Toạ đàm đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ do Trường ĐHKHXH&NV tổ chức ngày 25/3/2013. Toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia và nhà quản lí trong lĩnh vực khoa học chính sách trong và ngoài trường.
Tại toạ đàm, các ý kiến chuyên gia đều khẳng định rằng sau 12 năm thực hiện, Luật Khoa học và Công nghệ (KHCN) năm 2000 đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lí nhà nước về KHCN trong giai đoạn hiện nay. Thực tế ấy đòi hỏi cần phải sửa đổi luật, tạo đà cho hoạt động KHCN có bước phát triển mới.
Các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật KHCN khá cụ thể, từ việc làm rõ các khái niệm được định nghĩa trong Dự thảo Luật cho đến những điểm chưa hợp lí trong quy trình hoạt động KHCN; vai trò, trách nhiệm của Bộ KHCN trong quản lí hoạt động KHCN; xác định các chủ thể và vai trò của chủ thể của hoạt động NCKH; vấn đề đầu tư và tài chính cho hoạt động NCKH…
Theo PGS.TS Vũ Cao Đàm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách: “có nhiều mảng trống trong dự thảo luật KHCN”. Theo định nghĩa của UNESCO, hoạt động KHCN gồm 4 hoạt động: nghiên cứu và triển khai; chuyển giao tri thức; phát triển công nghệ; dịch vụ khoa học công nghệ. Khi đề cập đến các hoạt động KHCN, Dự thảo Luật đã thiếu hẳn nội dung về phát triển công nghệ với ý nghĩa là “hoạt động sau nghiên cứu nhằm làm chủ và hoàn thiện và nhân rộng tác dụng của công nghệ mới”. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật ghi: hoạt động NCKH gồm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là chưa chính xác, thiếu hẳn phần về “triển khai thực nghiệm” với ý nghĩa là “hoạt động thực nghiệm nhằm biến các lí thuyết thu được từ nghiên cứu cơ bản và các nguyên lí thu được từ nghiên cứu ứng dụng vào ứng dụng thực tế”.
Về chủ thể của hoạt động nghiên cứu KHCN, PGS.TS Vũ Cao Đàm cho rằng Dự thảo Luật đã thiếu sót khi không đề cập đến vai trò của cá nhân/tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực dân sự mà chỉ đề cập đến hoạt động KHCN của các cơ quan Nhà trước. Ngoài ra, còn một số bất hợp lí trong quy định về vốn đầu tư, và tài chính cho hoạt động KHCN…
Một số ý kiến khác cho rằng không nên có những quy định quá chi tiết và cụ thể trong Luật KHCN như: nên bỏ điều 9 chương II về Quy hoạch hệ thống tổ chức KHCN; xem xét lại nội dung quy định trách nhiệm của Bộ KHCN trong việc quy hoạch phát triển nhân lực KHCN của đất nước; chương IV về “xác định, tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH và CN” nên được ban hành dưới dạng một thông tư, phù hợp với thẩm quyền của Bộ KH&CN; về đăng kí hoạt động KHCN không nên quy định quá chi tiết như trong Dự thảo Luật…
Tại toà đàm, PGS. TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng) khẳng định, toạ đàm là hoạt động quan trọng, thể hiện trách nhiệm, sứ mạng của Trường ĐHKHXH&NV - trung tâm đào tạo và nghiên cứu KHXH&NV hàng đầu của đất nước – trong việc tư vấn về xây dựng chính sách cho các cơ quan hoạch định chính sách Nhà nước. Dự kiến, các hoạt động góp ý cho Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được tổ chức trong thời gian tới nhằm lấy ý kiến rộng rãi các các nhà khoa học trong và ngoài trường, kịp thời đóng góp cho sự hoàn thiện của Dự thảo Luật KHCN trước khi được trình thông qua tại Quốc hội vào tháng 5 tới.