Tin tức

USSH đồng hành cùng Bộ GD&ĐT xây dựng và hướng dẫn triển khai Thông tư 02 về Khung năng lực số cho người học

Chủ nhật - 13/07/2025 20:30
Tại hội thảo với chủ để “Triển khai khung năng lực số cho sinh viên - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 11/7/2025 vừa qua với sự tham dự của đại diện các Vụ, Cục từ Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và hơn 200 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) đã có nhiều tham vấn để triển khai Thông tư 02 vào thực tiễn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ tháng 1/2025, Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học. Khung năng lực số này đóng vai trò làm cơ sở để các trường xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, phát triển chương trình giáo dục, đồng thời là nền tảng cho việc biên soạn tài liệu học tập và tài liệu hướng dẫn nhằm hỗ trợ người học phát triển năng lực số một cách bài bản.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: RMIT
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đồng hành trong xây dựng và triển khai khung năng lực số
Từ năm 2020, VNU-USSH đã hợp tác cùng Tập đoàn Meta triển khai dự án nâng cao năng lực số cho sinhh viên. Kết quả hợp tác này là khung năng lực số dành cho sinh viên chính thức được nhà trường công bố vào tháng 5/2024. Trên cơ sở kết quả này, VNU-USSH đã được Bộ GD&ĐT đề nghị hỗ trợ xây dựng Khung năng lực số dành cho người học. Tháng 1/2025, Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT quy định về Khung năng lực số dành cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tiếp theo thành công của dự án năng lực số, từ năm 2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp thục hợp tác với Tập đoàn Meta trong dự án nâng cao năng lực sử dụng AI cho giảng viên và sinh viên của Nhà trường. Hơn 250 giảng viên và chuyên viên và 1.000 sinh viên được đào tạo về AI. Một trong những kết quả trong trọng là Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên sẽ được giới thiệu trong tháng 7/2025.
Công nghệ vì con người, đào tạo năng lực số thông qua trải nghiệm
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dẫn lại triết lý giáo dục của John Dewey (1859 – 1952), “Hãy chấm dứt việc coi giáo dục là sự chuẩn bị đơn thuần cho cuộc sống tương lai, hãy coi giáo dục như là ý nghĩa đầy đủ của đời sống đang diễn ra trong hiện tại”.
PGS.TS. Đỗ Văn Hùng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: RMIT
PGS Hùng cho rằng triết lý “Giáo dục là cuộc sống” của Dewey đã góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội về bản chất của giáo dục. Vì giáo dục chính là cuộc sống nên chương trình học cần gắn liền với thực tiễn và các hoạt động trải nghiệm. Kiến thức không nên chỉ là sự áp đặt từ bên ngoài mà phải được hình thành qua trải nghiệm thực tế của người học. Quá trình giáo dục cần lấy người học làm trung tâm, thay vì lấy người dạy làm trung tâm. Tư tưởng này cũng đặc biệt phù hợp trong bối cảnh phát triển năng lực số hiện nay, nơi người học cần được chủ động, sáng tạo và làm chủ trải nghiệm học tập của chính mình.
PGS. Hùng nhấn mạnh: ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chúng tôi không chỉ đào tạo người biết sử dụng công nghệ, chúng tôi nuôi dưỡng những công dân số có tính nhân văn, bản sắc và trách nhiệm.  Theo ông, chiến lược tiếp cận năng lực số của nhà trường được phát triển dựa trên nền tảng nhân văn, với định hướng tích hợp giữa công nghệ và các giá trị nhân văn trong chương trình đào tạo. Nhà trường xác định là: “Công nghệ vì con người - Con người làm chủ công nghệ”.
Về mặt triển khai, Nhà trường xác lập chuẩn đầu ra về năng lực số và năng lực AI, triển khai đổi mới chương trình đào tạo, tích hợp sâu yếu tố công nghệ số vào từng học phần. Song song đó, giáo dục khai phóng và trách nhiệm xã hội được lồng ghép vào các hoạt động đào tạo số nhằm phát triển toàn diện người học. Một loạt học phần chuyên biệt liên quan đến năng lực số và AI cũng được xây dựng. Các hội thảo, khóa học về năng lực số, AI với chiều sâu nhân văn được tổ chức thường xuyên để nâng cao năng lực cho giảng viên và sinh viên. Nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy hệ sinh thái học tập số lấy người học làm trung tâm, thông qua kết nối và hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, các trường đại học trong và ngoài nước.
Đưa năng lực số vào từng môn học, phối hợp đa bên trong triển khai khung năng lực số
Các chuyên gia tham dự hội thảo đều thống nhất cần xây dựng một hệ sinh thái giáo dục hiện đại, trong đó chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng tích hợp năng lực số và trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Trong đó năng lực số và trí tuệ nhân tạo được lồng ghép xuyên suốt trong chương trình đào tạo nhằm chuẩn bị cho người học sẵn sàng trước những biến đổi của thời đại.
Các chuyên gia và nhà khoa học tham gia phiên thảo luận triển khai năng lực số vào thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam: ảnh RMIT
Phát triển năng lực số cho người học đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các bên liên quan. Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) đóng vai trò trung tâm trong việc hoạch định chính sách và định hướng chiến lược. Các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm thiết kế chương trình giảng dạy và tạo môi trường học tập số. Người dạy là lực lượng then chốt trong việc truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng số một cách sáng tạo và nhân văn. Người học là trung tâm của quá trình này, cần được khuyến khích phát triển tư duy phản biện, làm chủ công nghệ. Gia đình đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ tâm lý và định hướng sử dụng công nghệ lành mạnh. Cuối cùng, các tổ chức sử dụng lao động góp phần định hình yêu cầu thực tiễn, giúp kết nối năng lực số với thị trường lao động. Sự phối hợp hiệu quả giữa các bên sẽ tạo nên hệ sinh thái giáo dục số toàn diện và bền vững.
 Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là sự thay đổi về công nghệ, mà còn đòi hỏi một cuộc cách mạng về tư duy - từ cách dạy, cách học đến cách hiểu về vai trò của giáo dục trong xã hội số. Trong tiến trình đó, phát triển công dân số không thể tách rời khỏi nền tảng nhân văn, bởi công nghệ chỉ thực sự có ý nghĩa khi phục vụ con người một cách có đạo đức, trách nhiệm và tôn trọng sự đa dạng. Các trường đại học, với vai trò là trung tâm tri thức và đổi mới, cần cùng nhau định hình một tương lai giáo dục số mang tính trách nhiệm, bao trùm và nhân văn - nơi mọi sinh viên đều được trang bị năng lực số gắn với tư duy phản biện, bản sắc cá nhân và tinh thần công dân toàn cầu.
Toàn cảnh hội thảo “Triển khai khung năng lực số cho sinh viên - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”
PGS.TS. Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thứ 3 từ trái sang) tại hội thảo

Tác giả: FLIS Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây