Hội thảo Liên khoa là một truyền thống hợp tác của hai khoa Việt Nam học và tiếng Việt trong hơn 10 năm nay. Quá trình hợp tác và giao lưu đã giúp hai khoa bước đầu hình thành một học phong hiện đại, hài hòa giữa hàn lâm và thực chứng. Hai khoa Việt Nam học và tiếng Việt hướng tới đặt trọng tâm vào vấn đề nghiên cứu nội dung và phương pháp giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học một cách trực diện, cụ thể với các thách thức và cơ hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội thảo được tổ chức kết hợp giữa hình thực trực tiếp và trực tuyến
Hội thảo lần này quy tụ gần 30 tham luận của cán bộ hai khoa, tập trung vào các lĩnh vực như: phương pháp dạy tiếng Việt và Việt ngữ học; khung kiểm định, đánh giá; văn hóa-lịch sử Việt Nam; văn học-nghệ thuật Việt Nam; lý luận liên ngành… Các báo cáo, tham luận cung cấp những phát hiện đa dạng, các góc nhìn về phương pháp nghiên cứu, phương pháp giảng dạy, nội hàm nghiên cứu, nội dung giảng dạy, định hướng nghiên cứu, chương trình giảng dạy. Các chủ đề nghiên cứu khơi gợi nhiều giá trị về cách thức dạy tiếng trong những tình huống đặc biệt, mở ra một số ý tưởng quan trọng cho việc tìm tòi các mô hình sáng tạo và đánh giá trong trường đại học. Yếu tố liên ngành và bản sắc Việt Nam học cũng được nhấn mạnh qua cách đặt câu hỏi nghiên cứu, triển khai nghiên cứu, kết luận nghiên cứu của các tác giả.
PGS.TS Trần Thị Minh Hòa phát biểu khai mạc hội thảo
Thay mặt Ban Lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Hội thảo liên khoa là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhằm củng cố cơ sở lý luận, thực tiễn cho ngành này. Đồng thời, hội thảo cũng giúp gia tăng sự đoàn kết, kết nối giữa hai cơ sở đào tạo hàng đầu về lĩnh vực Việt Nam học và tiếng Việt tại Việt Nam. PGS.TS Trần Thị Minh Hòa hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ trong hội thảo sẽ được chuyển hóa thành các hoạt động đào tạo, tư vấn trong thực tiễn. Các hoạt động khoa học sẽ góp phần nâng cao vị thế, uy tín của hai đơn vị tổ chức.
TS Lê Thị Thanh Tâm phát biểu đề dẫn hội thảo
Thay mặt Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, TS Lê Thị Thanh Tâm (Phó Trưởng Khoa) chia sẻ, Hội thảo khoa học Liên khoa năm 2020 được tổ chức trong bối cảnh Khoa đang đi trên một lộ trình mới sau 10 năm xây dựng thành công chương trình cử nhân Việt Nam học, sau 5 năm vận hành chương trình cao học Việt Nam học, sau 2 năm hoàn thiện hồ sơ cho chương trình Việt Nam học bằng tiếng Anh. Triển vọng của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt dựa nhiều vào những thành tựu của các nhà khoa học, nhà giáo thuộc Khoa. Bức tranh chung của tập thể giảng viên, cộng tác viên Khoa được ghép bởi các mảng sáng của các chủ đề nghiên cứu có cá tính, giàu hàm lượng khoa học.
Sau phần khai mạc, Hội thảo diễn ra với các tham luận: “Môi trường sông nước trong đời sống văn hóa của người Việt, đồng bằng Bắc Bộ qua ca dao, tục ngữ” của TS Nguyễn Thị Phương Anh; “Hướng tới sáng tạo kiến thức liên ngành trong nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt” của PGS.TS Nguyễn Chí Hòa; “Hướng tiếp cận nội dung giảng dạy những thể loại nghệ thuật biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam gắn với vòng đời người trong ngành Việt Nam học” của TS Nguyễn Đình Lâm; “Khảo sát việc giảng dạy nội dung ngữ pháp biểu hiện hành động đề nghị trong giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài” của TS Vũ Lan Hương; “Đại từ nghi vấn trong tiếng Việt và những chú ý khi dạy cho người nước ngoài” PGS.TS Vũ Văn Thi.