Tin tức

Nội dung và phương pháp giảng dạy môn Triết học cần gần gũi hơn, đáp ứng nhu cầu của đời sống thực tiễn

Thứ năm - 06/06/2024 23:43
Đây là một nội dung trọng tâm được các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi sối nổi tại Tọa đàm khoa học “Phương pháp giảng dạy và ứng dụng triết học hiện nay” do Khoa Triết học, trường ĐHKHXH&NV tổ chức ngày 6/6/2024. Diễn giả tại Tọa đàm là PGS. TS. Phạm Thái Việt (giảng viên cao cấp Khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao).
 
z5520867769105 ed5fc803250a946d2f8d2e849fdc7458

Chủ đề tọa đàm thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh từ trường ĐHKHXH&NV và một số trường đại học, viện nghiên cứu tại Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Thái Việt đã trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề, nhưng nội dung trọng tâm thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của những người đang làm công việc giảng dạy và nghiên cứu Triết học tại Việt Nam hiện nay chính là phương pháp giảng dạy và nghiên cứu triết học trong thực tế hiện nay. 
PGS. TS. Phạm Thái Việt chia sẻ tại Tọa đàm
 
Thứ nhất, về phương pháp giảng dạy triết học ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Phạm Thái Việt chia sẻ: Một thực trạng phổ biến là đa phần sinh viên không hào hứng, thậm chí thấy chán, sợ môn triết học, đặc biệt là học phần Triết học Mác - Lênin. Một trong những nguyên nhân nằm ở phương pháp dạy học. Các giảng viên thường xuất phát từ nội dung thuần túy trong giáo trình thay vì xuất phát từ nhu cầu, mục tiêu cụ thể của người học. Một ví dụ cụ thể: khi trình bày hay tranh luận về các khái niệm triết học thuần túy đã diễn ra trong lịch sử triết học, và kết thúc tại hệ thống triết học của G.W.F. Hegel (nhà triết học cổ điển Đức thế kỷ 18). Đến C. Mác, trong “Tư bản”, ông “không để lại cho chúng ta “Logic học” (với chữ L viết hoa), nhưng đã để lại cho chúng ta Logic của Tư bản” (Lênin). Điều này có nghĩa, triết học đã tìm ra “lối thoát” ở hệ thống của Mác – Ănghen rồi, đó chính là triết học thực tiễn. Tuy nhiên, những người giảng dạy triết học ở Việt Nam hiện nay dường như đang đi ngược tiến trình đó, khiến sinh viên gặp khó khăn và có định kiến khi học tập triết học. Theo PGS. TS Phạm Thái Việt, người dạy hãy đặt lại vấn đề, xuất phát từ sinh viên, từ những câu hỏi, mục tiêu, nhu cầu trong đời thực của họ để dẫn dắt đến các nguyên lý, phạm trù, quy luật trong triết học.
Thứ hai, về phương pháp nghiên cứu triết học: Một trong những câu hỏi thường được người nghiên cứu triết học trẻ băn khoăn khi thực hiện một đề tài, đó là: “Tính chất triết học của vấn đề nằm ở đâu?”. Theo PGS. TS Phạm Thái Việt, tính chất triết học của một vấn đề nghiên cứu nằm ở hai yếu tố: tri thức triết học và phương pháp nghiên cứu triết học, trong đó yếu tố thứ hai đặc biệt quan trọng. Điều này đã được C. Mac “làm mẫu” trong bộ “Tư bản”, khi ông vận dụng các nguyên tắc, phương pháp triết học như: nguyên tắc thống nhất logic lịch sử,  nguyên tắc đi từ trừu tượng đến cụ thể, nguyên tắc thống nhất giữa phương pháp diễn dịch và phương pháp quy nạp để tìm ra bản chất, quy luật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vậy không phải chỉ nghiên cứu những vấn đề của triết học thuần túy thì lúc đó mới có tính triết học. Mà vận dụng các phương pháp triết học vào nghiên cứu, đó là minh chứng thuyết phục nhất cho “tính chất triết học” của vấn đề nghiên cứu. Vì thế, những người nghiên cứu triết học không nên tự giới hạn mình trong các vấn đề thuần túy triết học, mà hãy sử dụng những phương pháp NC của triết học để xem xét các vấn đề thực tiễn, mang hơi thở của “hiện thực sống động”.
Hoàn toàn đồng ý với những trao đổi của PGS. TS Phạm Thái Việt, PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm, khó khăn trong giảng dạy Triết học hiện nay tại các trường đại học còn nằm ở việc nhận thức thống nhất của chính các giảng viên về tri thức triết học. Chẳng hạn các hiểu về phạm trù “Vật chất” hoặc “Nhà nước”, việc phân biệt “Thuộc tính” hay “Hình thức tồn tại”, “Kiểu” hay “Hình thái biểu hiện” không phải lúc nào cũng được tất cả các giảng viên nhất quán.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ một số khó khăn trong thực tiễn giảng dạy triết học tại các trường đại học
TS. Trần Thị Điểu (chủ nhiệm bộ môn Triết học, Khoa Triết học) cũng nêu ra một số khó khăn trong thực tế giảng dạy. Thứ nhất, đối tượng sinh viên học triết rất đa dạng, ở mỗi lĩnh vực khác nhau, các em lại có những câu hỏi, nhu cầu, mục tiêu khác nhau. Vì vậy nếu xuất phát từ điều đó để khái quát về các tri thức triết học đòi hỏi người giảng dạy phải có khả năng am hiểu rộng và trừu tượng hóa rất lớn. Thứ hai, có một số đối tượng học triết lại là những người có tuổi đời và kinh nghiệm thực tiễn phong phú hơn các giảng viên trẻ, vì thế giảng dạy như thế nào để lôi cuốn, hấp dẫn họ cũng là một thách thức. Cuối cùng, ở khối đầu vào là các học viên, nghiên cứu sinh, nền tảng kiến thức của họ không đồng đều, tất cả đều trông cậy vào sự định hướng của các thầy cô hướng dẫn.
Một số đại biểu tham dự tọa đàm cũng mong muốn diễn giả trao đổi thêm về Triết học Nghệ thuật, triết học thẩm mỹ, về cách nhận biết mâu thuẫn, tư duy biện chứng, và tiêu chí để phân biệt ý thức chủ quan và ý thức khách quan.
z5520204169335 b77380e767071bff31cb20480c4025f2
TS Phạm Hoàng Giang (Trưởng khoa Triết học) bày tỏ mong muốn diễn giả tiếp tục đồng hành, chia sẻ nhiều ý kiến quý báu xung quanh vấn đề ứng dụng triết học trong đời sống thực tiễn.
Buổi tọa đàm diễn ra thành công, chia sẻ, trao đổi nhiều thông tin bổ ích về phương pháp giảng dạy và ứng dụng triết học trong nghiên cứu cũng như trong đời sống thực tiễn.
Trong thời gian tới, với Khoa Triết học, trường ĐHKHXH&NV sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động nâng cao chuyên môn và truyền cảm hứng cho đội ngũ giảng viên và những người nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực triết học tại Việt Nam, hướng tới những thay đổi về tư duy giảng dạy và phương pháp nghiên cứu, đưa triết học trở thành môn học hấp dẫn hơn, có ý nghĩa hơn đối với người học và xã hội.

Tác giả: Khoa Triết học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây