Tin tức

Địa chí Ninh Thuận đã hoàn thành cơ bản việc biên soạn nội dung bản thảo

Thứ tư - 25/12/2024 21:30
Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Lấy ý kiến về các nội dung khoa học bản thảo công trình Địa chí Ninh Thuận” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận tổ chức vào ngày 25/12/2024 tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV (đơn vị chủ trì), Ban Chủ nhiệm, các tác giả tham gia biên soạn đề tài và đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.
Về phía tỉnh Ninh Thuận, có sự tham gia và chỉ đạo trực tiếp của ông Trần Minh Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện đề tài Địa chí Ninh Thuận; ông Nguyễn Bắc Việt - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận; ông Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận; ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận.
DSC05020
Toàn cảnh Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Lại Quốc Khánh chia sẻ: “Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN là một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn với định hướng là kiên định triết lý “hàn lâm làm nền tảng, hiện đại là xu hướng”, đẩy mạnh các sản phẩm khoa học chất lượng cao, tăng cường hợp tác với địa phương và phục vụ cộng đồng. Trong đó tiêu biểu là chủ trì, tổ chức biên soạn bộ địa chí quốc gia và các bộ địa phương chí. Được sự tin tưởng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao chủ trì triển khai thực hiện đề tài Địa chí Ninh Thuận, Trường ĐHKHXH&NV đã huy động đội ngũ đông đảo cán bộ, các nhà nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài trường tham gia triển khai thực hiện đề tài. Sau một thời gian khẩn trương, nghiêm túc thực hiện, với sự hỗ trợ, đồng hành, tạo điều kiện của Tỉnh uỷ, UBND, Ban Tuyên giáo, các sở ban ngành địa phương, đến nay đề tài đã cơ bản hoàn thiện về các nội dung khoa học. Hội thảo hôm nay là một trong những khâu quan trọng trong quy trình thực hiện đề tài, là cơ hội để Ban Chủ nhiệm và các thành viên biên soạn lắng nghe các ý kiến trao đổi, góp ý từ các chuyên gia, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề tài Địa chí Ninh Thuận đảm bảo chất lượng, tiến độ cao nhất. Thành công của công trình chính là sự khẳng định uy tín, cam kết với địa phương, góp phần vào quá trình hợp tác lâu dài, bền vững giữa Trường ĐHKHXH&V và tỉnh Ninh Thuận trong hiện tại và tương lai”.
DSC04996 copy
GS.TS Lại Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội thảo “Lấy ý kiến về các nội dung khoa học bản thảo công trình Địa chí Ninh Thuận” do VNU-USSH chủ trì tổ chức ngày 25/12/2024

Các hạng mục của công trình đã cơ bản hoàn thành việc biên soạn nội dung

Theo báo cáo của TS Đinh Đức Tiến (Chủ nhiệm nhiệm vụ): “Biên soạn Địa phương chí nói chung, Địa chí Ninh Thuận nói riêng là để tổng hợp hệ thống dữ liệu từ quá khứ đến đương hiện, nhằm đánh giá thực trạng, trữ lượng, tiềm năng mọi mặt của địa phương… làm căn cứ khoa học cho lãnh đạo Tỉnh và các cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển trong tương lai. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt thuyết minh đề tài Địa chí Ninh Thuận và giao Trường ĐHKHXH&NV chủ trì triển khai thực hiện với thời gian 16 tháng (bắt đầu tháng 12/2023 và kết thúc tháng 03/2025). Địa chí Ninh Thuận bao gồm 5 quyển: Quyển 1: Địa lí hành chính; Quyển 2: Lịch sử; Quyển 3: Văn hoá; Quyển 4: Tư tưởng tôn giáo, Quốc phòng và An ninh và Quyển 5: Kinh tế - xã hội. Cho đến nay, các nhóm biên soạn đã hoàn thành 95% khối lượng công việc.
Hội thảo khoa học Lấy ý kiến về các nội dung khoa học bản thảo công trình Địa chí Ninh Thuận là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện biên soạn, với mục tiêu tập trung vào đánh giá, góp ý những vấn đề về nội dung chuyên môn của các quyển. Trên cơ sở tham khảo các ý kiến của các nhà khoa học, đội ngũ biên soạn sẽ tiến hành chỉnh sửa, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện những mục đang còn lại trước khi thẩm định, nghiệm thu”.

DSC05034

TS Đinh Đức Tiến (chủ nhiệm đề tài) trình bày báo cáo kết quả triển khai biên soạn Địa chí Ninh Thuận 

Tại hội thảo, đại diện chủ biên, nhóm biên soạn từng quyển đã trình bày tham luận chia sẻ kết quả thực hiện, thuận lợi, khó khăn phát sinh, điều chỉnh thay đổi trong quá trình biên soạn.

DSC05024

GS.TS Lại Quốc Khánh, GS.TSKH Vũ Minh Giang, ông Trần Minh Nam chủ trì Phiên thứ nhất Hội thảo
 

DSC05078

Ông Nguyễn Long Biên, TS Đinh Đức Tiến, GS.TS Nguyễn Văn Kim chủ trì Phiên thứ hai Hội thảo

TS Giang Văn Trọng (Viện Việt Nam học và KHPT, ĐHQGHN) khẳng định giá trị khoa học thực tiễn của nhiệm vụ biên soạn Địa chí Ninh Thuận: “Địa chí là một loại hình biên soạn quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tri thức địa phương, đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện phục vụ nghiên cứu, quy hoạch và quản lý. Bộ Địa chí Ninh Thuận, là công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, mang đến bức tranh toàn diện về các đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, và văn hóa của tỉnh Ninh Thuận”. Thay mặt nhóm biên soạn, TS Giang Văn Trọng cho biết hiện nay Quyển 1 cơ bản hoàn thành việc biên soạn, chỉ còn một số mục phải lược bỏ, thay thế bằng mục khác do không có tư liệu hoặc không có trên thực tiễn (như hạ tầng đá biến chất,...). Để góp phần nâng cao chất lượng bản thảo, trong quá trình đọc chéo nội bộ, chúng tôi nhận thấy có một số điểm cần tiếp tục chỉnh sửa: nội dung một số mục còn khá chung chung, sơ sài, chưa có thống kê chi tiết, nhiều nội dung trùng lặp ở các mục (giới thiệu về địa giới hành chính), số liệu chưa cập nhật và thiếu thống nhất. Vấn đề bản quyền của các hình ảnh, bản đồ, lược đồ cũng là vấn đề các tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn, rất mong sự hỗ trợ từ phía ban ngành địa phương”.
 

DSC05039


ThS Trần Xuân Hùng (VNU-USSH) chia sẻ thêm về những khó khăn trong hạn chế về tư liệu, đặc biệt thiếu bản đồ hành chính, thông tin về diên cách, địa giới hành chính, tên gọi thiếu thống nhất trong các tài liệu và có sự thay đổi qua thời gian; việc tổ chức điền dã cũng hạn chế do khoảng cách địa lí,… Vì vậy, nhóm biên soạn bày tỏ mong muốn địa phương hỗ trợ đẩy mạnh việc số hoá các tư liệu, nhất là bản đồ hành chính, không chỉ phục vụ trước mắt cho biên soạn Địa chí Ninh Thuận mà tư liệu tham khảo hữu ích lâu dài.

DSC05048


Với kết quả đã hoàn thành 222 mục trên tổng số 227 mục của Quyển 2 bao gồm nội dung về biên niên lịch sử, nhân vật lịch sử, di tích, di vật Ninh Thuận, TS Nguyễn Hữu Mạnh (VNU-USSH) chia sẻ kinh nghiệm về sự gắn kết, huy động sự đóng góp, tham gia của các chuyên gia, nhà quản lí, nhà nghiên cứu tại địa phương, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong nội bộ nhóm biên soạn Quyển để tự đọc chéo, phát hiện điểm chưa phù hợp để cùng chỉnh sửa, bổ sung, đảm bảo sự thống nhất trong văn phong, chất lượng.
Đại diện nhóm biên soạn phần Lịch sử Ninh Thuận giai đoạn cận hiện đại, TS Phạm Minh Thế (VNU-USSH) đã nhấn mạnh kết quả thực hiện, các mục đã được biên soạn đảm bảo đúng nguyên tắc toàn diện, khách quan, thống nhất liên hệ chặt chẽ đặt trong bối cảnh lịch sử thế giới, quốc gia, vùng; không sa đà vào việc mô tả lịch sử địa phương quá chi tiết. Văn phong đảm bảo tính khoa học, nhưng cũng gần gũi, dễ hiểu, dễ đọc để nhiều người có thể tiếp cận một cách dễ dàng, đặc biệt các giáo viên tham khảo để biên soạn nội dung giảng dạy về lịch sử địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông.
 

DSC05052


TS. Nguyễn Văn Phong (Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN) báo cáo các kết quả thực hiện biên soạn Quyển 4 vềTư tưởng, tôn giáo, Quốc phòng - an ninh, trong đó nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả giữa đội ngũ tác giả tại Hà Nội và các chuyên gia tại địa phương, trong đó có nhiều học giả người Chăm am hiểu sâu sắc về đời sống văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng tại địa phương.
 

DSC05096


Công trình biên soạn công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học và thực tiễn cao

Chúc mừng kết quả của nhóm biên soạn, đồng chí Trần Minh Nam (Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Thuận)nhấn mạnh: “Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Thuận vô cùng tin tưởng, yên tâm khi nhiệm vụ được triển khai bởi đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, giàu tâm huyết đến từ Trường ĐHKHXH&NV và một số cơ quan nghiên cứu trong cả nước. Mặc dù thời gian triển khai gấp rút, khoảng cách địa lí xa xôi, nhưng kết quả đạt được đến thời điểm hiện tại là rất đáng ghi nhận, cho thấy sự lao động công phu, nghiêm túc, cẩn trọng với phương pháp hết sức khoa học. Đây là một công trình quan trọng chào mừng Đại hội Đảng bộ Tỉnh vào tháng 9/2025, hi vọng rằng trong tháng 8 công tác xuất bản sẽ được hoàn tất”.
 

DSC05054

Về một số đề xuất của phía ban biên soạn, phía địa phương hoàn toàn ủng hộ, hỗ trợ tối đa: sẵn sàng cung cấp dữ liệu cập nhật nhất (số đơn vị phường xã hành chính sau sáp nhập, tinh gọn; số liệu thống kê mới nhất các ngành,…). Hình ảnh, bản đồ tham khảo thuộc bản quyền của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, Ban Tuyên giáo sẽ có văn bản chỉ đạo để nhóm biên soạn được phép sử dụng cho biên soạn công trình Địa chí Ninh Thuận. Bên cạnh đó, sau khi bản thảo hoàn thiện, địa phương sẽ sẵn sàng tham gia phản biện, rà soát, góp ý với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Ông Nguyễn Bắc Việt (Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận) bày tỏ sự vui mừng khi công trình sắp hoàn thành đáp ứng mong mỏi của lãnh đạo, nhân dân địa phương trong nhiều năm về việc biên soạn công trình khoa học quy mô, toàn diện về mọi mặt của tỉnh. Với kết quả thực hiện đến hiện tại tôi tin tưởng chắc chắn công trình hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng cao nhất. Ông Nguyễn Bắc Việt mong muốn các nhà khoa học sưu tầm tư liệu để khẳng định được chi tiết Bác Hồ đã dừng chân tại Ninh Thuận (địa danh và thời gian cụ thể).
 

DSC05063


TS Nguyễn Đình Hoà, đến từ Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu, biên soạn của nhóm tác giả: “Thông tin trong Quyển 5  chính thống, cập nhật và trích dẫn rõ ràng, ngôn ngữ dễ hiểu, phục vụ đại chúng; đảm bảo tiếp cận liên ngành, góc nhìn đa diện, đa chiều và phát triển bền vững. Không chỉ phân tích hoạt động kinh tế thế mạnh, đặc thù của tỉnh mà còn chỉ ra những thách thức, tiềm năng để Ninh Thuận có thể phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Trong quá trình hoàn thiện, các tác giả có thể bổ sung, nhấn mạnh thêm một số lĩnh vực thế mạnh, mô hình mới của Ninh Thuận (như Điện gió Ninh Thuận) thì cuốn sách thực sự có giá trị khoa học và thực tiễn rất cao. 

DSC05077


Về lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật, trên cơ sở khẳng định tầm quan trọng của việc biên soạn địa chí đối với quản trị quốc gia, địa phương, PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trưởng khoa Văn học, VNU-USSH) đã nhấn mạnh ý nghĩa, kết quả đạt được trong việc sưu tầm, bảo tồn giá trị văn hoá đặc sắc của Ninh Thuận thông qua việc biên soạn địa phương chí. “Việc biên soạn nội dung Quyển 3 về Văn hoá Ninh Thuận đối diện rất nhiều khó khăn như thiếu vắng tư liệu (đặc biệt giai đoạn từ 1945-1975), một số tư liệu công trình nghiên cứu không tránh khỏi những định kiến, “ý đồ” mang tính chính trị, các tác giả biên soạn đã cố gắng tham khảo đa dạng các nguồn tài liệu với tinh thần phản biện, cẩn trọng cao nhất; tận dụng tối đa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước để có thể chắt lọc và khẳng định được những giá trị văn hoá đặc sắc của vùng đất Ninh Thuận trong công trình này.

DSC05085

TS Nguyễn Huy Bỉnh khẳng định thêm: “Về phương pháp nghiên cứu đây là cách tiếp cận rất mới, tiệm cận với cách biên soạn bách khoa thư, hướng tiếp cận hiện đại, khả thi và phù hợp hiện nay, giúp đem lại hệ thống thông tin tri thức rất toàn diện nhưng cũng rất chuyên sâu, đảm bảo mọi mặt về một địa phương. Quyển Văn hoá, cơ bản đảm bảo nguyên tắc cao nhất của địa chí: bao quát những vấn đề cơ bản nhất của địa phương, trình bày tuần tự, liền mạch, cập nhật tài liệu cả trong nước và nước ngoài, khai thác tối đa nguồn tư liệu thư tịch kết hợp kết quả điền dã”.

DSC05092


Đề xuất nhiều ý kiến thiết thực để nâng cao chất lượng của bản thảo

Tại hội thảo, bên cạnh việc khẳng định giá trị khoa học, thực tiễn của nội dung, thông tin đã được biên soạn, các nhà khoa học cũng đóng góp một số ý kiến nhằm nâng cao chất lượng của công trình như: Tất cả các mục đều phải tuân theo một cấu trúc chung đảm bảo tính chỉnh thể, thống nhất, một số chỗ còn viết chung chung, khá lan man cần đi sâu phân tích những đặc trưng văn hoá, hiện tượng, sự kiện đặc sắc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Phiên âm tiếng địa phương cũng thống nhất  đảm bảo tính khách quan, chính xác; Cần chú ý dành sự quan tâm phù hợp đến tất cả chủ thể tộc người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vừa với tư cách là chủ thể sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: “Ninh Thuận là tỉnh điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt “gió như phan mà nắng như rang” nhưng chính những bất lợi ấy lại tạo nên những đặc thù của riêng Ninh Thuận về kinh tế, văn hoá, du lịch. Vì vậy chúng tôi mong muốn các tác giả cố gắng nêu bật giá trị đặc trưng riêng biệt, nổi bật nhất của Ninh Thuận, đồng thời cập nhật bổ sung những điểm nhấn rất mới: tái khởi động hai nhà máy điện hạt nhân, làng gốm Chăm được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp,… trong công trình này.

DSC05098


Ông Nguyễn Bắc Việt mong muốn tác giả dành sự quan tâm làm nổi bật hơn nữa đóng góp của cộng đồng người Raglai trong lịch sử, kinh tế, văn hoá của Ninh Thuận. Dân tộc Raglai là dân tộc trung kiên với cách mạng với những người anh hùng nổi tiếng, đồng thời cũng là chủ nhân của bộ sử thi, trường ca rất đặc sắc.

Kết luận Hội thảo, GS.TS Vũ Minh Giang một lần nữa nhấn mạnh: “Tại hội thảo này, một lần nữa chúng ta cần thống nhất cách hiểu về địa chí, cách làm địa chí. Địa chí không phải là một tập hợp dữ liệu về một địa phương mà nó là hệ tri thức đã được rút ra trên cơ sở xử lí, phân tích, đối chiếu, so sánh các tư liệu, thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, đảm bảo các nguyên tắc: chính thống, căn bản, toàn diện, hiện đại, cập nhật. Từ đó, tri thức trong các cuốn địa chí mới thực sự là nguồn tham khảo đáng tin cậy, có giá trị cho việc hoạch định chính sách phát triển địa phương hay quốc gia.
Với một thời gian ngắn khoảng 2/3 thời lượng triển khai của Đề tài, nhưng nhóm biên soạn đã hoàn thành hơn 95% khối lượng công việc. Đó là một kết quả rất đáng mừng, khẳng định nỗ lực vượt bậc của các nhà khoa học, đồng thời cũng cho thấy sự đồng thuận, tạo điều kiện mạnh mẽ, hiệu quả của địa phương. Các kết quả nghiên cứu đến hiện nay đã được các nhà khoa học đánh giá cao về giá trị khoa học, sự chuẩn mực, đáng tin cậy, đảm bảo đầy đủ nguyên tắc đặt ra.
Tuy nhiên, cũng tại hội thảo này, các nhà khoa học cũng lưu ý một số điểm cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Bản thảo cần phải có sự phản biện, đánh giá của những chuyên gia, nhà quản lí, trí thức tại địa phương; thông tin cần cập nhật mới nhất có thể; hình ảnh minh hoạ sinh động, phong phú, đảm bảo vấn đề bản quyền; gia cố, nâng cấp nội dung để nêu bật được giá trị đặc sắc, đặc trưng, độc đáo của riêng Ninh Thuận.
GS.TS Vũ Minh Giang đặc biệt lưu ý về yêu cầu tiến độ: nhóm biên soạn cần phải gấp rút hoàn thiện 100% công việc biên soạn bản thảo, sau đó lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, thẩm định nghiệm thu và hoàn thành ra mắt bộ sách chậm nhất vào tháng 8/2025 phục vụ nhiệm vụ chính trị của Tỉnh.

DSC05110


Thay mặt Ban lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương chúc mừng thành công của hội thảo, chúc mừng các nhà khoa học đã có kết quả bước đầu hết sức khả quan. Với vai trò đầu mối chủ trì biên soạn, Trường ĐHKHXH&NV cam kết huy động, tạo điều kiện để các nhà khoa học gấp rút triển khai các công việc còn lại theo đúng quy trình, hoàn thành tiến độ biên soạn với chất lượng cao nhất. Đây là một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, đồng thời cũng là minh chứng rõ nét cho mô hình phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo, nghiên cứu với các địa phương, để tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, lan toả tri thức, giá trị cho cộng đồng.
 

DSC05123
 
DSC05115

Ông Trần Minh Nam (Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Ninh Thuận) trao tặng quà lưu niệm tới Trường ĐHKHXH&NV

DSC05127

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm


 

 

 

 


 



 

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây