Hàn gắn vết thương chiến tranh bằng thơ ca

Thứ tư - 13/10/2010 02:44
Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức đón tiếp và giao lưu văn học – nghệ thuật với đoàn khách quốc tế thuộc tổ chức Trái tim người lính (Soldier’s Heart – Hoa Kì), chiều 10/10/2010.
Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức đón tiếp và giao lưu văn học – nghệ thuật với đoàn khách quốc tế thuộc tổ chức Trái tim người lính (Soldier’s Heart – Hoa Kì), chiều 10/10/2010. Tham dự chương trình có đại diện Ban Giám hiệu, Phòng Đối ngoại và Hợp tác đào tạo quốc tế, Hội Cựu chiến binh nhà trường, và các thầy cô giáo và sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông. Đoàn khách Hoa Kì do GS.TS. Edward Tick - nhà văn, nhà thơ, bác sĩ tâm lí - dẫn đầu cùng 19 thành viên khác là những cựu chiến binh Mĩ đã từng chiến đấu tại chiến trường Việt Nam, Iraq, các giáo sư và sinh viên đại học. Rất nhiều tác phẩm thơ văn của các thành viên trong đoàn, và của các giảng viên Việt Nam đã được đọc lên, chia sẻ và cảm nhận. Các bài thơ về chiến tranh, dù do người Việt hay người Mĩ viết, đều có những điểm chung rất dễ nhận thấy. Đó là, các cuộc chiến tranh tưởng chừng đã lùi xa, nhưng kí ức về nó vẫn làm những người đã trực tiếp tham chiến trăn trở, day dứt, đau đớn, dằn vặt tâm hồn, và chiến tranh là điều không ai mong muốn. Các cựu chiến binh – nhà thơ cũng chia sẻ với nhau các tác phẩm tràn ngập yêu thương với gia đình, quê hương, và các giá trị văn hoá truyền thống. Một không khí đồng cảm, yêu thương, hàn gắn đã thực sự lan toả và tràn ngập trong lòng những người tham dự. “Đây là một cuộc “làm lành” văn hoá nghệ thuật bằng tinh thần hoà giải và yêu thương giữa những người Việt và người Mĩ” là nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái (Khoa Báo chí và Truyền thông). PGS Nguyễn Thị Minh Thái cũng chính là người làm “cầu nối” cho chương trình hợp tác và giao lưu nghệ thuật này. Phát biểu tại buổi giao lưu, PGS.TS. Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng) bày tỏ: “Buổi trao đổi, làm việc này rất khác biệt so với các đoàn khách quốc tế đã đến làm việc với nhà trường trước đây. Chưa bao giờ các bên có một sự đồng cảm, chia sẻ ấn tượng, sâu sắc như vậy”. GS.TS. Edward Tick khẳng định, ông và các thành viên trong đoàn sẽ nỗ lực hết mình để giúp thiết lập và thúc đẩy các hoạt động trao đổi, hợp tác đào tạo, giao lưu văn học – nghệ thuật giữa các trường đại học mà ông tham gia giảng dạy (trong đó có ĐH Kent State, ĐH CWRU của bang Ohio, Mĩ) với Trường ĐHKHXH&NV. Xin giới thiệu bài thơ của ThS Phạm Đình Lân (Khoa Báo chí và Truyền thông, hội viên Hội Cựu chiến binh Nhà trường) và một bài thơ của một thành viên trong đoàn khách Hoa Kì.

Tấc đất Thành Cổ

• Phạm Đình Lân

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ. Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây. Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật. Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật. Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào. Bạn nằm lại nơi này, nơi nao? Phía đông thành, phía tây thành hay dưới dòng Thạch Hãn Tám mươi mốt ngày đêm đất trời ken dày bom đạn, Cát trắng rang vàng, nghiêng lệch cả dòng sông. Thắp một nén nhang và khóc ít thôi! Tôi thầm nhủ lòng mình như vậy. Để một phút lắng lòng nghe bạn gọi... Bạn nằm lại nơi nào, bạn ơi? Bạn năm lại nơi đồng đất quê hương Nơi chiến tuyến lằn ranh sông Bến Hải. Súng trong tay và đôi mắt rực lửa, Trút hận xuống đầu thù rồi ngã xuống bình yên. Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi. Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ. Trời Quảng trị trong xanh và lộng gió Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng!

Chung tay hàn gắn vết thương

Bài thơ của Gabz Ciofani (một thành viên trong đoàn, viết khi ngắm những bức tranh vẽ hòa bình của trẻ em Việt Nam) (Lời dịch: Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai) Vào mùa thu trước Tôi đã hướng dẫn học sinh cấp ba làm thơ để trả lời sự thật sự thật vẽ bởi những đứa trẻ Việt Nam Chúng tôi lấy những bức vẽ từ trên mạng Internet và quan sát những trải nghiệm của những đứa trẻ đó qua màn hình chiếu Tôi và học trò nói về những cảm giác ngập tràn hốc mắt về chiến tranh và sự thật như đã được những người Việt trẻ tuổi vẽ lên Chúng tôi đã cùng nhau mở to mắt để thấy rằng chúng tôi cùng đồng tâm hiệp lực Để thấy rằng chiến tranh đốt cháy những đứa con trai của mình thiêu sống những người anh của mình. Tôi bảo học trò viết nên cảm nghĩ về sự thật trong những bức tranh Viết về những tương lai các em sẽ tạo nên Và những gì các em muốn ngày mai phải có Và tôi đọc cho học trò nghe những dòng chữ từ tương lai đó Những dòng tôi đang vẽ dở Tôi sẽ vẽ những người dân nắm tay những người lãnh đạo yêu hòa bình Và một chiếc máy ảnh chụp sự hiền hòa của họ Những quả trứng nở ra mùa Xuân Bây giờ, khi mùa thu rụng xuống Ngấn nước chiến tranh còn làm nhăn nhúm bề mặt của chúng ta Tôi được ở trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại thành phố Hồ Chí Minh và tôi vẫn thấy cách mà trẻ em của chúng ta trả lời cho chiến tranh bằng chính sự chân thành của chúng.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây