Ngôn ngữ
Trong phần tiếp đón riêng, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) giới thiệu tới ông Ruairi de Burca về các hoạt động hợp tác với các trường đại học của Ireland, trong đó nhấn mạnh Dự án “Hợp tác xây dựng năng lực trong các lĩnh vực chính của Nghiên cứu Quốc tế tại Trường ĐHKHXH&NV” được triển khai với Đại học Cork (University College Cork- UCC, Ireland) do Quỹ Irish Aid tài trợ
Bài thuyết trình của ông Ruairi de Burca đã trình bày khái quát về chính sách phát triển quốc tế mới của chính phủ Ireland với tên gọi “Một thế giới tốt đẹp hơn”.
Chính sách phát triển quốc tế của Ireland tập trung vào các mối ưu tiên chính là bình đẳng giới, điều hòa nhu cầu viện trợ nhân đạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, và tăng cường năng lực quản trị. Với mỗi ưu tiên, Ireland đặt ra những mục tiêu và phương pháp riêng để hoàn thành những mục tiêu đó. Chẳng hạn, đối với bình đẳng giới, Ireland sẽ tăng cường các khoản quỹ dành cho việc điều chỉnh các quan hệ giới và bình đẳng giới trong tất cả các chương trình của mình; tập trung nhiều hơn vào phụ nữ, hòa bình, an ninh và bạo lực gia đình; thúc đẩy Sáng kiến Trao quyền Kinh tế cho Phụ nữ; ưu tiên trẻ em nữ trong các hỗ trợ về giáo dục; đưa ra sáng kiến mới về Sức khỏe và Quyền Sinh sản.
Ông Ruairi de Burca tán thành với quan điểm của Hiệu trưởng Phạm Quang Minh rằng, giữa Việt Nam và Ireland có nhiều điểm tương đồng như cùng trải qua quá trình đấu tranh giành độc lập từ tay thực dân, chia sẻ những giá trị truyền thống trong sự phát triển, chú trọng đảm bảo các giá trị xã hội song song với kinh tế, coi giáo dục nhuw một phương châm trong sự phát triển đất nước.
Cùng với các mối ưu tiên trên, Ireland sử dụng các biện pháp can thiệp được chia làm ba lĩnh vực là bảo vệ (bao gồm ngăn ngừa xung đột; ứng phó với thiên tai; hỗ trợ các khu vực chịu nhiều rủi ro và khủng hoảng), lương thực (bao gồm các hệ thống lương thực bền vững; nông nghiệp và thị trường; tăng trưởng kinh tế đồng bộ) và con người (bao gồm giáo dục và kỹ năng; y tế, HIV/ADIS, Quyền và Sức khỏe Sinh sản; Bảo trợ xã hội).
Nói về bối cảnh ra đời của chính sách mới này, ông Ruairi de Burca chia sẻ, trong trật tự thế giới đa cực hiện nay, thế giới đang thay đổi chóng mặt. Cùng với sự phát triển công nghệ, kỹ thuật số và tương lai việc làm là các vấn nạn toàn cầu như xung đột, nhân quyền, biến đổi khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng, di cư và mất nhà cửa, sự bất ổn, sự biến đổi trong các phương thức tìm kiếm thu nhập và gây ảnh hưởng.
Buổi thuyết trình có sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường
Trong bối cảnh này, hợp tác phát triển quốc tế trở thành một phần trọng tâm của chính sách đối ngoại. Ireland mong muốn cùng với các đối tác trên toàn cầu triển khai các nỗ lực nhằm ứng phó với các thách thức phát triển, đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững, thực hiện các mục tiêu và chính sách nhân đạo khác. Tiến tới thực hiện cam kết đóng góp 0.7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) vào năm 2030. Tất cả nhằm hướng tới một thế giới bình đẳng, hòa bình và bền vững hơn. Đặt phương châm "tập trung vào những người bị bỏ lại ở phía xa nhất” (furthest behind first), chính sách phát triển của Ireland thể hiện thiện chí mở rộng sự hỗ trợ ra toàn cầu, không chỉ dừng lại trong lãnh thổ nước mình.
Sau phần thuyết trình, ông Ruairi de Burca đã nhận được các câu hỏi, bình luận từ cử tọa về các vấn đề như cơ hội hợp tác giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam-Ireland trong đào tạo các nhà hoạt động, doanh nhân xã hội; cơ hội tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, trong đó có văn học Việt Nam-Ireland; các khía cạnh quan trọng trong chính sách phát triển quốc gia như mô hình quản trị, xã hội dân sự, sự đa dạng văn hóa; tầm quan trọng của vốn xã hội và vốn con người trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia, cùng với nhu cầu nâng cao năng lực cho các nhân viên, cán bộ Công tác xã hội; các chương trình học bổng đại học và sau đại học tại các trường đại học Ireland.
Được thành lập năm 1974, Irish Aid là cơ quan chính thức của Chính phủ Ireland về phát triển quốc tế. Irish Aid trực thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Ireland và do Phòng Hợp tác phát triển quản lý. Mục tiêu hoạt động của Irish Aid là phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, khuyến khích bình đẳng giới, bảo vệ môi trường ở các nước châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh. Chương trình Irish Aid là một phần không tách rời trong Chính sách đối ngoại của Ireland. Tại Việt Nam, Irish Aid hỗ trợ các nỗ lực về giảm nghèo và tình trạng dễ bị tổn thương, gia tăng các cơ hội cho các nhóm dân tộc thiểu số tại những địa bàn khó khăn và khó tiếp cận nhất.
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn