Tin tức

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Thứ hai - 21/02/2011 22:42
Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực thi Quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO” do Trường ĐHKHXH&NV và Viện Konrad Adenauer phối hợp tổ chức vào ngày 21-22/02/2011.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực thi Quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO” do Trường ĐHKHXH&NV và Viện Konrad Adenauer phối hợp tổ chức vào ngày 21-22/02/2011. Dự hội thảo có PGS.TS Vũ Đức Nghiệu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, ngài Amos R.Helms - Trưởng đại diện Viện Kornad Adenauer tại Việt Nam, ông Hoàng Văn Tân - Phó Cục trưởng Cục Sở Hữu trí Tuệ, đại diện các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế… Hội thảo tập trung làm rõ một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong thời gian gần đây đó là những tranh chấp liên quan đến quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo Phó Hiệu trưởng Vũ Đức Nghiệu đã nhấn mạnh: Từ năm 2001 đến nay, Trường ĐHKHXH&NV đã nhận được sự hợp tác tích cực và sự hỗ trợ rất hiệu quả của Viện Konard Adenauer để thực hiện nhiều hội thảo với chủ đề xuyên suốt là Kinh tế thị trường xã hội và Tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam. Hội thảo ngày hôm nay ngoài việc kế thừa những thành công đã đạt được còn mở ra những nội dung nghiên cứu mới, phản ánh những thay đổi đã và đang diễn ra ở Việt Nam, nhất là sau khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007. Từ những ví dụ cụ thể liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ ở Đức và Liên minh Châu Âu, tính quốc tế - một trong những thách thức quan trọng nhất và khó khăn nhất đối với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ - đã được GS.Ansgar Staudinger (Khoa Luật, Đại học Bielefeld - CHLB Đức) trình bày trong báo cáo: “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Đức/ Liên minh Châu Âu”. GS. Ansgar cho rằng: để đưa ra luật về sở hữu trí tuệ thì tương đối đơn giản nhưng có thể sử dụng cơ chế nào trong từng nước hay liên minh quốc gia thì vẫn còn là một vấn đề lớn. Và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng là một trong những vấn đề lớn được đa số các báo cáo đề cập tới. Nhiều ví dụ về thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã được các nhà khoa học đưa ra bàn thảo như: báo cáo “Vụ kiện số DS 362 giữa Trung Quốc và Hoa Kì về các biện pháp ảnh hưởng đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ và kinh nghiệm cho Việt Nam” của PGS.TS Hoàng Phước Hiệp (Bộ Tư Pháp), “Giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu và tên thương mại trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ” - ThS. Nguyễn Văn Bảy (Cục Sở Hữu Trí Tuệ). TS. Trần Văn Hải và ThS.Trần Điệp Thành (ĐHKHXH&NV) thì tập trung thảo luận về vấn đề: “Đào tạo sở hữu trí tuệ trong các trường đại học - từ kinh nghiệm của Trường ĐHKHXH&NV”. Hai tác giả đã nhấn mạnh: Kinh nghiệm quốc tế trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho thấy tại các quốc gia mà trình độ nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ càng cao thì tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ càng thấp và đó là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội. Có nhiều cách để nâng cao nhận thức cho công chúng về sở hữu trí tuệ, trong đó việc đào tạo về sở hữu trí tuệ trong các trường đại học là một kênh quan trọng. Nhận thức được yêu cầu của đất nước về sở hữu trí tuệ năm 2003 Trường ĐHKHXH&NV đã xây dựng xong và đưa chương trình Pháp luật và Nghiệp vụ sở hữu trí tuệ, năm 2005 bắt đầu đào tạo cử nhân Khoa học quản lí chuyên ngành Sở hữu trí tuệ. Và rất nhiều hoạt động khác: thành lập Bộ môn sở hữu trí tuệ và chủ động đào tạo giảng viên, tích cực tuyên truyền về sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, liên quan đến sở hữu trí tuệ vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan cũng được các diễn ra quan tâm, đưa ra nhiều ý kiến. Về vấn đề này: TS. Nguyễn Thị Quế Anh (Khoa Luật ĐHQGHN) đặc biệt chú ý vai trò của Nhà nước trong thực thi quyền tác giả và quyền liên quan. Theo TS các công cụ quản lí và điều tiết Nhà nước cần được khai thác và sử dụng một cách triệt để và hữu hiệu nhằm tạo dựng một nền tảng vững chắc cho việc khai thác các tài sản sở hữu trí tuệ. Hội thảo lần này đã góp phần làm rõ vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ không chỉ nhằm đáp ứng các chuẩn mực quốc tế mà còn giúp Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của khoa học - công nghệ trong nước, tạo môi trường thuận lợi hơn để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây