“Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: "Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu vùng, liên vùng"

Thứ sáu - 24/12/2021 04:23
Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 24/12/2021. Hội thảo có sự tham dự của Ban Lãnh đạo và các chuyên gia hai trường đại học, cùng các nhà nghiên cứu, học giả thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Hội thảo có mục đích làm sáng tỏ vai trò, tiềm năng, động lực và xu thế phát triển của hệ thống thương cảng; hoạt động kinh tế, bang giao của Việt Nam trong lịch sử và hiện tại. Hội thảo hướng đến những nhận thức mới, sâu sắc và toàn diện hơn về các thương cảng vùng Bắc Trung Bộ, khảo cứu chuyên sâu tiềm năng, thế mạnh của từng thương cảng, đời sống xã hội, văn hóa, vai trò, vị thế của hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ trong mối liên hệ vùng, liên vùng.

Screenshot (425)

PGS.TS. Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu khai mạc Hội thảo

Các nội dung cụ thể được trao đổi tại Hội thảo như: Quá trình hình thành, phát triển của hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ qua các thời kỳ lịch sử; các khái niệm, lý thuyết về kinh tế biển; hoạt động và các tuyến giao lưu kinh tế, thương mại khu vực, quốc tế; vị trí của biển - đại dương và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ với sự phát triển của các quốc gia Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam; tiềm năng tự nhiên, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vai trò, hoạt động, quan hệ của các thương cảng vùng Bắc Trung Bộ; các đặc trưng văn hóa, xã hội của vùng duyên hải Bắc Trung Bộ.

Dựa trên phân tích các vấn đề trên, Hội thảo đưa ra những đề xuất, kiến nghị về vai trò của nghiên cứu biển và hải đảo trong việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam, đồng thời cung cấp một số giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa biển.

Screenshot (435)

GS.TS. Nguyễn Văn Kim (Giám đốc Trung tâm Biển và Hải đảo, Trưởng Bộ môn Lịch sử Toàn cầu, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV) trình bày tham luận “Một số suy nghĩ về vai trò và đặc tính tiêu biểu của không gian biển Bắc Trung Bộ”

Sau phần khai mạc, Hội thảo diễn ra với 2 phiên:

Phiên Toàn thể: Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: Bối cảnh, tiềm năng, vị thế

Phiên 2 với 2 tiểu ban: Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: Hoạt động kinh tế và giao lưu kinh tế vùng, liên vùng; Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: Các vấn đề văn háo và giao lưu văn hóa.

Screenshot (447)

Từ cách tiếp cận chuyên ngành và liên ngành, gần 30 tham luận tại Hội thảo đã khai thác nhiều nguồn tư liệu mới, trong đó có những nguồn tư liệu về khảo cổ học, văn hóa học, điều tra nhân học v.v...để tiếp tục làm sáng tỏ truyền thống biển Việt Nam và những mối liên hệ vùng, liên vùng rộng lớn của các thương cảng, trung tâm kinh tế Bắc Trung Bộ với các thị trường, nguồn cung cấp hàng hóa, các vùng nguyên liệu từ các châu thổ miền Trung, vùng Trường Sơn - Tây Nguyên và của các quốc gia Đông Nam Á, Châu Á và Thế giới.

Trong những năm qua, nghiên cứu về Bắc Trung Bộ và hoạt động bang giao, giao lưu thương mại của Bắc Trung Bộ, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đã có nhiều bài viết, công trình khảo cứu, luận văn, luận án nghiên cứu về vùng thương cảng Lạch Trường, Lạch Bạng (Thanh Hóa); các cảng Hội Thống, Kỳ Ninh, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...được công bố trong nước và quốc tế.

Năm 2016, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Biển với lục địa - Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung”.

Năm 2017, Hội thảo Quốc tế: “Hệ thống thương cảng miền Trung với “Con đường tơ lụa trên biển” - Vai trò và các mối quan hệ” được Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hội An phối hợp tổ chức.

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây