Thanh niên miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước
admin
2012-04-24T00:10:14-04:00
2012-04-24T00:10:14-04:00
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/nhan-vat-su-kien/thanh-nien-mien-bac-trong-cuoc-khang-chien-chong-mi-cuu-nuoc-8387.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ ba - 24/04/2012 00:10
Nhân dịp cuốn sách "Thanh niên miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1965-1975)" được xuất bản, USSH trân trọng giới thiệu lại Lời nói đầu cuốn sách này.
Nhân dịp cuốn sách "Thanh niên miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1965-1975)" được xuất bản, USSH trân trọng giới thiệu lại Lời nói đầu cuốn sách này.
Thanh niên trong mọi thời đại luôn là rường cột, lực lượng tiên phong trong công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước. Ở thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước và thống nhất Tổ quốc, thế hệ trẻ Việt Nam, trong đó có thanh niên miền Bắc được Đảng và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo, tổ chức, giáo dục và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử của mình, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Trong cuộc trường chinh vĩ đại, với chiến công chói lọi của đất nước những năm chống Mĩ, giai đoạn 1965 - 1975 là một thập kỉ dân tộc Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam đã đương đầu với cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất và cũng giành được những chiến công hết sức vẻ vang. Nghiên cứu lịch sử thanh niên nói chung, lịch sử vận động thanh niên của Đảng nói riêng giai đoạn 1965 - 1975, cả ở hai miền Bắc - Nam là một chủ đề khoa học có nhiều ý nghĩa. Thông qua việc nghiên cứu, cuốn sách góp phần làm rõ vai trò, đặc điểm, sự cống hiến của thanh niên, lực lượng tiêu biểu cho ý chí độc lập và khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam - một dân tộc có lịch sử lâu đời và truyền thống yêu nước.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam, là công lao, sự cống hiến, hi sinh của nhiều thế hệ con người Việt Nam, trong đó phải nói tới sự đóng góp to lớn, thường xuyên, có ý nghĩa quyết định nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. “Miền Bắc đã dốc vào chiến tranh cứu nước và giữ nước với toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã làm tròn một cách xuất sắc căn cứ địa cách mạng của cả nước, xứng đáng là pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội”.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn vận mệnh của tuổi trẻ với vận mệnh của dân tộc trong những điều kiện thử thách ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Với tinh thần “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, với phong trào “Tay búa – Tay súng”, “Tay cày – Tay súng”, “Tay bút – Tay súng”… hàng triệu cô gái, chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi đã lớp lớp nối tiếp nhau, hăng hái đi đầu trong suốt hơn 10 năm cuối cùng đầy gian khổ, hi sinh của cuộc kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hậu phương. Họ đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, có mặt tại mọi chiến trường đánh Mĩ ở miền Nam và ở các nước bạn Lào, Cămpuchia, với lòng quả cảm, tinh thần sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc và cũng lập nên những chiến công hiển hách.
Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đã đào luyện nên một thế hệ thanh niên đầy khí phách hiên ngang, không tiếc thân mình cống hiến, hi sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Đó vừa là thành quả đáng tự hào, vừa là bài học sinh động về công tác vận động, tập hợp thanh niên và cũng là cơ sở lịch sử, nguồn tư liệu xác thực, sinh động để giáo dục truyền thống, rèn luyện phẩm chất cách mạng, khơi dậy những tiềm năng to lớn, lí tưởng của hàng triệu nam, nữ thanh niên hiện nay sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của đất nước ta.
Cuốn sách “Thanh niên miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1965 – 1975)” với cách tiếp cận nghiên cứu đa diện, liên ngành giữa khoa học lịch sử, khoa học chính trị và điều tra xã hội học… đã cố gắng khai thác nhiều nguồn tài liệu, các số liệu thống kê, nhân chứng lịch sử… nhằm làm sáng tỏ nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam về vai trò, vị trí của thanh niên, công tác vận động thanh niên trong tiến trình cách mạng nói chung và sự nghiệp chống Mĩ, cứu nước nói riêng; phục dựng lại bức tranh chân thực, toàn diện về quá trình lao động sáng tạo, hăng say học tập, kiên cường dũng cảm trong chiến đấu của thanh niên miền Bắc những năm 1965 - 1975. Trên cơ sở đó, tác giả bước đầu đưa ra những đánh giá, nhận xét chung về đặc điểm, thành tựu, hạn chế của cuộc vận động thanh niên miền Bắc của Đảng, tổng kết một số kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, từ đó rút ra những kết luận cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn cho công tác vận động thanh niên trong giai đoạn hiện nay.