Tin tức

(ĐCSVN) Tiếng Việt kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế

Thứ tư - 03/07/2024 22:45
Không chỉ là sợi dây gắn kết mọi người dân nước Việt, tiếng Việt còn là chiếc cầu hữu nghị kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế, giúp họ thêm yêu mến và gắn bó hơn với đất nước, con người Việt Nam. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) tự hào là ngôi nhà quy tụ rất nhiều người nước ngoài yêu thích tiếng Việt và văn hoá Việt Nam đến học tập.

Ngôn ngữ là chìa khoá mở cánh cửa trong hành trình học tập

Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện có khoảng 22 nghìn lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại trên 160 cơ sở đào tạo Việt Nam. Trong 5 năm gần đây (2016-2022), Việt Nam tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình, hằng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, cùng với xu hướng đào tạo của các nước trên thế giới, lấy nền tảng ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên trong hành trình học tập đầy hứa hẹn nhưng cũng nhiều thử thách, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam luôn xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng giảng dạy, học tập của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực tiếng Việt luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

"Việc dạy và học tiếng Việt khong chỉ là việc giảng dạy ngôn ngữ, trang bị công cụ tiếp thu kiến thức mà còn là việc quảng bá văn hoá, lan toả bản sắc dân tộc và nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hoá cho lựu học sinh đang học tại Việt Nam nói riêng, người nước ngoài và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam nói chung"

(Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc)

Nhằm tạo thêm sân chơi bổ ích cho tất cả lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam, năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài với quy mô cả nước. Đây là cơ hội để các bạn lưu học sinh nước ngoài, các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam, các thầy cô giáo có thêm diễn đàn để giao lưu chuyên môn, văn hóa, nuôi dưỡng và vun đắp tình hữu nghị trên cơ sở ngôn ngữ chung là Tiếng Việt, đồng thời góp phần quảng bá giáo dục, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

USSH Hung bienTV2033 2
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam” năm 2023
 
Được phát động vào tháng 8/2023, trải qua 3 vòng thi sơ khảo tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam, Cuộc thi thu hút hơn 600 lưu học sinh đến từ 15 quốc gia đang học tập ở 63 cơ sở đào tạo của Việt Nam đăng ký tham gia. Có 12 đội thi đại diện cho 12 cơ sở đào tạo gồm lưu học sinh đến từ các nước Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Australia đã vượt qua 63 đội đăng ký thi để tranh tài tại vòng Chung kết toàn quốc diễn ra vào tháng 12/2023.
Với chủ đề “Việt Nam trong tôi", các thí sinh đã khai thác chủ yếu về đặc trưng văn hóa Việt Nam, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn, tình đoàn kết hữu nghị và có góc nhìn rất thú vị về những trải nghiệm lần đầu tại Việt Nam. Mỗi bài thi là sự kết hợp độc đáo về thuyết trình, kể chuyện, diễn kịch, ngâm thơ, đọc ca dao và hát bằng tiếng Việt, tạo nên những bài dự thi đa sắc màu vô cùng ấn tượng. Các thí sinh không chỉ sử dụng tiếng Việt thuần thục mà có sự hiểu biết rất sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam và thực sự đã hòa mình vào văn hóa Việt Nam.
 

Tiếng Việt Chạm vào trái tim thế giới

Đó là tên phần dự thi của nhóm 8 sinh viên nước ngoài (đến từ  Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) tại vòng Chung kết Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023. Nhóm lưu học sinh đến từ 8 quốc gia: Nga, Ukraine, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc và Việt Nam đã mặc áo bà ba, áo dài, trang phục của liền anh liền chị khi hát quan họ để thể hiện tiếng Việt lớn lên cùng với văn hóa lịch sử dân tộc, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Với nội dung giàu ý nghĩa và phần trình bày xuất sắc, tiết mục đã giành giải Nhất chung cuộc.

giai nhat

3 thành viên của đội đến từ  Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tham gia hùng biện. (Ảnh: NVCC) 

Chia sẻ với chúng tôi về tiết mục dự thi, em Okabe Chikara (Nhật Bản) – 1 trong 3 người tham gia hùng biện cho biết: “Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã vinh danh nhiều nhân vật nổi tiếng của Việt Nam, nhiều người trong số đó là nhà thơ, nhà văn và họ đã dùng tiếng Việt để chạm đến tâm hồn, trái tim của người đọc ở khắp nơi trên thế giới. Chẳng hạn, tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du được yêu mến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, được dịch ra 20 thứ tiếng khác nhau. Đó chính là ý tưởng cho chủ đề cho phần thi “Tiếng Việt chạm vào trái tim thế giới” của chúng em. Thông qua phần thi, chúng em muốn thể hiện tình yêu với tiếng Việt và văn hoá Việt”.

Nói về quá trình tập luyện, em Mizuguchi Sayo (Nhật Bản) - một thành viên khác của đội cho biết: “Chúng em đã lên kế hoạch rất chặt chẽ cho việc tập luyện để tận dụng tối đa thời gian. Ngoài 2-3 buổi tập mỗi tuần với thầy đạo diễn và vài tiếng tập luyện phát âm với các thầy cô trong khoa, chúng em còn tự tập ở nhà. Trong quá trình luyện tập của cuộc thi này, em được các thầy cô sửa phát âm rất nhiều. Từ đó, khi nói tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày, em chú ý hơn để phát âm chính xác. Bên cạnh đó, tiết mục của chúng em bao gồm dân ca của 3 miền nên em đã luyện tập hát nhiều. Đối với người nước ngoài như em, điệu và nhịp của dân ca truyền thống của Việt Nam rất khó nên em đã phải cố gắng để có thể hoàn thành tốt phần thi”.

Học tiếng Việt để yêu tiếng Việt hơn

 
 "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du là một trong những cuốn sách mà Okabe rất yêu thích. (Ảnh: Thu Lan)

Okabe Chikara hiện là sinh viên năm thứ tư của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Em có khả năng nói tiếng Việt trôi chảy và vốn từ phong phú. Okabe chia sẻ, ngoài việc học tập theo các chương trình trên lớp, em cũng thường xuyên trau dồi tiếng Việt thông qua việc đọc sách báo, xem tivi và rất chú ý việc nghe và nói trong cuộc sống hàng ngày. Okabe rất ấn tượng với những tiếng rao và có khả năng “bắt chước” rất giống tiếng rao của những người bán hàng.

Okabe cho biết, em đã sống ở Việt Nam nhiều năm và cảm thấy gắn bó, thân thiết với Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. “Em đi lại bằng xe máy và thông thạo nhiều nhiều tuyến đường của Hà Nội. Em hay đội mũ bảo hiểm màu xanh (giống màu của những người lái xe ôm công nghệ) nên nhiều lần được người dân hỏi đường. Điều đó khiến em cảm thấy rất vui”, Okabe nói.

Cũng như Okabe, em Mizuguchi Sayo tích cực học tiếng Việt từ nhiều kênh khác nhau. Mizuguchin đã học tiếng Việt được khoảng 5 năm, trong đó gồm 2 năm học tiếng Việt ở một trường cao đẳng bên Nhật. Sau khi nhập học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, em học theo sách giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài và đọc các bài báo bằng tiếng Việt. Gần đây em hay sử dùng TikTok để luyện kĩ năng nghe, hiểu và đặc biệt là chương trình bản tin VTV24 để vừa hiểu tiếng Việt vừa cập nhật nhanh tin tức về Việt Nam.

Ba sinh viên (lần lượt từ trái qua phải): Peter Stuart Meese (Mỹ), Sotnichenko Ivan (Ukraine), Okabe Chikara (Nhật Bản) đọc sách tại Thư viện của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. (Ảnh: Kiều Giang)

Đến Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), chúng tôi được tham quan những góc học tập xinh xắn của các sinh viên.  Sinh viên Peter Stuart Meese (Mỹ) khá lớn tuổi, anh là giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội. Vì muốn có thể truyền đạt tốt hơn tới các em học sinh Việt Nam, anh Peter quyết tâm học tiếng Việt. “Tôi thấy khi học tiếng Việt, thì học ngữ pháp là khó nhất” - anh Peter bày tỏ.

Trong khi đó, em Sotnichenko Ivan (Ukraine) - sinh viên năm nhất chia sẻ về động lực học tiếng Việt: “Em muốn học tốt tiếng Việt để có thể chơi và nói chuyện với nhiều bạn bè Việt Nam”. Sotnichenko Ivan theo bố mẹ sang Việt Nam làm việc và em theo học tại một ngôi trường quốc tế ở Hà Nội từ những năm học trung học phổ thông. Em chọn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho bậc đại học của mình và bồi dưỡng khả năng tiếng Việt tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt.

Khi tiếp xúc với các sinh viên nước ngoài tại Hà Nội, một cảm nhận chung mà chúng tôi nhận thấy là sự gần gũi, thân thiện cho dù sinh viên đó đến từ quốc gia nào. Cùng nhau ngồi uống trà đá vỉa hè, nói những câu chuyện thường nhật về cuộc sống ở Việt Nam,… những điều đó đã giúp chúng tôi không còn khoảng cách hay sự khác biệt về văn hoá. Và ngôn ngữ tiếng Việt - chính là chiếc cầu nối để chúng tôi chuyện trò, trao đổi và trở thành bạn bè thân thiện với nhau./.

>>>>>>Tin bài liên quan:

Bài 1: Sợi dây kết nối kiều bào với nguồn cội

Bài 2: Chung tay lan tỏa tình yêu tiếng Việt

Bài 3: Những sứ giả truyền cảm hứng học tiếng Việt

Tác giả: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây