Ngôn ngữ
Nhà văn Gustave Flaubert (1821 - 1880) là một trong những tác giả tiêu biểu của văn học Pháp nửa sau thế kỉ XIX. Cùng với Stendhal, Balzac… Flaubert đã góp phần làm nên thế kỉ của các nhà tiểu thuyết. Tại Việt Nam, những tác phẩm quan trọng nhất của Flaubert đều đã được dịch ra tiếng Việt, bao gồm Bà Bôvary, Salammbô, Ba truyện kể và gần đây nhất bản dịch cuốn Giáo dục tình cảm của cô Lê Hồng Sâm vừa ra mắt bạn đọc.
Buổi tọa đàm trực tuyến “Gustave Flauber và chúng ta” là hoạt động khoa học được tổ chức bởi Bộ môn Văn học nước ngoài và Nghiên cứu so sánh nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh của nhà văn.
Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch - Trưởng Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV Hà Nội phát biểu: “Flaubert không chỉ là danh nhân của một quốc gia, ông còn là người khổng lồ làm nên di sản nhân văn của nhân loại. Những sinh hoạt khoa học của chúng ta ngày hôm nay cho thấy rằng: cuộc sống dù có dịch bệnh, có những khó khăn và thử thách nhưng những di sản của nhân loại vẫn là một phần quan trọng hiện diện trong đời sống của chúng ta”.
Buổi tọa đàm đặc biệt có sự kết nối và chia sẻ giữa các thế hệ giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội và Viện Văn học. Trong phần đầu của sự kiện, các nhà nghiên cứu đã đặt Flaubert trong nền văn học Pháp, thảo luận về tính hiện đại trong tác phẩm của Flaubert, kĩ thuật viết để làm nên tính hiện đại đó và diễn giải Flaubert thông qua ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ điện ảnh.
Chia sẻ mở đầu phần này, cô Lê Hồng Sâm - giảng viên Bộ môn Văn học nước ngoài và Nghiên cứu so sánh phát biểu: “Flaubert vừa tiếp nối tiểu thuyết truyền thống kiểu Balzac vừa kết thúc tiểu thuyết truyền thống. Do vậy, những tác phẩm của Flaubert nói chung và cuốn Giáo dục tình cảm nói riêng không chỉ được xem như những tác phẩm văn học vĩ đại mà còn là một tư liệu lịch sử đáng giá. Đặc biệt, cuốn Giáo dục tình cảm đã đặt ra những vấn đề về bút pháp nghệ thuật mà tiểu thuyết thế kỉ XX và những thời kì sau sẽ được tiếp nối”. Nói về những sáng tác của Flaubert, cô Lê Hồng Sâm nhấn mạnh lao động nghệ thuật của nhà văn khi mỗi từ ngữ, mỗi chi tiết nhỏ đều gợi mở những vấn đề lớn.
Cô Lê Hồng Sâm phát biểu tại Tọa đàm
Nhận diện về vị trí của G.Flaubert trong nền văn học Pháp, PGS. TS. Lê Nguyên Cẩn đã đặt ông trong bối cảnh rộng lớn của thế kỉ XIX, bên cạnh tiểu thuyết lịch sử của A.Vigny và P.Mérimée, tiểu thuyết hiện thực của Stendhal và Balzac, tiểu thuyết lãng mạn của A.Dumas và George Sand. Tại buổi tọa đàm, phân tích tầm ảnh hưởng của Flaubert và tính hiện đại trong tác phẩm của ông, PGS.TS Đào Duy Hiệp đã nhấn mạnh sự tiên tri của Flaubert cho tiểu thuyết hiện đại, từ những vấn đề về thi pháp cho đến những vấn đề về tư tưởng. Câu chuyện “thế giới đồ vật xâm lăng cuộc sống của con người” vẫn còn nguyên tính thời sự với hôm nay. Tính hiện đại trong tác phẩm của Flaubert được thể hiện rất rõ trong bút pháp nghệ thuật. Điều này được PGS.TS Phùng Ngọc Kiên phân tích thông qua việc so sánh sự khác biệt giữa chủ nghĩa hiện thực của Flaubert và chủ nghĩa hiện thực của Balzac. Đọc và diễn giải Flaubert qua ngôn ngữ điện ảnh, thầy Trần Hinh đã phân tích các phiên bản chuyển thể từ tiểu thuyết Bà Bovary. Theo thầy Trần Hinh, dù các đạo diễn có thể chọn lựa cách chuyển thể trung thành hay phóng tác nhưng đều tạo nên sức sống bền lâu và sự ảnh hưởng rộng lớn cho tác phẩm của Flaubert.
Trong phần tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những phân tích và gợi mở về sự hiện diện của Flaubert trong những nền văn học như Flaubert trong nền văn học Nga, văn học Mỹ, văn học Trung Quốc, văn học Ấn Độ và văn học Nhật Bản.
Từ góc nhìn văn học Nga, TS.Nguyễn Thị Thu Thủy phân tích về quá trình dịch thuật và tiếp nhận Flaubert tại Nga, đặc biệt là tình bạn văn chương giữa nhà văn Nga Turgenev và nhà văn Pháp Flaubert. Theo cô, nếu như giai đoạn đầu tiên, người Nga tiếp cận sáng tác Flaubert từ quan điểm của chủ nghĩa hiện thực thì đến giai đoạn thứ hai, với sự phát triển của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa ấn tượng, việc tiếp nhận Flaubert từ phương diện nghệ thuật được chú ý hơn. Từ góc nhìn văn học Mỹ, thầy Lê Nguyên Long cho rằng chủ nghĩa duy mỹ trong sáng tác của Flaubert đã tạo nên một truyền thống trong phê bình Mỹ, trong đó tác phẩm của Flaubert hiện diện như một ví dụ cho sự cách tân trong nghệ thuật trần thuật và chiến lược tự sự. Nhận định về ảnh hưởng của Flaubert với văn học Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Thu Hiền phân tích hành trình hơn một thế kỉ Flaubert đã hiện diện trong nền văn học Trung Quốc. Trong hành trình đó, Flaubert đã được tiếp nhận ở các giai đoạn khác nhau, được dịch và tái bản nhiều lần, đặc biệt tác phẩm Bà Bôvary có tới 41 bản dịch và 101 lần tái bản. Bên cạnh đó, những phân tích của thầy Nguyễn Thanh Diên gợi mở thêm các phong cách dịch thuật Flaubert tại Trung Quốc. Trong nền văn học Ấn Độ và Đông Nam Á, sự hiện diện của Flaubert lại mang những đặc trưng riêng và hết sức phong phú. Điều này đã được luận giải qua phần phân tích của TS.Nguyễn Phương Liên. Từ góc nhìn văn học Nhật Bản, TS.Trần Thị Thục đã phân tích nguồn tư liệu phong phú về dịch thuật và nghiên cứu tác phẩm Flaubert tại Nhật. Những ảnh hưởng của Flaubert được TS.Trần Thị Thục đề cập ở nhiều khía cạnh, trong đó bao gồm cả những lĩnh vực như sách tranh, truyện manga.
Những phân tích từ các diễn giả và các câu hỏi thảo luận của các bạn sinh viên đã tạo nên không khí học thuật sôi nổi trong suốt thời gian diễn ra buổi tọa đàm. Đặc biệt, sự kết nối tri thức giữa các thế hệ tại buổi tọa đàm online cũng là minh chứng cho ý nghĩa của tác phẩm Flaubert nói riêng và của văn chương nói chung đối với cuộc sống của chúng ta.
Tác giả: Khoa Văn học
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn