Tin tức

Âm nhạc và Hội họa với tư cách là loại hình ý thức xã hội

Thứ bảy - 25/01/2025 12:23
Đây là chủ đề của buổi tọa đàm khoa học do Khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chủ trì tổ chức ngày 07/1/2025 với sự tham dự của PGS. TS Phạm Thái Việt - diễn giả, giảng viên cao cấp Khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Thái Việt cho rằng bên cạnh những câu hỏi cơ bản của Mỹ học như: Thế nào là cái đẹp, cái cao cả? Cái đẹp nằm ở đâu, khách thể hay chủ thể? Chúng ta có thể đặt những câu hỏi khác không kém phần quan trọng như: cách thức chúng ta hưởng thụ một tác phẩm nghệ thuật là như thế nào, tại sao chúng ta lại có cảm nhận như thế… Tất cả những câu hỏi gần gũi đó hóa ra lại kéo chúng ta trở lại vấn đề quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Bản thân mối quan hệ này lại gồm có hai tính chất: (1) Tính quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội; (2) Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội, thể hiện ở chỗ các hình thái ý thức xã hội tương tác với nhau và tạo ra xung lực riêng của nó.
Vận dụng cả hai tính chất trên, bài nói chuyện của PGS. TS Phạm Thái Việt đã cho thấy lịch sử của âm nhạc là lịch sử của thẩm mỹ và các xu hướng trong suốt nhiều thế kỷ. Âm nhạc theo bước chân của các nghệ thuật khác như: văn học, hội họa, kiến trúc và thường là kết quả của những thay đổi trong xã hội, xuất phát từ những ý tưởng thay đổi của các nhà triết học, chính trị gia, nhà thờ và các nhân tố hàng đầu khác trong xã hội. Về tổng thể, bài nói chuyện cung cấp một cái nhìn về các thời kỳ khác nhau trong lịch sử âm nhạc và thẩm mỹ, giúp người nghe hiểu được điều gì làm cho mỗi thời kỳ trở nên độc đáo, điều gì là quan trọng trong việc biểu diễn âm nhạc của các nghệ sĩ và trong việc thưởng thức tác phẩm hội họa của các danh họa.
Với cách tiếp cận trên về âm nhạc và hội họa, bài nói chuyện không chỉ thu hút sự quan tâm lớn của các giảng viên, sinh viên khoa Triết học, khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, mà còn mang đến sự hứng thú với các giảng viên, sinh viên đến từ các trường đại học khác như: Trường ĐH Văn hóa, Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền…
 PGS. TS Phạm Thái Việt - diễn giả, giảng viên cao cấp Khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao trao đổi tại buổi tọa đàm
TS. Phạm Hoàng Giang - Trưởng khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV phát biểu tại tọa đàm
Vấn đề trao đổi tại tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi khoa học từ các giảng viên, sinh viên tham dự. Giảng viên Nghiệp Thị Hải (Trường ĐH Văn hóa) trao đổi về cách thức thưởng thức một tác phẩm hội họa. PGS.TS Đặng Thị Lan (Khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV) đặt ra vấn đề tại sao nhiều tác phẩm hội họa chỉ trở nên nổi tiếng sau khi tác giả mất? TS. Nguyễn Thị Hoài (Khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV) băn khoăn liệu việc cảm nhận năng lượng sáng tạo trong các tác phẩm hội họa hay âm nhạc có giảm đi trong bối cảnh công nghệ và số hóa? TS. Trần Minh Hiếu (Khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV) bày tỏ lo ngại, xu hướng thị trường đang nổi lên trong thị hiếu thẩm mỹ của công chúng liệu có lấn át khả năng thưởng thức đối với các tác phẩm nghệ thuật? Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi đến phút cuối, bởi nó chạm tới cảm xúc và tư duy thẩm mỹ vốn có trong mỗi người tham dự trực tiếp và trực tuyến.
 
Tọa đàm thu hút sự tham dự và trao đổi khoa học từ các giảng viên, sinh viên của Trường ĐH KHXH&NV và nhiều trường ĐH tại Hà Nội
Tọa đàm khoa học “Âm nhạc và Hội họa với tư cách là loại hình ý thức xã hội” là một trong những hoạt động nghiên cứu và trao đổi học thuật được tổ chức thường xuyên của Khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên trong và ngoài trường.

Tác giả: Khoa Triết học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây