Cách đây ba thập niên, Ban giám hiệu trường Đại học Tổng hợp, nay là ĐHKHXH&NV, đã mong muốn tổ chức một môn học mang tên
Các trường phái trong khoa học xã hội dành cho khối sau đại học. Điều này được GS. Phạm Hồng Tung chia sẻ: khi tôi mới về nước, BGH đã đề xuất triển khai môn học này. Nhưng thời gian trôi đi, cho tới bây giờ điều này mới trở thành hiện thực. Đây là một nỗ lực không biết mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo trường ĐHKHXH&NV đúng như PGS.TS. Bùi Thành Nam cho biết, đây là sự khẳng định tầm nhìn của lãnh đạo nhà trường và là một công việc vô cùng khó khăn nhưng BGH vẫn quyết tâm làm.
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã nhận định, để khái quát hóa được các trường phái trong khoa học xã hội là một thách thức không hề nhỏ đối với những người thực hiện nhưng chúng ta sẽ vừa làm vừa điều chỉnh để hướng tới một học phần “xương sống” trong KHXH&NV lần đầu tiên được giảng dạy ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Văn Chính đề xuất, học phần này không phải là cung cấp toàn bộ kiến thức nền mà là sự khơi gợi cho người học tự học - tự nghiên cứu nên cần có những lát cắt mang tính liên ngành. Từ đó người học có thể đi sâu tìm hiểu ngay trong chuyên ngành của mình.
Có thể nói, tầm nhìn của lãnh đạo nhà trường đã đặt ra đúng lúc
thế giới VUCA [1] và giáo dục 4.0 đang có tác động vô cùng to lớn đến khoa học nói riêng và đời sống con người nói chung. Theo GS.TS. Hoàng Anh Tuấn “liên ngành và xuyên ngành sẽ là xu hướng căn bản trong bối cảnh hệ sinh thái đại học được vận hành theo phương châm kết nối và đổi mới - sáng tạo. Trong một thời gian khá dài, đại học Việt Nam đi theo định hướng ngành hẹp và chuyên sâu… Đào tạo chuyên ngành có những lợi thế nhất định, nhưng trong kỷ nguyên nhân lực số với trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối tự động, liên/xuyên ngành có những ưu thế nổi bật hơn”. Dễ dàng nhận thấy, khoa học liên ngành hiện nay không chỉ là sự liên kết các ngành KHXH với nhau mà còn có cả sự kết hợp với khoa học tự nhiên và công nghệ. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang phá vỡ nhiều định chế trong khoa học và trong xã hội như vấn đề tác quyền. Điều đó đòi hỏi các nhà KHXH phải có tư vấn chính sách và tìm ra cách thức đối phó với tác động to lớn của khoa học và công nghệ.
Trong hơn 2000 năm qua, khoa học “tự nhiên” đã đi từ
Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) đến việc tìm ra hầu hết các nguyên tố hóa học (bảng tuần hoàn Mendeleev), đi sâu hơn vào thế giới vi mô để tìm ra phân tử, nguyên tử, hạ nguyên tử, hạt Higgs,… và đi xa hơn đến thế giới của Thiên hà, dải Ngân hà và vũ trụ. Trong khi đó, KHXH vẫn chỉ làm một công việc duy nhất: Khám phá đời sống con người và xã hội. Đây cũng là công việc khó khăn nhất mà nhân loại đã phải lao tâm khổ tứ chỉ để trả lời những câu hỏi muôn thuở như: Ta là ai? Ta ở đây để làm gì?... Sự phức tạp của con người và xã hội chính là nguyên nhân ra đời của các trường phái trong KHXH, ngược lại, mục đích của
các trường phái trong KHXH chính là tìm hiểu và đưa ra cách thức giải quyết sự phức tạp của con người và xã hội.
Dưới góc nhìn lịch đại, từ các nhà thông thái thời cổ đại như Socrates, Plato, Aristotle ở phương Tây hay Khổng Tử, Lão Tử, Zarathustra ở phương Đông đến các triết gia thời Khai sáng như Thomas Paine, Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Immanuel Kant, David Hume,… đều đặt sự quan tâm của họ đến con người và xã hội. Dù là xây dựng thể chế, chính sách, luật pháp hay tìm hiểu những khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng,… các trường phái trong KHXH từ xưa đến nay luôn có sự kết hợp của các chuyên ngành khác nhau. Có những quan điểm trường tồn qua hàng nghìn năm, có những quan điểm không còn phù hợp, nhưng công việc của các nhà KHXH chỉ có một mục tiêu duy nhất đó là tìm ra những trường phái hay những quan điểm phù hợp với thời đại của mình và xã hội mà mình đang sống. Vì vậy, những “lát cắt” phù hợp chính là mục đích mà học phần
Các trường phái trong khoa học xã hội đòi hỏi người học cần phải có. Điều này chỉ có thể tạo ra được từ tư duy liên ngành.
Dưới góc nhìn đồng đại, dường như các trường phái trong khoa học xã hội từ xưa đến nay đều hướng đến một nguyên lý chung, đó là xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và đưa con người đến một trình độ văn minh cao hơn. Để làm được điều đó, con người không chỉ cần có trí tuệ mà cần có nhân phẩm, tinh thần bao dung, tình yêu, lòng trắc ẩn, xa hơn là tinh thần tự do, nhân bản và khai phóng. Đây chính là những điều mà các tôn giáo và các thể chế qua nhiều thời đại đã đặt làm nguyên lý chung. Trên thực tế, điều hòa mối quan hệ giữa tự nhiên, con người và xã hội chính là những nguyên lý mà các bậc hiền triết như Lão Tử hay Đứ Phật Thích Ca đã đề cập đến từ hơn hai nghìn năm trước.
Giờ đây, các nhà KHXH ngày càng có nhiều công cụ hơn để khám phá con người và xã hội với vô số cách tiếp cận, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu cả trong KHXH, khoa học tự nhiên và công nghệ. Tuy nhiên, các nhà KHXH cũng phải đối mặt với vô số thách thức từ các vấn đề mới nảy sinh. Chẳng hạn, việc Elon Musk cấy chip vào não người có phù hợp với tự nhiên không? Có phù hợp với khía cạnh đạo đức không? Câu trả lời sẽ không đến từ các nhà khoa học tự nhiên hay các tập đoàn công nghệ mà đó chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của các nhà KHXH.
Với tầm nhìn chiến lược và định hướng đúng đắn của ban lãnh đạo Trường ĐH KHXH&NV, trung tâm đào tạo hàng đầu về KHXH của Việt Nam, hy vọng chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời đối với những vấn đề hóc búa nêu trên. Ít nhất là bằng những “lát cắt” phù hợp mà học phần
Các trường phái trong khoa học xã hội trang bị cho người học.
[1] Volatility (biến động), Uncertainy (bất định), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ). Xem: “Giáo dục đại học 4.0: Liên/xuyên ngành và Đổi mới - Sáng tạo để phát triển” trên website: https://ussh.vnu.edu.vn