Ngôn ngữ
1. Bối cảnh, mục đích tổ chức Hội thảo
1.1. Bối cảnh
Từ nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học trên thế giới luôn cố gắng tìm hiểu bản chất, hệ quả của sang chấn tâm lý và các phương pháp trợ giúp. Các nghiên cứu về sang chấn tâm lý luôn được đặt trong mối quan hệ giữa các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường.
Trong xã hội hiện nay, nhịp sống của con người gấp gáp hơn, các mối quan hệ giữa mọi người, thậm chí giữa các thành viên trong gia đình trở nên xa cách hơn, con người từ trẻ đến già phải chịu nhiều áp lực hơn. Bên cạnh đó, sự khác biệt giá trị và mâu thuẫn lợi ích giữa các cá nhân, nhóm, tôn giáo, cộng đồng, dân tộc ngày càng trở nên gay gắt hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá. Những điều này góp phần làm gia tăng sang chấn của con người cả về thể chất và tinh thần.
Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù vấn đề sang chấn tâm lý đã được xã hội quan tâm hơn, nhưng các hoạt động trợ giúp tâm lý mới chỉ được triển khai một cách nhỏ lẻ và chưa chuyên nghiệp. Người làm công tác trợ giúp tâm lý chưa được đào tạo bài bản. Cơ sở khoa học và các quy định cụ thể về nội dung, cách thức, quy trình trợ giúp còn thiếu và còn chưa thực sự phù hợp với thực tế. Đặc biệt, hoạt động giám sát hầu như thiếu vắng.
Chính vì vậy, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Sang chấn tâm lý và hoạt động trợ giúp” nhằm kết nối các nhà khoa học, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong đào tạo và thực hành can thiệp, trị liệu, giám sát tâm lý là cần thiết và có ý nghĩa cấp bách.
1.2. Mục đích của hội thảo
Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn về sang chấn tâm lý và các hoạt động trợ giúp nhằm xây dựng các chương trình trợ giúp và can thiệp hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
2. Nội dung của Hội thảo
Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề sau đây:
2.1. Lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, can thiệp, và đánh giá: lý thuyết về sang chấn tâm lý; các tiếp cận trong đánh giá, giám sát và can thiệp; các phương pháp nghiên cứu và trợ giúp.
2.2. Sang chấn tâm lý ở trẻ em và vị thành viên: trong các trường hợp bị bắt nạt, bạo lực, lạm dụng; tai nạn thương tích; bị kì thị, phân biệt đối xử; nghiện (nghiện chất, game, mạng xã hội, …); bị bỏ rơi, mồ côi, thiếu sự quan tâm của cha mẹ.
2.3. Sang chấn tâm lý ở người trưởng thành: stress trong công việc, thất nghiệp, tai nạn lao động, giao thông; bạo lực gia đình; mang thai và sinh nở; khủng hoảng tuổi trung niên; vấn đề sang chấn tâm lý người cao tuổi (nghỉ hưu, cô đơn, chuẩn bị cho cái chết).
2.4. Văn hóa, các nhóm xã hội và sang chấn tâm lý: hội nhập văn hóa, tiếp biến văn hóa và sang chấn tâm lý; các nhóm dễ bị sang chấn (người đồng tính, người có HIV, người nghiện ma túy, …); di dân và tị nạn; nhóm đa số và nhóm thiểu số; khủng bố, chiến tranh và thảm họa thiên nhiên.
3. Ngôn ngữ sử dụng trong Hội thảo: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp
4. Thời gian tổ chức: 7-8/11/2016
5. Địa điểm tổ chức: Trường ĐHKHXH&NV, 336 Nguyễn Trãi, HN, Việt Nam
6. Hình thức bài viết
Bài viết có dung lượng từ 5.000 đến 10.000 từ (khoảng 10-15 trang A4), phông chữ Unicode (Times New Roman), cỡ chữ 12, cách dòng 1.2. Tóm tắt từ 200 đến 300 từ (tiếng Việt và tiếng Anh/tiếng Pháp). Cấu trúc bài viết và trích dẫn tài liệu rõ ràng, đảm bảo tính khoa học. Ghi rõ các từ khoá. Các bài viết sẽ được phản biện và tuyển chọn để in trong kỷ yếu của hội thảo (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, có chỉ số ISBN).
7. Thời gian gửi bài
- Gửi tóm tắt: hạn cuối 30/5/2016
- Gửi bài toàn văn: hạn cuối 30/7/2016
8. Địa chỉ nhận bài
- TS. Bùi Hồng Thái: buihongthai2003@yahoo.com
- TS. Nguyễn Văn Lượt: nguyenvanluot@gmail.com.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ :
(1). TS. Nguyễn Văn Lượt, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam; Di động: 0912.229.910 ; E-mail : nguyenvanluot@gmail.com.
(2). ThS. Đặng Thanh Tùng, Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Di động : 0904103009; E-mail: tungdangthanh@bachmai.edu.vn
Ban Tổ chức trân trọng kính mời các nhà khoa học, các chuyên gia và nhà nghiên cứu viết tham luận và đến tham dự hội thảo.
Tác giả: ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn