Ngôn ngữ
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội
Triết lý trong đào tạo nhân tài của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là đào tạo tinh hoa. Đào tạo ở ĐHQGHN không chỉ nhằm trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức, năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức, mà còn chú trọng đào tạo cho sinh viên ngoại ngữ, các kỹ năng và năng lực tổ chức, đặc biệt là phát triển tư duy, tầm nhìn, tạo cho sinh viên có đầy đủ bản lĩnh và nghị lực để vào đời và sáng nghiệp.
Nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự hội nhập và cạnh tranh kinh tế đang diễn ra nhanh và quyết liệt trên quy mô toàn cầu.
Kinh nghiệm của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 3.0 cho thấy chìa khóa của sự tăng trưởng vượt bậc của các nước châu Á trong những thập kỷ gần đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ chính là bởi các nước này đã thành công trong việc phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài.
Nếu không có nguồn lực trí tuệ để tạo ra những bước phát triển đột phá, chúng ta sẽ khó có thể năm bắt được những cơ hội của cuộc CMCN 4.0. Suy cho cùng, Khoa học công nghệ (KHCN) và Giáo dục Đào tạo chính là chiếc đũa thần để Việt Nam cất cánh vươn lên trong thời đại ngày nay.
Chính vì vậy, việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng, trọng dụng, tạo điều kiện để nhân tài được phát huy tài năng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một yêu cầu cấp bách, không thể chậm trễ, có ý nghĩa sống còn vì thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các trường đại học, trong đó có ĐHQGHN đã và đang góp phần quan trọng vào việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Triết lý trong đào tạo nhân tài của ĐHQGHN là đào tạo tinh hoa. Đào tạo ở ĐHQGHN không chỉ nhằm trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức, năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức, mà còn chú trọng đào tạo cho sinh viên ngoại ngữ, các kỹ năng và năng lực tổ chức, đặc biệt là phát triển tư duy, tầm nhìn, tạo cho sinh viên có đầy đủ bản lĩnh và nghị lực để vào đời và sáng nghiệp.
Để có thể hoàn thành được sứ mệnh này, ĐHQGHN luôn coi trọng việc phát hiện tài năng ngay từ bậc học phổ thông và tiếp theo đó là những năm trên giảng đường đại học. ĐHQGHN đã xây dựng và hoàn chỉnh các mô hình đào tạo chất lượng cao liên tiếp từ học sinh phổ thông năng khiếu, đến đại học các hệ chất lượng cao, khoa học tài năng và chuẩn quốc tế hay còn gọi là nhiệm vụ chiến lược (riêng chuẩn quốc tế ở ĐHQGHN có cả ở cả bậc đại học và sau đại học).
Nhớ lại, ngay từ những ngày đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ Tịch đã khẳng định “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài” và Người đã ký ban hành sắc lệnh tìm người tài đức để sử dụng vào sự nghiệp kiến quốc.
Năng khiếu là bẩm sinh, nhưng nhân tài, những người tài đức không phải tự nhiên sinh ra là có, mà phải do được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện mà nên. Chính vì vậy, việc phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài luôn là điều quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta.
Ý tưởng đầu tiên về việc mở Lớp chuyên toán A0 ở Việt Nam thuộc về GS. Hoàng Tụy, nguyên là Chủ nhiệm khoa Toán, Trường ĐHTH Hà Nội, có tham khảo cách làm của các nhà toán học Xô Viết vĩ đại như A. N. Kolmogorov, P. S. Alexandrov, I. M. Gelfand,... Đề xuất của GS. Hoàng Tụy được sự ủng hộ mạnh mẽ của GS. Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng; GS. Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng; của GS. Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ ĐH và THCN; đặc biệt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người luôn quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là việc đào tạo học sinh giỏi.
Ngày 14.9.1965, Phó Thủ tướng Phạm Hùng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 14-CP cho phép lần đầu tiên mở lớp chuyên về toán tại ĐHTH HN và một số tỉnh, thành phố. Cũng từ đó, các lớp chuyên Toán, Vật lý, Tin học, Hóa học và Sinh học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội dần dần được hình thành và phát triển.
Biến đổi từ một học sinh giỏi với những năng lực tiềm ẩn bẩm sinh thành nhà khoa học giỏi, thành một nhân tài
Với quá trình tuyển chọn đầu vào chặt chẽ và khắt khe, quá trình đào tạo bài bản, học sinh chuyên ĐHQGHN luôn được rèn luyện tích cực về tư duy, phương pháp và kỹ năng, được nâng cao về kiến thức. Điểm khác biệt là các em được học từ những giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành, các thầy cô giỏi nhất, tâm huyết và nhiều kinh nghiệm.
Kể quả là từ 1974 đến nay, học sinh chuyên của ĐHQGHN đã giành được 81 huy chương vàng, 110 huy chương bạc và 91 huy chương đồng trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực – chiếm nhiều huy chương quốc tế nhất trong cả nước.
Sự thành công và thành đạt của các cựu học sinh chuyên, các thành tích đào tạo của các khối chuyên, nay là các trường trung học phổ thông chuyên của ĐHQGHN trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế hơn 60 năm qua là các minh chứng có sức thuyết phục nhất về sự thành công của mô hình các trường phổ thông năng khiếu, khẳng định quyết định đúng đắn, sáng tạo, độc đáo của chính sách đào tạo nhân tài quốc gia đang được Đảng và Nhà nước ta đề xuất, thực hiện và đang được triển khai cực kỳ thành công và hiệu quả ở ĐHQGHN.
Trải qua gần 60 năm đào tạo THPT chuyên, và sau này từ năm 1997 đào tạo cử nhân khoa học tài năng, rồi đến chất lượng cao, và sau đó là các chương trình chuẩn quốc tế đã làm rạng danh uy tín và thương hiệu của ĐHQGHN.
Việc được học tập và nghiên cứu trong một môi trường hiện đại, tiên tiến có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Danh tiếng của các trường đại học lớn trên thế giới thường được gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi của các nhà khoa học lớn.
Nhà khoa học muốn phát triển được ý tưởng khoa học, xây dựng được trường phái học thuật của mình hoặc giải quyết được một vấn đề khoa học liên ngành phải thiết lập được nhóm cộng sự và học trò (tức là phải xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh). Và những sinh viên, nghiên cứu sinh tài năng chính là nguồn nhân lực quan trọng của các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học.
Quá trình học tập và rèn luyện trong các nhóm nghiên cứu mạnh ở các trường đại học danh tiếng, hiện đại, nơi có nhiều giáo sư giỏi sẽ đào tạo, làm biến đổi từ một học sinh giỏi với những năng lực tiềm ẩn bẩm sinh thành nhà khoa học giỏi, thành một nhân tài.
ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục phát triển vị thế tại bảng xếp hạng quốc tế
Nhận thức được vấn đề này, chỉ mấy năm sau khi thành lập ĐHQGHN, năm 1997, đứng trước nguy cơ thiếu hụt đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản cả về số lượng và chất lượng, lãnh đạo ĐHQGHN khí đó đã có ý tưởng về mô hình đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng với mục tiêu và cách tiếp cận học tập theo các kinh nghiệm các chương trình xuất sắc Honour Program tại các trường đại học tại Hoa Kỳ cũng như một số nước tiên tiến trên thế giới, với 3 mục tiêu ban đầu là:
(1) xây dựng một mô hình đào tạo tài năng mới ở Việt Nam, tạo bước đột phá tiếp cận chất lượng quốc tế; (2) thu hút những học sinh năng khiếu, xuất sắc theo học các ngành khoa học cơ bản; (3) cung cấp cán bộ khoa học cơ bản kế cận, bổ sung cho nước nhà.
Chính vì vậy, nhà trường đã chọn lựa những môn cốt lõi và những môn có điều kiện giảng dạy để nâng cao nội dung so với hệ thường. Một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết ở trong và ngoài trường, kể cả các chuyên gia quốc tế, đã được huy động tham gia biên soạn chương trình, bài giảng và trực tiếp giảng dạy. Đây là chương trình đào tạo đặc biệt về kiến thức cơ bản ngang tầm với các đại học nổi tiếng thế giới.
Đối tượng của chương trình đào tạo đặc biệt này là những sinh viên xuất sắc, thực sự có năng khiếu, do đó không thể mở rộng cho đông đảo sinh viên. Sinh viên được tuyển chọn là những học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi giải quốc gia, tham gia đội tuyển Olympic quốc tế, và chọn thêm những học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh và các học sinh giỏi của các tỉnh, các học sinh này phải trải qua kì sát hạch chuyên môn đặc biệt và qua phỏng vấn trực tiếp.
Tính đến cuối năm 2022, hệ cử nhân khoa học tài năng có 1378 sinh viên đã nhận bằng cử nhân khoa học tài năng. Hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng của ĐHQGHN đáp ứng được tất cả những yêu cầu quan trọng nhất: chất lượng giáo dục được xã hội công nhận, tiếp cận các chuẩn mực quốc tê; tư duy và năng lực sáng tạo, tầm nhìn của người học được khẳng định tại các cơ quan sử dụng lao động trong và ngoài nước.
Lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học lớn trong và ngoài nước đều đánh giá cao về chất lượng sinh viên tốt nghiệp theo chương trình đào tạo này với năng lực giảng dạy, nghiên cứu và làm việc trong nhiều lĩnh vực, cương vị khác nhau.
Mô hình đào tạo tài năng, chất lượng cao (CLC) của ĐHQGHN sau đó đã được nhân rộng ở một số trường đại học của Việt Nam. Các hệ, chương trình đào tạo này đã góp phần quan trọng đưa 6 lĩnh vực của ĐHQGHN vào top 400-500 trong bản xếp hạng QS năm 2022 vừa qua, cũng như góp phần vào việc nâng cao tiềm lực KHCN và xếp hạng của ĐHQGHN lọt vào top 800 trường đại học hàng đầu của thế giới.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày Chính phủ Ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia năm 1993 đến nay, có thể khẳng định: phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài chính là sứ mệnh và đặc sắc của Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Tác giả: GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn