Ngôn ngữ
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Giám hiệu VNU USSH, Trung tâm Nghiên cứu biển và Hải đảo thuộc Trường, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện HLKHXHVN; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia; Trường ĐH KHXH&NV, Tp. HCM, Trường ĐH Tiền Giang, Trường ĐH Công nghệ Tp. HCM, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển và đông đảo nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo và Ban Giám hiệu Trường ĐH KHXH&NV, Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường đã gửi lời cảm ơn tới sự hỗ trợ và phối hợp hiệu quả của Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; cũng như các nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, trung tâm nghiên cứu ở Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh vùng Nam Bộ đã quan tâm, viết bài và tham dự hội thảo.
Trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), đã nhấn mạnh. Hệ thống thương cảng Nam Bộ có một vai trò hết sức quan trọng không chỉ trong đời sống kinh tế, văn hóa của cư dân trong khu vực mà còn trong hoạt động bang giao, giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với các quốc gia châu Á và thế giới. Hội thảo ngày hôm nay với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn hóa học, khảo cổ học, dân tộc học, quan hệ quốc tế, đô thị học,... hi vọng sẽ đem đến những nhân thức mới, sâu sắc và toàn diện hơn về hệ thống các thương cảng vùng Nam Bộ trong mối quan hệ vùng, liên vùng.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 27 tham luận của các nhà khoa học. Từ cách tiếp cận chuyên ngành và liên ngành (Lịch sử, lịch sử kinh tế, khảo cổ học, địa lý học lịch sử, văn hóa học, quản lý văn hóa...). Bên cạnh những báo cáo mang tính khái quát, có giá trị về lý thuyết, tại Hội thảo còn có nhiều báo cáo chuyên sâu, khai thác được những nguồn tư liệu mới, kết quả của ngành Khảo cổ học, những nguồn tư liệu điều tra, khảo sát thực tế tại địa phương.
Trong báo cáo tổng quan mở đầu Hội thảo “Hệ thống thương cảng Nam Bộ: Vai trò, cấu trúc và đặc điểm”, GS.TS Nguyễn Văn Kim đã phân tích một cách hệ thống quá trình hình thành, phát triển của hệ thống thương cảng Nam Bộ qua các thời kỳ lịch sử (cơ sở hình thành, quá trình phát triển, tiềm năng kinh tế của các thương cảng…), đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của hệ thống cảng biển Nam Bộ trong hoạt động thương mại, quan hệ bang giao với các vùng, không gian kinh tế Đông Nam Á và châu Á; làm rõ những đóng góp của các cộng đồng cư dân, các nền văn hóa biển, cộng đồng thương nhân trong và ngoài nước với miền Nam và sự nghiệp chấn hưng kinh tế của Việt Nam. Tác giả tham luận nhấn mạnh: Cùng với truyền thống nông nghiệp, cư dân Nam Bộ từ sớm đã là những thợ thủ công, nghệ nhân tài khéo. Họ cũng có truyền thống khai thác biển và biệt tài đi biển. Thấu hiểu điều kiện tự nhiên, khai thác vị thế tự nhiên và những tiềm năng của châu thổ, núi rừng và sông - biển, các tộc người cổ đã kiến dựng nên những dấu ấn sâu đậm trong văn hóa Cần Giờ - Long Sơn và sau đó là văn hóa Óc Eo - Phù Nam.
Đến thế kỷ XVI-XIX, ở cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc đã hình thành trên cả bốn không gian nhiều trung tâm kinh tế, thương cảng: Cảng sông, cảng cửa sông, cảng biển và cảng đảo. Ở một số thương cảng như Sài Gòn - Gia Định hay Hà Tiên,… đã hình thành nên cấu trúc với các khu buôn bán của người Việt, khu buôn bán của người Hoa, khu buôn bán của người nước ngoài (Ấn Độ, Đông Nam Á, châu Âu,..); Khu buôn bán lẻ, khu buôn bán xỉ. Hay các khu: Chuyên buôn bán thóc gạo, chuyên buôn bán nông phẩm, chuyên buôn bán thủy hải sản, chuyên buôn bán vải vóc, tơ lụa,… Tất cả đều nói lên quy mô, tính chất chuyên nghiệp trong giao thương khu vực, quốc tế. Điều quan trọng là, sự phát triển của kinh tế Nam Bộ thế kỷ XVI-XIX đã đưa vùng đất phương Nam hội nhập với sự phát triển chung của Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc củng cố sức mạnh đất nước, bảo vệ chủ quyền và tính thống nhất của dân tộc Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Văn Kim trình bày báo cáo tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận sâu sắc của các nhà khoa học: “Tiền đề, cơ sở hình thành của hệ thống thương cảng Nam Bộ” của GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung; “Giao thoa văn hóa ở Nam Bộ thời tiền – sơ sử: Trường hợp các di tích khảo cổ học vùng biển đảo Tây Nam” của PGS.TS Tống Trung Tín và TS. Lê Hải Đăng; “Vị thế của di tích Nền Chùa trong hoạt động giao thương của đô thị cổ Óc Eo” của PGS.TS Lại Văn Tới; “Vai trò của người Hoa trong hoạt động thương mại của các thương cảng Nam Bộ” của PGS.TS Dương Văn Huy; “Thương cảng Sài Gòn nửa sau thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: Tiềm năng và vị thế kinh tế” của PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng và TS. Trần Xuân Thanh; “Thương cảng Mỹ Tho Đại Phố” của TS. Nguyễn Phúc Nghiệp – ThS Nguyễn Ngọc Lan Hương; “Thuyền và công xưởng đóng thuyền Gia Định thế kỷ XIX” của PGS.TS Phạm văn Thủy – ThS.NCS Trần Văn Mạnh,…
Trong Hội thảo, có những tham luận của các chuyên gia khảo cổ học, sử học, văn hóa học đã cung cấp những cứ liệu khoa học từ kết quả nghiên cứu thực địa nhằm làm rõ nền tảng kinh tế, văn hóa của cư dân và các thương cảng Nam Bộ. Việc tìm thấy nhiều hiện vật của địa phương khác trong cả nước, hoặc có nguồn gốc từ các quốc gia khác (Nhật Bản, Trung Quốc, Ả Rập, La Mã,…) trong các di chỉ khảo cổ học và nhiều con thuyền đắm ở vùng biển Nam Bộ đã cho thấy khu vực này nằm trong hệ thống giao thương huyết mạch giữa các quốc gia châu Á và liên Á.
Hội thảo đã có nhiều báo cáo được lựa chọn trình bày và ý kiến trao đổi, bình luận sôi nổi. Điều đó cho thấy các nhà khoa học tham dự rất quan tâm đến chủ đề nghiên cứu, vai trò của vùng biển đảo và các thương cảng, trung tâm kinh tế Nam Bộ. Các ý kiến đều thống nhất khẳng định vị thế quan trọng và giá trị lịch sử, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc gia của hệ thống cảng biển Nam Bộ không chỉ trong quá khứ, cả hiện tại và tương lai.
Với dẫn chứng là bộ sưu tập hiện vật rất phong phú khai quật tại cá di tích tại vùng biển đảo phía Nam, báo cáo của nhóm tác giả PGS.TS Tống Trung Tín và TS Lê Hải Đăng (Viện Khảo cổ học) đã khẳng định: Qua các nghiên cứu bước đầu đối với hệ thống di tích khảo cổ học biển đảo phía Nam, đến nay các nhà khảo cổ học của Viện Khảo cổ học đã có thể rút ra kết luận ban đầu về tính chất văn hoá của các di tích này: đó là các di tích thuộc văn hoá Sa Huỳnh, loại hình biển đảo phía Nam với các đặc trưng nổi trội của văn hoá Sa Huỳnh từ khu vực miền Trung Việt Nam. Kết quả nghiên cứu hệ thống di tích và di vật khảo cổ học Tiền – sơ sử trên các đảo và quần đảo vùng biển đảo phía Nam đã bổ sung những dấu ấn mới vào bản đồ khảo cổ học Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ tiến trình - lịch sử - văn hóa dân tộc mà còn làm sáng tỏ cơ cấu, bản sắc văn hóa Việt Nam, một vấn đề quan trọng trong thời mở cửa, hội nhập và giao thương quốc tế hiện nay.
TS Lê Hải Đăng thay mặt nhóm tác giả báo cáo tại Hội thảo
Từ tiếp cận lý thuyết văn hóa vùng, GS.TS Nguyễn Chí Bền cho rằng, văn hóa biển Nam Bộ là một vùng văn hóa có nhiều thành tố đặc biệt .Trong các vùng địa lý ở nước ta, có lẽ Nam Bộ là một vùng mà chất biển đậm đặc nhất. Những nghiên cứu hiện nay về văn hoá biển Nam Bộ mới chỉ là phác thảo, cần có những công trình mang tính chuyên sâu và toàn diện hơn!
Trên cơ sở phân tích thế mạnh, vị trị địa lí của biển Nam Bộ đặc biệt chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, báo cáo "Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền ở vùng biển đảo Nam Bộ" của Thượng tá Nguyễn Thanh Minh (Phó GĐ Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển) đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thượng tá Nguyễn Thanh Minh trao đổi tại Hội thảo
Tổng kết Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim thay mặt Ban Chủ trì đánh giá cao điểm mới, những quan nhận thức mới và phát hiện mới từ những nghiên cứu rất công phu của các tác giả. Thành công của Hội thảo đến từ sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Trung tâm Biển và Hải đảo thuộc Trường Đại học ĐHKHXHNV và Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, và sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của đông đảo học giả trong nước tham dự với nhiều cách tiếp cận từ khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội. Hội thảo đã đóng góp những cứ liệu khoa học hết sức quan trọng, cho thấy những nhận thức toàn diện, sâu sắc, đa chiều về không gian Nam Bộ nói chung, không gian biển đảo Nam Bộ nói riêng. Kết quả của Hội thảo chắc chắn góp phần làm rõ những luận cứ khoa học, góp phần vào việc thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Văn Kim cũng chia sẻ: Tiếp thu các ý kiến trao đổi, góp ý tại Hội thảo, các tác giả sẽ tinh chỉnh lại bài viết của mình để Ban Tổ chức biên tập và xuất bản công trình khác quy mô về hệ thống cảng biển Nam Bộ. Trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu khoa học, các kiến giả từ các chuyên gia, Hội thảo sẽ có một số đề xuất, tư vấn với một số địa phương ở Nam Bộ về nghiên cứu, đào tạo cán bộ, đặc biệt là các chuyên gia về nghiên cứu biển đảo; về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, cũng như phát triển đời sống kinh tế, văn hóa của cư dân.
Một số ảnh tại Hội thảo
Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn