Ngày 13/10, Đoàn trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Phương pháp học tập ở bậc đại học”. Khách mời tham gia chương trình là những giảng viên đến từ nhiều Khoa, Bộ môn khác nhau đã giải đáp cho các bạn sinh viên những băn khoăn, khúc mắc về phương pháp học tập ở bậc đại học; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, kĩ năng, phương pháp cần thiết giúp cho việc học tập của tân sinh viên đạt được hiệu quả cao.
Hai vị khách đầu tiên của chương trình là TS. Nguyễn Quang Liệu (Trưởng Phòng Chính trị và Công tác Sinh viên) và ThS. Trịnh Lê Anh (Phó Chủ nhiệm Khoa Du lịch học).
Sự khác nhau về phương pháp học ở bậc phổ thông và bậc đại học
Trả lời câu hỏi về sự khác nhau về phương pháp học ở bậc phổ thông và bậc đại học, TS. Trần Quang Liệu dẫn lại lời của GS. Trần Văn Giàu: “đại học là tự học”. Theo TS Nguyễn Quang Liệu, tự học tức là sinh viên biến quá trình đào tạo của người thầy trở thành quá trình tự đào tạo của mình. Người thầy giữ vai trò chỉ cho các em hướng đi, hướng tiếp cận vấn đề.
Trong giờ giảng, khác với bậc phổ thông, thầy cô ghi đề mục rõ ràng còn ở đại học chỉ nêu ra chương mục. Do đó đòi hỏi sinh viên phải có sự tập trung cao độ, biết cách chắt lọc, lựa chọn trong quá trình ghi chép. Bởi vậy không hẳn ghi đủ ý thầy là thi được điểm cao. Mà bên cạnh đó còn rất rất nhiều yếu tố khác như: tìm đọc tài liệu, lên thư viện, nghe giảng trên lớp…
TS. Nguyễn Quang Liệu nhấn mạnh, không có một phương pháp học chung nào cho tất cả các nghành khoa học. Đặc biệt, với phương thức đào tạo theo tín chỉ hiện nay Nhà trường đang áp dụng thì điều quan trọng là sinh viên phải xây dựng cho mình một thời khoá biểu khoa học hợp lí.
Đăng kí các môn học phải biết lựa sức mình, biết cấu trúc, phân chia thời gian hợp lí. Hãy lên thời gian biểu cho cả ngày bao gồm cả thời gian trên lớp và ở nhà. Quan trọng là phải cố gắng thực hiện được lịch trình đó.
Lợi ích của việc thảo luận
Một số ý kiến khác lại băn khoăn khi mà phương pháp học theo tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải thảo luận nhiều. Vậy sinh viên cần phải chuẩn bị những gì cho giờ thảo luận?
Về vấn đề này, ThS. Trịnh Lê Anh trao đổi: Các em hãy quan niệm học như một con đường đi có nhiều khó khăn và thách thức. Và ở đó người thầy chỉ là bạn đường. Bản thân thầy không phải là “cẩm nang” nhưng qua người thầy, sinh viên có thể tiếp cận những kho tàng chuyên môn, kho tàng tư liệu, giáo trình. Đặc biệt, người thầy sẽ giúp các em có được phương pháp học hiệu quả.
Giờ thảo luận thầy là người nêu ra vấn đề, chỉ ra cách tiếp cận vấn đề. Sinh viên cần mạnh dạn, trao đổi thoải mái thể hiện mình. Một hạn chế lớn nhất của số đông sinh viên hiện nay đó là: ngại phát biểu, sợ sai nên dè dặt. Thảo luận chính là giờ học dành cho sinh viên, sinh viên hoàn toàn có quyền chủ động, trao đổi, đưa ra những ý kiến của cá nhân.
Tiếp cận nguồn tài liệu như thế nào?
Trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, nguồn tài liệu phục vụ cho việc học tập đã không còn là vấn đề quá khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay với một số sinh viên lại băn khoăn về cách tiếp cận, chọn lọc giáo trình, tài liệu tham khảo, đề cương môn học…
Về vấn đề này TS. Nguyễn Quang Liệu chia sẻ: Sinh viên nên tìm nguồn tài liệu, giáo trình theo sự hướng dẫn của thầy cô, thầy cô sẽ sắp xếp cho các em nguồn tài liệu theo thứ tự ưu tiên. Cách học tốt nhất, hiệu quả nhất là thường xuyên chú ý nghe giảng, học phần nào, học bài nào nắm chắc bài đó.
Khách mời trong phần hai của chương trình là ThS. Phạm Quốc Thành (BM Khoa học Chính trị) và ThS. Lâm Minh Châu (BM Nhân học).
Rất nhiều câu hỏi về cách học ngoại ngữ
“Học từ những người xung quanh, học ở thầy cô, bạn bè… Học ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào. Và hãy học 1 tiếng có chất lượng còn hơn học 10 tiếng mà không chất lượng”.
— ThS Lâm Minh Châu
Học ngoại ngữ như thế nào dễ tiếp thu nhanh và có hiệu quả cao nhất là một trong những vấn đề được các bạn tân sinh viên quan tâm nhiều nhất khi bắt đầu học ở một môi trường mới, yêu cầu vốn ngoại ngữ nhiều hơn. "Đây là nỗi lo của rất nhiều sinh viên" - ThS. Lâm Minh Châu thể hiện sự đồng cảm. Xuất phát từ những kinh nghiệm tích luỹ trong quá trình học ngoại ngữ, giảng viên 24 tuổi chia sẻ bí quyết thành công của mình:
- Học ngoại ngữ cần đầu tư nhiều thời gian
- Học ngoại ngữ phải thực hành trong chính cuộc sống
- Làm nhiều bài tập
Và học ngoại ngữ chính là học cho tương lai của mình.
Cùng chia sẻ về những khó khăn khi học ngoại ngữ, ThS. Phạm Quốc Thành cho biết: Học ngoại ngữ phải kiên trì, tập nói nhiều. Hãy đặt ra mục tiêu phấn đấu, có sự say mê và động lực, lắng nghe, chia sẻ cùng thầy cô và bạn bè. Ths. Phạm Quốc Thành cũng đã lưu ý sinh viên cần trau dồi, kinh nghiệm, kiến thức kĩ năng mền ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ tạo nhiều cơ hội nghề nghiệp khi ra trường...
Có thể nói, những chia sẻ, những gợi mở về cách học ở bậc đại học từ những vị khách mời đã bước đầu tháo gỡ những băn khoăn, lo lắng của các bạn sinh viên. Đặc biệt là những tân sinh viên K55 mới chỉ có 1 tháng làm quen với giảng đường đại học.