Tin tức

Sinh viên Nhân học đi trồng rau

Thứ ba - 22/05/2012 02:39
Một trong những báo cáo khoa học đạt giải Nhất trong Hội nghị SVNCKH Trường ĐHKHXH&NV vừa qua là công trình nghiên cứu về canh tác rau theo mô hình nông nghiệp hữu cơ tại địa bàn xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội do nhóm sinh viên K54 Nhân học thực hiện. Báo cáo có những kết quả nghiên cứu tốt nhờ quá trình thực địa công phu và kĩ năng làm việc nhóm hiệu quả. Bên lề Hội nghị, nhóm sinh viên đã chia sẻ nhiều trải nghiệm trong quá trình thực hiện đề tài này.
Sinh viên Nhân học đi trồng rau
Sinh viên Nhân học đi trồng rau
Một trong những báo cáo khoa học đạt giải Nhất trong Hội nghị SVNCKH Trường ĐHKHXH&NV vừa qua là công trình nghiên cứu về canh tác rau theo mô hình nông nghiệp hữu cơ tại địa bàn xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội do nhóm sinh viên K54 Nhân học thực hiện. Báo cáo có những kết quả nghiên cứu tốt nhờ quá trình thực địa công phu và kĩ năng làm việc nhóm hiệu quả. Bên lề Hội nghị, nhóm sinh viên đã chia sẻ nhiều trải nghiệm trong quá trình thực hiện đề tài này.
Mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Sóc Sơn là một dự án phát triển có tên “Sản xuất rau hữu cơ giúp xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội” do Trung tâm Hành động vì Sự phát triển đô thị (ACCD) thực hiện trong hai năm 2008-2009, được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia. Sau khi dự án kết thúc, những nhóm nông dân tham gia dự án vẫn tiếp tục giữ liên kết với ACCD để duy trì mô hình sản xuất này cho đến nay. Nhóm sinh viên K54 Nhân học, gồm: Trần Diệu Anh, Ngô Thị Chang, Tạ Thị Hiền, Hồ Sĩ Lập, Lê Thị Thương đã nghiên cứu về mô hình sản xuất này nhằm đưa ra những cơ sở khoa học và thực tiễn góp phần chứng minh: phát triển nông nghiệp hữu cơ dựa trên nền tảng vốn xã hội và mạng lưới xã hội ở khu vực nông thôn là giải pháp hữu hiệu cho phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn nước ta.
- Tại sao các bạn lại chọn đề tài này? Trần Diệu Anh (nhóm trưởng): Trước đây em tham gia vào mạng lưới Thế hệ xanh – nhóm thanh niên hoạt động vì môi trường ở Hà Nội. Trong một hoạt động của mạng lưới này, em được đi thực tế tìm hiểu mô hình sản xuất phát triển bền vững tại Sóc Sơn, được tham quan vườn rau trồng theo phương thức canh tác hữu cơ. Sản xuất rau hữu cơ là việc canh tác rau không sử dụng chất hoá học trong trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch, vận dụng tối đa các đặc tính và nguồn vốn tự nhiên của cây trồng để đảm bảo chất lượng và sản lượng nông sản. Mô hình sản xuất này đặc biệt có ý nghĩa trong việc bảo vệ sức khoẻ cho người dân, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường cho địa phương. Nhất là trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay thiếu bền vững, sản phẩm nông nghiệp thường sử dụng phân bón thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng gây hại cho cả người tiêu dùng và người sản xuất. Em đã chia sẻ mối quan tâm này với các bạn trong nhóm và cùng đi đến quyết định sẽ tìm hiểu mô hình hoạt động này được tổ chức sản xuất như thế nào, hiệu quả và ý nghĩa xã hội của nó ra sao, liệu đây có phải là giải pháp cho phát triển bền vững nông nghiệp ở Việt Nam và làm thế nào để nhân rộng mô hình này? - Một trong những yếu tố được đánh giá cao ở đề tài này là quá trình thực địa lấy thông tin tại địa bàn rất công