Sinh viên với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Thứ sáu - 29/03/2013 01:56
Ngày 27/3/2013, Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức toạ đàm khoa học với chủ đề: “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, những nội dung sửa đổi về chế độ chính trị và tổ chức bộ máy Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Sinh viên với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Sinh viên với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Ngày 27/3/2013, Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức toạ đàm khoa học với chủ đề: “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, những nội dung sửa đổi về chế độ chính trị và tổ chức bộ máy Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Tham dự có PGS.TS Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc Hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tới trao đổi với cán bộ, giảng viên, sinh viên các khoa: Quốc tế học, Đông phương học, Việt Nam học và Tiếng Việt, Khoa học Chính trị. TS. Đinh Xuân Thảo đã trình bày về những nét mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 như: mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; chế độ chính trị và sửa đổi bộ máy Nhà nước… Đặc biệt liên quan đến vấn đề tổ chức quyền lực, TS. Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh: điểm mới cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp lần này là thể hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được xác lập rõ ràng. Và đây cũng chính là cơ sở cho việc kiểm soát quyền lực, một vấn đề hoàn toàn mới mà các Hiến pháp trước đây chưa có quy định. Thêm một điểm mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đã được TS. Đinh Xuân Thảo đề cập đến đó là: chương 2 của Dự thảo quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân đã có thêm khái niệm “quyền con người” có nghĩa là ngoài công dân Việt Nam còn bao gồm người nước ngoài sống ở Việt Nam được tôn trọng, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Điều này thể hiện sự hội nhập của Việt Nam đối với quốc tế. Ngoài ra những sửa đổi khác liên quan đến các vấn đề kinh tế, khoa học, văn hoá, giáo dục,công nghệ và môi trường…cũng được TS đề cập đến trong phần trình bày. TS. Đinh Xuân Thảo cho biết: qua tổng kết 20 năm thi hành Hiến Pháp hiện hành đã cho thấy Hiến Pháp năm 1992 vẫn còn có hiệu lực, giá trị và phù hợp. Nhưng bên cạnh đó cũng có những vấn đề không còn phù hợp, có những nội dung vẫn còn thiếu do đó cần phải sửa đổi, bổ sung. Nhiều sinh viên đã nêu ra những câu hỏi, thắc mắc liên quan đến các vấn đề: Nên hay không nên đổi tên nước là Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà? Vai trò, vị trí, quyền hạn của Chủ tịch nước? Có nên sửa đổi độ tuổi vị thành niên chịu trách nhiệm hình sự xuống hay không?...

TS. Đinh Xuân Thảo đã có những trao đổi cụ thể về những vấn đề quan tâm của sinh viên. Kết thúc buổi nói chuyện, TS mong muốn các sinh viên - những nhà khoa học, những trí thức tương lai của đất nước sẽ có những đóng góp tích cực cho Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992.

Tác giả: nguyenhang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây