Ngôn ngữ
Kính gửi các đồng chí thương binh, bệnh binh,
Kính gửi thân nhân gia đình liệt sĩ,
Kính gửi các đồng chí Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV,
Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), một sự kiện mang ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, thay mặt Đảng bộ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐHKHXH&NV), tôi xin gửi đến các đồng chí lời tri ân, lời chúc tốt đẹp cùng lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất. Kính chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe, niềm vui, thành công, luôn mạnh mẽ thể hiện phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong thời bình, luôn giữ vững tinh thần quân nhân và tiếp tục có những đóng góp cho Đảng bộ Nhà trường của chúng ta.
Chương trình "Bài ca không quên" - Kỉ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ tại Trường ĐHKHXH&NV (27/7/1947 – 27/7/2020)
Melody Beattie từng chia sẻ rằng: “Lòng biết ơn mở ra sự viên mãn của cuộc sống. Nó biến những điều chúng ta có thành đủ, và hơn thế.” (Gratitude unlocks the fullness of life. It turns what we have into enough, and more.) Từ bao lâu nay, cùng với cả nước, chúng ta luôn kỷ niệm trọng thể ngày 27/7 để tri ân những anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng và cũng là dịp để giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay, giáo dục sinh viên Trường ĐHKHXH&NV về truyền thống yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng bất khuất của cha anh, về đạo lý cao đẹp của Lòng Biết Ơn. Đó cũng là con đường hợp lẽ nhất để chính chúng ta trở thành đầy đủ, để “mở ra sự viên mãn” của thực tại và tương lai mà chúng ta và các thế hệ nối tiếp sẽ sống.
Trường ĐHKHXH&NV là một trong những đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội (trước đây là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) có đội ngũ các thầy, cô, các sinh viên là Cựu chiến binh đông đảo nhất. Trong số đó, nhiều thầy, cô và sinh viên đã hy sinh trên các mặt trận, nhiều người trở lại quê hương với những vết thương chưa lành hoặc mãi mãi không thể lành. Trong chiến tranh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các thầy, cô đã “Xếp bút nghiên”, cống hiến một phần tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Sau chiến tranh, các thầy cô đã mang quân phong, quân kỉ, mang theo tinh thần của Quân đội Nhân dân Việt Nam về giảng đường và có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của Đảng bộ Nhà trường. Nhiều thầy, cô Cựu chiến binh đã nghỉ hưu, nhiều thầy cô vẫn tiếp tục làm việc miệt mài trên cương vị cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý.
Nhà thơ Lê Anh Xuân, tên thật là Ca Lê Hiến (1940-1968). Ông là sinh viên, rồi là cán bộ giảng dạy tại Khoa LỊch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội
Jean Baptiste Massieu có viết: “Gratitude is the memory of the heart” (lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim). Trong “trí nhớ của trái tim” chúng ta, những thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã rời ghế nhà trường để ra đi bảo vệ Tổ quốc, con đường mà họ đã đi - từ giảng đường đến chiến trường, và từ chiến trường về giảng đường - những tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã ra đi và hy sinh vì Tổ quốc, mãi mãi là những vết khắc không thể nào mờ phai, càng qua thời gian càng thêm sâu sắc. Chiến công và sự cống hiến cao cả của các liệt sỹ, các thương binh, các Cựu chiến binh... đã trở thành những bài học lớn, thành nguồn động lực tinh thần thôi thúc thầy và trò Trường ĐHKHXH&NV phấn đấu, gánh vác phần việc người đã khuất để lại, tiếp tục xây dựng Nhà trường thành một cơ sở giáo dục Đại học tiên tiến, nhân văn, hiện đại của ngành khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.
Tôi được biết chỉ không lâu nữa Đài tưởng niệm các sinh viên liệt sĩ của Đại học Tổng hợp Hà Nội sẽ được xây dựng. Dự án lưu giữ mãi “trí nhớ của trái tim” trong các thế hệ giảng viên, sinh viên hiện tại và sau này của Nhà trường, để thấy thấy rằng sự thật, chân lý “là con gái của thời gian” (“Truth is the daughter of time” - Francis Bacon).
Bởi lẽ, điều quan trọng nhất, là bằng tấm gương chiến đấu quả cảm, bằng tinh thần hy sinh vì lý tưởng, các đồng chí đã góp mình “làm nên lịch sử”, làm nên Sự Thật và Chân Lý trọn vẹn, bền bỉ nhất.
Tri ân các cựu chiến binh nhân kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 năm 2019
Trong nhiều năm qua, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ của Trường ĐHKHXH&NV chúng ta đã có rất nhiều những hình thức, việc làm phong phú, góp phần xoa nhẹ đi nỗi đau chiến tranh, động viên khuyến khích những gia đình thương binh liệt sĩ vươn lên trong giai đoạn mới, trong công việc cũng như học tập - chẳng hạn như: dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, thăm và tặng quà gia đình thương binh - liệt sĩ, miễn giảm học phí cho con em thương binh - liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam...Toàn bộ những việc làm nói trên, đều vì mục đích “đền ơn đáp nghĩa” những người, những gia đình đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, đồng thời chăm sóc những người đã hoàn thành nghĩa vụ chiến đấu, lao động hoặc có sự đóng góp nhất định cho Tổ quốc, cho quê hương, cho Nhà trường...
Hội nghị tổng kết công tác cựu chiến binh năm 2019 và phương hướng hoạt động năm 2020
Việc làm của những tổ chức và cá nhân trong Nhà trường những năm qua về công tác thương binh - liệt sĩ là một sự nỗ lực rất lớn, nhưng so với công lao của những thương binh - liệt sĩ thì vẫn thật khiêm tốn. Trong thời gian tới, Đảng bộ Nhà trường nguyện phát huy hơn nữa trách nhiệm đối với công tác thương binh - liệt sĩ; dấy lên trào lưu thi đua sôi nổi đều khắp mang lại kết quả thiết thực, nhằm làm cho công tác thương binh - liệt sĩ thật sự trở thành lương tâm, trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn bộ những người đang sống. Nhân ngày lễ thiêng liêng này, tôi cũng xin được thiết tha kêu gọi những đồng chí thương binh, thân nhân thương binh liệt sĩ, hãy phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong mọi trào lưu tại địa phương, trong mọi lĩnh vực công tác, giảng dạy cũng như học tập, từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng Trường ĐHKHXH&NV của chúng ta ngày càng vững mạnh.
Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe tất cả các đồng chí!
Tác giả: PGS.TS Phạm Xuân Thạch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn