VNU-USSH tổ chức thành công Hội thảo: Nguồn nhân lực cho công nghiệp thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia

Chủ nhật - 22/10/2023 04:18
Ngày 20/10/2023, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề Nguồn nhân lực cho công nghiệp thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.
Tham dự hội thảo về phía trường ĐHKHXH&NV có PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo phòng Quản lí NCKH, CT&CTHSSV, Khoa Thông tin – Thư viện, cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong trường.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học trên thế giới: ĐH Sungkyunkwan Hàn Quốc, ĐH Công nghệ thông tin Tashkent Uzbekistan, ĐH Hacettepe Thổ Nhì Kỳ, và các trường ĐH, viện nghiên cứu, thư viện trong nước; cùng đại diện của nhiều doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng trong lĩnh vực thông tin – thư viện, quản trị thông tin, công nghệ. Hội thảo được tổ chức hình thức trực tiếp và trực tuyến. 
MG 0341
Toàn cảnh Hội thảo: Nguồn nhân lực cho công nghiệp thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia tại VNU-USSH

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đào Thanh Trường nhấn mạnh: Trong công cuộc chuyển đổi số, ngành công nghiệp thông tin trở thành một trong những ngành quan trọng có tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Với lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt của hoạt động đào tạo: từ việc điều hành, quản lý, đổi mới nội dung các CTĐT, hình thức đào tạo đến phương pháp giảng dạy, học tập,… từ đó tác động lớn đến chất lượng đào tạo.
IMG 0330
Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Chủ đề “Nguồn nhân lực cho công nghiệp thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia” của Hội thảo hôm nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, nhằm nhìn nhận và đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực ngành thông tin - thư viện và quản trị thông tin tại Việt Nam, nhận diện xu hướng đào tạo nhân lực của ngành trên thế giới. Trên cơ sở đó giúp các đơn vị đào tạo nắm bắt xu thế và cập nhật chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu về nguồn nhân lực trong thực tế. Hội thảo cũng là cơ hội để các đơn vị sử dụng lao động đề xuất, tư vấn và đưa ra yêu cầu về nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Một trong những ý kiến phản hồi rất quan trọng giúp cơ sở đào tạo có thể điều chỉnh nội dung CTĐT phù hợp, trang bị cho người học kiến thức và kĩ năng cần thiết, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực tế.
Với tham luận, Quản lí nguồn nhân lực: tuyển dụng, bố trí vị trí công việc đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, GS Sam Gyun Oh đến từ Trường đại học Sungkyunkwan đã có những phân tích rất sâu sắc: thông tin là gì, công nghệ thông tin, sử dụng thông tin thế nào? Trong đó nhấn mạnh: Tất cả các hình thức thông tin thúc đẩy tiến bộ trong khoa học, kinh doanh, giáo dục và văn hoá; trong tương lai, những người làm việc quản trị thông tin nói chung, không chỉ dừng lại ở cán bộ thư viện, sẽ đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực, quyết định rất lớn đến sự phát triển của một tổ chức, doanh nghiệp. “Khi nói đến thông tin, quản trị thông tin chúng ta hay nghĩ đến những công việc truyền thống liên quan đến thư viện, lưu trữ thông tin. Nhưng trên thực tế, người được đào tạo ngành công nghệ thông tin lại có thể phát triển ở một số lĩnh vực hết sức mới mẻ: chăm sóc sức khỏe".
GS Marat Rakhmatullaev đến từ ĐH Công nghệ thông tin Tashkent Uzbekistan với chủ đề “Yêu cầu về nhân lực lĩnh vực dịch vụ thông tin trong chuyển số giáo dục” đã khẳng định: chuyển đổi số trong giáo dục tức là cập nhật theo kịp được những tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới, giáo dục đại học phải có tính kiến tạo, tạo ra nhiều sản phẩm tốt, năng lực cần có của người học sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc thị trường lao động hiện nay – giáo dục bởi xã hội, phục vụ xã hội; phải làm sao trang bị cho sinh viên năng lực học tập suốt đời.
MG 0353 copy
GS Marat Rakhmatullaev trình bày báo cáo trực tuyến 
Từ mô hình thư viện công cộng rất thành công ở Thổ Nhĩ Kỳ, tham luận của GS Bulent Yilmaz đã đưa ra gợi ý hữu ích: Chỉ ba năm sau khi ra trường, các kiến thức được đào tạo trong trường đại học sẽ bị lỗi thời đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, công nghệ thay đổi từng ngày. Vì vậy việc đào tạo cần phải tiến hành thường xuyên, thúc đẩy nhu cầu tự học của chính những cán bộ quản lí thư viện thông qua qua nhiều hình thức đa dạng, trực tiếp, trực tuyến, đào tạo từ xa, ngắn hạn. Thư viện cần phải thúc đẩy mối tương tác giữa người dùng và nguồn dữ liệu thông tin.
Cần thường xuyên tổ chức các hội thảo để các thư viện cùng trao đổi những kinh nghiệm, chia sẻ những nghiên cứu mới về quản trị thông tin, truyền thông, thư viện di động, thư viện thiếu nhi,…
MG 0361
GS Bulent Yilmaz đến từ ĐH Hacettepe Thổ Nhĩ Kỳ với tham luận “Mô hình giáo dục thường xuyên: Khung lí thuyết và các hội thảo khu vực của Thư viện công cộng Thổ Nhĩ Kỳ”

Thông qua khảo sát trường hợp Thư viện Quốc gia Việt Nam báo cáo của Tác giả Nguyễn Thị Kim Dung đã chỉ ra:  cơ bản cán bộ thư viện có chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ tốt công việc, đáp ứng cơ bản yêu cầu của độc giả. Tuy nhiên, để bắt kịp xu thế chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh chóng, cần phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, các kĩ năng mềm khác cho đội ngũ cán bộ thư viện.
MG 0372
TS Nguyễn Thị Kim Dung (Khoa Thông tin – Thư viện, VNU-USSU) trình bày tham luận: Vận dụng mô hình ASK đánh giá năng lực nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam. Nghiên cứu trường hợp Thư viện Quốc gia Việt Nam
MG 0378
TS. Trần Thị Thanh Vân trình bày tham luận nghiên cứu về Đào tạo nguồn nhân lực thạc sĩ ngành thông tin – thư viện tại Đại học Quốc gia Hà Nội trong giai đoạn chuyển đổi
 
MG 0384
TS Bùi Thanh Thủy với tham luận: Năng lực số trong phát triển nghề nghiệp của cán bộ thư viện đại học ở Việt Nam.
Dựa trên những số liệu nghiên cứu thực tế, báo cáo đã chỉ ra rặng: Năng lực số có vai trò lớn giúp cán bộ thư viện có thể phát triển nghề nghiệp trong tương lai, đặc biệt kĩ năng then chốt như sử dụng phần mềm quản lí thư viện, khai thác cơ sở dữ liệu, tìm kiếm và đánh giá thông tin trực tuyến.
 
Ý kiến phát biểu của đại diện các đơn vị tuyển dụng đều nhấn mạnh nhu cầu lớn về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về ngành quản trị thông tin. Tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều sinh viên ra trường dù có kiến thức chuyên sâu về ngành nhưng khả năng ứng dụng vào thực tế công việc chưa cao, thiếu nhiều kĩ năng cần thiết, đặc biệt trình độ ngoại ngữ. Vì vậy từ góc độ đơn vị sử dụng lao động, đại diện các doanh nghiệp mong muốn cơ sở đào tạo có những điều chỉnh trong nội dung chương trình đapg tạo, tăng thời lượng thực hành, bồi dưỡng kĩ năng mềm cho sinh viên.
MG 0402
Bà Nguyễn Thùy Linh, Giám đốc thị trường khối đại học Công ty iGroup Việt Nam chia sẻ: hiện nay sinh viên đào tạo ngành thông tin thư viện có kiến thức chuyên môn nhưng yếu về khả năng ngoại ngữ và am hiểu môi trường học thuật, nguồn dữ liệu quốc tế. Hàng năm chúng tôi có nhu cầu tuyển một số cán bộ, nhưng nếu lấy sinh viên ngành khác (giỏi ngoại ngữ) nhưng lại không có kiến thức bài bản, chuyên sâu về quản lí thông tin nên cơ quan phải đào tạo lại mất nhiều thời gian.
MG 0405
Ông Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L khẳng định: Hiện nay, cơ hội việc làm là hết sức rộng mở cho các sinh viên đào tạo ngành thông tin thư viện và quản trị thông tin, chứ không còn bó hẹp trong việc trở thành cán bộ ở các thư viện.
"Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt trong thời đại công nghệ các bạn phải tích cực trau dồi những kĩ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn trường ĐHKHXH&NV đã trang bị hết sức bài bản" - Ông Hoàng Dũng nhấn mạnh.
 
MG 0400
Bà Trịnh Thu Hà (Cán bộ quản lí Thư viện Trườơng ĐH RMIT) cho rằng: Nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp thông tin là rất lớn. Bất kì một doanh nghiệp nào cũng cần những chuyên gia về quản trị thông tin (thông tin khách hàng, thông tin người dùng, thông tin thị trường,…). Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp kKhông còn bó hẹp trong ngành thư viện mà mở rộng ra các lĩnh vực quản trị, quản lí thông tin.

Kết luận Hội thảo, TS Nguyễn Thị Kim Dung – Phó trưởng Khoa Thông tin – Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV một lần nữa nhấn mạnh: Chủ đề của hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước với 20 bài tham luận, 06 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo và nhiều ý kiến bình luận rất sôi nổi. Các báo cáo đều thể hiện sự nghiêm túc trong nghiên cứu, có chất lượng, đi đúng và trúng vào trọng tâm nội dung.
Các báo cáo và ý kiến trao đổi tại hội thảo đều đánh giá: Chất lượng nguồn nhân lực trong ngành quản trị thông tin và thông tin - thư viện tại Việt Nam đang có sự cải thiện. Tuy nhiên, sự cải thiện này vẫn còn một khoảng cách đáng kể về năng lực của nguồn nhân lực trước yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.
Ngành quản trị thông tin và thông tin – thư viện đang chuyển đổi nhanh chóng với xu hướng tích hợp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, và phân tích dữ liệu. Các cơ sở đào tạo và các tổ chức liên quan đã nhận thức được tầm quan trọng, nắm bắt xu thế và cập nhật chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế. Việc hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động sẽ giúp nắm bắt tốt hơn nhu cầu và cơ hội trong thị trường lao động.
Hội thảo đã gợi mở những hướng nghiên cứu mới thú vị cũng như đề xuất hữu ích cho đơn vị đào tạo trong việc đổi mới các chương trình đào tạo ngành thông tin thư viện, quản lý thông tin để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn nhân lực công nghiệp thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.
Một số hình ảnh từ Hội thảo
MG 0390 copy
 
MG 0344 copy
 
MG 0316 copy
 
MG 0356 copy
 
MG 0340
 
MG 0414 copy
 
MG 0415 copy
 
MG 0420 copy
 
MG 0425 copy

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây