Tin tức

Đọc sách: Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt

Thứ tư - 06/06/2012 09:29
Lịch sử ngữ âm, lịch sử từ vựng và lịch sử ngữ pháp là ba mảng không thể thiếu trong nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Về lịch sử ngữ âm tiếng Việt, chúng ta đã có được những thành tựu to lớn với các công trình của GS.TS. Nguyễn Tài Cẩn như: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Sơ thảo) (Hà Nội, 1995), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (Hà Nội, 1979, 2000)... Về lịch sử từ vựng tiếng Việt, chúng ta đã có công trình Lịch sử từ vựng tiếng Việt (thời kì 1858-1945) của GS.TS Lê Quang Thiêm (Hà Nội, 2003), hoặc được đề cập trong trong những công trình như: Tìm hiểu về tiếng Việt lịch sử của GS.TS. Nguyễn Ngọc San (Hà Nội, 1993); Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo) của GS.TS. Trần Trí Dõi (Hà Nội, 2005), Các bài giảng về lịch sử tiếng Việt (thế kỉ XX) của GS.TS Đinh Văn Đức (Hà Nội, 2005)... Nhưng công trình Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt của PGS.TS Vũ Đức Nghiệu vừa được Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam ấn hành năm 2011 là chuyên khảo đầy đặn, có quy mô lớn nhất và được thực hiện công phu, tỉ mỉ nhất về vấn đề này.
Đọc sách: Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt
Đọc sách: Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt
Lịch sử ngữ âm, lịch sử từ vựng và lịch sử ngữ pháp là ba mảng không thể thiếu trong nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Về lịch sử ngữ âm tiếng Việt, chúng ta đã có được những thành tựu to lớn với các công trình của GS.TS. Nguyễn Tài Cẩn như: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Sơ thảo) (Hà Nội, 1995), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (Hà Nội, 1979, 2000)... Về lịch sử từ vựng tiếng Việt, chúng ta đã có công trình Lịch sử từ vựng tiếng Việt (thời kì 1858-1945) của GS.TS Lê Quang Thiêm (Hà Nội, 2003), hoặc được đề cập trong trong những công trình như: Tìm hiểu về tiếng Việt lịch sử của GS.TS. Nguyễn Ngọc San (Hà Nội, 1993); Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo) của GS.TS. Trần Trí Dõi (Hà Nội, 2005), Các bài giảng về lịch sử tiếng Việt (thế kỉ XX) của GS.TS Đinh Văn Đức (Hà Nội, 2005)... Nhưng công trình Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt của PGS.TS Vũ Đức Nghiệu vừa được Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam ấn hành năm 2011 là chuyên khảo đầy đặn, có quy mô lớn nhất và được thực hiện công phu, tỉ mỉ nhất về vấn đề này. Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt dày 515 trang, khổ 16 x 24; nội dung gồm: Phần Dẫn nhập giới thiệu về bối cảnh ngôn ngữ, lịch sử của tiếng Việt và lối tiếp cận nghiên cứu lịch sử tiếng Việt; Phần 1: Nguồn gốc từ vựng tiếng Việt gồm 4 chương khảo sát về bốn mảng: lớp từ thuộc nguồn gốc Việt Mường, Môn Khmer; lớp từ thuộc nguồn gốc Tày Thái và Nam Đảo; lớp từ thuộc nguồn gốc Hán; lớp từ thuộc nguồn gốc Ấn Âu; Phần 2: Diện mạo của từ vựng tiếng Việt qua các phân kì lịch sử gồm 4 chương, khảo sát 4 vấn đề: diện mạo của từ vựng tiếng Việt cổ, diện mạo của từ vựng tiếng Việt trung đại, diện đại của từ vựng tiếng Việt cận đại, diện mạo của từ vựng tiếng Việt hiện đại. Cấu trúc chuyên khảo như thế, theo tôi là hợp lí. Trong phần dẫn nhập, tác giả phác hoạ bối cảnh lịch sử của tiếng Việt và cách tiếp cận của mình khi nghiên cứu lịch sử từ vựng tiếng Việt. Cũng ở phần này, có một việc, tuy không phải là mục đích và nhiệm vụ chính của chuyên khảo, nhưng tác giả đã trình bày rất cụ thể (có lẽ với ngụ ý coi như một căn cứ để làm việc và khai thác tư liệu) một số thao tác của phương pháp so sánh - lịch sử khi tái lập / phục nguyên các nguyên mẫu (prototype – dạng tiền ngôn ngữ) của từ (mà hầu như các sách hữu quan của chúng ta ở Việt Nam chưa trình bày như thế), với những ngữ liệu minh hoạ cụ thể, rõ ràng của chính tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ Môn - Khmer khác. Có thể nói, đó cũng là một đóng góp mới. Phần 1 của chuyên khảo dành cho việc đi sâu tìm hiểu nguồn gốc của từ vựng tiếng Việt, nó hình thành từ đâu, gồm những lớp từ thuộc những nguồn gốc nào. Tác giả đã chứng minh cái cốt lõi, đóng vai trò hạt nhân chính là các từ nguồn gốc Nam Á, cụ thể là các từ thuộc gốc Môn - Khmer, Việt - Mường (Vietic). Đây là lớp từ bền vững nhất, căn bản nhất trong toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, các từ thuộc nguồn gốc Tày Thái cũng thâm nhập cực kì sâu vào tiếng Việt, khiến tiếng Việt biến đổi sâu sắc, từ bỏ nhiều đặc trưng vốn có của cội nguồn Môn - Khmer để trở thành ngôn ngữ đơn tiết tính, có thanh điệu. Những vấn đề khác như: các từ gốc Hán cùng với vai trò, vị trí hết sức đặc biệt của chúng trong lịch sử từ vựng tiếng Việt, các từ Hán Việt với sự tác động và ảnh hưởng lớn của chúng đối với sự phát triển từ vựng văn hoá, văn học, khoa học, nghệ thuật của tiếng Việt; các từ có nguồn gốc Ấn Âu được vay mượn muộn hơn về sau và có vai trò đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển hệ thống thuật ngữ khoa học của tiếng Việt... cũng đã được khảo luận, trình bày khá đầy đủ và chi tiết, giúp người đọc dễ hình dung được nguồn gốc các thành phần tạo dựng nên từ vựng tiếng Việt. Phần 2 của chuyên khảo miêu tả diện mạo từ vựng tiếng Việt qua những biểu hiện cụ thể trên ngữ liệu thuộc những giai đoạn lịch sử khác nhau để trên cơ sở đó mà hình dung ra tiến trình phát triển lịch sử của nó. Vào giai đoạn tiếng Việt cổ (khoảng thế kỉ XI – XVI), hệ thống chữ Nôm đã ra đời và phát triển, phương ngữ khu bốn hình thành, ngôn ngữ văn học viết và từ vựng văn học bắt đầu hình thành và phát triển mà các văn bản sáng tác viết bằng chữ Nôm (như: Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Chỉ Nam ngọc âm, thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm ... cùng với những văn bản giải âm (như: Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Thiền tông Khoá hư lục giải nghĩa, Truyền kì mạn lục giải âm ...) chính là những kết quả, những biểu hiện đầu tiên. Từ vựng tiếng Việt trung đại (thế kỉ XVII đến nửa đầu thế kỉ XIX) có sự phát triển đỉnh cao của từ vựng văn học, thể hiện ở các nguồn ngữ liệu là những tác phẩm của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm..., hàng loạt truyện thơ Nôm khuyết danh. Vào giai đoạn này, chữ Quốc ngữ đã ra đời và phương ngữ Đàng Trong đã định hình và phát triển. Hàng loạt văn bản văn xuôi, thư từ… ghi bằng chữ Quốc ngữ đã được khảo sát để phân tích về từ vựng tiếng Việt trong giai đoạn này. Nét nổi bật trong từ vựng tiếng Việt cận đại là có sự tiếp xúc Pháp - Việt nên lớp từ nguồn gốc Ấn-Âu, chủ yếu là từ gốc Pháp đã xuất hiện ngày càng nhiều; các hệ thống thuật ngữ thuộc các ngành khao học khác nhau bắt đầu phát triển; nền văn xuôi Việt Nam bắt đầu thực sự hình thành, với những tác giả đầu tiên như Trương Vĩnh Kí, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt... ở Nam Kì. Trong giai đoạn hiện đại (từ giữa thế kỉ XX đến nay), từ vựng tiếng Việt đã phát triển vượt bậc trong bối cảnh tiếng Việt đảm nhận vai trò ngôn ngữ quốc gia của nó. Các nguồn ngữ liệu từ điển đã được huy động tối đa để so sánh, phân tích từ vựng của giai đoạn này. Trong mỗi giai đoạn lịch sử nêu trên, chuyên khảo này đều khảo sát những nguồn ngữ liệu hữu quan, đưa ra những số liệu cụ thể và các tương quan ngôn ngữ học của chúng để qua đó phác thảo nên cơ cấu từ vựng, diện mạo từ vựng, cùng với những biểu hiện phát triển của chúng. Tôi cho rằng cách miêu tả một trạng thái từ vựng như vậy là hợp lí và tác giả đã thu được những kết quả, thành công.

Nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ, nhân tố quan trọng nhất là nguồn tư liệu. Càng có nhiều tư liệu mới được khảo chứng, càng có cơ sở cho những giả thiết và nhận định; mà khảo chứng ngữ liệu từ vựng trong quá khứ lịch sử thường đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có sự hiểu biết về nhiều mặt: ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá, văn học… đồng thời lại phải hết sức cẩn thận đối diện với những vấn đề phức tạp của từ ngữ cổ, biết cách xử lí thích hợp từ “cách nhìn từ vựng học” đối với những “ca khó” do vấn đề chữ Nôm và phiên âm Nôm trong văn bản cổ gây ra…, cho nên sự say mê khoa học, không ngại khó và sự tỉ mỉ, chi tiết trong khảo chứng ngữ liệu lại chính là đòi hỏi trước hết. Trong công trình này, ngoài những nguồn tư liệu do chính tác giả đã thu thập một cách rất công phu, tác giả còn kế thừa được nhiều tư liệu quý từ những công trình của các học giả nước ngoài. Có thể nói tác giả đã rất chú ý đến các nguồn ngữ liệu hiện thực của tiếng Việt, đồng thời cập nhật được tình hình nghiên cứu hữu quan ở trong và ngoài nước; và có những nhận xét đúng đắn về ý kiến của những người đi trước. Nhiều chú giải cẩn thận, chi tiết và tinh tế được thực hiện trong chuyên khảo chứng tỏ tác giả làm chủ các vấn đề của mình và đã rất cẩn trọng trong quá trình tìm tòi, tra cứu... Vì thế, với chuyên khảo này, tác giả đã có những đóng góp riêng của mình cả về tư liệu lẫn nhận định khoa học, được trình bày một cách khúc chiết, rõ ràng và dễ theo dõi. Với Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt, giới Việt ngữ học đã có thêm một bước tiến trên con đường khám phá lịch sử tiếng Việt. Không thể nói rằng công trình này (và cả những công trình khác) khảo tả, phản ánh được hoàn toàn đầy đủ các trạng thái từ vựng, sự kiện từ vựng và lịch sử từ vựng tiếng Việt; nhưng, với công trình này, có thể coi như một phác thảo, một kí hoạ với những đường nét và chi tiết cơ bản của bức tranh lịch sử từ vựng tiếng Việt đã được hoàn thành. Những gì còn chưa khảo hết sẽ được các nhà nghiên cứu khác tiếp tục nghiên cứu, bổ sung. Chuyên khảo này không chỉ phục vụ cho nghiên cứu, đào tạo về ngôn ngữ học, Việt ngữ học, mà phục vụ cho cả nghiên cứu, đào tạo về Việt Nam học, văn học và văn hoá học. Chúng tôi hoan nghênh Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã xuất bản chuyên khảo này trong loạt sách “tài liệu tham khảo chất lượng cao”; và xin trân trọng giới thiệu cùng đông đảo bạn đọc.

(Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, số 5/2012, tr. 77- 80)

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây