Về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có sự tham dự của PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, TS. Lê Thị Thu Giang - Giám đốc Học viện King Sejong Hà Nội 1, Trưởng khoa Đông Phương học cùng các thầy cô và sinh viên khoa Đông Phương học;
Về phía đơn vị đồng tổ chức có sự tham dự của ông Park Seong Min - Giám đốc Học viện King Sejong trụ sở chính tại Việt Nam; đại diện các đơn vị King Sejong Institute tại Việt Nam và các giảng viên, nhà khoa học đến từ các trường đại học tại Việt Nam có ngành đào tạo tiếng Hàn/ Hàn Quốc học.
Sự phát triển nhu cầu học tập và nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam
Trong bối cảnh lĩnh vực đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn Quốc ngày càng được quan tâm tại Việt Nam, nhằm đẩy mạnh giao lưu hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục có đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam về vấn đề đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn Quốc.
Hội thảo nhằm mục tiêu tìm hiểu thực trạng việc đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam; giao lưu và trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị King Sejong Institute tại Việt Nam và các trường Đại học của Việt Nam đang giảng dạy môn Biên phiên dịch tiếng Hàn; tìm kiếm phương án hiện thực hóa và đẩy mạnh việc triển khai đào tạo tiếng Hàn biên phiên dịch tại các đơn vị của Học viện King Sejong tại Việt Nam.
PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV phát biểu khai mạc Hội thảo
Khai mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN Đào Thanh Trường bày tỏ cảm ơn Quỹ Sejong Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức hội thảo ý nghĩa này. Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường nhấn mạnh, với vai trò là trung tâm nghiên cứu, đào tạo hàng đầu tại Việt Nam về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã có nhiều đóng góp quan trọng trong đào tạo Hàn Quốc học tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia. Nhà trường đã ký kết nhiều văn bản hợp tác với các đối tác tại Hàn Quốc và luôn ủng hộ hoạt động phát triển đào tạo tiếng Hàn, văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong những năm qua, Học viện King Sejong mà trực tiếp là Học viện King Sejong Hà Nội 1 có trụ sở tại Trường ĐH KHXH&NV đã có đóng góp thiết thực trong việc khơi dậy niềm yêu thích và đam mê học tập, nghiên cứu tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc tới thế hệ trẻ Việt Nam. Hội thảo khoa học quốc tế về chuẩn hóa công tác đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam do Học viện King Sejong tổ chức đã đáp ứng yêu cầu hiện nay của các đơn vị đào tạo Hàn Quốc học tại Việt Nam.
Ông Park Seong Min - Giám đốc Học viện King Sejong trụ sở chính tại Việt Nam
Giám đốc Học viện King Sejong trụ sở chính tại Việt Nam, ông Park Seong Min cho biết: Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có số lượng Học viện King Sejong nhiều nhất trên thế giới với tổng 23 học viện. Mặc dù là khu vực có số lượng học viện King Sejong lớn nhất, nhưng các học viện vẫn có những đặc điểm chính đặc trưng của khu vực Việt Nam khiến nhiều người chú ý đến. Không giống như các học viện khác có mục tiêu học tập rõ ràng theo khu vực, chẳng hạn như theo sở thích hay du học, thì các học viện King Sejong tại khu vực Việt Nam được học viên tìm đến vì nhiều mục đích rất đa dạng. Đặc biệt, đào tạo biên phiên dịch cũng giống như vậy và đây cũng chính là chủ đề của hội nghị học thuật lần này. Gần đây, hơn bao giờ hết, sự quan tâm đến giáo dục biên phiên dịch tiếng Hàn ở Việt Nam ngày càng tăng.
Giám đốc Học viện tin rằng thông qua hội thảo này sẽ góp phần tăng sự gắn kết hai nền văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây cũng là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với Quỹ Học viện King Sejong nói riêng và Hàn Quốc nói chung. Dự án liên quan đến việc nghiên cứu chương trình giảng dạy biên phiên dịch và tạo tài liệu giảng dạy bằng 12 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có tiếng Việt được hình thành và phát triển từ năm 2021 và đến nay đã khẳng định được thương hiệu trên nhiều quốc gia với lĩnh vực biên phiên dịch tiếng Hàn.
Nhu cầu cấp thiết về chuẩn hóa đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn
Trưởng Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Giám đốc Học viện King Sejong Hà Nội 1, TS. Lê Thị Thu Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác biên phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam. Nếu nói ngoại ngữ là cánh cửa để tiếp cận với nền văn hóa thì phiên biên dịch chính là chìa khóa mở ra cánh cửa đó.
Đối với ngành biên phiên dịch tiếng Hàn, thời gian gần đây, cùng với xu hướng hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trên các lĩnh với đa dạng nhu cầu về số lượng và chất lượng của đội ngũ biên phiên dịch tiếng Hàn đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, sự phát triển về khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới cho công việc dịch thuật cũng như ngành đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn nói riêng và ngành biên phiên dịch nói chung. Điều này đặt ra những thách thức cho ngành đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn, đòi hỏi cần có những điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới.
TS. Lê Thị Thu Giang - Giám đốc Học viện King Sejong Hà Nội 1, Trưởng khoa Đông Phương học cùng các thầy cô và sinh viên khoa Đông Phương học
Trên thực tế, hoạt động dịch là hoạt động gắn liền ngay từ đầu và trong suốt quá trình học tập một ngoại ngữ nhất định khi người học thực hiện việc chuyển mã từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác nhằm mục đích hiểu rõ về ngoại ngữ được học để có thể sử dụng nó. Vì thế, có thể khẳng định rằng, việc đào tạo biên phiên dịch, mặc dù có thể hiển thị hoặc không hiển thị trong chương trình đào tạo nhưng nó luôn là một hoạt động không thể thiếu trong việc học ngoại ngữ nói chung.
TS. Lê Thị Thu Giang chỉ ra những tồn tại về đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, phương pháp giảng dạy chưa được chuẩn hóa, cơ sở vật chất giảng dạy biên phiên dịch tại Việt Nam đang hạn chế. Vì vậy để nâng cao chất lượng đào tạo biên phiên dịch tại Việt Nam, TS. Lê Thu Giang đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp cận hoạt động đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn từ mục tiêu đào tạo, chương trinh đào tạo, phương pháp đào tạo, đội ngũ giáo viên để chỉ ra thực trạng và thách thức mang tính nội tại của ngành này trước những yêu cầu mới, từ đó khẳng định tính cấp thiết của yêu cầu đổi mới và chuẩn hóa việc đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, đào tạo biên phiên dịch nói chung và biên phiên dịch tiếng Hàn nói riêng thường hướng tới 2 mục tiêu chính: (1) Trang bị kiến thức liên quan đến ngoại ngữ cần học và (2) phát triển kỹ năng biên phiên dịch như một ngành nghề chuyên nghiệp.
Tại hội thảo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã trình bày các tham luận xoay quanh nội dung: những thách thức nội tại trong đào tạo biên phiên dịch tiếng Hàn ở Việt Nam; dịch ngôn ngữ - lý thuyết cơ bản và thực tế (lấy dịch thuật Văn học Hàn Quốc làm trọng tâm); đề xuất tiêu chí đánh giá chất lượng bản dịch áp dụng cho các khoa đào tạo tiếng Hàn định hướng biên phiên dịch; xây dựng chương trình giảng dạy biên phiên dịch tiếng Hàn Quốc hệ đại học phù hợp thực tiễn ứng dụng tại Việt Nam; xây dựng học phần biên dịch nội dung văn hóa dành cho đối tượng sinh viên chuyên ngành tiếng Hàn (tập trung vào lĩnh vực biên dịch phim ảnh và Webtoon); khó khăn trong việc giảng dạy biên phiên dịch Việt – Hàn trình độ trung cao cấp – nhìn từ thực tiễn giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; vai trò và hiệu quả của phương pháp tích hợp kỹ năng dịch trong giảng dạy thực hành tiếng Hàn; phương pháp giảng dạy học phần thực hành dịch nói cho người học 8 ngành ngôn ngữ Hàn Quốc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng; khảo sát lỗi phiên dịch tiếng Hàn của học viên khóa 9 biên phiên dịch tại Học viện King Sejong Hà Nội 2; phân tích lỗi dịch máy Việt-Hàn và một vài đề xuất về áp dụng dịch máy trong giảng dạy biên dịch tiếng Hàn; phân tích lỗi dịch số trong phiên dịch Việt – Hàn.
Nhiều đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận nhiều ý kiến xoay quanh nguồn nhân lực, phương pháp giảng dạy hiệu quả biên phiên dịch tiếng Hàn tại Việt Nam.
Tiết mục biểu diễn đặc sắc của sinh viên ngành Hàn Quốc học, Khoa Đông Phương học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã mang đến màu sắc văn hóa Hàn Quốc tới Hội thảo
Ngành Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN: mã ngành 7310614.
Trường đào tạo cử nhân nắm vững kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, có kiến thức hệ thống về Hàn Quốc học. Trang bị cho sinh viên kĩ năng thực hành và sử dụng tiếng Hàn cũng như các kĩ năng cần thiết trong sinh hoạt và hoạt động chuyên môn, chủ động xử lý các công việc có liên quan đến Hàn Quốc.
Cử nhân ngành Hàn Quốc học được xây dựng nền tảng căn bản để học tập suốt đời, phát triển bản thân, có khả năng tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.
Trung tâm Hàn ngữ Sejong Hà Nội là đơn vị trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN được thành lập naêm 2011, trên cơ sở phát triển Trung tâm Tiếng Hàn và Nghiên cứu Hàn Quốc và thoả thuận liên kết hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Ngoại ngữ Busan (Hàn Quốc). Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức đào tạo các khoá ngắn hạn, thi và cấp chứng chỉ tiếng Hàn quốc tế (KPL), các khoá học khác liên quan đến ngôn ngữ và văn hoá Hàn Quốc cho người Việt Nam.
Với sức mạnh tổng hợp của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - cơ sở đào tạo có truyền thống lâu đời và đang dẫn đầu ở Việt Nam trong sáng tạo và truyền bá tri thức các ngành khoa học xã hội và nhân văn - và Đại học Ngoại ngữ Busan - một trong những trường đại học có uy tín nhất ở Hàn Quốc trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Hàn, Trung tâm Hàn ngữ Sejong Hà Nội đang hướng tới tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực đào tạo tiếng Hàn và văn hoá Hàn Quốc.
Sự đa dạng và hiện đại của các chương trình đào tạo, trình độ chuyên môn cao của đội ngũ giảng viên Hàn Quốc, tính chuyên nghiệp trong tổ chức, quản lí với một cơ cấu tổ chức tinh giản - đó là những ưu thế được Trung tâm Hàn ngữ Sejong Hà Nội sử dụng để thực hiện các khoá đào tạo, thi và cấp chứng chỉ tiếng Hàn và văn hoá Hàn Quốc đạt chuẩn chất lượng quốc gia Hàn Quốc. Đồng thời, Trung tâm Hàn ngữ Sejong Hà Nội còn thực hiện chương trình hỗ trợ du học và việc làm tại Hàn Quốc và Việt Nam.