Tin tức

Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt trong bối cảnh xuyên văn hóa

Thứ hai - 23/12/2024 06:25
Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt trong bối cảnh xuyên văn hóa” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM phối hợp tổ chức sáng 21/12/2024 tại TP.HCM đã thu hút sự tham dự của rất nhiều nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế.
Diễn đàn trao đổi các vấn đề khoa học trong nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Tp.HCM, các viện nghiên cứu trong cả nước như: ĐH Sài Gòn; ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh; ĐH Sư phạm Hà Nội; Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; National Cheng Kung University, Taiwan, Universiti Brunei Darussalam, Brunei; National Kaohsiung Normal University, Taiwan...
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN bày tỏ, hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 7 với nội dung “Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt trong bối cảnh xuyên văn hóa” năm 2024 là diễn đàn học thuật giữa các đơn vị có đào tạo Việt Nam học và giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cả trong và ngoài nước, trong bối cảnh đa văn hóa, liên văn hóa, xuyên văn hóa đang trở thành vấn đề lớn của học thuật quốc tế, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề nóng bỏng trong nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học tại Việt Nam và trên thế giới.
“Vị thế của Việt Nam, bản sắc của Việt Nam, ảnh hưởng và độ lan tỏa của tiếng Việt, văn hóa Việt Nam trên toàn cầu, đó là tất cả những gì chúng ta hướng tới trong Hội thảo khoa học quốc tế về Việt Nam học lần này” - GS.TS. Lại Quốc Khánh nhấn mạnh.
GS.TS. Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo
 Hội thảo là một minh chứng, thể hiện sức sống của ngành Việt Nam học bao gồm các vấn đề về tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam nói chung nhìn từ sự vận động của không gian “xuyên văn hóa”. Từ lăng kính ấy, các học giả từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, v.v., đã đề xuất nhiều ý tưởng học thuật sâu sắc, mang tính đối thoại trên phương diện trong nghiên cứu Việt Nam học: ngôn ngữ, văn hóa, văn học, lịch sử, kinh tế, triết học, nghệ thuật… Những ý tưởng đó thể hiện qua Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và Tiếng Việt trong bối cảnh xuyên văn hóa” do Nhà xuất bản ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh phát hành trước thềm hội thảo.
Khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của ngành Việt Nam học ở trong nước và quốc tế
Hội thảo được chia làm 02 phiên thảo luận với 04 tiểu ban, thảo luận các chủ đề: Việt Nam học trên thế giới, văn hóa - văn học - nghệ thuật Việt Nam, Việt ngữ học và phương pháp giảng dạy tiếng Việt, lịch sử - xã hội Việt Nam.
TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đồng chủ tọa phiên thảo luận tại hội thảo
Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 báo cáo tham luận, trong đó 54 báo cáo được đưa vào kỷ yếu của hội thảo. Các tham luận này được chia thành hai phần chính, là: 1) Việt Nam học trên thế giới và 2) Việt Nam học – các vấn đề nghiên cứu. Mỗi phần phản ánh một khía cạnh quan trọng trong nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học hiện nay.
Nhiều vấn đề nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt đã được các diễn giả trong nước và quốc tế trình bày và thảo luận sôi nổi. Như các tham luận: From missionary scripts to national scripts: the cases of Vietnam and Taiwan (Prof. Wi-vun CHIUNG (Tưởng Vi Văn), National Cheng Kung University, Taiwan); Ứng dụng Mô hình BOPPPS trong giảng dạy tiếng Việt cho người Hoa như một ngôn ngữ thứ hai nhằm tối ưu hóa hiệu quả học tập - Nguyễn Thị Ngọc Lan, National Kaohsiung Normal University, Taiwan; Làng nghề thủ công truyền thống trong tổ chức dạy học cử nhân ngành Việt Nam học: giá trị và đề xuất khai thác (TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, ĐH Sư phạm Hà Nội); Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trước năm 1945 trong một số nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH của học giả Nga (PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, ĐH Sài Gòn)...
Các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN báo cáo tại hội thảo
Trong đó, các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã mang tới hội thảo nhiều nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, như: Một vài thảo luận trong cách tiếp cận ngôn ngữ văn chương (PGS. TS. Nguyễn Văn Chính); Đào tạo Việt Nam học và khu vực học: lý thuyết và ứng dụng (TS. Nguyễn Thị Phương Anh); Nghiên cứu xây dựng giáo án dạy học từ ngữ trong trong giáo dục ngoại ngữ (Trường hợp dạy thán từ tiếng Hàn) (ThS. Park Woon Seo); Ngữ dụng học với việc phát triển kĩ năng đọc hiểu tiếng Việt cho người nước ngoài (TS. Bùi Duy Dương); Bảo tồn di sản văn hóa để phát triển du lịch nông thôn trong khung cảnh đô thị - trường hợp làng Tây Tựu và Đông Ngạc - quận Bắc Từ Liêm (PGS.TS. Đặng Hoài Giang); Sông Vĩnh Định trong mạng lưới sông ngòi ở Quảng Trị thế kỷ XIX - TS. Vũ Thị Xuyến, ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN...
Đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu - Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM nhấn mạnh, các bài tham có giá trị học thuật và thực tiễn to lớn, không chỉ đối với giới nghiên cứu mà còn cho các nhà giáo dục, quản lý và những người quan tâm đến văn hóa và con người Việt Nam.
Đặc điểm nổi bật trong các tham luận của hội thảo là sự đa dạng về chủ đề. Các tham luận không chỉ tập trung vào các giá trị truyền thống như văn hóa, lịch sử mà còn nhấn mạnh các thách thức đương đại như toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa và sự phát triển của công nghệ số trong giảng dạy tiếng Việt. Điều này cho thấy ngành Việt Nam học không ngừng đổi mới, mở rộng phạm vi nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thời đại.
Nội dung các bài tham luận thể hiện rõ cách tiếp cận liên ngành, kết hợp giữa ngôn ngữ học, văn hóa học, xã hội học, tôn giáo học, nhân học, và công nghệ thông tin. Việc áp dụng cả phương pháp định tính và định lượng trong nhiều bài tham luận giúp nâng cao tính chính xác, thực tiễn, và ứng dụng của các nghiên cứu. Đây cũng là minh chứng cho xu hướng hiện đại hóa và quốc tế hóa của ngành Việt Nam học.
Các nội dung thảo luận tại hội thảo cũng đã phản ánh tính quốc tế hóa. Các bài tham luận được gửi đến từ các học giả ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Ý và Mỹ, thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng học thuật quốc tế đối với Việt Nam học. Sự hợp tác này không chỉ mở rộng tầm ảnh hưởng của ngành mà còn góp phần xây dựng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Các nội dung này không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam học mà còn mở ra những hướng nghiên cứu mới, khẳng định vai trò của ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho sức sống và sự năng động của ngành Việt Nam học, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng cầu nối tri thức và văn hóa giữa Việt Nam và thế giới” - PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu khẳng định.

Tác giả: Thùy Dung – USSH Media; Ảnh: BTC

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây