Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên thường trực ban điều hành hội thảo, để hiểu rõ hơn về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí và một số vấn đề cần đặt ra trong lần sửa đổi này.
Tạo hành lang cho báo chí phát triển trong thời đại số
Phóng viên: Thưa ông, tại thời điểm ra đời, Luật Báo chí năm 2016 được cho là đã tạo ra những điều kiện cần thiết để phát triển báo chí. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
PGS.TS Bùi Chí Trung: Có thể khẳng định, từ Luật Báo chí năm 1989 đến những sửa đổi, điều chỉnh bổ sung năm 1999, hướng dẫn năm 2002 và tiếp tục hoàn thiện trong Luật Báo chí năm 2016 đã cho thấy chuyển biến tích cực từng bước trong vấn đề quy phạm hoạt động của báo chí, bên cạnh những điều khoản quy định tạo điều kiện cho báo chí phát triển, luật cũng quy định và bao quát các nội dung, lĩnh vực thể hiện của báo chí trong khuôn khổ của pháp luật và hiến pháp Việt Nam.
Tuy nhiên, sau bảy năm ra đời, đi vào hoạt động, đứng trước tình hình chính trị - xã hội có nhiều thay đổi lớn dưới tác động của toàn cầu hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế với nhiều loại hình báo chí, truyền thông mới, vấn đề bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 trở nên cấp thiết và cần sớm được xem xét, điều chỉnh.
PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Phóng viên: Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến sự bức thiết đó?
PGS.TS Bùi Chí Trung: Theo tôi, trước tiên là từ những yêu cầu trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và đòi hỏi của xã hội về lĩnh vực báo chí ngày càng cao, bức thiết hơn. Đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, truyền thông hiện đại dẫn đến những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí, cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp, tạo hành lang cho báo chí phát triển trong thời đại số. Và cũng không loại trừ nguyên nhân một số cá nhân, tổ chức đã tìm cách lợi dụng kẽ hở để “lách luật” với mục đích tư lợi cá nhân.
Phóng viên: Thực tế cho thấy Luật Báo chí năm 2016 chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của nhiều loại hình hoạt động thông tin đại chúng có tính chất như báo chí. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Bùi Chí Trung: Đúng vậy. Luật Báo chí năm 2016 hiện mới quy định bốn loại hình báo chí cơ bản (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử) nhưng trên thực tế còn có nhiều loại hình hoạt động thông tin đại chúng có tính chất như báo chí hoặc có liên quan, tác động sâu rộng tới hoạt động báo chí (như mạng xã hội, trang thông tin điện tử, ứng dụng trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video...).
Bên cạnh đó, với xu thế hội tụ công nghệ, truyền thông đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng (truyền dẫn trên các hạ tầng mạng viễn thông như cáp (cable), di động, truyền hình vệ tinh (DTH)) và đặc biệt là sự nở rộ của các dạng thức truyền phát trên môi trường Internet qua các website, ứng dụng trong nước và thế giới vào Việt Nam (OTT); những nền tảng mới này có ưu thế hơn các dạng thức truyền thống là cho phép tương tác với người đọc, người nghe, người xem tại thời điểm phát thực.
Phóng viên: Trong môi trường Internet “không biên giới”, có những xu thế mới đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý báo chí?
PGS.TS Bùi Chí Trung: Đúng vậy, thực tế có trường hợp các cơ quan báo chí chủ động xây dựng ứng dụng (app), tự phân phối nội dung trên Internet hoặc mở thêm kênh phân phối nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới (mở kênh trên Youtube, TikTok, mở fanpage trên Facebook, Lotus, Zalo…).
Trong quá trình hoạt động, có những trường hợp xảy ra sai sót hoặc tranh chấp, vi phạm trên những nền tảng xuyên biên giới, chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ vận động liên tục, sẽ khó có một hành lang pháp lý nào có thể bao quát trọn vẹn trong một thời gian dài.
Cần sớm bổ sung quy định về mô hình kinh tế báo chí mới
Phóng viên: Kinh tế báo chí cũng là một vấn đề được nhiều cơ quan báo chí phải quan tâm và đối mặt. Theo ông, vấn đề này cần được đặt ra như thế nào khi sửa Luật Báo chí?
PGS.TS Bùi Chí Trung: Theo tôi, trong các quy định liên quan tới vấn đề kinh tế báo chí, trước tiên cần định nghĩa lại rõ hơn đặc tính, chức năng của một số cơ quan báo chí trong mối liên hệ với cơ quan chủ quản. Khoản 1 Điều 21 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu”.
Theo đó, cơ quan báo chí là đơn vị thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là đơn vị sự nghiệp công lập. Những tạp chí của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, viện nghiên cứu (không thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội) thì không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, về bản chất, đây là những cơ quan báo chí có cơ chế hoạch định tài chính theo doanh nghiệp, như vậy cần có quy định riêng về loại hình hoạt động cho các cơ quan báo chí thuộc nhóm này.
Phóng viên:Ở nước ta, một số cơ quan báo chí đã áp dụng thu phí nội dung từ người đọc. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
PGS.TS Bùi Chí Trung: Vấn đề thu phí nội dung đang nổi lên là giải pháp kinh doanh mới, một mô hình kinh tế báo chí hợp lý và phù hợp với xu thế, giúp các tòa soạn đa dạng nguồn thu, sáng tạo những nội dung hấp dẫn và chất lượng để duy trì hoạt động, tái đầu tư những sản phẩm chất lượng cao.
Tuy nhiên, quy định về thu phí nội dung như thế nào, ai được thu và thu như thế nào cho công bằng lại cần có cơ sở và căn cứ pháp lý rõ ràng. Chính vì vậy, luật và các quy định quy phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí trong bối cảnh hiện nay cần sớm bổ sung quy định, quy chế để thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa doanh thu báo chí. Từ đó, đóng góp tích cực vào phát triển mô hình báo chí điện tử thu phí nội dung, gắn kết chặt chẽ với những hạ tầng công nghệ mới.
Phóng viên: Xin cám ơn ông.
Luật Báo chí còn nhiều bất cập
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết thực tế hiện nay nhà báo, PV đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí ngoài thẻ nhà báo còn có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, tuy nhiên việc sử dụng giấy giới thiệu khi tác nghiệp chưa được đưa vào quy định của Luật Báo chí.
Ngoài ra, theo bà Hương, có một số bất cập trong hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp phép. Cụ thể, trang thông tin điện tử tổng hợp không bị giới hạn về số lượng nguồn tin, miễn là xin được thỏa thuận cho trích dẫn nguồn.
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin điện tử tổng hợp vì lợi ích của mình chỉ tập trung khai thác các tin tiêu cực, mặt trái xã hội... khiến cho bức tranh thông tin trên mạng bị sai lệch, không phản ánh đúng tình hình xã hội của đất nước. |
Báo chí đưa tin về sự kiện:
Báo Đảng Cộng sản Việt Nam: Làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016
Báo Tuổi trẻ Thủ đô: Tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc
Báo Vietnamnet: Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý sửa đổi Luật Báo chí 2016
Báo Lao động: Gần 80 chuyên gia, nhà báo, luật sư góp ý chỉnh sửa Luật Báo chí 2016
Báo Tuổi trẻ Thủ đô: Cần có cơ chế đặc thù với những sản phẩm báo chí thiết yếu
Báo Pháp luật TP.HCM: Luật Báo chí 2016 có 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập
Báo Lao động Thủ đô: Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết
Báo Pháp luật TP.HCM: Sửa Luật Báo chí: Cần quy định mới về 'kinh tế báo chí'
Báo Xây dựng: Hội thảo cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016