Tin tức

Seminar "Những bí ẩn của nghề PR sau 11 bức hình"

Thứ sáu - 13/05/2016 07:17
Ngày 04/05/2016 vừa qua, Bộ môn Quan hệ công chúng và Quảng cáo kết hợp với Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) đã tổ chức thành công buổi seminar với nội dung: “Những bí ẩn của nghề PR sau 11 bức hình”. Chương trình có sự tham gia của chuyên gia tư vấn truyền thông Nguyễn Đình Thành – Giám đốc tư vấn chiến lược Sunshine Holding - Đồng sáng lập PR Elite School. Sau đây là phần tóm lược một phần nội dung được trao đổi trong sự kiện.
Seminar
Seminar "Những bí ẩn của nghề PR sau 11 bức hình"

Quan hệ công chúng hiện là một ngành học khá mới trong hệ thống giáo dục bậc Đại học ở Việt Nam, quy tụ cộng đồng sinh viên năng động, sáng tạo và có cái nhìn phản biện không chỉ về truyền thông mà còn về bất kỳ hoạt động gì trong cuộc sống. Trong bối cảnh tiếp cận thông tin toàn cầu như hiện nay, đặc thù đó vừa là cơ hội cũng như là thách thức cho các bạn sinh viên khi bước ra ngoài ngưỡng cửa trường Đại học và tham gia vào đời thực, việc thực. Nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp cho sinh viên, Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hộivà Nhân văn (Hà Nội) đã tổ chức buổi seminar này. Tham dự seminar không chỉ có các giảng viên, các bạn sinh viên, học viên cao học các ngành báo chí và PR trong và ngoài khoa mà buổi trò chuyện này còn thu hút nhiều bạn đã, đang làm việc trong lĩnh vực PR, có hứng thú với lĩnh vực này.

Toàn cảnh lớp học

Thông qua 11 bức hình và những ví dụ minh họa cụ thể, ông Nguyễn Đình Thành đã chỉ ra bản chất của truyền thông và lưu ý đến người làm truyền thông những nguyên tắc hành xử cả trên mạng xã hội và ngoài thực tế:

“Tôi muốn mượn hình ảnh thần Hermes để nói đến bản chất của nghề truyền thông. Như các bạn đã học, truyền thông là khi một người phát ra thông tin và có một người khác tiếp nhận thông tin. Ở giữa là các thông tin được mã hóa, và yếu tố nhiễu. Và thần Hermes ở đây giữ vai tròlà kênh truyền thông. Vậy thì bản chất của truyền thông là phải chú ý đến đối tượng: một bên phát ra thông tin và một bên tiếp nhận thông tin. Và cái thông tin này rất dễ bị hiểu nhầm vì ông thần này có thể đi nhanh, đi chậm, hay cũng có thể thời tiết nóng quá người ta không muốn nghe, đó chính là yếu tố nhiễu. Khi bạn lên mạng tìm kiếm “Các mô hình truyền thông” thì có rất nhiều các kết quả và mô hình nào cũng sẽ có các yếu tố là người phát ra thông tin, người tiếp nhận thông tin, kênh truyền, yếu tố nhiễu. Tóm lại, tôi muốn lưu ý các bạn đến đối tượng: người phát ra thông tin và người tiếp nhận thông tin.

Hình ảnh thứ hai là hình ảnh thần Cupid. Vị thần này có một chiếc cung tên và bắn ra hai loại mũi tên: mũi tên bạc khiến người ta yêu nhau và mũi tên đồng khiến người ta ghét nhau. Qua đây, tôi muốn nói đến một chiến dịch truyền thông luôn phải chú ý đến kênh truyền thông của nó và các hiệu ứng mà nó tạo ra. Giống như vị thần tình yêu có thể tạo ra sự ghét hay sự yêu. Nhân tiện đây, tôi cũng muốn đưa ra định nghĩa PR của tôi một cách ngắn gọn. Chính là: “PR là nghệ thuật sử dụng các công cụ truyền thông để đối tượng tiếp nhận thông tin phản ứng theo chiều hướng và mức độ mà đối tượng phát ra thông tin mong muốn.” Thông tin luôn luôn được tạo ra để khiến cho người ta có một phản ứng nào đó: hoặc để người ta yêu hoặc để người ta ghét.  Vậy qua hình ảnh của thần Cupid, chúng ta có thể nhận thấy rằng làm PR lúc nào cũng phải tạo ra một hiệu ứng gì đó, không có thứ PR chung chung, không mục đích. PR là nghệ thuật bởi lẽ không phải ai cũng có thể làm được, người làm PR cần có năng khiếu và sự khổ luyện. Giống như ai cũng có thể hát dăm ba câu, nhưng không phải ai cũng có thể làm ca sĩ.

