Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, bắt đầu học kì II năm học 2011 – 2012 này, Nhà trường đã tổ chức thí điểm đăng kí môn học có chọn giảng viên với 40 lớp môn học ở 3 môn học cơ bản đó là: Cơ sở Văn hoá Việt Nam, Đường lối cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam, Những nguyên lí cơ bản của chỉ nghĩa Mác – Lênin 2. Đến nay, sau nửa học kì thí điểm, đăng kí môn học chọn giảng viên đã phần nào nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các giảng viên và sinh viên.
Thầy tích cực đổi mới - trò chủ động
Hình thức đăng kí môn học chọn giảng viên tạo nhiều cơ hội, điều kiện cho quá trình học tập của sinh viên. Sinh viên Nguyễn Thu Hà (K56 Quốc tế học) chia sẻ: Em biết được thông tin đăng kí môn học, chọn giảng viên qua email từ trường gửi. Nhờ đó em sắp xếp thời khoá biểu của mình và tiến hành đăng kí môn học. Em thấy cách triển khai đăng kí môn học theo hình thức chọn giảng viên cụ thể hơn cách đăng kí môn học trước đây bởi sinh viên biết trước được thông tin về giảng viên đồng thời cũng chọn được lớp môn học phù hợp với thời gian biểu của mình.
Đăng kí môn học chọn giảng viên sinh viên không những chủ động sắp xếp thời khoá biểu mà còn chủ động tìm hiểu thông tin về môn học, giảng viên, phương pháp kiểm tra đánh giá qua rất nhiều nguồn tin khác nhau. Dương Thị Bích Hiền (K54 Thông tin – Thư viện) cho biết: Trước khi tham gia đăng kí môn học chọn giảng viên em đã tìm hiểu thông tin về lớp học và giảng viên từ nhiều nguồn thông tin như hỏi các anh chị khoá trên, tham khảo ý kiến các bạn về môn học, về thầy cô dạy môn đó để có những hiểu biết ban đầu về môn học cũng như giảng viên sẽ dạy mình.
Không chỉ sinh viên thấy được những thuận lợi trong quá trình học tập qua hình thức đăng kí môn học chọn giảng viên mang lại mà giảng viên tham gia giảng dạy tại các lớp môn học này cũng thấy được những thay đổi và hiệu quả tích cực. TS. Nguyễn Quang Liệu (giảng viên môn Đường lối Cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam) cho biết: “ Đăng kí môn học chọn giảng viên vai trò của giảng viên rất quan trọng, giảng viên kích thích tinh thần, thái độ của các em. Do vậy giảng viên phải hoàn thiện, đổi mới bài giảng đáp ứng được kì vọng của sinh viên.”
Dù giảng dạy theo hình thức nào đi chăng nữa thì vai trò của người thầy vẫn rất quan trọng và thầy cô vẫn luôn tận tâm,tận lực truyền đạt tri thức tới lớp lớp sinh viên. PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (giảng viên môn Cơ Sở Văn hoá Việt Nam) cho biết: Với những lớp môn học này có lẽ thách thức lớn nhất mà tôi gặp phải đó là tìm hiểu nguyện vọng và mong muốn của sinh viên, để khi kết thúc môn học các em không thấy tiếc về sự lựa chọn của mình. Ở tất cả các lớp tôi đều cố gắng cập nhật thông tin, tìm kiếm những phương pháp diễn đạt và trao đổi kiến thức sinh động, nhanh chóng nhưng đầy đủ. Ở lớp này, bên cạnh những cách thức và kinh nghiệm đã có, tôi sẽ hướng các em tới một sự tương tác mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.
Vẫn có khó khăn
Triển khai đăng kí môn học chọn giảng viên ở một số môn học đã nhận được sự tham gia tích cực của giảng viên và sinh viên nhưng trước mắt vẫn còn một vài khó khăn nhất định. Tống Thị Thanh Huyền (K56 Công tác Xã hội) chia sẻ: Khó khăn lớn nhất với sinh viên năm thứ nhất chúng em là mới tiếp xúc với môi trường đại học nên còn nhiều bỡ ngỡ chưa quen thầy, quen bạn. Và một khó khăn chung không chỉ riêng em mà các bạn sinh viên đều thấy được đó là để đăng kí được môn học thì chúng em rất vất vả có những hôm phải thức đến tận khuya mà nhiều khi vẫn không đăng kí được.
Chia sẻ thêm về khó khăn trong việc đăng kí môn học, Nguyễn Thu Hà (K56 Quốc tế học) cho biết: Việc đăng kí môn học ở kì II nhưng với một số bạn lại bị chi phối bởi kết quả kì I. Có bạn không qua được môn học này ở kì I nhưng vì chưa có kết quả nên không thể đăng kí học lại ngay kì tiếp theo được.
Nhìn nhận từ góc độ của giảng viên TS Nguyễn Quang Liệu cho rằng khó khăn trong quá trình thực hiện đăng kí chọn giảng viên hiện nay đó là: Số lớp đăng kí chọn giảng viên hiện nay phần nào vẫn chưa đáp ứng được hết nguyện vọng của sinh viên. Và với giảng viên tham gia giảng dạy do số lượng sinh viên trong một lớp khá đông nên vẫn còn bất cập trong việc chia nhóm thảo luận.
Mong muốn từ phía người học – người dạy
Cả thầy và trò đã cùng trải qua những khó khăn nhưng không thể phủ nhận hiệu quả mà đăng kí môn học chọn giảng viên mang lại. Rất nhiều sinh viên đã bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục tham gia vào những lớp môn học đăng kí chọn giảng viên. “Em mong muốn kì học tiếp theo nhà trường sẽ mở nhiều lớp đăng kí môn học chọn giảng viên và phổ biến rộng tới các môn chuyên ngành để chúng em có thể đăng kí môn học được thuận lợi hơn nữa" (Ngô Thị Thanh Vi - K55 Lịch sử).
Sinh viên Nguyễn Thuỳ Dương (K55 Văn học) chia sẻ: Em hi vọng thông tin về giảng viên sẽ được cập nhật nhiều hơn, chi tiết hơn tới sinh viên. Và mong muốn các thầy cô sẽ có những phương pháp giảng dạy linh hoạt, sinh động hơn.
Các thầy cô những luôn người đồng hành, sát cánh cùng sinh viên trên con đường học tập cũng hi vọng đăng kí môn học chọn giảng viên sẽ sớm được triển khai sâu rộng. ThS Phạm Hoàng Giang (giảng viên môn Những nguyên lí cơ bản của chỉ nghĩa Mác – Lênin) cho rằng: Đăng kí môn học chọn giảng viên cần được phổ biến và đáng làm, nên làm không chỉ ở các môn cơ bản mà cả những môn chuyên ngành cũng cần được thực hiện. ThS Phạm Hoàng Giang nhấn mạnh: Khi triển khai đăng kí môn học chọn giảng viên trở nên phổ biến thì sinh viên sẽ có những tìm hiểu thông tin về giảng viên nhiều hơn để có những lựa chọn cẩn thận hơn bởi đó cũng chính là quyền lợi của sinh viên.
Triển khai đăng kí môn học chọn giảng viên bắt đầu thực hiện còn mới mẻ và còn nhiều khó khăn cần phải khắc phục sớm nhưng đây sẽ là một trong những khâu cải tiến quan trọng, đột phá để đưa công tác đào tạo tín chỉ thật sự đi vào chiều sâu, mang lại nhưng hiệu quả thiết thực nhất cho người học. Đúng như lời của PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung chia sẻ: Cải tiến và nỗ lực của cả thầy và trò sẽ đạt được mục đích cuối cùng của quy trình đào tạo đó là đảm bảo chất lượng, năng lực đầu ra, sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu của xã hội.