Phó Hiệu trưởng Trần Thị Minh Hòa tiếp Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

Thứ ba - 20/08/2019 06:17
Hôm nay (20/8/2019), PGS.TS Trần Thị Minh Hòa (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) đã tiếp và làm việc với ông Phạm Ngọc Thủy (Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh). Cùng tham gia buổi làm việc có các giảng viên của Khoa Du lịch học.
Phó Hiệu trưởng Trần Thị Minh Hòa tiếp Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh
Phó Hiệu trưởng Trần Thị Minh Hòa tiếp Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã gửi lời đề nghị hợp tác cùng nhóm chuyên gia nghiên cứu về Du lịch của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Theo đó, nhóm nghiên cứu sẽ hỗ trợ, tư vấn cho tỉnh để xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh. Trên cơ sở khảo sát cụ thể tại các địa phương, nhận diện những tiềm năng và thế mạnh của du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh, nhóm sẽ lên phương án phát triển tổng thể cho du lịch của vùng.

Ông Phạm Ngọc Thủy nhấn mạnh rằng, tỉnh kỳ vọng các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, với kinh nghiệm và năng lực hiện có, sẽ đề xuất được những giải pháp hiệu quả về cơ chế chính sách cho phát triển du lịch Quảng Ninh, kêu gọi được sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Nếu dự án thành công, đây sẽ là hình mẫu của việc hợp tác 3 nhà: nhà quản lý – nhà khoa học – doanh nghiệp trong thực tiễn.

Phó Hiệu trưởng Trần Thị Minh Hòa đã gửi lời cảm ơn sự tín nhiệm của lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh đối với các nhà khoa học của trường và đề xuất một vài kiến nghị để ý tưởng hợp tác này nhanh chóng được hiện thực hóa trong thời gian tới. Các giảng viên của Khoa Du lịch học cũng mong được áp dụng tri thức khoa học của ngành vào mô hình phát triển của tỉnh.

Hai bên cũng bước đầu trao đổi những nhận định về thực trạng, tiềm năng và định hướng của du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh. Theo đó, tỉnh có sự đa dạng về tài nguyên và nguồn khách du lịch nên không khó để đẩy mạnh hoạt động này. Tuy nhiên, các bước đi cần bài bản, có khảo sát thực địa kỹ lưỡng, có tính đến đặc trưng tài nguyên và văn hóa từng địa phương để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù. Bên cạnh đó cũng cần tính tới sự phối kết hợp giữa doanh nghiệp với người dân địa phương trong phát triển du lịch sao cho hài hòa lợi ích hai bên.

Trước đó, nhóm các nhà khoa học của Khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXH&NV đã từng triển khai hợp tác thành công trong những dự án tư vấn và nghiên cứu phát triển du lịch tại các tỉnh như Ninh Bình, Hà Giang và khu vực Tây Bắc...

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây