Tin tức

GS.NGND Đinh Xuân Lâm: Một hình mẫu người thầy

Chủ nhật - 23/02/2025 22:37
(Báo Lao động) GS.NGND Đinh Xuân Lâm thường được biết đến là một trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam hiện đại (cùng với GS. Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn, GS. Trần Quốc Vượng), góp phần định hình nền sử học Cách mạng của nước Việt Nam độc lập.
Chân dung thầy Đinh Xuân Lâm. Ảnh: Ngô Vương Anh
Người thầy vượt qua chính mình
GS. Đinh Xuân Lâm sinh năm 1925 tại xã Sơn Tân (nay là xã Tân Mỹ Hà), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình quan lại yêu nước. Từ nhỏ, ông theo cha sinh sống ở Thanh Hóa. Năm 1941, ông trở thành học sinh của Trường Quốc học Huế và tốt nghiệp Tú tài toàn phần. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, với tri thức được đào tạo bài bản, GS. Đinh Xuân Lâm nhanh chóng bắt tay vào sự nghiệp giáo dục và công tác tại Trường Trung học Đào Duy Từ của tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1954, miền Bắc được Giải phóng. Mặc dù đã có gần 9 năm làm thầy giáo ở xứ Thanh, ở độ tuổi “chín” của sự nghiệp, ông vẫn ra Hà Nội để được tiếp nhận nền giáo dục Đại học. Sau khi tốt nghiệp Đại học, GS. Đinh Xuân Lâm trở thành lớp cán bộ giảng dạy đầu tiên của ĐH Tổng hợp, thuộc bộ môn Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, Khoa Lịch sử, dưới sự dẫn dắt trực tiếp của GS. Trần Văn Giàu. Từ người thầy giáo xứ Thanh đến giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS. Đinh Xuân Lâm đã có bước chuyển đầu tiên quan trọng trong sự nghiệp.
Trong các nghiên cứu của mình, GS. Đinh Xuân Lâm luôn giữ vững ba nguyên tắc: Nghiên cứu phục vụ Tổ quốc; bảo đảm tính khoa học và hướng đến mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với các sử liệu mới được bổ sung cũng như đổi mới trong không khí học thuật của đất nước, ông đã nhiều lần thay đổi, thậm chí phủ định lại chính mình. Các phân tích của ông về phong trào Giải phóng dân tộc Việt Nam đã mềm mại, biện chứng hơn, chứ không buộc, không quy tất cả vào khuôn mẫu lập luận của đấu tranh giai cấp; đánh giá mới đối với triều Nguyễn, với nhiều nhân vật lịch sử như: Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trường Tộ... cũng trở nên khách quan, công bằng hơn. Do đó, GS. Đinh Xuân Lâm thực sự trở thành một tấm gương của một người thầy luôn đổi mới.
Một người thầy dẫn dắt, kiến tạo
Bên cạnh là một nhà khoa học tài năng, uyên bác, GS.NGND được ngưỡng mộ bởi là một nhà sư phạm mẫu mực cả về tài năng và nhân cách. Gần 2/3 thế kỷ gắn bó với sự nghiệp giáo dục, hơn 60 năm nghiên cứu, 30 năm liên tục làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.NGND Đinh Xuân Lâm đã định hình một phong cách người thầy chuẩn mực nhưng cũng có những nét đặc sắc riêng.
GS. Đinh Xuân Lâm đã đào tạo hàng ngàn học trò trên cả nước. Nhiều nhà khoa học thành danh giữ nhiều trọng trách trong các cơ sở đào tạo, các tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương và các địa phương là học trò trực tiếp của GS. Đinh Xuân Lâm.
Không chỉ có những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo tại ĐH Tổng hợp Hà Nội, GS. Đinh Xuân Lâm còn là người tiên phong truyền bá tri thức khoa học tại những vùng đất xa xôi hoặc những nơi mà Tổ quốc cần. Sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975), GS. Đinh Xuân Lâm đã sớm được mời làm giáo sư thỉnh giảng cho sinh viên Lịch sử năm thứ 2 các khóa: khóa 1 (1975 - 1979), khóa 2 (1976 - 1980), khóa 3 (1977 - 1981) của Trường ĐH Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh khó khăn, thậm chí tương đối “nhạy cảm” những năm 70 của thế kỷ trước, khi Bắc - Nam vừa thống nhất. GS. Đinh Xuân Lâm cũng thuộc thế hệ những nhà giáo đầu tiên thuộc Đoàn chuyên gia giáo dục đại học Việt Nam được cử sang giảng dạy tại Đại học Madagascar vào tháng 8/1981 theo lời mời của nước bạn.
Một người thầy - người cha
Các thế hệ cán bộ, học trò Khoa Lịch sử thường đồng thuận trong cách đánh giá về tính cách con người cũng như phong cách sư phạm của GS. Đinh Xuân Lâm. Đó là phong cách một người thầy - người cha.
GS. Trần Quốc Vượng đánh giá GS Đinh Xuân Lâm “chín chắn hơn mà không đến nỗi rụt rè, thanh thản hơn mà không phù phiếm, ít tham vọng hơn mà không phải không làm việc hết mình cho một kỳ vọng hay một lý tưởng nào đó,... Hành trang trí thức và thế ứng xử của anh có nét tinh tế và nghi thức của văn hóa Huế, có sự trong sáng và thanh tao, có sự lãng mạn nữa,... của văn hóa Pháp”.
Các trang viết của ông không có những từ ngữ đao to búa lớn, mà luôn khúc triết, tường minh nhưng không hiếm những nhận định sắc bén. Ở ông luôn toát ra phong cách đĩnh đạc, lịch lãm nhưng lại gần gũi, cởi mở và có phần dí dỏm.
Thuở sinh thời, GS. Đinh Xuân Lâm từng nói: “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn chọn nghề dạy học”. Câu nói đó đúc kết tình yêu lớn lao và sự kiên định của GS. Đinh Xuân Lâm với sự nghiệp trồng người.
Chưa bao giờ nghề giáo lại đứng trước những thách thức và đổi thay to lớn như hiện nay. Thử thách đối với nghề giáo thì rất nhiều, nhưng có lẽ lớn nhất là thách thức từ bên trong. Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình để thích ứng và phát triển. Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, người thầy càng phải quay về những giá trị cốt lõi. Tìm hiểu và chiêm nghiệm về hình mẫu một người thầy đúng như ý nghĩa cao đẹp của nó - GS. NGND Đinh Xuân Lâm chính là cơ hội để mỗi người chúng ta tìm về những giá trị của khoa học, của yêu thương và đạo đức, củng cố bản lĩnh người thầy, sẵn sàng đón nhận những vận hội mới.
Ngày 25/2/2025, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm tổ chức riển lãm và Tọa đàm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm. Triển lãm và toạ đàm là dịp quy tụ những nhà khoa học, những cơ quan, đơn vị đào tạo, nghiên cứu và hiệp hội được Giáo sư Đinh Xuân Lâm sáng lập, phát triển để cùng tập trung nghiên cứu, tổng kết, tri ân và tôn vinh di sản của Giáo sư. Từ đó, tiếp tục khẳng định một nhân cách, một sự nghiệp Đinh Xuân Lâm trong dòng chảy Sử học, Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam đương đại và tương lai.
Thời gian: 8h00, thứ Ba, ngày 25 tháng 02 năm 2025.
Địa điểm: Nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Chương trình gồm 02 hoạt động:

1. Triển lãm, trưng bày:

Ảnh và các công trình nghiên cứu chọn lọc, khắc họa sự nghiệp và cuộc đời của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm (Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN thực hiện).

2. Tọa đàm khoa học:

- Phiên 1: Cuộc đời và sự nghiệp Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm.
- Phiên 2: Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm trong ký ức của đồng nghiệp và học trò.

Tác giả: TS. Trương Thị Bích Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên KHXH&NV, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây