Ngôn ngữ
Điểm tựa từ 70 năm truyền thống
Ngày 10/10/1945, chỉ hơn một tháng sau khi đất nước ta tuyên bố độc lập, trong muôn vàn khó khăn của chính quyền mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 45 thành lập Trường Đại học Văn khoa nhằm đưa nước nhà "theo kịp các nước trên hoàn cầu". Lại hơn một tháng sau, ngày 15/11/1945 tại Đại giảng đường 19 Lê Thánh Tông, diễn ra Lễ khai giảng năm học mới đầu tiên của Đại học Văn khoa dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nền đại học Việt Nam dưới chế độ mới chính thức được khai sinh. Trong diễn văn của Vụ trưởng Vụ Đại học - GS. Nguyễn Văn Huyên tại lễ khai giảng năm học mới đã cất lên tiếng nói hào sảng, tự tin: "Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành luỹ để trường kỳ kháng chiến phục hồi toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc. Chúng tôi là một dân tộc có nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên một nền văn minh đặc sắc ven bể Thái Bình Dương". Đó là giá trị cốt lõi, là truyền thống được hun đúc trong 70 năm qua và được bồi đắp bằng thành tựu 20 năm xây dựng, phát triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1995 đến nay.
Trường ĐHKHXH&NV là điểm đến giao lưu học thuật của các nhà khoa học trong và ngoài nước
Năm 1956, Chính phủ thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trên cơ sở các trường Đại học Khoa học, Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học cơ bản và Dự bị đại học ở khu 4. Những người thầy xây nền đắp móng cho Đại học Văn Khoa như các giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giáu, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường... và các nhà khoa học khác đã cùng với lớp học trò xuất sắc của mình chung lưng đấu cật xây dựng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ những ngày đầu tiên.
Năm 1995, theo yêu cầu xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ra đời, tách ra từ Đại học Tổng hợp Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự đổi mới, phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Những bước đi của nhà trường trong 70 năm qua cùng với sự góp sức của những nhà khoa học, những người thầy lỗi lạc, tài danh mà nền tảng là tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc đã trở thành điểm tựa cho Trường nhanh chóng phát triển trở thành một Trường Đại học hàng đầu đất nước về các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Phát huy "Tinh thần Đại học tiên phong" trong thời kỳ mới
Tinh thần đại học Việt Nam là xây dựng một nền đại học dân tộc. Tinh thần đó lại được cụ thể hoá bằng sứ mệnh tiên phong và cao cả của Trường đối với đất nước: "Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nghiên cứu sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước."
Để làm tròn sứ mệnh trên, Đảng uỷ , Ban Giám hiệu Nhà trường luôn luôn coi trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực và đổi mới chương trình đào tạo, coi đó là điều kiện cốt lõi để xây dựng và phát triển Nhà trường. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường nhiệm kỳ đầu tiên (1996 - 1998) đã xác định: "Chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, khắc phục tình trạng mất cân đối và nguy cơ hụt hẫng đội ngũ cán bộ kế cận".
Thực hiện định hướng ấy, Trường đã coi mục tiêu xây dựng đội ngũ các nhà giáo có trình độ cao là nhân tố quyết định sự phát triển chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ được quan tâm đặc biệt, với nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo nguồn cán bộ bổ sung, tiếp nối bền vững, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Đến nay, toàn trường có 530 cán bộ, trong đó có 370 cán bộ giảng dạy, 25 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 56 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ khoa học được nâng lên nhanh so với thời điểm những năm 1990: 164 thạc sĩ, 195 tiến sĩ, 6 giáo sư, 91 phó giáo sư. Số cán bộ có học vị sau đại học đạt 96%, trong đó trên 51% có học vị tiến sĩ. Bên cạnh đó, Nhà trường coi trọng việc hoàn thiện, nâng cao năng lực công tác quản lý, thông qua thực hiện đề án cải cách hành chính theo chuẩn ISO từ 2 năm trước. Quá trình chuyển đổi từ thiết chế quản lý hành chính hoá sang thiết chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, là bước chuyển có tính đột phá trong sự phát triển của Nhà trường.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khai giảng tại Trường ĐHKHXH&NV (9/2012)
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN được thành lập trong bối cảnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đang diễn ra một cách nhanh chóng. Vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng và đa dạng hóa ngành nghề đào tạo đã được Nhà trường đặt ra và thực hiện một cách kiên quyết. Đến nay, toàn Trường có 16 khoa, 12 trung tâm nghiên cứu và phục vụ đào tạo, 01 Bảo tàng nhân học, 01 công ty, 10 phòng chức năng, 01 Viện nghiên cứu chính sách và quản lý. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phải tập trung và tiếp tục mở rộng, phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển kinh tế văn hóa, xã hội của đất nước; đồng thời, vừa phù hợp với xu thế phát triển của các ngành KHXH&NV ở Việt Nam và thế giới. Một trong những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu đó là cần phải nhanh chóng quốc tế hóa các chương trình đào tạo. Trong đó, chú trọng xây dựng và thực hiện các môn học, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, để thu hút sinh viên, học viên nước ngoài đến học tập tại trường, tại Việt Nam. Sau các lần xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo một cách đồng bộ, toàn diện, hiện tại, Trường có 22 ngành đào tạo đại học với 22 chương trình đào tạo chuẩn, 6 chương trình đào tạo chất lượng cao, 1 chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Đối với bậc sau đại học, Nhà trường đang quản lý 62 chuyên ngành đào tạo, trong đó có 29 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Các ngành đào tạo của trường được phát triển theo 3 nhóm: 1) Các ngành khoa học cơ bản; 2) Các ngành khoa học ứng dụng; 3) Các ngành khoa học liên ngành. Năm 2007, Nhà trường đã chuyển đổi từ phương thức đào tạo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ, hội nhập với xu thế quốc tế, đồng thời tích cực chuẩn hoá công tác tổ chức, quản lý đào tạo. Định hướng trong phát triển các ngành đào tạo của Trường là vừa tập trung phát triển các ngành khoa học cơ bản, khoa học liên ngành để thực thi sứ mệnh đầu của giáo dục đại học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam; vừa phát triển các ngành khoa học ứng dụng để có thể đáp ứng kịp thời các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế mà tiềm năng học thuật và nhân lực của nhà trường có khả năng đáp ứng tốt nhất.
Vươn tới tầm cao khoa học và tăng cường hội nhập
Có thể nói, bên cạnh công tác đào tạo và phát triển đội ngũ, thành tựu nổi bật thứ ba của trường là nghiên cứu khoa học, được thể hiện ở những tri thức, những lý luận về xây dựng con người, văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa. Một số kết quả nghiên cứu của Trường còn góp phần cung cấp các luận cứ, cơ sở khoa học cho việc xây dựng, hoạch định các đường lối chính sách của Đảng, phát triển đất nước. 10 nhà giáo được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 16 nhà giáo được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ là bằng chứng cụ thể cho vị trí tiên phong và thành tích xuất sắc của Trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Nhà trường đang triển khai Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Trường đến năm 2020; Chương trình phát triển các sản phẩm khoa học chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước v.v..
Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ là công tác nòng cốt luôn được Nhà trường quan tâm. Trường luôn kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân và tập thể có những đóng góp xuất sắc
Hợp tác quốc tế sâu rộng là con đường tiếp cận nhanh và hiệu quả tri thức và phương pháp nghiên cứu tiên tiến, nhất là khi muốn trở thành đại học nghiên cứu. Trong hợp tác quốc tế, Nhà trường vừa dựa chắc trên nền tảng những thành tựu đã có, đồng thời vừa từng bước tiếp cận những tiêu chí, chuẩn mực chung của đại học khu vực và quốc tế, để sáng tạo ra những giá trị mới của khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam, lấy đó làm lợi thế so sánh, làm sức mạnh trong hợp tác và cạnh tranh, khẳng định vị thế một trường đại học đứng đầu đát nước. Nhờ vậy, đến nay, trường đã thiết lập được quan hệ quốc tế rộng rãi với trên 200 trường đại học và các tổ chức quốc tế trên khắp các châu lục. Nhiều chương trình hợp tác đào tạo, liên kết, các hội thảo khoa học quốc tế thành công đã tạo được tiếng vang và uy tín học thuật cao ở trong và ngoài nước.
70 năm truyền thống và 20 năm phát triển với tư cách một thực thể độc lập trong cơ cấu của ĐHQGHN, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày càng nêu cao vị thế, khẳng định được vị trí đứng đầu đất nước về nghiên cứu và đào tạo các ngành KHXHNV. Thành tích về đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường được chứng thực bằng các danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1981), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2001), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (năm 2005), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2010). Bài học sâu sắc để đảm bảo mọi thành công của Nhà trường, đó là tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của đơn vị, các tập thể và cá nhân, các thế hệ cán bộ và sinh viên; là sức mạnh tổng hợp trong ngoài cùng được huy động, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường; phải luôn chủ động, tích cực, nhạy bén, có bản lĩnh cao để sẵn sàng dấn thân và đi tiên phong trong sự nghiệp nghiên cứu cũng như đào tạo. Nếu không có sự nhạy bén thì không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của đất nước. Nhưng nếu không có bản lĩnh thì không dám nghĩ, dám làm, không thể hoàn thành được sứ mệnh của người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận giáo dục và khoa học của đất nước.
Tác giả: GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn