Nhà khoa học VNU-USSH và khuyến nghị quản trị và phát triển địa phương theo hướng liên ngành

Thứ năm - 21/12/2023 04:41
Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã có nhiều ý kiến tham góp quan trọng tại hội thảo khoa học “Quản trị và phát triển địa phương từ tiếp cận liên ngành và khu vực học” do Viện Việt Nam học và Phát triển, ĐHQGHN (VNU-IVIDES) tổ chức ngày 21/12/2023.
Hội thảo khoa học thu hút các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ các cơ quan chức năng của Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, các cơ quan chuyên môn tại các địa phương (Nam Định, Hải Phòng) và nhiều học viên, nghiên cứu sinh. Trong số gần 50 báo cáo tham luận của các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu và đào tạo trong cả nước, hội thảo đã thảo luận một số báo cáo về cơ sở lý luận, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về quản trị và phát triển địa phương; thực tiễn quản trị và phát triển địa phương ở Việt Nam hiện nay.
 
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQGHN chủ trì hội thảo
TS. Phạm Đức Anh - Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Việt Nam học và Phát triển, ĐHQGHN 
Thuật ngữ “Quản trị địa phương” (Local governance) xuất hiện trên thế giới từ khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, gắn với quá trình phân quyền tại nhiều quốc gia trên thế giới và ngày càng trở nên phổ biến từ khoảng những năm 1990 trở lại đây.
Ở Việt Nam, quản trị quốc gia hay quản trị địa phương là những tiếp cận còn khá mới mẻ. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng xác định mục tiêu: “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2021 - 2030 nhấn mạnh “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”. Nghị quyết Đại hội XIII cũng khẳng định chủ trương “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”. Đây là lần đầu tiên, thuật ngữ “quản trị quốc gia” được sử dụng chính thức trong các văn kiện của Đảng. Đồng thời, một trong những điểm mới nổi bật của văn kiện Đại hội XIII là nhấn mạnh yêu cầu tăng cường sự tham gia của nhân dân trong quản trị quốc gia, quản trị địa phương nhằm hiện thực hóa quan điểm “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Có thể khẳng định, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là cơ sở chính trị, định hướng quan trọng để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những tác động của quá trình toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quản trị quốc gia và quản trị địa phương ở Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Sửu - Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Trong báo cáo tham luận với tiêu đề “Phát triển địa phương ở Việt Nam: Tiếp cận, thực tiễn và gợi ý chính sách”, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu - Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh, phát triển địa phương là một trong những cấp độ phát triển của xã hội (quốc tế, quốc gia, vùng địa phương). Các kế hoạch phát triển địa phương cần chú ý đến bối cảnh địa phương, phân tích thấu đáo các khả năng và hạn chế của địa phương; quan tâm đến nhu cầu của địa phương, sáng kiến về sự tham gia, cộng tác của người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương trong quá trình phát triển. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sửu, mỗi địa phương là một không gian phát triển riêng biệt, vì vậy cần có cách tiếp cận phát triển phù hợp với bối cảnh của từng địa phương đó.
PGS.TS Nguyễn Văn Sửu đưa ra ba phương thức phát triển địa phương, gồm khuyến khích phát triển từ bên dưới, lấy địa phương làm trung tâm; sử dụng chọn lọc phát triển từ bên trên, hàm ý khuyến nghị mô hình phát triển do nhà nước dẫn dắt; và phát triển kết hợp. Nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN khuyến nghị, nên phát triển địa phương theo hướng liên ngành, khai thác lợi thế của phát triển kết hợp, hài hòa lợi ích của người dân và chính quyền trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đưa ra ba khía cạnh quan trọng của phát triển địa phương
Tham góp ý kiến tại hội thảo, GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam cận hiện đại đưa ra ba khía cạnh quan trọng của phát triển địa phương. Theo Giáo sư Nguyễn Văn Khánh, cần xây dựng quy hoạch và huy động toàn bộ nguồn lực cho sự phát triển tại địa phương cụ thể. Để có quy hoạch đúng, cần nhận thức được điều kiện, đặc điểm kinh tế, xã hội và đặc trưng văn hóa của địa phương đó. Chính sách phát triển địa phương phải đồng thuận với chính sách phát triển quốc gia, phải có chiến lược liên kết địa phương, mở rộng liên kết vùng.
PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho biết, trong việc phát triển và quản trị địa phương, cần xác định đặc thù của mỗi địa phương trên các phương diện kinh tế, văn hóa để có chiến lược phát triển phù hợp.
PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
 
 
 
 
 
 
Hội thảo về quản trị và phát triển địa phương thu hút nhiều nhà khoa học uy tín tham gia thảo luận
Những ý kiến tham góp của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã mang đến hội thảo những góc nhìn mới, toàn diện về quản trị và phát triển địa phương, góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn, khuyến nghị chính sách cho lĩnh vực chuyên môn này.
Nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực chuyên môn về quản trị địa phương từ tiếp cận liên ngành, theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã sớm có chủ trương mở Chương trình đào tạo Thạc sĩ về Quản trị địa phương, do Viện VNH&KHPT xây dựng và tổ chức đào tạo.
Nội dung của Chương trình Thạc sĩ Quản trị địa phương được xây dựng dựa trên ba khối kiến thức cơ bản, gồm: Khối kiến thức về khoa học quản trị, quản trị công; Khối kiến thức về địa phương học, khu vực học, Việt Nam học; Khối kiến thức về các công cụ và phương pháp quản trị (thể chế, chính sách, nền tảng công nghệ…).

Tác giả: Thùy Dung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây