Ngôn ngữ
Tiếp Phó Đại sứ Simon Kreye và Trưởng đại diện Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam TS Florian Feyerabend, về phía trường Trường ĐHKHXH&NV có PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng, cùng lãnh đạo phòng Đào tạo, Khoa Quốc tế học.
Phát biểu tại buổi tiếp Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Quỹ KAS trong thời gian qua đã dành cho Nhà trường sự quan tâm và ưu ái. Quỹ KAS là một trong những đối tác lâu dài, tin cậy của Trường ĐHKHXH&NV và hợp tác giữa KAS và Nhà trường đã và đang đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực quan hệ quốc tế cũng như nhiều ngành khoa học xã hội khác.
TS Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam phát biểu
Đại diện Quỹ KAS cũng ghi nhận những nỗ lực hợp tác rất thiết thực, hiệu quả của Nhà trường và các Khoa trong thời gian vừa qua và mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy hơn nữa trong hoạt động giao lưu, trao đổi giảng viên, sinh viên; tổ chức hội thảo khoa học, xuất bản các ấn phẩm; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu văn hoá, lịch sử hai quốc gia; trao học bổng học tập,…
Với vai trò của mình, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam sẵn sàng ủng hộ, thúc đẩy, kết nối cho các dự án hợp tác này giữa hai bên – Phó Đại sứ Simon Kreye khẳng định.
Cũng trong dịp đến thăm Trường ĐHKHXH&NV, ông Simon Kreye đã buổi trao đổi, chia sẻ với cán bộ giảng viên và sinh viên ngành Quan hệ quốc tế của Nhà trường.
Phó Đại sứ Simon Kreye đã chia sẻ khái quát về lịch sử, văn hoá, kinh tế, giáo dục và chính sách đối ngoại của Đức, trong đó nhấn mạnh: Cộng hòa Liên bang Đức nằm ở trung tâm châu Âu. Đây là một quốc gia dân chủ, có tính quốc tế với di sản phong phú và nền kinh tế đang phát triển thịnh vượng. Hợp tác quốc tế là nền tảng của chính sách đối ngoại của Đức và luôn theo đuổi mục đích hoạt động vì hòa bình, an ninh, dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới. Trong chiến lược phát triển kinh tế, Đức đặt mục tiêu thiết lập chuẩn mực trong chính sách khí hậu với cam kết: đến năm 2030, giảm 65% lượng khí thải nhà kính so với mức năm 1990; giảm 88% lượng khí thải vào năm 2040 và trung hòa khí nhà kính vào năm 2045, đồng thời tham gia tích cực vào các dự án phòng tránh và hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Về quan hệ song phương Việt Nam và Đức trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục, báo cáo khẳng định: Từ năm 2011, Đức và Việt Nam đã có “quan hệ đối tác chiến lược” với các dự án hợp tác ở các cấp và trên nhiều lĩnh vực chính sách. Đức và Việt Nam cùng coi nhau là đối tác quan trọng, cùng nỗ lực duy trì hoà bình thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thương mại và đầu tư tự do toàn cầu cũng như tích cực bảo vệ môi trường và khí hậu.
Quan hệ văn hóa, giáo dục song phương giữa hai quốc gia cũng đang phát triển tốt đẹp. Nhiều tổ chức văn hóa, giáo dục và khoa học (như Cơ quan Trao đổi học thuật Đức (DAAD), Viện Goethe, Đại học Việt Đức, …) đang hoạt động rất hiệu quả tại Việt Nam. Và hơn 100.000 người Việt Nam từng làm việc hoặc học tập tại Đức tạo thành cầu nối độc đáo giữa hai nước, duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và tăng cường lợi ích chung.
Cũng tại buổi gặp gỡ, giảng viên và sinh viên Nhà trường đã có cơ hội quý báu để chia sẻ và trao đổi trực tiếp với ông Phó đại sứ, từ đó có thêm hiểu biết sâu sắc hơn về vị thế của Đức trên thế giới, các mục tiêu của chính phủ Đức cũng như mối quan hệ của Đức với các quốc gia, đặc biệt là với Việt Nam, những cơ hội có thể giao lưu học tập cho sinh viên Việt Nam tại Đức.
Phó Đại sứ Simon Kreye đánh giá cao sự mạnh dạn, tự tin, hiểu biết sâu rộng của các bạn sinh viên Việt Nam, đặc biệt ngành Quan hệ quốc tế đến từ hai trường đào tạo về KHXH&NV hàng đầu Việt Nam. Đồng thời, ông cũng chia sẻ về chính sách khuyến khích học tập, học bổng của chính phủ Đức cũng như các trường đại học hàng đầu ở Đức dành cho các sinh viên quốc tế. Đại sứ quán Đức tại Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để các bạn sinh viên cùng tìm hiểu về văn hoá, lịch sử và có cơ hội du học tại hai quốc gia.
Những chia sẻ của Phó Đại sứ Simon Kreye rất bổ ích và ý nghĩa dành cho các giảng viên, sinh viên, vừa có thể trang bị thêm kiến thức cập nhật nhất về lĩnh vực quan hệ quốc tế, đồng thời sinh viên các trường đại học trong nước có thể giao lưu học hỏi giữa, kết nối cơ hội học tập, trao đổi tại nước ngoài.
Một số hình ảnh tại buổi tiếp Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam Simon Kreye tại VNU-USSH
Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn