Nhân dịp Kỉ niệm 10 năm quan hệ hợp tác và phát triển giữa Viện Rosa Luxemburg và Trường ĐHKHXH&NV, Đài truyền hình Hà Nội đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng nhà trường. USSH trân trọng giới thiệu lại nội dung bài phỏng vấn này.
1. Xin ông cho biết quá trình thành lập mối quan hệ giữa trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với viện Rosa Luxemburg?
Quỹ Rosa Luxemburg (RLS) là tổ chức đại diện của Đảng Dân Chủ Xã Hội (PDS), có quan điểm gần gũi với Đảng Cánh tả của Cộng hoà Liên bang Đức hiện nay, mang tên nhà chính trị kiệt xuất, nữ anh hùng người Đức, bà Rosa Luxemburg. Đối với Viện RLX, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội là đơn vị đầu tiên của Việt Nam có quan hệ hợp tác, bắt đầu từ năm 2001 với chuyến thăm của ông Jorg Schultz. Năm 2002 Viện RLS chính thức kí quan hệ hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với 1 chương trình tài trợ kéo dài 3 năm về nghiên cứu chính sách. Đến năm 2008, Viện lại tiếp tục mở rộng hợp tác với trường qua việc kí hợp tác thực hiện 3 dự án: 1/Nghiên cứu chính sách nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức chính trị xã hội; 2/ Đổi mới chính sách giáo dục; 3/ Lựa chọn lí luận cánh tả trong thế giới biến đổi. Đến nay, trường ĐH KHXH&NV đã có trên 10 năm quan hệ hợp tác với Viện RLX. Sau 10 năm hợp tác và phát triển, từ một đối tác đầu tiên là trường ĐH KHXH&NV, đến nay Viện RLS đã có gần 20 đối tác với hàng chục dự án hợp tác tại Việt Nam.
2. Xin ông đánh giá tác động và hiệu quả hợp tác của Viện RLS với Nhà trường?
Trong 10 năm hợp tác với Viện RLS, bằng nhiều dự án hợp tác khác nhau, Nhà trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
a. Về nghiên cứu.
Hai bên đã tiến hành nghiên cứu và tổ chức 13 toạ đàm , hội thảo ở Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức. Ngoài ra còn cử một số đoàn đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu phân tích chính sách ở Việt Nam, Đức, Trung Quốc, Singapore,…giúp các nhà nghiên cứu và giảng viên Việt Nam tích luỹ thêm nhiều tri thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách, nhất là trong lĩnh vực Khoa học – Giáo dục. Đồng thời tổ chức dịch thuật và biên soạn nhiều tài liệu về khoa học Chính sách, trong đó có một giáo trình về khoa học chính sách được đưa vào giảng dạy ở bậc cử nhân ngành Khoa học Quản lí; xuất bản cuốn “Kĩ năng phân tích và hoạch định chính sách” phục vụ các lớp tập huẩn về kĩ năng phân tích và hoạch định chính sách cho các đại biểu quốc hội Việt Nam Khoá 2011 – 2015.
b. Về đào tạo.
- Xây dựng và giảng dạy 3 môn học về Khoa học chính sách ở bậc cử nhân cho sinh viên khoa Khoa học quản lí.
- Tập huấn một số kĩ năng mềm cho sinh viên, nâng cao vai trò của các doanh nghiệp và thị trường lao động, tăng cường gắn kết giữa có quan, đơn vị sử dụng lao động và công tác đào tạo của Trường.
- Tổ chức hơn 20 lớp tập huấn về kĩ năng phân tích và hoạch định chính sách cho các cán bộ chính sách ở các tỉnh thành trong và ngoài nước.
c. Hợp tác quốc tế
- Xây dựng quan hệ hợp tác với một số trường đại học ở Đức, Trung Quốc, Singapore, Italy,… để phát triển ngành khoa học chính sách, trước hết là chính sách công.
- Tiến hành trao đổi giảng viên, phối hợp tổ chức các Seminar, hội thảo khoa học về Khoa học chính sách với một số viện nghiên cứu, trường đại học ở châu Á và Châu Âu.
d. Hình thành trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách (CEPSTA) và xây dựng mạng lưới nghiên cứu chính sách tại Việt nam.
Để triển khai các dự án hợp tác với viện RLS và xây dựng mạng lưới về nghiên cứu chính sách, rường đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách (CEPSTA) từ năm 2007.
- Thông qua CEPSTA, trường đã tăng cường triển khai các hoạt động mở rộng đối tác nhằm xây dựng mạng lưới về nghiên cứu chính sách với hàng trăm cán bộ hoạch định, thực thi chính sách trong đó có cả các đại biểu Quốc hội, đang làm việc, hoạt động ở nhiều trường đại học, cơ quan nghiên cứu, hoặc trong các bộ ngành, tỉnh thành trong cả nước.
3. Xin ông đánh giá hoạt động và vai trò của CEPSTA?
Ra đời từ năm 2007, trung tâm đã làm tốt chức năng nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ và tư vấn về các vấn đề hoạch định, thực thi chính sách.
Là đầu mối tiếp nhận và triển khai các dự án hợp tác với viện RLS, Trung tâm (CEPSTA) của Trường đã xây dựng và phát triển mạng lưới ( gồm hàng chục cơ sở nghiên cứu, trường đại học) về Khoa học Chính sách ở Việt Nam. Trung tâm cũng đã triển khai các khoá đào tạo, tập huấn về kĩ năng nghiên cứu và hoạch định chính sách cho hàng trăm cán bộ Quốc hội, trung ương và địa phương, góp phần đổi mới và nâng cao kĩ năng phân tích và hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
4. Ông có thể đề xuất một vài ý kiến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với Viện RLS trong tương lai?
- Về tổ chức, Trường mong muốn tiếp tục được hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực của Viện RLS để phát triển. Trên cơ sở đó, trong tương lai gần hi vọng sẽ phát triển Trung tâm CEPSTA thành Viện Chính sách, giữ vai trò đầu tàu đối với Việt Nam như Viện Chính sách Lí Quang Diệu đối với Singapore trong lĩnh vực này.
- Về nghiên cứu chính sách:
+ Viện tiếp tục ủng hộ để trường triển khai các khoá đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kĩ năng về nghiên cứu, hoạch định, thực thi chính sách cho các cán bộ địa phương, nhất là các cán bộ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi…- những vùng ít có điều kiện được đào tạo, tìm hiểu về lĩnh vực này.
+ Hỗ trợ trong việc xây dựng ngành Khoa học Chính sách, trước hết là chính sách công thành một ngành học độc lập trong trường ĐH KHXH&NV ở cả ba bậc học từ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ.
+ Hỗ trợ các dự án về chính sách môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, đặc biệt là mảng hoạt động về chính sách khoa học và giáo dục.
Nói tóm lại, sau 10 năm hợp tác với Viện RLS, trường ĐHKHXH&NVnói riêng, VN nói chung đã có những thay đổi quan trọng từ nhận thức đến hoạt động hoạch định, thực thi chính sách, góp phần hình thành và phát triển ngành Khoa học Chính sách (Policy Science) tại Việt Nam . Nhân dịp kỉ niệm 10 năm quan hệ hợp tác với Việt Nam, thay mặt Trường đại học KHXH &NV, ĐHQG HN – đối tác đầu tiên của Viện tại Việt Nam , tôi xin chân thành cảm ơn các thế hệ lãnh đạo Viện RLX, các vị trưởng đại diện cùng các thành viên của Viện tại Hà Nội về sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả đối với Nhà trường và Việt Nam, đóng góp quan trọng vào vào sự phát triển của giáo dục đại học và đất nước Việt Nam trong thập kỉ vừa qua.
Xin chúc quan hệ hợp tác giữa Viện RLS với VN tiếp tục phát triển, chúc vị thế và uy tín của Viện ngày càng được nâng cao tại VN và trên toàn thế giới, xứng đáng với tên tuổi và tư tưởng vĩ đại của người nữ anh hùng Rosa Luxemburg.
Xin trân trọng cảm ơn ông.