Tiếp theo là hình ảnh miêu tả một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử loài người – người đã chiếm được 1/3 thế giới mà ông ấy biết vào thời ấy – Alexander Đại Đế. Alexander Đại Đế là người đã được chuẩn bị kỹ lượng về kỹ năng và kỹ thuật để trở thành người thống trị thế giới. Bố của ông ấy đã từng nói rằng: “Macedonia là quá nhỏ bé so với con.” Và ngay từ bé bố của ông đã đưa Aristotle về dạy cho con. Bức tranh này miêu tả cảnh Alexander Đại Đế vào thành Jerusalem. Ông đã sử dụng chiến thuật giống với Thành Cát Tư Hãn, đó là vào thành nào sẽ giết hết dân chúng thành đó. Tuy nhiên ông luôn luôn để thoát một số người để những người này sợ hãi và chạy đi đến đâu sẽ loan báo về sức mạnh của đội quân của ông đến đó. Đó là một cách thức truyền thông. Nhưng riêng với trường hợp này thì khác. Có thể, khi được giáo dục, bằng một cách nào đó, ông đã ngưỡng mộ nền văn hóa mấy nghìn năm của người Do Thái nên ông đã có quyết định của khác mọi lần: Sau khi đánh xong Jerusalem, ông đã đến quỳ trước mặt viên Đại Tư tế của người Do Thái và nói rằng: “Trong suốt những ngày công thành, tôi luôn nhìn thấy một thiên thần đón tôi vào, và đó chính là ông.” Viên Đại Tư tế chấp nhận điều đó và tất cả người dân Do Thái trong thành Jerusalem đã được Alexander Đại đế thu phục bằng cách đó. Đó chính là điều mà tôi muốn nói với các bạn qua bức hình này.”

Bên cạnh đó, ông nhận định rằng, khả năng xử lý khủng hoảng của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn có nhiều hạn chế. Bằng hình ảnh thanh gươm Damocles, ông chỉ ra: trên đầu mỗi doanh nghiệp luôn luôn treo lơ lửng một thanh gươm (như trên đầu nhà vua), khủng hoảng có thể đến bất cứ lúc nào. Bất cứ lúc nào không chú ý thanh gươm cũng có thể rơi xuống đầu.

Ngày nay, với những bước tiến của công nghệ thông tin và Internet, sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức mà con người tiếp nhận thông tin. Mỗi người, thông qua bàn phím của các thiết bị điện tử, đều có thể trở thành người phát ra thông tin. Và rất nhiều người trong số họ không kiểm soát được thông tin mà mình phát ra, dẫn tới nhiều trường hợp bị truy cứu trách nhiệm pháp lý. Vì thế, những người làm truyền thông trong thời đại này luôn phải trau dồi kỹ năng, tỉnh táo trước các nguồn thông tin, và hành xử khéo léo.

Ông nhấn mạnh: “PR và truyền thông phải tôn vinh giá trị của con người, phải đi lên từ thực chất. Tất cả những thứ chiêu trò ở đâu đó chính là những case PR thất bại vì nó không chăm chút cho mối quan hệ giữa con người với con người. Tôi phản đối PR đen. Chúng ta cần hướng tới PR TỬ TẾ, quan tâm đến lợi ích không chỉ của doanh nghiệp mà còn của cả khách hàng. Đó chính là triết lý âm dương trong PR. Người làm PR phải cân đối quyền lợi của doanh nghiệp mình và của khách hàng thì sự phát triển mới bền vững. Nếu không, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khủng hoảng. Đặc biệt, hiện nay có thể coi là kỷ nguyên của PR và Marketing 3.0, là vì con người. Người tiêu dùng quan tâm đến việc đồng tiền mình bỏ ra không chỉ đem lại hạnh phúc cho mình mà còn đem lại hạnh phúc hoặc ít nhất không gây hại cho xã hội, bảo vệ được thiên nhiên, môi trường và sự phát triển bền vững.”

PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trưởng Bộ môn PR-Quảng cáo, Khoa Báo chí và Truyền thông) tặng hoa cho ông Nguyễn Đình Thành

Trong buổi seminar này, ông Thành cũng chia sẻ cách nhìn nhận về một vấn đề dựa trên ba khía cạnh theo tam giác P – F – K. P là Politics (mối quan hệ giữa con người với con người),  F là F là Finance (vấn đề kinh tế, tài chính), K là Knowledge (vấn đề kỹ thuật, công nghệ). Khi PR cho một dự án, chúng ta cần chú ý đến yếu tố P: tác động xã hội và mối quan hệ giữa con người với con người được xử lý như thế nào trong dự án này, F là tác động kinh tế của dự án. Trong trường hợp một dự án BĐS thì F chính là tiềm lực tài chính của chủ đầu tư. K là yếu tố công nghệ, kỹ thuật, tính khả thi, chuyên nghiệp của dự án. Dựa vào đó ta có thể đưa ra các pr angles khác nhau.

Buổi toạ đàm kết thúc vào hồi 16 giờ 30 phút cùng ngày.

Buổi tọa đàm này được công bố bởi Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG Hà Nội) và đã được sự cho phép của ông Nguyễn Đình Thành. Quý vị khai thác thông tin từ văn bản này xin vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.

Tác giả: Trần Hiếu (K59 Khoa Báo chí và Truyền thông)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây