Hướng tới Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐHKHXH&NV lần thứ VII, ThS Phạm Đức Anh (Phó Bí thư Đoàn Trường) đánh giá Hoạt động Đoàn và công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Nhiệm kì 2009 - 2012, Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội xác định một trong những hoạt động trọng tâm là công tác chuyên môn, tư vấn, hỗ trợ đoàn viên trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tiêu biểu trong số các hoạt động dành cho đoàn viên là cán bộ, Đoàn Trường đã tổ chức thành công toạ đàm “Cán bộ trẻ với hoạt động nghiên cứu khoa học” vào ngày 12.5.2011, thu hút nhiều đoàn viên tham gia, với 14 báo cáo tham luận được in thành kỉ yếu. Đây là dịp để cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) toàn trường cùng nhau nhìn lại, trao đổi và thảo luận về những vấn đề liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ trong giai đoạn hiện nay; trên cơ sở đó đề xuất ý kiến với lãnh đạo Nhà trường và Đoàn cấp trên. Bài viết này xin được tổng hợp những trao đổi tại buổi toạ đàm, đồng thời cũng nêu lên những gợi ý cho việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ của Đoàn trường trong thời gian sắp tới.
1. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (tiền thân là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Văn khoa) trong suốt 65 năm xây dựng và trưởng thành, luôn là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu cả nước, đang ngày càng khẳng định vị thế và uy tín trong khu vực và trên thế giới. Với định hướng và mục xây dựng một đại học nghiên cứu chất lượng cao, hàng đầu, công tác nghiên cứu khoa học luôn được Nhà trường đặc biệt chú trọng. Trường xác định: “Là một trường đại học trọng điểm, đầu ngành, có uy tín và truyền thống lâu đời, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có sứ mệnh đi đầu trong sáng tạo, truyền bá tri thức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.
Kể từ lứa cán bộ đầu tiên của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội được xây dựng năm 1956, khi ấy chủ yếu là cán bộ trẻ, bên cạnh việc giảng dạy, công tác nghiên cứu khoa học đã đặc biệt được coi trọng. Lớp lớp các thế hệ thầy và trò Nhà trường luôn hết đỗi tự hào vì ngay vào thời kì nền móng ấy đã sản sinh ra một thế hệ vàng những thầy cô khoa Văn, khoa Sử, tuy tuổi đời còn rất trẻ song đã sớm khẳng định tài năng, trí tuệ, trở thành những tượng đài, gương sáng và niềm tự hào không chỉ của Trường, mà còn của ngành và của cả nước. Chỉ 3-4 năm sau khi ở lại Trường, những cán bộ trẻ khoa Sử: Lâm - Lê - Tấn - Vượng đã bắt đầu công bố những công trình nghiên cứu để đời. Năm 1960, Đinh Xuân Lâm, 32 tuổi, xuất bản Lịch sử Việt Nam thời kì 1897 – 1914; Phan Huy Lê, 25 tuổi, với Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ; Hà Văn Tấn, 23 tuổi, hiệu đính và chú giải Dư địa chí; Trần Quốc Vượng, 26 tuổi, dịch và chú giải Việt Sử lược. Cùng với đó xuất hiện những công trình nghiên cứu chung của “tứ trụ”: Chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam… Cũng những năm đó, các cán bộ khoa Văn: Đinh Gia Khánh, 33 tuổi dịch và chú giải Thiên Nam ngữ lục; Hà Minh Đức 27 tuổi viết Tác phẩm văn học và Loại thể văn học; Phan Cự Đệ, 26 tuổi tham gia viết Sơ tuyển văn thơ yêu nước và cách mạng…
Chắc hẳn, hoạt động của Đoàn Thanh niên khi ấy còn chưa mạnh. Cũng khó có thể khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong những thành công đó của các cá nhân. Nhưng có điều rõ ràng rằng, để bắt đầu và thành công trong sự nghiệp khoa học, không khi nào được coi là quá sớm. Và họ, những cán bộ trẻ đầu tiên của Trường đã làm được những điều thật vĩ đại khi mới đang ở độ tuổi của chúng ta hôm nay - những đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
2. Nhận thức sâu sắc về khả năng cũng như vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong việc hỗ trợ đoàn viên phát triển kĩ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong những năm vừa qua đã luôn chú trọng đến các hoạt động chuyên môn, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học của đoàn viên là cán bộ. Đã có những dự án được triển khai, trong đó có cả những dự án lớn với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế (Dự án nghiên cứu nâng cao năng lực giảng dạy của cán bộ trẻ do Quỹ Ford tài trợ). Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học cán bộ trẻ đã được tổ chức. Những buổi tập huấn kĩ năng, toạ đàm, trao đổi khoa học giành cho cán bộ trẻ diễn ra khá thường xuyên: Phương pháp nghiên cứu khoa học, kĩ năng trình bày báo cáo, cách thức công bố nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế… Gần đây nhất là buổi toạ đàm “Cán bộ trẻ với hoạt động nghiên cứu khoa học” (5.2011).
Trong thành tích chung của Nhà trường về công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học những năm gần đây, Đoàn Trường và các đoàn viên cán bộ phấn khởi và tự hào vì những đóng góp ngày càng quan trọng. Theo số liệu thống kê của Phòng Tổ chức cán bộ và Phòng Quản lí Nghiên cứu khoa học, trình độ và thành tích nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ Nhà trường không ngừng tăng trong những năm gần đây. Tính đến thời điểm tháng 1.2011, số cán bộ trẻ dưới 35 tuổi (tức sinh năm 1976 trở lại đây) là 220/482, chiếm 45.6% tổng số cán bộ toàn trường. Trong số này, 141 cán bộ đã có trình độ sau đại học (125 thạc sĩ, 16 tiến sĩ), chiếm 64%; số khác đang học sau đại học ở trong và ngoài nước. Số cán bộ trẻ chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Trường năm 2008 là 24/30 (80.00%), năm 2009: 28/33 (84.85), năm 2010: 17/19 (89.47%). Số đề tài cấp Đại học Quốc gia được phê duyệt cho cán bộ trẻ Nhà trường các năm tương ứng là: 12/37 (32.43%), 14/39 (35.89%) và 13/15 (86.66%). Hàng năm, số bài báo khoa học công bố trong và ngoài nước của cán bộ trẻ luôn chiếm xấp xỉ 30% tổng số toàn trường. Cụ thể, năm học 2007-2008: 168/619 (27.14%), năm học 2008-2009: 178/625 (28.48%), năm học 2009-2010: 185/676 (27.37%). Giờ đây, ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sẽ không còn là điều lạ khi những chủ trì đề tài khoa học quan trọng các cấp là những cán bộ dưới 35 tuổi. Cũng không hiếm gặp những cán bộ công bố hơn 10 nghiên cứu/năm. Việc tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học ở nước ngoài và công bố các ấn phẩm quốc tế, đối với một số cán bộ, diễn ra khá thường xuyên.
3. Tuy nhiên, cũng còn những ý kiến chưa thật tin vào thế hệ trẻ. Bản thân không ít cán bộ mới ở lại trường cũng chưa thực sự tự tin, đôi khi còn hoang mang về sự nghiệp khoa học và những chặng đường chông gai phía trước. Khi ấy, những so sánh lại được dẫn dụ giữa lớp trẻ hiện tại với các thế hệ trước đây. Rồi càng so sánh, càng thấy lo lắng, không yên tâm.
Xã hội ngày nay đã khác! Điều kiện và những yêu cầu đối với cán bộ giảng dạy giờ cũng khác! Trong hoàn cảnh hiện tại, nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ có nhiều điều kiện thuận lợi, song cũng gặp không ít những khó khăn, thử thách. Thuận lợi, vì họ đang được sống và làm việc trong một thế giới vật chất ngày càng tốt hơn, thời đại của công nghệ số và bùng nổ thông tin, năng lực ngoại ngữ và khả năng hội quốc tế được nâng cao… Nhưng cũng còn đó không ít những trở ngại, thách thức và vấn đề bất cập đáng phải bận tâm, suy ngẫm. Những điều tưởng như vụn vặt, song khiến không ít giảng viên trẻ lo lắng.
Thứ nhất, so với nhiều công việc khác và chi phí xã hội, thu nhập của một giảng viên nhìn chung còn thấp. Điều này khiến họ chưa thực sự yên tâm với công việc hiện tại và khó có thể “cháy” hết mình cho khoa học. Ngoài tiền lương giảng dạy, nếu có tham gia các đề tài nghiên cứu, thu nhập thêm cũng không đáng kể. Đối với nhiều người, nếu để tìm cách tăng thu nhập, họ chọn công việc ngoài giờ khác, chứ không phải nghiên cứu khoa học.
Thứ hai, với không ít cán bộ, nhất là những cán bộ mới ở lại Trường, lại ở những khoa chưa thực sự chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, thì việc đề xuất và đăng kí một đề tài nghiên cứu, dù là cấp thấp nhất, cũng là một khó khăn. Tâm lí chung là ngại. Ngại vì quy trình xét duyệt. Lại ngại về khả năng hoàn thành. Vì nếu không hoàn thành sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ: ảnh hưởng tới thi đua, không đạt các danh hiệu, trừ tiền công lao động… Hạch toán kinh tế, nếu không biết cách, nhiều chủ trì báo “lỗ”.
Thứ ba, nếu có cán bộ không quá bận tâm đến kinh phí thực hiện, thì trở ngại khác đặt ra là việc công bố các ấn phẩm nghiên cứu. Nhiều cán bộ không đạt giờ chuẩn hàng năm về nghiên cứu khoa học vì họ không biết cách nào để đăng kí tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học cũng như gửi đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.
Thứ tư, phần lớn cán bộ trẻ vẫn đang trong quá trình đào tạo sau đại học, bồi dưỡng nâng cao trình độ, lại bị tri phối quá nhiều thời gian và công sức vào những công việc đoàn thể và sự vụ: cán bộ đoàn, công đoàn, cố vấn học tập, trợ lí đào tạo, trợ lí chính trị - công tác sinh viên... Đặc biệt đối với cán bộ trẻ là nữ, họ còn nhiều mối bận tâm khác về thiên chức làm mẹ, trách nhiệm với gia đình… …
4. Làm thế nào để nâng cao nhận thức, niềm hứng thú, cũng như năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ - những người đang gánh vác tương lai của Nhà trường và nền khoa học nước nhà là một câu hỏi lớn, không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai. Trách nhiệm và giải pháp thực hiện không phải của riêng Đoàn Thanh niên. Nó đòi hỏi một sự nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn và nghiêm túc; một hệ thống chính sách tích cực và phù hợp; một sự phối hợp đồng bộ và nhất quán; cùng một quyết tâm lớn của những người tâm huyết.
Trong sứ mệnh và trách nhiệm chung ấy, sự định hướng, chỉ đạo và lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường và các phòng ban chức năng; cũng như chiến lược và kế hoạch xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ của các khoa/bộ môn đương nhiên giữ vai trò then chốt. Cán bộ trẻ toàn trường phấn khởi, tự hào trước những ghi nhận, đánh giá cao của Nhà trường về vai trò, năng lực; cũng như những chính sách cụ thể nhằm ưu tiên, hỗ trợ cán bộ trẻ làm công tác nghiên cứu khoa học trong những năm vừa qua. Quan trọng hơn, chúng ta mong mỏi những đổi mới thiết thực, hiệu quả trong một tương lai không xa.
Là tổ chức chính trị của thanh niên Nhà trường, qua đây Ban Chấp hành Đoàn Trường cũng ý thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm trong công tác tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học đối với đoàn viên, nhất là đoàn viên cán bộ. Rõ ràng, cán bộ trẻ Nhà trường đang là một lực lượng hùng hậu, đầy sức mạnh và đóng vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức Đoàn. Hỗ trợ phát triển kĩ năng và chuyên môn nghiệp vụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cán bộ trẻ cần tiếp tục được coi là một trọng tâm công tác trong hoạt động của Đoàn trường thời gian tiếp theo. Đoàn cần tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Để hoạt động nghiên cứu khoa học thực sự là một phong trào ngày càng phát triển sâu rộng trong cán bộ trẻ, tổ chức Đoàn cần tích cực hơn trong việc tạo ra nhiều diễn đàn, và nhất là cơ hội tham gia nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu của họ. Bên cạnh đó, Đoàn Trường cũng cần nghiên cứu, đề xuất và tham mưu cho lãnh đạo Nhà trường và Đoàn cấp trên trong việc xây dựng, hoạch định chính sách cán bộ nói chung, công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ nói riêng.
Song có lẽ, trách nhiệm trước hết thuộc về mỗi chúng ta - những cán bộ trẻ. Nếu bản thân mỗi người không tự cố gắng, nỗ lực vươn lên, thì dù chính sách có ưu việt, biện pháp có tích cực đến mấy cũng sẽ không mang lại kết quả. Ngày nay, với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, những nhà nghiên cứu tuổi dưới 35, dù là những cá nhân kiệt suất, cũng chưa thể thành danh và khẳng định vững vàng uy tín chuyên môn. Song có lẽ sẽ là quá muộn nếu ở tuổi ấy vẫn chưa tìm thấy niềm hứng thú, sự say mê khoa học cũng như chưa xác định cho mình một định hướng, lộ trình nghiên cứu. Hãy bắt đầu ngay và cứ vững tin ở tương lai, con đường đã lựa chọn.