phu, các em có thể chia sẻ về quá trình khảo sát và tiếp cận các nguồn thông tin ? Trần Diệu Anh: Đúng là quá trình này mất khá nhiều thời gian và công sức của cả nhóm, là hoạt động then chốt để cho ra những kết quả nghiên cứu chính. Chúng em đã bàn bạc để lên một kế hoạch đi thực tế rất cụ thể, đồng thời liên hệ gửi bản kế hoạch này đến các tổ chức có liên quan để nhờ giúp đỡ. Sự cho phép và cao hơn nữa là ủng hộ từ các nơi đến khá dễ dàng nhưng khó khăn thực sự đến khi phải bắt tay vào khai thác thông tin sâu. Chúng em đã đến sống, cùng làm việc với nhiều gia đình tại địa bàn để tìm hiểu thực tế bà con trồng rau củ như thế nào, có kinh nghiệm và cách thức làm ra sao... Ban đầu bọn em đặt kế hoạch là sẽ dành 2 tuần làm quen và tìm hiểu nhưng rốt cuộc kế hoạch này đã phá sản hoàn toàn. Phải đến tuần thứ 7, 8 chúng em mới thực sự thân quen và làm bà con tin tưởng, mở lòng nói cho biết những bí quyết: từ việc chọn và làm đất, chọn giống, gieo trồng, chăm sóc và bảo vệ rau thế nào… Hồ Sĩ Lập: Để lấy thông tin từ chính quyền địa phương thì chúng em đã liên hệ để xin giúp đỡ, nhưng thực tế công việc này vì nhiều lí do trở nên rất khó khăn. Cuối cùng, chúng em lại đi đường vòng bằng cách sau khi đã tạo mối quan hệ tốt với bà con, lại nhờ chính bà con tác động và liên hệ giúp với các cá nhân có trách nhiệm trong tổ chức chính quyền địa phương. - Từ việc trực tiếp tham gia canh tác rau tại địa bàn với bà con nông dân cho đến việc tìm hiểu mô hình sản xuất mới này, nhóm đã có những kết luận quan trọng nào? Trần Diệu Anh: Dựa trên những nghiên cứu của nhóm, chúng em nhận định rằng nông nghiệp hữu cơ nói chung và mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Sóc Sơn đã mang lại những giá trị và lợi thế khác biệt, tạo nên sự thay đổi rõ rệt cho cuộc sống của người dân và đảm bảo chất lượng môi trường. Mô hình đã vận dụng tối ưu lợi thế từ các nguồn lực bao gồm cả từ phía Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Nhóm cũng nhận thấy những triển vọng khả quan: đây là mô hình phát huy cố kết cộng đồng, tăng cường tiếng nói của đối tượng yếu thế là người nông dân, phát huy thế mạnh sản xuất nông sản trong bối cảnh toàn cầu hoá và ô nhiễm môi trường, đồng thời là bước khởi đầu để Việt Nam tiến tới xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững hơn, đảm bảo sức khoẻ của cộng đồng.
Đây là một đề tài có tính thời sự, tính mới, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống xã hội của chúng ta, do chính sinh viên trong quá trình hoạt động của mình phát hiện ra. Đề tài không chỉ phù hợp với những kiến thức được đào tạo mà còn có quá trình điền dã thực địa rất tốt. Công sức của sinh viên bỏ ra để đi khảo sát và thu thập thông tin nghiên cứu là rất lớn, quá trình đi thực tế địa bàn không chỉ trong vài tháng mà diễn ra trong cả năm. Các em phải đến cùng sống, cùng làm với bà con nông dân, tạo sự tin cậy với bà con để họ trò chuyện và chia sẻ những bí quyết trong canh tác, sản xuất. Tôi đánh giá cao khả năng làm việc nhóm của tập thể sinh viên này, đặc biệt là vai trò của trưởng nhóm trong việc gắn kết các thành viên, điều phối các hoạt động chung cũng như tổng hợp các thông tin thu thập được để xây dựng báo cáo hoàn chỉnh với độ dài lên tới hơn 200 trang. PGS.TS Lê Sĩ Giáo (Bộ môn Nhân học - giáo viên hướng dẫn)
- Đâu là những khó khăn lớn nhất mà các bạn gặp phải khi thực hiện đề tài này? Trần Diệu Anh: Vấn đề mà các thành viên trong nhóm hay gặp phải là đôi khi bị cảm giác chán nản, mất định hướng chi phối bởi nhiều khi mình bỏ công sức mà kết quả lại không như dự tính. Tâm lí ấy ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc. Có lẽ khó khăn lớn nhất là vượt qua sự tự ti và chán nản của chính mình. Đối với em - là trưởng nhóm - thì còn có nhiệm vụ phải giữ được tinh thần làm việc cho cả nhóm, duy trì lịch làm việc đều đặn. Ví dụ sau mỗi một đợt đi thực tế về thì phải giữ được tinh thần làm việc nghiêm túc, phải viết nhật kí công việc thường xuyên liên tục không được quên hoặc vì lười mà bỏ qua… Lê Thị Thương: Ngay từ khi bắt tay vào việc, em đã vạch ra timeline cho mình nhưng khi xuống tới địa bàn thì thực tế hoàn toàn khác. Thậm chí có những lúc thấy “sốc” và buồn bởi khi mình đã rất cố gắng làm quen, hỏi han các cô, các bác nhiều mà vẫn không khai thác được thông tin gì. Phải đến khi ra đồng làm việc với bà con một tuần sau thì mọi người mới bắt đầu nhớ mặt biết tên. Em được phân công tìm hiểu vai trò của các tổ chức chính quyền và các tổ chức dân sự trong việc triển khai mô hình sản xuất này nên việc lấy thông tin lại càng khó khăn hơn. Bởi họ có bí mật riêng mà không muốn chia sẻ hoặc nghi ngờ động cơ của mình. Nhiều khi mất cả buổi sáng ra đồng làm việc với bà con nhưng đến trưa lại bị “đuổi” về - tủi thân lắm ! Những khó khăn ấy làm mình bối rối và hoang mang không biết bắt đầu lại từ đâu. Cho đến giờ kinh nghiệm quan trọng nhất mà em rút ra được là khi lên kế hoạch làm việc phải dự tính được những vấn đề thực tế có thể nảy sinh và luôn linh hoạt thay đổi kế hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế, làm sao để cuối cùng cũng vẫn phải đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra. Ngô Thị Chang: Khó khăn lớn nhất là tạo niềm tin cho chính mình và cho mọi người vào công việc. Chỉ là sinh viên khi xuống địa bàn, không phải lúc nào người dân địa phương cũng tin, cũng nghe và trả lời thật lòng. Đôi khi những thông tin thu được rất hời hợt so với công sức và kì vọng ban đầu. Em đã từng rất buồn và nản lòng. Sau đó, bản thân phải tự nhủ rằng, mình được giao tìm hiểu về phương thức canh tác thì người dân làm gì mình cũng phải làm cùng và làm nhiều để họ quen với mình hơn. Trong khi làm cùng thì hỏi họ về kinh nghiệm và cách làm cũng dễ hơn. Hồ Sĩ Lập: Vì đây là công trình NCKH của một nhóm nên khó khăn lớn nhất là giữ được sự đoàn kết của các thành viên, trong đó vai trò của người thủ lĩnh rất quan trọng. Thực sự bọn em rất cảm ơn bạn nhóm trưởng Diệu Anh vì đã luôn cố gắng duy trì mối quan hệ và tinh thần làm việc của cả nhóm. Bọn em đã cùng tham gia những hoạt động bên ngoài như tham dự hội nghị, triển lãm liên quan đến đề tài … Có như vậy mới mới thật sự nuôi dưỡng được động lực làm việc của cả nhóm. Tạ Thị Hiền: Em xuất thân từ nhà nông nên ban đầu khi tiếp xúc với công việc canh tác trồng trọt của bà con, em cảm thấy thân quen và từng nghĩ là nhưng điều mình muốn tìm hiểu có thể chỉ cần hỏi chính gia đình, hàng xóm của mình là xong, khỏi mất công xuống tận địa bàn. Nhưng thực tế thì mình đã lầm bởi mỗi nơi có một văn hoá riêng, một cách làm riêng không giống nhau. Để có những kết quả nghiên cứu chính xác cần những trải nghiệm cụ thể và thực tiễn. Khó khăn lớn nhất của em là đấu tranh với chính mình để không bỏ cuộc. - Quay trở lại với ý kiến của bạn Lập, rằng việc duy trì hoạt động nhóm trong quá trình nghiên cứu rất khó khăn, vậy nguyên tắc nào đã được đặt ra để đảm bảo nhóm không bị tan rã? Trần Diệu Anh: Yếu tố đầu tiên là luôn dân chủ. Từ chủ đề, nội dung nghiên cứu cho đến cách làm chỉ cần một người tỏ ra không đồng ý hoặc miễn cưỡng thì sẽ không đi đến đâu. Chúng em đã xây dựng một nội quy làm việc của nhóm, rồi kế hoạch làm việc tổng thể với phân công công việc rõ cho từng người. Tất cả những việc này đều phải có sự bàn bạc thống nhất của tất cả nhóm. Việc gì cũng phải có deadline, nếu ai không hoàn thành phần việc của mình thì mọi người lại họp để tìm hiểu xem bạn đấy gặp vấn đề gì không giải quyết được. Cả nhóm sẽ cùng tham gia gỡ rắc rối chứ không để một mình cá nhân giải quyết đơn lẻ. Hoặc trong mối quan hệ giữa các thành viên, nếu ai không bằng lòng ai điều gì thì phải nói chuyện thẳng thắn, chữ không để tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng”. Cũng có trường hợp bạn nào đó cảm thấy quá chán nản, thì sẽ bị cả nhóm “quây” lại, cùng lắng nghe bạn ấy nói hết những điều bức xúc trong lòng ra. Là nhóm trưởng, em cũng luôn cố gắng rủ các bạn tham gia nhiều hoạ động bên ngoài nữa để gắn kết và “lên giây cót” tinh thần cho nhóm.

- Vậy đến thời điểm hiện tại, ngoài giải thưởng đạt được thì việc tham gia NCKH đem lại cho các bạn điều gì? Lê Thị Thương: Em khác với nhiều bạn trong nhóm khi chọn lựa ban đầu của em không phải là ngành Nhân học. Và suốt một thời gian dài em không cảm nhận được sức hấp dẫn của ngành học này. Chỉ từ năm thứ ba, khi được đi thực tế, em mới phát hiện ra ngành học của mình có tính ứng dụng thực tiễn rất cao và cơ hội nghề nghiệp được đảm bảo. Chính quá trình đi thực tế làm đề tài càng củng cố thêm suy nghĩ ấy của em. Em là người được phân công trình bày báo cáo tại hội nghị. Suốt một tuần trước khi trình bày, em gần như là “mất ăn mất ngủ”. Em phải về nhà luyện nói, thu âm và nghe lại, rồi điều chỉnh. Khi mọi việc đã diễn ra suôn sẻ rồi thì mình thấy rất vui vì nhận ra là mọi chuyện không quá khó như mình tưởng. Trần Diệu Anh: Quá trình đi thực tế địa bàn tuy có nhiều khó khăn nhưng dù sao nhóm cũng đã thực hiện được hết các mục tiêu đề ra. Cái khó nhất là mọi người phải tập trung ngồi viết, tổng hợp từ tất cả những thông tin thu thập được - những thông tin rất dân dã, rất đời thường nhưng phải viết bằng ngôn ngữ khoa học. Qua đó, cá nhân em thấy mình có sự trải nghiệm thực sự về tư duy khoa học, từ cách đánh giá vấn đền đến cách thể hiện… Ngô Thị Chang: NCKH rất cần thiết đối với các bạn sinh viên. Nếu sinh viên mà không làm nghiên cứu khoa học thì thực sự rất đáng tiếc. Vì đây là cơ hội giúp chúng ta tăng cường kinh nghiệm sống, rèn luyện cách tư duy và làm việc thực tế. NCKH đã giúp em khắc phục tính “nhát” vốn có, khẳng định được năng lực của bản thân để thêm tự tin hơn trong cuộc sống. Tạ Thị Hiền: NCKH cho em nhiều kinh nghiệm làm việc nhóm, biết trân trọng hơn công sức của mọi người bỏ ra. Khi làm việc tập thể điều quan trọng là chúng ta phải biết chia sẻ thật lòng và biết lắng nghe. Tham gia NCKHSV giúp hình thành tư duy khoa học và tầm nhìn vĩ mô hơn khi nhìn nhận đánh giá các vấn đề, sự kiện. Hồ Sĩ Lập: Em rất đồng tình với ý kiến của các bạn, thật sự có làm NCKH sinh viên mới trưởng thành được về kiến thức chuyên môn và cả trong các ứng xử giao tiếp xã hội.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây