đảo Việt Nam, các ý kiến cho rằng cần rà soát, đánh giá lại tình hình nghiên cứu biển đảo, không để tình trạng tự phát, trùng lặp chức năng nhiệm vụ của các cơ sở nghiên cứu khác nhau, trên cơ sở đó tổ chức và hệ thống lại các nghiên cứu biển đảo. Đặc biệt, nghiên cứu biển đảo dưới góc nhìn KHXH&NV cần một chương trình nghiên cứu riêng, có tầm vóc, chuyên sâu trên cơ sở tập hợp trí tuệ chuyên gia trong và ngoài nước. Những nghiên cứu này cần quan tâm đến vấn đề văn hoá và truyền thống con người Việt Nam đối với biển như nền tảng căn bản cho sự phát triển lâu dài và bền vững, hướng đến khai thác biển như một tiềm năng và lợi thế của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đối với ĐHQGHN và Trường ĐHKHXH&NV, Hội đồng đề xuất: thành lập trung tâm hoặc viện nghiên cứu biển đảo tập trung vào các vấn đề KHXH&NV. Trường cũng cần sớm đưa vào chương trình đào tạo đại học và sau đại học có nội dung giảng dạy về biển đảo, quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục nhận thức của sinh viên về biển đảo và chủ quyền biển đảo của đất nước.
Đánh giá về chương trình KHXH&NV, các ý kiến nhất trí: sự phát triển của KHXH&NV luôn mang dấu ấn đặc thù của mỗi quốc gia, dựa vào nền tảng văn hoá, xã hội và vì lợi ích, sự phát triển của mỗi quốc gia. KHXH&NV gánh vác trách nhiệm quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng, xây dựng giá trị, ý thức xã hội, phát triển văn hoá, đào tạo con người. KHXH&NV đề xuất các chính sách, giải pháp quản lí, đề xuất các mô hình và chủ thuyết phát triển cho Việt Nam. Trên cơ sở đó, các ý kiến đề nghị cần có giải pháp giúp xây dựng nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của KHXH&NV trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cần tập trung nguồn lực, tạo cơ chế nâng cao năng lực nghiên cứu KHXH&NV. Bên cạnh đó, Nhà nước và các cơ sở đào tạo cần có bước đột phá trong chiến lược đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi đạt trình độ quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV.