Tin tức

Sinh viên báo chí: học bơi để khỏi chìm

Thứ tư - 20/06/2012 12:22
Bài giảng của thầy giáo bắt đầu được 5 phút hắn mới hớt hải đến: “Xin lỗi thầy, em xong buổi thu hình hơi muộn”. Chuông hết giờ vừa reo hồi thứ nhất hắn đã ôm cặp lao như tên bắn ra nhà xe…. Đó là hình ảnh mà các sinh viên báo chí vẫn quen thuộc với Lê Mai Hương Trà. Với chúng tôi, vừa học vừa kiếm tiền nuôi bản thân và quyết biến những ước mơ trở thành hiện thực đã trở thành một lẽ sống.
Bài giảng của thầy giáo bắt đầu được 5 phút hắn mới hớt hải đến: “Xin lỗi thầy, em xong buổi thu hình hơi muộn”. Chuông hết giờ vừa reo hồi thứ nhất hắn đã ôm cặp lao như tên bắn ra nhà xe…. Đó là hình ảnh mà các sinh viên báo chí vẫn quen thuộc với Lê Mai Hương Trà. Với chúng tôi, vừa học vừa kiếm tiền nuôi bản thân và quyết biến những ước mơ trở thành hiện thực đã trở thành một lẽ sống.

Bệ phóng từ giảng đường

Thời gian biểu của Hương Trà luôn kín mít: 6 giờ sáng thức giấc, 7h30 chuẩn bị giấy tờ và đến Đài truyền hình Việt Nam quay phóng sự, liên hệ với các trường để làm chương trình, chuẩn bị clip ca nhạc cho đến gần 12 giờ trưa. 1 giờ chiều đã phải có mặt ở trường. Buổi tối dành cho học bài, chuẩn bị kịch bản chương trình… Thời gian dành cho nghỉ ngơi luôn bằng zero ngay cả trong ngày nghỉ. Một ngày mới bắt đầu từ 2 giờ sáng với mọi người có thể là một điều khó khăn. Nhưng đối với những sinh viên báo hình như Thu Hà, đó là chuyện bình thường. Lục cục ra đi từ hai giờ sáng với đủ thứ mang theo: Đèn, máy quay, áo mưa che máy, kịch bản... "Xuyên màn đêm" để lấy kịp cảnh và trở về nhà vào 11h đêm không phải là chuyện hiếm đối với dân báo hình.
"Tôi không đi theo nghề Y như bố mong muốn, lại càng không muốn an phận với nghề giáo như mẹ trông đợi. Tôi đi theo nghề Báo, con đường mà chưa có ai trong gia đình tôi dấn bước đi theo. Và tôi đã tự tìm cho mình một cách để sống với nghề. Ở trường chúng tôi được học rất nhiều, các thầy rất tận tình nhưng tôi chưa thấy thoả mãn. Chính vì thế rất nhiều người trong chúng tôi đã tự tìm cho mình phương pháp học tập bằng chính kinh nghiệm thông qua thực tiễn của mình. Tôi không muốn chỉ ngồi và nghe lí thuyết. Tôi càng không nghĩ cơ hội sẽ tự đến với mình. Tôi đã tìm đến với cơ hội và cơ hội đó đã chấp nhận tôi. Hai năm học trên giảng đường và thực hành ngay trong trường quay cũng là hai năm tôi lớn dần lên, hiểu nhiều lên và thấy yêu nghề báo vất vả này. Sinh viên báo không đơn giản chỉ là năng động như người ta vẫn thường nói mà đúng hơn là hoạt động và hành động không ngừng nghỉ. Và tôi cũng chỉ là một trong số đó, những sinh viên không muốn chờ cơ hội đến với mình". Lê Mai Hương Trà (K49 BC&TT)
Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, từ lâu trở thành ngôi nhà thứ hai của sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông. Đây là nơi những thước phim đầu tay của họ ra đời. Và cũng từ ngôi nhà chung này, họ trở thành những cộng tác viên đắc lực của các nhà đài ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Thu Hà, Li Na (K47), Nhật Minh, Tuấn Anh, Mĩ Hạnh, (K48), Thuỷ Tiên, Thu Thảo, Chí Kiên (K49), Thành Vũ, Thu Yến, Thuỳ Ngân, Mạnh Thái, Đình Minh (K50), Trung Nghĩa, Hoàng Anh, Phương Hồng (K51), Lô Linh, Trung Hiếu, Thái Hà (K53)… là MC, "điếu đóm trường quay" cho nhiều chương trình của VTV3, VTV6. Mỗi người đều tìm cho mình một cách để “lăn xả” vào thực tế. Sau mỗi giờ học bắt buộc trên giảng đường, gần như thời gian còn lại của Káp Thành Long (K46 Báo chí và Truyền thông) là lang thang khắp nơi “lùng” đề tài viết bài. Chuẩn bị lên giường thì toà soạn thông báo có cháy ở chợ Hà Đông. Giấc ngủ đang ập đến cũng phải… gác lại. Lên xe, phóng vút đi cho kịp lấy thông tin. Năm giờ sáng hôm sau hắn mới thất thểu về phòng nhưng miệng vẫn toe toét cười vì bài viết đã hoàn thành. Vất vả, nhưng ngay từ năm thứ hai hắn đã tự trang trải được cuộc sống với nhuận bút và tên hắn thì xuất hiện thường xuyên trên các báo. “Káp Thành Long” trở thành một “thương hiệu” để bạn bè nể phục và các khoá sau lấy làm gương noi theo. Ngay từ năm thứ hai, thứ ba đại học, không ít tên tuổi của sinh viên đã trở nên quen thuộc trên một số tờ báo lớn: Bùi Dũng (K45), Đinh Nha Trang (K47), Xuân Đông, Đình Tú (K48), Lâm Hoài, Quang Phong, Thế Kha (K49), Tiến Thành (K51) trên Tuổi trẻ; Káp Thành Long (K46), Minh Thuỳ, Nguyễn Hà, Lưu Trinh (K49), Phạm Huệ (K50) trên Tiền Phong; Lê Tân (K46), Văn Huyền, Chiến Thắng (K47), Mai Tuyết, Tố Nga (K48), Thu Thuỷ (K50), Nguyễn Hoài, Đặng Hà, Đặng Hậu (K51), Nguyễn Tuấn, Thành Chung, Tiến Thành (K52)… trên nhiều tờ báo lớn. Những cái tên như Lê Mai Hương Trà, Thu Trang, Trung Nghĩa (VTV6), Thu Hà (Thời sự cuối ngày)… đã trở nên quen thuộc với khán giản màn ảnh nhỏ.
Những gì thầy cô trang bị cho chúng tôi trên giảng đường đại học là nền tảng vô cùng quan trọng để chúng tôi làm nghề. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi chưa đủ. Cuộc sống sôi động luôn đòi hỏi chúng tôi phải thường xuyên refresh bản thân để cập nhật kiến thức xã hội. Đó là đòi hỏi sống còn đối với người làm báo. Đối với sinh viên báo chí, điều đó lại càng cần thiết để tích luỹ kiến thức cho bản lĩnh nghề nghiệp sau này. Đình Hậu (K52 BC&TT)
Ăn nhanh, ngủ nhanh, nói nhanh, nghĩ nhanh và kiếm tiền cũng... nhanh... Đó là "5 nhanh" của dân báo chí. Mọi người vẫn đùa khi chỉ ra đặc điểm nhận dạng của chúng tôi như vậy. Và trong môi trường năng động ấy, mỗi lớp sinh viên năm thứ 2, thứ 3 lại kế tiếp nhau hình thành nên những câu lạc bộ tiền triệu (thu nhập hàng triệu mỗi tháng từ nhuận bút) vừa nuôi sống mình và nuôi lớn những ước mơ. Minh Thuỳ (K49 Báo chí và Truyền thông) tâm sự: "Cuộc sống không phép chúng tôi thụ động tiếp thu lí thuyết từ ghế giảng đường. Chúng tôi muốn khẳng định mình và nâng cao giá trị bản thân, chúng tôi phải hành động!". Sau 4 năm miệt mài trên ghế giảng đường và tích cực lao vào cuộc sống, ra trường, Minh Thuỳ gắn bó với nhật báo Tiền Phong. Hiện tại, anh là phóng viên thường trú của báo Tiền Phong tại Hà Tĩnh sau 2 năm ra trường.

Chúng tôi hành động = chúng tôi tồn tại

“Dân Báo chí năng động”, sinh viên các khoa khác vẫn thường bảo thế. Và thực tế, sinh viên Báo chí bao giờ cũng phải là những con người năng động. Đó là đòi hỏi mang tính chất nghề nghiệp đồng thời cũng là đòi hỏi của thực tế. Káp Thành Long bộc lộ quan điểm của mình: “Thời đại công nghệ thông tin buộc chúng tôi phải năng động. Chỉ trông chờ vào những gì thầy cô truyền đạt trên lớp sẽ không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Chúng tôi phải tìm cách ném mình vào thực tế, môi trường đó sẽ cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm cho công việc sau này”. Hiện tại, Long là Trưởng ban đại diện báo Thanh Niên tại khu vực Đồng bằng Sông Hồng.
Trong mắt mình, các bạn sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông bao giờ cũng là những người đáng nể. Họ không chỉ là sinh viên của khoa Báo chí, địa chỉ luôn “ngất ngưởng” trên top điểm đầu vào của trường, mà còn là những người vô cùng năng động. Nói chuyện với các bạn khoa Báo, bao giờ tớ cũng có cảm giác đang đối diện với một người trưởng thành hơn rất nhiều về tuổi tác và kinh nghiệm sống. Thành Trung (K53 TT-TV)
Sau bốn năm theo đuổi truyền hình, với những gì tích luỹ được từ giảng đường cộng với 3 năm kinh nghiệm làm cộng tác viên cho Đài truyền hình Việt Nam, Thu Hà đã sẵn sàng cho cuộc sàng lọc khắt khe của công việc khi ra trường. Luận văn tốt nghiệp của Hà là một tác phẩm truyền hình do chính cô tự quay, tự viết kịch bản và đọc lời bình. “Kiến thức chuyên ngành rất quan trọng, nhưng kinh nghiệm thực tế cũng quan trọng không kém. Thời gian cộng tác với VTV đã cho tớ bản lĩnh và tự tin khi ra trường. Thù lao mỗi tháng chỉ bốn, năm trăm nghìn, chưa đủ cho tiền ăn và xăng xe, nhưng bọn tớ học thêm được nhiều kinh nghiệm cho thực tế sau này. Ít nhất khi ra trường, tụi này sẽ không còn bỡ ngỡ với công việc. Phải biết tập bơi để sau này khỏi chết đuối!", Hà bộc bạch. Hương Trà sau hai năm "lăn lộn" với công việc của một cộng tác viên ruột chương trình "Vườn cổ tích" đã xác định quyết "sống chết với nghề": "Mình sẽ theo truyền hình và thiếu nhi đến cùng. Ước mơ của mình là sau này sẽ lập một kênh truyền hình riêng cho thiếu nhi. Và mình sẽ bắt tay chuẩn bị cho dự định đó ngay từ bây giờ". Từ “Vườn cổ tích” đến “Rung chuông vàng”, rồi “Đồ rê mí”, sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ, hiện tại, cô tiên trong “Vườn cổ tích” đang du học tại Pháp với một học bổng săn được trong quá trình làm việc. Chuông hết giờ học, Tiến Thành (K52 Báo chí và Truyền thông) lại lao đi như tên bắn, 49 giây để hắn lấy xe và mất hút vào dòng người sôi động. Người trẻ hôm nay lao vào dòng người, dòng đời và cả xa lộ thông tin để khẳng định sự tồn tại của mình trên thế giới này. Và chiếc xe chỉ đứng được khi nó lăn bánh đi lên phía trước. Còn chúng tôi, chúng tôi hành động = chúng tôi tồn tại.

Tác giả: fankien

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây