Toạ đàm thu hút sự tham gia đông đảo cán bộ quản lí các phòng chức năng, giảng viên, học viên, sinh viên từ các khoa
Phát biểu tại Toạ đàm, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đánh giá rất cao sáng kiến của Công đoàn Trường trong việc đề xuất tổ chức những hoạt động thiết thực, gắn với chuyên môn và nhu cầu thực tế của giảng viên, sinh viên. Kiểm tra, đánh giá là một trong những khâu rất quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy. Hiện nay, các hình thức kiểm tra đánh giá hết sức đa dạng, vì vậy giảng viên cũng cần linh hoạt vận dụng các hình thức phù hợp đối tượng người học nhằm đánh giá một cách công bằng, chính xác kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên, đồng thời khuyến khích, tạo động lực sinh viên sáng tạo và chủ động trong học tập. Thông qua toạ đàm này, Nhà trường muốn lắng nghe những ý kiến trao đổi, đề xuất giải pháp từ phía các giảng viên, sinh viên, phòng chức năng để cải tiến, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, nâng cao chất lượng đào tạo.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV dự và phát biểu chỉ đạo
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, TS Ngô Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Công đoàn trường nhấn mạnh mục tiêu của Toạ đàm là diễn đàn để các cán bộ giảng viên trực tiếp giảng dạy cũng như các phòng chức năng liên quan cũng như các em sinh viên chia sẻ thực trạng, những điểm còn tồn tại trong công tác kiểm tra, đánh giá kết quả người học. Toạ đàm là góc nhìn, đánh giá đa chiều từ Nhà trường, giảng viên, sinh viên về hoạt động KTĐG.
Ban Chấp hành Công đoàn đã mời 3 diễn giả là TS Phạm Huy Cường, Giám đốc Đảm bảo chất lượng đào tạo, TS Nguyễn Hoài Phương, giảng viên Khoa Lịch sử, TS Vũ Vân Anh, giảng viên Khoa Quốc tế học, thể hiện góc nhìn đa chiều, toàn diện từ nhà quản lí, giảng viên trực tiếp giảng dạy môn chung cũng như môn chuyên ngành.
Trên cơ sở những trao đổi cởi mở, Toạ đàm sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm cải tiến, đổi mới công tác này theo tiêu chí: công bằng, đánh giá đúng thực lực người học và khuyến khích sự sáng tạo, chủ động trong học tập - Chủ tịch Công đoàn trường Ngô Thị Kiều Oanh nhấn mạnh
Với tham luận “Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, đánh giá đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo”, TS Phạm Huy Cường để đưa ra những phân tích rất cụ thể về vị trí của khâu KTĐG trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA, những quy định trong thông tư, quy chế đào tạo về KTĐG, các hình thức, mục tiêu cụ thể của công tác này. Trên cơ sở các khuyến nghị của đoàn Đánh giá ngoài cho các CTĐT, TS Phạm Huy Cường nhấn mạnh một số tồn tại: chưa có hướng dẫn chi tiết về KTĐG theo chuẩn đầu ra (CĐR), KTĐG mới chủ yếu đo lường được về rộng của CĐR tức là mức độ thực hiện các nội dung kiểm tra/thi, trong khi việc đo lường theo chiều dọc (chiều sâu) chưa được mô tả rõ ràng; các phương pháp KTĐG chủ yếu theo truyền thống, chưa thực sự đa dạng. Trên cơ sở những phân tích đó, trong báo cáo của TT Đảm bảo chất lượng đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học: phát triển rubbric chấm điểm, phát triển ngân hàng câu hỏi cho các học phần, xây dựng cơ chế phản hồi kịp thời về kết quả KTĐG để người học cải thiện việc học tập, tăng cường rà soát, có kế hoạch cải tiến chất lượng KTĐG,…
TS Phạm Huy Cường chia sẻ tại Toạ đàm
TS Nguyễn Hoài Phương (Trưởng Bộ môn Văn hoá học và Lịch sử văn hoá Việt Nam, Khoa Lịch sử) chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc Kiểm tra, đánh giá học phần Cơ sở văn hóa Việt Nam – một học phần bắt buộc cho tất cả các sinh viên của ĐHQGHN (trừ ĐH Ngoại ngữ). Với đặc thù môn học một lớp thường đông sinh viên, để hoạt động kiểm tra đánh giá thực sự hiệu quả, người dạy có thể đánh giá người học ở nhiều thời điểm, ở mỗi bài, mỗi chương, mỗi tín chỉ... thì quy trình đánh giá ở tất cả các công đoạn cần xác định rõ: nội dung, mục tiêu bài học, phương pháp tiến hành, phương pháp đánh giá, hình thức và công cụ đánh giá. Hoạt động kiểm tra đánh giá không chỉ theo định hướng đánh giá kết quả “đã đạt được” mà còn theo định hướng phát triển năng lực tự chủ, khơi gợi niềm say mê, tích cực khám phá của người học mới là nhiệm vụ cao hơn của hoạt động kiểm tra đánh giá. Để thực hiện được mục tiêu trên cần có sự tích cực chủ động cả từ phía người dạy và người học, cũng như những ghi nhận đánh giá của nhà quản lý. Người dạy cần vượt qua giới hạn “lối mòn” quen thuộc để đổi mới các phương thức đánh giá (đầu tư thời gian, công sức); người học cần tích cực, thích nghi, học hỏi để hoạt động kiểm tra đánh giá không chỉ đơn thuần là “trả bài” đã học mà còn là dịp để khơi gợi sáng tạo, thoả mãn đam mê học hỏi và nghiên cứu những tri thức mới của cả người dạy và người học.
TS Nguyễn Hoài Phương chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc tiến hành KTĐG kết quả học tập của sinh viên ở các học phần chung
Xuất phát từ thực tiễn giảng dạy học phần Đàm phán quốc tế, TS Vũ Vân Anh giảng viên Khoa Quốc tế học lại có những phân tích và đề xuất thú vị “Kết hợp thang Bloom và Rubric trong đánh giá kết quả học tập của sinh viên”. Trên cơ sở phân tích các tiêu chí cụ thể đánh giá dựa trên thang Bloom gắn với CĐR học phần, kết hợp thang Bloom vào hệ tiêu chí đánh giá Rubric, giảng viên Vũ Vân Anh đưa ra một vài khuyến nghị: Về thang Bloom, các tiêu chí thuộc khía cạnh nhận thức, kỹ năng có thể đánh giá được nhưng khía cạnh thái độ/mức tự chủ và trách nhiệm rất khó đánh giá (vì chủ yếu dựa vào quan sát của giảng viên chứ không có minh chứng cụ thể); Về Rubric tổng thể: Rubric tổng thể sẽ khó vận dụng với các học phần mà có nhiều tiêu chí đánh giá. Tuy nhiên, kết hợp cùng thang Bloom, Rubric tổng thể có thể là bước đầu tiêu để cụ thể hoá các điểm thành phần (cấp độ nhỏ hơn) để đánh giá). Rubric chi tiết sẽ có thể được vận dụng tốt hơn đối với các học phần cần nhiều tiêu chí đánh giá. Để việc KTĐG thực sự phản ánh đúng kết quả của người học trên các tiêu chí: kiến thức, kĩ năng và thái độ, đồng thời khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của người học, mỗi giảng viên cần vận dụng linh hoạt các công cụ đánh giá cũng như các phương pháp kiểm tra, xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú, có chất lượng, bám sát CĐR cho mỗi học phần cụ thể.
TS Vũ Vân Anh đưa ra một số gợi ý cho việc kết hợp các bộ tiêu chuẩn để có thể đánh giá toàn diện nhất và phản ánh đúng năng lực của người học
Toạ đàm cũng nhận được nhiều trao đổi chia sẻ cũng như câu hỏi, đề xuất từ phía giảng viên, sinh viên các khoa. Các ý kiến đồng thuận trong việc đánh giá tầm quan trọng của KTĐG trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, cải thiện kết quả học tập của người học; đồng thời nêu một số đề xuất: kế hoạch KTĐG cần công bố ngay từ đầu kì học (thời điểm, hình thức, tiêu chí đánh giá) để sinh viên biết và chủ động kế hoạch ôn tập để đạt kết quả tốt, đa dạng các hình thức KTĐG cũng như có hình thức khuyến khích, cộng điểm chuyên cần khi sinh viên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Sinh viên Trần Hoàng Hải Anh K67 Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng trao đổi những ý kiến đề xuất từ góc độ người học
Theo ý kiến một số giảng viên, để nâng cao chất lượng hoạt động KTĐG mỗi giảng viên cần rất chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi cụ thể của từng học phần, đồng thời cần có sự đánh giá về mặt chuyên môn của bộ môn và sự hỗ trợ từ phía phòng Đào tạo đảm bảo sự thống nhất trong toàn trường.
Kết luận buổi Toạ đàm, thay mặt BGH Nhà trường, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của cán bộ các phòng, khoa, thầy cô giảng viên, các em học viên và sinh viên, chia sẻ tâm huyết của ba diễn giả. Nhà trường lắng nghe các ý kiến đề xuất từ phía các giảng viên và các em sinh viên, chỉ đạo các phòng chức năng nghiên cứu đưa ra phương án cải tiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác KTĐG, với phương châm lấy người học làm trung tâm và tạo ra môi trường học tập thực sự công bằng, thực chất, nhân văn tại VNU-USSH. Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn một lần nữa đánh giá cao sự chủ động và sáng tạo của Công đoàn trường và mong muốn trong thời gian tới BCH Công đoàn tiếp túc phát huy, đề xuất và tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực hơn nữa đối với việc giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên.
Một số hình ảnh từ buổi Toạ đàm