Ngôn ngữ
Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN và ĐH Senshu đã thiết lập quan hệ hợp tác chính thức từ năm 1999. Cho đến nay đã có 35 sinh viên, học viên của Nhà trường sang học tập tại ĐH Senshu, trong đó, có những người trở thành nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà quản lý trong và ngoài Trường ĐHKHXH&NV. ĐH Senshu đào tạo chủ yếu về Nhân văn, Thương mại, Luật.
Chia sẻ cùng hai giáo sư của ĐH Senshu, GS Hiệu trưởng Phạm Quang Minh cho biết: quan hệ hợp tác giữa hai trường đại học có truyền thống, có sự gần gũi, thân tình và đặc biệt là mang lại hiệu quả cao. Hy vọng trong tương lai, truyền thống này sẽ được nối dài và mở ra thêm các hướng phát triển khác.
Năm nay, ngành Nhật Bản học trở thành ngành học tuyển sinh độc lập tại Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội với số sinh viên đào tạo lên tới 60 em mỗi năm. Đây cũng là cơ hội để hai trường đẩy mạnh hơn về trao đổi giáo viên cũng như hợp tác nghiên cứu và đào tạo. Nhà trường mong các giáo sư của ĐH Senshu sẽ trở thành người hướng dẫn khoa học cho cán bộ và học viên, sinh viên của Trường. Ở phía ngược lại, nếu ĐH Senshu muốn triển khai nghiên cứu về Việt Nam hoặc Đông Nam Á, Nhà trường có thể cử chuyên gia hỗ trợ và cùng thực hiện các dự án chung. Hai trường cũng có thể tính đến việc triển khai CTĐT theo hướng 1+3, 2+2 để người học có thể tiếp thu kiến thức ở cả Việt Nam và Nhật Bản.
Giáo sư Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh đến mong muốn: hợp tác giữa hai trường đại học đi theo hướng lâu dài và bền vững. Hai trường có những điểm chung như cùng quan tâm về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, có tinh thần cởi mở, năng động và hội nhập mạnh mẽ. Đó là những nền tảng tốt cho hợp tác trong tương lai.
Đáp lời, GS. Hiroshi Kaneko (Phó Hiệu trưởng ĐH Senshu) bày tỏ niềm vui với những kết quả hợp tác giữa hai bên, trong đó đặc biệt là kết quả về đào tạo nhân lực cho Trường ĐHKHXH&NV. Ông cũng đồng tình rằng hai trường có thể mở rộng thêm các hướng hợp tác mới. Sắp tới ĐH Senshu mở thêm khoa Truyền thông Quốc tế và Thương mại.
GS. Katsumi Shimane (Trưởng khoa Khoa học Nhân văn, ĐH Senshu) thì góp một chia sẻ rằng: Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển hợp tác rất mạnh mẽ. Nếu trước đây, người Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của Nhật Bản, coi Nhật Bản là đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu thì hiện nay đang có xu hướng ngược lại. Người Nhật Bản đang ngày càng quan tâm hơn tới Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực châu Á. Đó là những thuận lợi cho hoạt động hợp tác giữa hai bên.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn