Ngôn ngữ
Bằng góc nhìn kinh tế, hai giáo sư đã chỉ ra những lý do đằng sau hiện tượng làn sóng văn hóa Hàn Quốc cùng sự phát triển vượt bậc của nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc, cụ thể trong lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc.
GS.Patrick Messerlin mở đầu với những con số thống kê cụ thể về nguồn cung, cầu của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc trong tương quan với Nhật Bản, Pháp, Anh, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo đó, trong năm 2018, tỉ lệ lượt người xem phim ở các rạp chiếu bóng tính theo đầu người ở Hàn Quốc là cao nhất (4,2), sau đó là Hoa Kỳ (3,8); tỉ lệ phim nội địa mà Hàn Quốc sản xuất tính theo đầu người cũng là cao nhất (8,5). Về chất lượng phim, được tính theo điểm số trung bình của các bộ phim trên các trang mạng có uy tín từ năm 2009 tới năm 2018, Hàn Quốc cũng đứng đầu với điểm số lần lượt là 6,48 theo IMDb; 75,2 theo Metacritics; 67,0 theo Rotten Tomatoes. Đặc biệt, Hàn Quốc đạt được những thành tích này trong bối cảnh ngân sách trợ cấp của chính phủ cho nền công nghiệp điện ảnh là thấp nhất (chỉ 136 triệu USD so với 1585 triệu USD của Mỹ).
GS.Patrick Messerlin trình bày
Lý giải cho thành công của nền điện ảnh Hàn Quốc, GS.Patrick Messerlin cho rằng, đó là vì nước này đã mạnh dạn từ bỏ chính sách bảo hộ và mở cửa nền công nghiệp này ra thế giới. Theo cơ chế bảo hộ trước đây, các công ty phim Hàn Quốc chỉ tập trung vào sản xuất ồ ạt hoặc nhập khẩu phim nước ngoài để đạt định mức tiêu thụ nội địa; khiến phim Hàn Quốc không đảm bảo được chất lượng cũng không được khán giả nước ngoài biết tới. Sau khi Hàn Quốc và Mỹ ký các hiệp định hợp tác điện ảnh năm 1986-1988, chính sách tự do hóa công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc được triển khai. Chính phủ Hàn Quốc mở cửa thị trường cho phim Hollywood tràn vào nước mình. Trước sức ép này, các công ty phim Hàn Quốc buộc phải đổi mới cách làm phim qua việc đầu tư vào chất lượng hơn và học hỏi từ chính các hãng phim nước ngoài (chẳng hạn như trường hợp hãng phim CI Hàn Quốc hợp tác với Dreamworks). Kết quả là từ năm 1988-2005 tuy số lượng phim Hàn Quốc được sản xuất chưa bao giờ vượt quá 100, nhưng tổng doanh thu đã tăng vọt gấp 7 lần, từ 1 tỷ won lên hơn 7 tỷ won. Ngược lại, tổng doanh thu của phim nước ngoài ở Hàn Quốc trong giai đoạn này giảm từ trên 3 tỷ won xuống dưới 2 tỷ won.
Như vậy, tuy không được chính phủ ưu ái dành cho nhiều nguồn trợ cấp, nhờ tận dụng các lợi thế từ chính sách mở cửa mà các công ty phim Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, tạo sức cạnh tranh so với các nước khác. GS.Patrick Messerlin coi đây là một hình mẫu thành công mà các nền điện ảnh khác cần học tập, trong đó có chính quê hương Pháp của ông.
GS. Jimmyn Parc trình bày
Cũng với góc nhìn tương tự, GS. Jimmyn Parc chia sẻ: nếu từ những năm 1980-1990, tại Hàn Quốc âm nhạc Nhật Bản vẫn đang thịnh hành thì từ giai đoạn những năm 2000, khi Internet ngày càng trở nên phổ biến, nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đã có sự phát triển vượt bậc. Các công ty giải trí Hàn Quốc đã chuyển đổi hình thức kinh doanh từ bán đĩa nhạc CD sang cung cấp nhạc miễn phí trên mạng và đầu tư vào các chuyến công diễn. Không chỉ đa dạng hóa đội ngũ sản xuất âm nhạc bao gồm cả những thành viên nước ngoài, họ còn tận dụng các phương tiện nghe nhìn của thời đại công nghệ số. Nhờ vậy, các nhóm nhạc Hàn Quốc ngày càng được công chúng nước ngoài biết tới; các công ty mẹ như SM, VG, JYP thu được lợi nhuận khổng lồ.
GS. Jimmyn Parc kết luận, chính việc chủ động mở rộng thị trường, tận dụng đòn bẩy tích cực từ xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển công nghệ đã giúp âm nhạc Hàn Quốc vươn lên tầm ảnh hưởng quốc tế, trở thành thị trường âm nhạc đứng thứ 6 thế giới năm 2018. Tương tự như GS. Patrick Messerlin, ông coi đây là một bài học thành công mà bất cứ quốc gia nào cũng có thể học tập.
GS.TS Phạm Quang Minh và các cán bộ, sinh viên Nhà trường chụp ảnh lưu niệm với các diễn giả
Sau phần thuyết trình, hai giáo sư đã nhận được những ý kiến trao đổi, bình luận từ các cử tọa về những vấn đề như ưu, nhược điểm của chính sách mở cửa ngành công nghiệp giải trí; vai trò của chính phủ trong sự phát triển của công nghiệp giải trí Hàn Quốc; tác động của sự phát triển kinh tế đối với sức mạnh mềm cũng như làn sóng văn hóa Hàn Lưu; những mặt trái của sự phát triển ồ ạt và hệ quả của sự cạnh tranh khốc liệt đối với các nghệ sĩ trong làng giải trí.
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn