Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đồng chủ trì phiên đối thoại.
Tham dự chương trình có các giáo sư chủ tịch, thành viên hội đồng chuyên môn, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN, lãnh đạo phòng/bộ phận KHCN, đại diện nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN.
Tham dự chương trình có các giáo sư chủ tịch, thành viên hội đồng chuyên môn, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN, lãnh đạo phòng/bộ phận KHCN, đại diện nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN.
Chương trình là cầu nối giữa Ban Giám đốc ĐHQGHN với các nhà khoa học đang công tác tại các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN. Đây cũng là diễn đàn chia sẻ, cập nhật thông tin về chính sách khoa học công nghệ (KH&CN) của ĐHQGHN và các bộ, ngành liên quan; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách KH&CN và đề xuất các giải pháp, kiến nghị.
Tại phiên đối thoại, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ Trần Thị Thanh Tú điểm lại kết quả của phiên đối thoại lần thứ hai năm 2024 được tổ chức vào tháng 7/2024. Theo đó, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục được giao làm đầu mối hỗ trợ các ấn phẩm công bố quốc tế xuất bản năm 2023, có 190/197 công trình khoa học từ 10 đơn vị thành viên, trực thuộc đã được thẩm định và đạt điều kiện hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến lên đến hơn 4,5 tỷ đồng.
Về chương trình Thí điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học xuất sắc theo Thông báo số 3138/TB-ĐHQGHN, đến nay, ĐHQGHN nhận được đăng ký của 38 cán bộ khoa học với 173 công trình vượt trội, trong đó có 114 bài báo (01 bài Top 1%, 18 bài Top 5%, 55 bài Q1, 40 bài Q2), 59 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ gồm 54 đơn đăng ký độc quyền sáng chế, 05 đơn đăng ký giải pháp hữu ích. ĐHQGHN đã cấp tạm ứng 50% kinh phí theo số liệu đề xuất đợt 1 là 2,2 tỷ đồng.
Trưởng ban Khoa học - Công nghệ Trần Thị Thanh Tú điểm lại các kết quả của phiên đối thoại lần thứ hai năm 2024
Tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiên phong trong phát triển KH&CN, chính sách đầu tư của ĐHQGHN theo hướng có trọng điểm nhằm thúc đẩy, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhà khoa học xuất sắc thông qua các nhiệm vụ KH&CN. Tổng kinh phí cấp cho các chương trình KH&CN trọng điểm của ĐHQGHN năm 2024 là hơn 40 tỷ đồng, dự kiến năm 2025 con số này là hơn 70 tỷ đồng, trong đó có nhiều nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực KH&CN ưu tiên như: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo chip thế hệ mới và thiết bị thông minh; Nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị các bệnh lý và phát triển sản phẩm từ dược liệu; Chương trình KH&CN phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển; Chương trình công nghiệp văn hóa và sáng tạo; Chương trình Sinh học tổng hợp phục vụ tăng trưởng xanh; Chương trình thúc đẩy kinh tế đổi mới sáng tạo; Chương trình Tài nguyên văn hóa tộc người; Chương trình Phát triển nghiên cứu và ứng dụng Pelletron phục vụ phát triển bền vững.
Tổng kinh phí cấp cho các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm năm 2024 là hơn 13 tỷ đồng. Tổng kinh phí thu hút được từ các nhiệm vụ hợp tác KH&CN trong và ngoài nước năm 2024 là gần 180 tỷ đồng với 92 nhiệm vụ, trong đó 32 nhiệm vụ hợp tác quốc tế và 60 nhiệm vụ hợp tác trong nước.
Tính đến ngày 23/12/2024, các nhà khoa học ĐHQGHN công bố gần 2.000 bài báo quốc tế trên tạp chí ISI/Scopus, tăng 20% so với năm 2023. Đặc biệt, PGS.TS Lê Đức Minh (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) là đồng tác giả của 03 bài báo trên Tạp chí Nature; PGS.TS Lê Thanh Hà cùng nhóm các nhà khoa học Trường ĐH Công nghệ được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp bằng sáng chế cho Hệ thống hỗ trợ giao tiếp bằng chuyển động mắt (Blife); PGS.TS Trần Mạnh Trí là một trong hai nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Chia sẻ về các chính sách KH&CN đang triển khai, Trưởng ban KH&CN Trần Thị Thanh Tú cho biết, ĐHQGHN đã thông báo tới các đơn vị đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp ĐHQGHN năm 2025, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời tiếp tục triển khai chính sách thí điểm hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học xuất sắc đợt 2.
Cùng với đó, ĐHQGHN cũng đang nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển nhà khoa học, nhóm nghiên cứu xuất sắc”. Qua đó, các chính sách hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ tài chính đối với nhà khoa học của ĐHQGHN có nhiều điểm mới đáng kể. Thông qua chính sách thí điểm này sẽ là cơ sở đánh giá việc xác định một trong các tiêu chí cán bộ khoa học xuất sắc hiện nay ĐHQGHN đang xây dựng. Những điểm mới của chính sách này sẽ hỗ trợ thiết thực, góp phần tạo động lực cho cán bộ khoa học phát huy số lượng và đảm bảo chất lượng công bố khoa học.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chia sẻ định hướng chiến lược nhằm phát triển nguồn lực khoa học, xây dựng môi trường nghiên cứu ưu việt tại ĐHQGHN
Phát biểu tại buổi đối thoại, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã chia sẻ những định hướng chiến lược nhằm phát triển nguồn lực khoa học, xây dựng môi trường nghiên cứu ưu việt và nâng tầm ĐHQGHN thành trung tâm khoa học hàng đầu quốc gia và khu vực.
Theo Giám đốc Lê Quân, lãnh đạo ĐHQGHN tập trung vào bốn nhóm nhiệm vụ chính để xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đỉnh cao tại ĐHQGHN. Trước hết là tuyển chọn và thu hút nhân tài xuất sắc. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, hướng đến xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế. Chúng ta cần tìm kiếm và bồi dưỡng những cá nhân xuất sắc nhất để phát triển thành các nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, cần chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ và đầu tư nhằm cung cấp đầy đủ nguồn lực để các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu, triển khai đề tài, và tham gia các chương trình lớn. Đồng thời, phải xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, bảo vệ các nhà khoa học trước các rủi ro và yếu tố bất lợi cũng như khuyến khích đổi mới sáng tạo. Song song với đó là cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy trình liên quan đến quản lý KH&CN, tăng tính minh bạch và hiệu quả, từ đó giúp các nhà khoa học tập trung tối đa vào chuyên môn.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, sứ mệnh của ĐHQGHN là thực hiện trách nhiệm quốc gia, giải quyết các bài toán của thời đại, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng thông qua việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Do đó, ĐHQGHN tập trung đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, bồi dưỡng các nhà khoa học xuất sắc. ĐHQGHN sẽ lựa chọn 50 nhà khoa học xuất sắc nhất trong số hơn 5.000 cán bộ khoa học để tập trung đầu tư vun cao thành những nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế. Đối tượng theo định hướng ưu tiên hỗ trợ của ĐHQGHN là các tiến sĩ trẻ, dưới 40 tuổi. Đây là đội ngũ kế cận cho hoạt động nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu đất nước.
ĐHQGHN cũng khuyến khích các đơn vị thành viên, trực thuộc, các nhóm nghiên cứu/phòng thí nghiệm tăng cường hợp tác với các chuyên gia quốc tế để thực hiện các nghiên cứu có tầm vóc toàn cầu.
Các nhà khoa học tham gia buổi đối thoại đã được Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ Trần Thị Thanh Tú giải đáp các băn khoăn xoay quanh việc thực hiện các chính sách KH&CN trong thời gian qua.
GS. Phạm Hùng Việt cho rằng ĐHQGHN cần đặt mục tiêu tối ưu hóa bộ máy quản lý, từ đó tăng hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống
Chia sẻ quan điểm về mối liên hệ giữa việc tái cấu trúc và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, GS.TS Phạm Hùng Việt cho rằng, ĐHQGHN cần đặt mục tiêu tối ưu hóa bộ máy quản lý, từ đó tăng hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Đồng thời, tập trung đầu tư vào các phòng thí nghiệm trọng điểm và công nghệ tiên tiến, đây chính là nền tảng vững chắc cho đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế. GS. Phạm Hùng Việt cũng cho rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố sống còn để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu toàn cầu trong bối cảnh hội nhập.
GS. Trương Quang Hải nhấn mạnh yếu tố tự chủ đại học là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu
Theo GS.TS Trương Quang Hải, tự chủ đại học là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu; phải tạo ra một môi trường thuận lợi để các trường đại học tự quyết định và chịu trách nhiệm. GS. Trương Quang Hải cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục không cần thiết và tối ưu hóa nguồn lực để hỗ trợ tốt hơn cho các nhà khoa học.
TS. Lê Văn Giang cho rằng hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín sẽ mở ra cơ hội lớn cho ĐHQGHN
TS. Lê Văn Giang – Viện Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hợp tác với các đại học và trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới như Bắc Kinh, Tokyo… và các tổ chức nghiên cứu uy tín trên thế giới sẽ mở ra những cơ hội lớn cho ĐHQGHN. Đồng thời, ông cho rằng, cần hỗ trợ mạnh mẽ các nhóm nghiên cứu trẻ thông qua cấp kinh phí và cơ chế đặc thù, đặc biệt là định hướng vào các sản phẩm khoa học có giá trị ứng dụng cao.
TS. Dương Anh Hào chỉ ra một số thách thức trong quá trình thực tế triển khai hoạt động khoa học tại đơn vị
TS. Dương Anh Hào – Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật chỉ ra một số thách thức trong quá trình thực tế triển khai hoạt động khoa học tại đơn vị. Theo đó, thiếu hụt cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết bị và phòng thí nghiệm, đang là một trở ngại lớn. Vì vậy, cần nhanh chóng đưa ra các cơ chế mới để cải thiện tình trạng này. Nhà khoa học này cũng bày tỏ quan điểm giữ chân nhân tài và phát huy tối đa tiềm năng của họ là nhiệm vụ quan trọng, nếu không, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ “chảy máu chất xám” trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn ký kết hợp đồng giữa Quỹ Phát triển KH&CN với các nhà khoa học được phê duyệt tham gia chính sách thí điểm hỗ trợ tài chính
Trong khuôn khổ chương trình, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã ký kết hợp đồng giữa Quỹ phát triển KH&CN với 04 nhà khoa học được phê duyệt tham gia chính sách thí điểm hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học xuất sắc của ĐHQGHN.
Năm 2024, ĐHQGHN tiếp tục thực hiện nhiều chính sách “vun cao” đầu tư cho các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm trọng điểm và các nhóm nghiên cứu mạnh, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý KH&CN… Năm qua, có thêm 07 nhóm nghiên cứu được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN, nâng tổng số nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN lên 43 nhóm.
Bên cạnh đó, ĐHQGHN còn ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn về sở hữu trí tuệ, chuyển giao và thương mại hoá sản phẩm KH&CN, thành lập và phát triển doanh nghiệp trong ĐHQGHN… Các chính sách này đã được triển khai đồng bộ góp phần giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học để tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN có giá trị cao, nhiều sản phẩm đã và đang được ứng dụng trong thực tiễn góp phần khẳng định uy tín và vị thế của ĐHQGHN trong nền KH&CN của Việt Nam.
Với sứ mệnh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức hàng đầu của đất nước, trong thời gian qua, ĐHQGHN luôn ưu tiên đầu tư, thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong đó, nhiều sản phẩm từ các hoạt động KH&CN của ĐHQGHN đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan, doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cải tiến và đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ; phát triển thị trường cho doanh nghiệp.