Tin tức

Sức lôi cuốn và thách thức từ công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

Thứ tư - 12/06/2024 23:02
Nằm trong khuôn khổ Dự án “Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học” (Dự án PHER) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Tọa đàm khoa học với chủ đề “Sức lôi cuốn và thách thức từ công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn” tổ chức ngày ngày 12/06 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) đã nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều nhà khoa học, giảng viên.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV nhấn mạnh: Là trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, VNU-USSH luôn dành sự quan tâm và hỗ trợ các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên nhà trường trong nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế. 
Với sự hợp tác và đồng hành của Dự án PHER, Trường ĐH KHXH&NV đã tổ chức thành công Khóa tập huấn Kỹ năng viết đề xuất nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn vào cuối tháng 5 vừa qua và nhận được phản hồi tích cực từ các nhà khoa học và giảng viên tham dự. 
Tiếp nối thành công đó, Tọa đàm “Sức lôi cuốn và thách thức từ công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn” được tổ chức để các nhà khoa học, giảng viên trao đổi, thảo luận về những yếu tố cần thiết để viết các bài báo chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế; những khó khăn, thách thức trong quá trình đó và cách thức vượt qua khó khăn, thách thức để có thể có các xuất bản phẩm khoa học chất lượng cao, có uy tín. 
Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường bày tỏ mong muốn dự án PHER sẽ là cầu nối liên kết Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN với nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu trên thế giới, hỗ trợ nâng cao chất lượng và số lượng nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế.
GS.Sumit Kane - Trưởng nhóm nghiên cứu về Các khía cạnh Văn hóa và Xã hội của Hệ thống Y tế, tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Nossal, Đại học Melbourne chia sẻ niềm vui vì được một lần nữa về thăm và làm việc tại trường ĐH KHXH&NV. 
Theo chia sẻ của GS.Sumit Kane, viết và xuất bản học thuật là công việc then chốt trong cuộc đời của người làm nghiên cứu khoa học, viết và xuất bản là điều cần thiết để phát triển học thuật. Tuy nhiên, các học giả, nhất là các nghiên cứu viên mới vào nghề đang đứng trước áp lực ngày càng lớn đòi hỏi phải đẩy mạnh công bố khoa học, đăng ở các tạp chí có chỉ số tác động cao, điển hình là các tạp chí quốc tế. Bởi vậy, viết và công bố khoa học vừa có thể tạo ra cảm giác hài lòng về chuyên môn, nhưng đồng thời cũng có thể khiến nhà nghiên cứu thoái chí. 
GS.Sumit Kane cũng đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về công bố quốc tế, những điều nên và không nên khi tiếp cận viết chuyên môn học thuật, những cạm bẫy và rủi ro cũng như tiếp cận quá trình xuất bản và hướng dẫn các kĩ thuật phòng tránh thông qua ví dụ thực tế. 
 
Giảng viên và các nhà khoa học của VNU-USSH tham gia hoạt động làm việc nhóm tại buổi tập huấn
PGS.TS. Đào Thanh Trường chụp ảnh lưu niệm cùng GS. Sumit Kane
Tọa đàm thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học, giảng viên của VNU-USSH
Dự án PHER nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), là sáng kiến kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 nhằm nâng cao năng lực để 3 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Đại học Đà Nẵng) phát triển bền vững và tự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Dự án do USAID tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại và giao cho Đại học Indiana, Hoa Kỳ làm đơn vị thực hiện.

Tác giả: Đại Hữu - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây