Về phía tổ chức AUN-QA có sự tham dự của GS.TS. Herman Parung, Đại học Hasanuddin (Indonesia) - Trưởng đoàn đánh giá cùng Đoàn đánh giá viên và Ban Thư ký AUN-QA.
Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có sự tham dự của TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐHQGHN, GS.TSKH.Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật.
Hoạt động đánh giá chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA lần thứ 322 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, tập trung vào 04 chương trình đào tạo của các trường đại học thành viên của ĐHQGHN, gồm: Cử nhân ngành Nhân học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Cử nhân Toán học và Khoa học Máy tính - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; Thạc sĩ Thủy văn - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; Thạc sĩ Luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự - Trường Đại học Luật.
Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có sự tham dự của lãnh đạo Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục và lãnh đạo các trường đại học thành viên có các chương trình đào tạo được đánh giá tại kỳ kiểm định AUN-QA lần thứ 322
Đoàn đánh giá viên và Ban Thư ký AUN-QA tại kỳ đánh giá 322 các chương trinh đào tạo của ĐHQGHN
TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐHQGHN phát biểu khai mạc Đánh giá chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA lần thứ 322 tại ĐHQGHN
Phát biểu khai mạc chương trình làm việc, TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐHQGHN cho biết: “Đảm bảo chất lượng giáo dục là công việc thường niên và thường xuyên của ĐHQG Hà Nội. Hiện nay, 53,6% chương trình đào tạo Cử nhân của các trường thành viên ĐHQGHN đã được kiểm định, trong đó kiểm định quốc tế chiếm 30% tổng số. Đây là những con số đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực không ngừng của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, củng cố vị thế và chỗ đứng của các trường đại học thành viên ĐHQGHN trong nền giáo dục đại học trong nước và khu vực.
Để thực hiện sứ mệnh này, ĐHQGHN tổ chức Lễ khai mạc Đánh giá ngoài 04 chương trình đào tạo, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực không ngừng để đạt được sự xuất sắc trong giáo dục.”
Theo TS. Nghiêm Xuân Huy, khi tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm định giáo dục của AUN-QA, các khía cạnh quan trọng của chương trình đào tạo như: mục tiêu của chương trình và kết quả học tập mong đợi, nội dung giảng dạy, phương pháp sư phạm, phương pháp đánh giá, hoạt động đảm bảo chất lượng, giảng viên và sinh viên, cơ sở vật chất và hỗ trợ sinh viên… sẽ được đánh giá và đề xuất cải tiến. Quá trình đánh giá này là cơ hội quý giá để ĐHQGHN nhận được những ý kiến đánh giá, kinh nghiệm quốc tế của các chuyên gia giáo dục từ các trường đại học hàng đầu trong khu vực.
Từ những phản hồi của các chuyên gia AUN-QA về các chương trình đào tạo sẽ giúp các trường thành viên của ĐHQGHN xác định những điểm mạnh và điểm yếu của các chương trình được đánh giá, cũng như các cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo tổng thể tại ĐHQGHN. Đặc biệt, kết quả của quá trình này sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sinh viên ĐHQGHN trên thị trường lao động, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển xã hội một cách sâu rộng hơn.
Ông Prem Anand M Arjunan - Trưởng phòng Công nhận, Cơ quan Công nhận Tài chính, Đoàn đánh giá AUN-QA, chia sẻ niềm vinh dự khi cùng Đoàn đánh giá làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội
Với tầm nhìn đến năm 2035, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN phát huy thế mạnh của một trường đại học khoa học cơ bản, tập trung nguồn lực xây dựng Trường ĐHKHXH&NV thành một trường đại học nghiên cứu, đa ngành và liên ngành với đội ngũ chuyên gia giỏi, đầu ngành; phát triển một số ngành, chuyên ngành đào tạo mới, tiên phong đóng vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản của đất nước đạt trình độ khu vực và quốc tế; xếp vào nhóm 100 các trường đại học hàng đầu của khu vực châu Á và nhóm 500 đại học của thế giới, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn đã triển khai kiểm định chất lượng nhiều chương trình đào tạo. Trong đó, kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA là mục tiêu lớn của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các chương trình mang tầm quốc tế. Các chương trình đào tạo của USSH đã được kiểm định AUN-QA bao gồm: CTĐT cử nhân ngành Ngôn ngữ học, CTĐT cử nhân ngành Đông Phương học, CTĐT cử nhân ngành Triết học, CTĐT cử nhân ngành Văn học, CTĐT cử nhân ngành Xã hội học, CTĐT cử nhân ngành Tâm lý học và năm 2023 là đánh giá CTĐT Cử nhân ngành Nhân học.
AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance) là mạng lưới chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của AUN, được thành lập với nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước. AUN hiện có 30 thành viên, trong đó có các thành viên Việt Nam là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh và ĐH Cần Thơ.
Việc tham gia kiểm định AUN-QA của các trường đại học sẽ mang lại giá trị cho các đối tượng thụ hưởng như:
- Sinh viên: Người hưởng lợi đầu tiên từ hoạt động kiểm định chất lượng chương trình này chính là sinh viên. Sinh viên sẽ được thụ hưởng chương trình đào tạo có chất lượng được cải tiến liên tục, trên tất cả các khía cạnh như khung chương trình, các môn học, giảng viên và hoạt động giảng dạy, hoạt động hỗ trợ sinh viên.
- Giảng viên, nhà tuyển dụng:
Nhà tuyển dụng: có cơ hội sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.
Giảng viên được giảng dạy cho đối tượng là các sinh viên giỏi, được nghiên cứu và giảng dạy trong môi trường mang tính quốc tế, đặc biệt là có thêm cơ hội giao lưu học hỏi với các đối tác quốc tế và tự hoàn thiện mình để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình.
Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc Đánh giá chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA lần thứ 322 của ĐHQGHN được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN: