Ngôn ngữ
1. Bối cảnh lịch sử
Vào cuối năm 1967, chiến trường Việt Nam đã trở nên vô cùng ác liệt. Trên chiến trường, Hoa Kì đã huy động gần nửa triệu quân tham chiến. Nếu tính thêm cả lực lượng đứng ngoài hộ trợ từ một số căn cứ quân sự của Mỹ đóng ở một số nước châu Á, đảo Guam, từ hạm đội 7, thì có khoảng 65 vạn quân Mỹ đã được huy động để phục vụ chiến tranh[1]. Riêng lực lượng lục quân, Hoa Kì đã huy động hầu hết các đơn vị trong nước sang Việt Nam. Vì thế báo chí có nhận xét hài hước rằng, mấy chục bang của Hợp chủng quốc Hoa Kì mà chỉ mấy lữ đoàn lục quân bảo vệ, số đơn vị này đếm được trên đầu ngón tay
Tất cả các quân binh chủng hiện đại nhất, các phương tiện chiến tranh mạnh, mới nhất được đưa sang chiến trường Việt Nam. Bom đạn cày xới khắp nơi: Hoa Kì đã ném bom bắn phá hàng triệu tấn bom đạn, hàng chục triệu lít chất độc khai quang, hàng chục vạn tấn bom mìn hóa học. Tất cả các loại máy bay, từ trực tháng đến B52, rồi pháo bầy, pháo dàn của đội quân xâm lược bắn phá tràn lan. Đến thời điểm năm 1967, tất cả loại vũ khí hiện đại nhất, sát thương tàn ác nhất, chỉ trừ vũ khí nguyên tử, đã được quân đội Mỹ sử dụng ở miền Nam.
Với hàng chục tỷ đô la chi phí cho chiến tranh Việt Nam, đã ảnh hưởng to lớn đến đời sống kinh tế xã hội Hoa Kì. Vào thời gian này, hàng năm Hoa Kì chi cho cuộc chiến trên dưới 30 tỷ đô la hàng năm, một số tiền khổng lồ và đô la đổ vào chiến trường càng nhiều thị cuộc chiến càng khốc liệt.
Cùng với nửa triệu quân Mỹ, còn có hàng vạn lính một số nước khác tham chiến ở Việt Nam mà Hoa Kì gọi là đồng minh. Trên 5 vạn lính chiến đấu cùng với một số nhân viên y tế, kỹ thuật hâu cần chiến tranh thuộc 7 nước được gọi lực lượng đồng minh của Hoa Kì đã hoạt động ở miền Nam. Sự tham gia của lực lượng đâ quốc gia này đã góp phần cho cuộc chiến ở miền Nam mang dáng dấp cuộc xung đột quốc tế.
Sức mạnh quân sự mà Hoa Kì sử dụng ở Việt Nam trong Chiến tranh Cục bộ đến cuối năm 1967 đã lên đỉnh cao nhất và một số yếu tố quân sự trong cuộc chiến tranh này đã chạm mấp mé ngưỡng chiến tranh tổng lực. Đạo quân chuyên nghiệp của cướng quốc số 1 thế giới về quân sự, rất đông và mạnh[2].
Cùng trận tuyến với lực lượng Hoa Kì là Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Vào cuối năm 1967, sau bao lần đảo chính, lực lượng đã ổn định hơn trước và có khoảng 55- 60 vạn quân. Quân đội Sài Gòn có chục sư đoàn chủ lực, cơ cấu nhiều sắc lính, được Hoa Kì trang bị vũ khí đầy đủ, hiện đại. So với lực lượng vũ trang trong khu vực lúc đó, đạo quân này đông và khá mạnh[3].
Về lực lượng vũ trang Giải phóng, đến cuối năm 1967 đã có 9 sư đoàn chủ lực (F2,3,5,7,9, 324, 325, 304, 320). Ngoài ra còn có bộ đội địa phương, hai khối này có quân số khoảng 300.000 người. Lực lượng du kích đông đảo, có hàng chục vạn chiến sĩ. Lực lượng vũ trang cách mạng có các đơn vị biệt động thành, lực lượng an ninh và đặc biệt các nhóm tổ, cá nhân tình báo hoạt động ngay cả trong các cơ quan trung ương của đối phương.
Lực lượng vũ trang cách mạng số lượng chỉ bằng mấy phần quân Hoa Kì và Sài Gòn, vũ khí không hiện đại và nhiều như đối phương, nhưng có mặt khắp mọi địa bàn, làm lực lượng nòng cốt cho cuộc chiến tranh nhân dân vô địch đang phát triển sâu rộng khắp cả Miền.
Bộ đội hành quân trong cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968. Ảnh tư liệu
Tính đến cuối năm 1967, Mỹ đã theo đuổi chiến tranh Cục bộ 2 năm rưỡi mà chưa thấy thời hạn kết thúc. Khi khởi xướng nó, chính phủ Mỹ tin rằng sẽ giải quyết cuộc nổi loạn (Insurgency) trong một thời gian ngắn. Nhà Trắng tin rằng, với hàng chục vạn quân Mỹ lại có Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ do quốc hội Hoa Kì đã thông qua[4], quân Mỹ sẽ sang chiến trường miền Nam, sẽ thanh toán cuộc nổi dậy của Việt Cộng (Counterinsurgency) một cách chóng vánh. Thậm chí lĩnh Mỹ có tâm trạng sang Việt Nam như một chuyến thám hiểm vui vẻ (Funny Travel Adventure). Tuy nhiên, thực tế chiến trường Việt Nam với những trận đánh quả cảm, mưu trí của bộ đội Giải phóng đã làm cho tính cao ngạo, thượng phong của lính Mỹ bị xẹp dần[5].
Hình thái vận động trên chiến trường miền Nam qua các chiến dịch tiến công chiến lược trong hai mùa 1965-1966, 1966-1967 thể hiện thực lực quân sự của các bên tham chiến. Trong mùa khô đầu, Hoa Kì và đồng minh chủ động mở 2 đòn tiến công chiến lược (vào Đông Nam Bộ và Khu 5). Quân Giải phóng phản công làm thất bại ý đồ bẻ gãy chủ lực xương sống Việt Cộng của quân đội Hoa Kì. Trong mùa khô thứ hai, tình thế đã khác: Hoa Kì mở chiến dịch tiến công ở Tây Ninh, bộ đội Giải phóng một lần nữa thực hiện chiến dịch phản công đánh bại ý đồ của địch ở chiến trường chính và mặt khác, Quân Giải phóng chủ động mở chiến dịch tiến công ở Đường 9 – Bắc Quảng Trị. Như vậy, sau khoảng 2 năm rưỡi đụng trận, đến đầu năm thứ 3 của chiến tranh Cục bộ, đã xuất hiện sự cân bằng thực lực của các bên.
Mùa khô lần thứ 3, MACV- Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam, thực chất là Bộ chi huy quân đội Hoa Kì ở Việt Nam, đang tính kế cho bài toán chiến tranh ở Việt Nam. Tướng William Childs Westmoreland chỉ huy MACV đang tính toán phương lược mới, với thái độ thận trọng hơn nhiều sau hai năm đụng độ với đối phương. Dù có những lạc quan trong tuyên bố, nhưng trong thực tế tướng Westmoreland đang trong thế tiến thoái lưỡng nan.
Vào những tháng cuối cùng của năm 1967, Quân Giải phóng tiến công Đắk Tô - Tân Cảnh (11-1967), tiêu diệt nhiều sinh lực quân đội Hoa Kì và Sài Gòn. Nhưng khi nước để thuyết trình tình hình chiến sự tại Việt Nam, trong cuộc họp tại Lầu Năm Góc, Wesmoreland cho trận Đắk Tô là khởi đầu cho sự thất bại lớn của Việt Cộng.
Tư lệnh Hoa Kì ở miền Nam đánh giá trận này là dấu hiệu mở ra giai đoạn thứ ba đánh bại Việt Cộng[6] nhưng thực tế không thấy dấu hiệu đối phương suy yếu như tướng tá Hoa Kì trù tính. Những trận càn quét qui mô lớn nhất, sử dụng bom đạn ở mức hủy diệt tối đa…nhưng nửa triệu quân Mỹ không thể tìm diệt đối phương.
Dù cố lên gân nhưng Westmoreland đã có phần núng thế khi mùa khô thứ 3 đến. Westmoreland tuyên bố thắng lợi đã đến gần nhưng làm sao đạt mục tiêu đó hầu như không có giải pháp gì ngoài xin tăng viện[7]. Nhưng việc xin tăng viện làm cho Tổng thống L.B. Johnson lo sầu. Theo phân tích của các nhà quân sự Hoa Kì, nêu không được tăng quân, với lực lượng Westmoreland có lúc đó (nửa triệu quân), thì phải đánh khoảng 5 năm nữa mới hi vọng đạt được ý đồ giải quyết xong đối phương. Các phương án của Westmoreland không được phê chuẩn vì nếu Tổng thống chấp nhận thì phải động viên lực lượng dự bị và phai chi thêm nhiều tỷ đô la cho chiến tranh. Nếu thực hiện những điều tướng Westmoreland yêu cầu thì Nhà Trắng gần như đi tới vi hiến. Thậm chí ngay cả cho thêm thời gian để cho quân viễn chinh tiếp tục lâm trận tại miền Nam cũng đã khó thuyết phục cơ quan hành pháp. Hơn thế, ngay cả Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được phê chuẩn trước đây (1964) cũng đang có cơ bị xét lại[8].
Khi chiến lược tìm và diệt đang bị sa lầy thì trên mặt trận bình định, chính quyền Sài Gòn cũng mắc kẹt, không thực hiện được kế hoạch thường niên. Sự yếu kém của quân Sài Gòn trên địa hạt này buộc Hoa Kì phải đưa hàng vạn quân cùng hàng ngàn chuyên viên nước ngoài sang chống lưng cho chính quyền Sài Gòn thực hiện bình định. Tuy nhiên tính đến cuối năm 1967 chính quyền Sài Gòn vẫn không giải quyết xong việc bình định mấy ngàn ấp quanh các khu vực trọng điểm như kế hoạch đã trù tính.
Tại mặt trận phía Bắc, việc đánh phá miền Bắc không thu được kết quả như Hoa Kì mong đợi. Từ chiến dịch khiêu kích đầu tiên đến khi đánh phá ào ạt, tới nấc thang cuối cùng trong hệ thống bảng xếp thứ bực leo thang của Hoa Kì đều thất bại thảm hại[9]. Ném bom tới mức bão hòa các mục tiêu tấn công, sau khi leo thang ném bom vùng Hà Nội năm 1967, nhưng không làm lung lay ý chí chiến đấu, giải phóng miền Nam của nhân dân miền Bắc. Mục tiêu số 1 trong 7 mục tiêu bắn phá của Mỹ là ngăn chặn miền Bắc chi viện miền Nam đã không thực hiện được[10]. Hơn thế nữa miền Bắc đã chuẩn bị phương án sẵn sàng đánh quỵ quân Mỹ, vì vậy nếu lực lượng này liều lĩnh đánh ra miền Bắc chắc chắn sẽ bị thất bại thảm hại[11].
Mắc kẹt ở chiến tranh, chưa thấy hướng giải quyết căn bản thoát khỏi bế tắc, trong khi mùa tranh cử đang nóng dần và vấn đề Việt Nam đang trở thành một vấn đề chủ chốt trong tranh cử. Hai làn gió nóng đó ở hai bờ Thái Bình Dương ảnh hưởng lớn chính trường Hoa Kì.
Bầu chính trị ở Washington về Việt Nam ở năm 1967 khác năm 1964. Các tầng lớp nhân dân Hoa Kì đã phản chiến với số lượng ngày càng đông, bao gồm nhiều lực lượng và hình thức ngày càng quyết liệt.
Xung đột, rạn nứt, chia rẽ của xã hội Hoa Kì đến năm 1967 đã bộc lộ rõ, mà nguyên nhân quan trọng xuất phát từ cuộc chiến chính phủ tiến hành ở Việt Nam. Các cuộc đấu tranh phản đối Hoa Kì tiến hành chiến tranh ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ năm 1961 đã thành phong trào rộng lớn trong năm 1967. Với lực lượng tham gia ngày càng đông đảo, nhiều thành phần, nhiều hình thức và tính chất ngày càng quyết liệt. Đặc biệt nó kết hợp với phong trào chống phân biệt chủng tộc[12] đã tạo nên một cuộc chiến thứ 2 trong lòng nước Mỹ. Chính các cuộc đấu tranh này cũng với chi phí quá lớn cho chiến trường Việt Nam đã làm phán sản Chương trình xã hội vĩ đại (Great Society)[13] của Tổng thống Johnson.
Ngoài số cử trị thuộc diện bình dân tham gia phản đối chiến tranh, đã có thêm ngày càng nhiều chính khách phản chiến. Nhiều nhân vật trong thượng và ha viện Hoa Kì đề nghị tổng thống xem xét lại chính sách ở Việt Nam[14].
Một sự kiện gắn với tên tuổi của một nhân vật nổi tiếng, từng chủ trương mở rộng chiến tranh, là Robert S.Mcnamara, người cùng tổng thống L.B. Johnson đề xướng tiến hành chiến tranh Cục bộ ở Việt Nam[15]. Ông nổi tiếng với cùng với tên gọi “người có bộ óc điện tử”. Nhưng từ thực tế ở Việt Nam, đã đề nghị Tổng thống tìm giải pháp để kết thúc chiến tranh Việt Nam, rút quân về nước. Khi kiến nghị của mình không được chấp nhận, cuối năm 1967 Macnamara từ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Trong kí ức của mình, Macnamara đánh giá về tình thế tiến thoái lưỡng nan tại Washington vào cuối năm 1967, đàu năm 1968 là từ nhiều phía: Sức ép cánh tả kêu gọi chúng tôi xuống thang hay rút lui với sự chống đối mạnh mẽ này đã góp phần làm cho Johnson không ra tái cử. Nhưng mối lo ngại chính lại từ phái hữu: Phái diều hâu này đã buộc tội chúng tôi bắt quân đội chiến đấu với một tay bị trói sau lưng, và họ đòi tung ra toàn bộ sức mạnh quân sự của nước Mỹ[16].
Tình hình chiến trường, trong nước như trên tác động ngày càng sâu sắc vào giới hành pháp Hoa Kì. Những tư liệu mới công bố gần đây cho thấy vào thời gian trên, Tổng thống L.B. Johnson bắt đầu nhận mình không thắng được trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng còn quá sớm để giải quyết theo hướng khác khi mà cuộc chiến ở đó Hoa Kì chưa thu được uy tín gì, lại phải trả giá đắt không ngờ, đang chôn vùi uy tín quân sự cùng hàng vạn sinh mạng binh sỹ!
Trên trường quốc tế, tiến hành chiến trường ở Việt Nam đã làm cho Hoa Kì bị cô lập. Trừ một số nước ở Đông Nam Á vì nhiều lí do còn phải eo bám Hoa Kì và 1 chính phủ đồng minh quá truyền thống còn ủng hộ Hoa Kì, còn hầu hết chính phủ và nhân dân các nước khác phản đối cuộc chiến tranh của Hoa Kì ở Việt Nam. Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ đã hình thành trên thực tế.
Nhân tài vật lực của Hoa Kì chi vào Việt Nam lớn đến mức Hoa Kì không thể can thiệp vào những địa bàn chiến lược khác như từng làm. Xung khắc, xung đột giữa các quốc gia, khu vực chiến lược trong thời gian này, như xung đột giữa A Rập với Israel, hay chủ nghĩa cực đoan xuất hiện ở Nam Phi…Ở các khu vực này, Hoa Kì không thể chủ động dàn xếp với tư cách lãnh đạo thế giới như trước, như họ từng tự đánh giá. Sự thất thế của Hoa Kì ở khắp nơi trên thế giới có tỷ lệ nghịch với sự phát triển của các nước khác, trước hết là khối chủ nghĩa xã hội do Liên Xô trụ cột.
Sa lầy ở Việt Nam, Hoa Kì mất lợi thế cạnh tranh kinh tế với Tây Đức và Nhật Bản. Các quốc gia này vươn lên giành giật thị trường với Hoa Kì suốt những năm thập kỉ 1960. Mặt khác, chi phí quá lớn, sử dụng nhiều vũ khí hiện đại nhất cho chiến tranh Việt Nam, nên trong cuộc chạy đua vũ trang, Hoa Kì mất dần thế thượng phong trong chạy đua vũ trang, bởi một số cường quốc đã tranh thủ khi Hoa Kì đốc sức cho chiến tranh ở Việt Nam, đã nhanh chóng phát triển tiềm lực quốc phòng của mình[17].
Khi Hoa Kì bị cô lập thì ngược lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam được nhiều chính phủ và nhân dân quốc tế ủng hộ. Lực lượng thế giới thứ 3 đang có tiếng nói ngày càng quan trọng và các quốc gia này đang tăng cường ủng hộ tinh thần cho nhân dân Việt Nam chống Mỹ[18].
Trước hết đó là sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt sự giúp đỡ có hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc là những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Các xã hội chủ nghĩa, đó là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam[19].
Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vào thời gian này đang được ủng hộ to lớn của nhân dân Lào, Campuchia. Cuộc kháng chiến của nhân dân Lào – Việt Nam đang dựa lưng vào nhau, sát cánh chia lửa. Với sự ủng hộ của Chính phủ hoàng gia Campuchia, nhân dân Việt Nam có lợi thế lớn. Vùng đất thánh[20] Campuchia đã bảo vệ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam bảo toàn thực lực của mình. Lào, Campuchia
Như vậy vào thời gian cuối năm 1967, Hoa Kì đã bất lợi trên chiến trường Việt Nam, trong khi đó đối phương của họ ngày càng phát triển thế và lực của mình. Những hạn chế của đạo quan viễn chinh cũng như chiến lược chiến tranh ở Việt Nam của Hoa Kì ngày càng bộc lộ. Bối cảnh này càng khó cho Nhà Trắng và Lầu năm góc hơn về giải pháp chiến tranh ở Việt Nam khi mùa bầu cử Tổng thống đang đến. Thời gian an toàn để từ đó tổng thống có thể tự do hành động, ít quan tâm dư luận của cử tri không còn. Phải chiến thắng nhanh chóng hoặc phải tìm giải pháp trung hòa, ít nhất là giảm bớt sức nóng của chiến tranh Việt Nam là điều các chính khách Hoa Kì đang đau đầu toan tính trong những tháng cuối năm 1967.
Về phía lực lượng vũ trang cách mạng, điểm mạnh là có thế trận chiến tranh nhân dân vô địch, có tính thần quả cảm, tài thao lược của cán bộ, chiến sỹ. Bộ đội Giải phóng có cách đánh vô cùng thông minh, sáng tạo, linh hoạt và có khả năng chịu đựng mọi khó khăn, thiếu thốn[21]. Có thể nói đạo quân cách mạng Việt Nam có khả năng chịu đựng gian khổ nhất thế giới. Đánh giặc giỏi đối với bộ đội, du kích không phải chỉ xuất phát từ động cơ yêu nước mà còn từ yêu cầu khách quan: Tiêu diệt địch mới bảo vệ được mình. Với sở trường là mật tập, đánh đêm, đánh rừng núi, lực lượng giải phóng đã đánh bại mọi mưu đồ quân sự của đối phương.
Với quân đội Hoa Kì, đồng minh và Quân đội của Việt Nam Cộng hòa, có thế manh là quân đông (gấp mấy lần lực lượng bộ đội Giải phóng), trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh rất hiện đại, hậu cần thuộc men, đạn dược đầy đủ, dồi dào. Đội quân này có khả năng cơ động cao, hợp đống tác chiến thuần thục; chiến trận bài bản…
Hạn chế chí mạng chung của đội quân này (Hoa Kì và lính Sài Gòn) là lí tưởng chiến đấu không rõ ràng. Đội quân chủ lực trên chiến trường là quân Mỹ thì không thành thạo địa hình, khó chịu đựng thời tiết khi hậu. Đội quân công tử, đánh giặc kiểu con nhà giàu nếu gặp đối phương bền chí dẻo giai như Quân Giải phóng thì lính Mỹ không thể tác chiến theo sở trường của chiến thắng hiện đại.
Quân Sài Gòn, dựa hẳn vào quân Mỹ, nếu quân Mỹ bị đối phương đánh mạnh, đánh hiểm, đau, thì cả Mỹ và quân Sài Gòn đều rối loạn và vì thế lại tạo điều kiện cho đối phương là bộ đội Giải phóng khoét sâu hạn chế của ho và mức độ thiệt hại càng nặng nề.
Những mặt mạnh, yếu của các bên sẽ bộc lộ trong cuộc chiến sắp tới.
2. Quyết định lịch sử
Từ năm 1967 đến khi mở tiến công nổi dậy đồng loạt khắp các đô thị ở miền Nam, có nhiều hội nghị của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương để chỉ đạo tiến công năm 1968. Thường thì nội dung của các cuộc họp của Bộ Chính trị được đưa ra thảo luận ở Trung ương. Sau khi Bộ Chính trị xin ý kiến Trung ương, sẽ ban hành các Nghị quyết. Trong hồ sơ các Nghị quyết liên quan đến vấn đề này, có 3 văn bản chủ chốt: Nghị quyết 154-NQ/TW ngày 27 tháng 1 năm 1967 về đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam[22], Nghị quyết 155-NQ/TW ngày 27 tháng 1 năm 1967 về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta[23], Nghị quyết tháng 1 năm 1968[24]. Ngoài ra còn có một số điện mật của Bộ Chính trị gửi các cấp lãnh đạo cách mạng ở miền Nam.
Các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương trong thời gian trên phân tích tình hình chiến trường, tình hình chung cả nước, tình hình Hoa Kì, chính quyền Sài Gòn, so sánh thực lực địch- ta, và từ sự đánh giá này đã vạch phương hướng tiến lên của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam trong năm 1968. Những nội dung chính của chỉ đạo của Đảng cho tiến công Tết Mậu Thân gồm có mấy nội dung sau.
Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp bàn về cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968. Ảnh tư liệu
Một trong những điều mấu chốt xuyên suốt quá trình chỉ đạo cách mạng miền Nam của Ban chấp hành Trung ương là tìm thúc chiến tranh như thế nào để phù hợp nhất, có lợi nhất cho công cuộc chiến đấu, chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam. Cuộc chiến đấu này sẽ có kết thúc ra sao? Có thể như Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 chăng, hay bằng một Điện Biên Phủ đại thắng trong chống Mỹ… Câu hỏi bức xúc thúc bách này đã đặt ra cho Bộ tham mưu tối cao ngay trong những ngày đầu chỉ đạo nhân dân miền Nam vùng dậy (1959-1960).
Trên nền tảng độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc là tối thượng, tinh thần cơ bản, xuyên suốt trong chỉ đạo công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương là giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Bước thứ nhất quan trọng trong tiến trình đi đến toàn thắng, là giành thắng lợi quyết định cho cách mạng miền Nam. Tư tưởng giành thắng lợi quyết đinh trước khi giành thắng lợi hoàn toàn là sự sáng tạo của Trung ương trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Tại thời điểm lịch sử trong chống Chiến tranh Đặc biệt, năm 1964, Bộ chỉ huy tối cao- Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo giành thắng lợi quyết định cho cách mạng miền Nam. Tuy nhiên vì bối cảnh lịch sử lúc đó, nên nhân dân Việt Nam mới đánh bại Chiến tranh Đặc biệt của Hoa Kì, chưa giành được thắng lợi mang tính bản lề, sang chương mới cho kháng chiến[25].
Tiến công, nổi dậy ở miền Nam năm 1964-1965 đã đánh bại Chiến tranh Đặc biệt. Nhưng Hoa Kì đã nhanh chóng thực hiện Chiến tranh Cục bộ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiếp tục với mức độ ác liệt gấp bội phần. Sau 2 mùa khô chiến đấu chống Chiến tranh Cục bộ của địch, đến đầu năm 1967, Trung ương đánh giá tình hình miền Nam và quyết định đưa kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang bước ngoặt mới.
Ngày 23 tháng 1 năm 1967, Trung ương họp bàn về Đẩy mạnh công tác ngoại giao chủ động tiến công chính trị, vận dụng sách lược vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh[26]. Hội nghị nhận định rằng, Mỹ đang thất bại, lúng túng bị động về quân sự và chính trị ở Việt Nam; Chiến tranh Cục bộ đang sa lầy và thất bại, nội bộ Hoa Kì gặp khó khăn[27]. Trong khi đó, ta giành được những thắng lợi to lớn vê quân sự và chính trị, vì thế tình hình trở nên thuận lợi cho ta vận dụng sách lược vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh[28] (Nghị quyết nhấn mạnh).
Như vậy trong chỉ đạo, Đảng Lao động Việt Nam đã mới cục diện đấu tranh mới: Việt Nam đã mở ngoại giao đàm phán ngay khi cuộc chiến tranh đang ở đỉnh cao. Tư tưởng này thể hiện sự chỉ đạo đầy bản lĩnh của Bộ tham mưu tối cao. Trong lịch sử dân tộc, những kí kết, gaio ước thỏa thuận giữa Việt Nam với đối tác chỉ diễn ra khi cuộc chiến đã bước vào lụi tàn. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Hiệp ước Giơ- ne- vơ chỉ được kí kết khi Pháp thất trận Điện Biên Phủ.
Từ kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, với bản lĩnh độc lập, tự chủ của mình, Ban chấp hành Trung ương đã nêu phương hướng đánh đàm ngay khi cuộc chiến đang ở đỉnh cao và trên thực tế, chiến trường chưa ngã ngũ thắng bại. Dù chủ trương đánh- đàm của Việt Nam trong thời gian này chưa phải đã được một số bạn bè ủng hộ, nhưng thực tế cho thấy tính sáng tạo, hiệu quả của chỉ đạo này cho công cuộc cách mạng trong thời gian tới.
Đàm phán không phải là mặc cả, mà muốn có kết quả phải dựa vào thực lực của mình. Hội nghị lần thứ 13 của Ban chấp hành Trung ương (27-1-1967) đã nêu nguyên tắc để đàm phán là “ Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường[29]”.
Trong lịch sử ngoại giao của mình, hầu như Hoa Kì thường ở ghế thượng phong trong đàm phán. Vậy làm thế nào buộc đối phương phải ngồi vào bàn đàm phán với tư thế là đối tác bình đẳng chứ không phải thế nước lớn?
Có một loạt nghị quyết từ các hội nghị của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương về nguyên tắc đàm phán cũng như các bước đi cụ thể trong đấu tranh ngoại giao. Tinh thần cơ bản của các các Hội nghị của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương trong các hội nghị năm 1967, 1968 là phải tiến công mạnh liệt, đánh mạnh, thắng lớn để buộc địch phải đàm phán, buộc địch phải xuống thang chiến tranh, đánh để Hoa Kì rút quân nhưng vẫn giữ thể diện cho đối phương.
Về tình hình chiến trường, Bộ Tham mưu tối cao đã phân tích thế của hai bên. Vào tháng 1 năm 1968, Ban chấp hành Trung ương đánh giá rằng trên chiến trường “chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược và chiến thuật và thế lực của ta phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết”[30] .
Trong nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “ Các lực lượng vũ trang của ta đã tiến bộ vượt bậc, vận dụng hương thắc chiến đấu độc đáo, linh hoạt, đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, nhất là đã đánh một cách thắng lợi vào hàng loạt thành thị lớn nhỏ, hàng loạt căn cứ, sân bay, kho tàng và đường giao thông chiến lược của địch”[31].
Trong khi đó, do thất bại có tính chiến lược của Mỹ ở miền Nam và do những thắng lợi của ta, trong đông xuân này địch khó có khả năng “phản công mùa khô” lần thứ 3. Xu thế tình hình mới trong cả năm 1968 là địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước[32].
Trong Thư vào Nam của Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam viết chỉ đạo cách mạng miền Nam ngày 18 tháng 1 1968- là 2 tuần trước khi Tết Mậu Thân bùng nổ, Lê Duẫn nhấn mạnh rằng, Đế quốc Mỹ đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. So với mục đích chính trị, quân sự mà Mỹ đề ra, với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của nước Mỹ thì những cố gắng chiến tranh của mỹ ở Việt Nam hiện nay đã lên tới đỉnh cao nhất[33].
Từ sự đánh gái tình hình như trên, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương quyết đưua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam sang bước ngoặt mới.
Tại hội nghị tháng Giêng năm 1968- thời khắc Tổng tiến công nổi dậy, Trung ương Đảng một lần nữa nhấn mạnh rằng: tình hình cho phép cách mạng miền Nam chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định. Trung ương nhấn mạnh thời cơ mới, nên “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nổ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”[34](văn bản nhấn mạnh).
Để giành thắng lợi chiến lược đó, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương chỉ ra những mục tiêu quân sự, chính trị trọng yếu. Muốn đạt mục tiêu trên cần phải tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tây nhân dân. Với quân viễn chinh, phải tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ.
Thắng lợi quân sự trên sẽ đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, đạt mục tiêu trước mắt của cách mạng miền Nam là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập tiến tới thống nhất nước nhà[35].
Tinh thần giành thắng lợi quyết định cho cách mạng miền Nam trong tieenc công năm 1968, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát “Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”. Đánh buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam, chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Muốn thực hiện mục tiêu trên, phải tập trung lực lượng quân sự và lực lượng chính trị đến mức cao nhất, tiến công mạnh liệt, tiến công liên tục[36]. Phải phát sức mạnh quân sự, chính trị tối đa, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Cuộc chiến đấu đó được tiến hành trong một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược mạnh liệt và phức tạp[37].
Cuộc tiến công diễn ra trong một quá trình, quyết liệt ở mọi nơi khắp miền Nam, tâm điểm của công kích kết hợp khởi nghĩa tại “đô thành”, đặc biệt thành phố X,Y,Z là mũi nhọn thọc vào yết hầu địch[38].
Tại cổng ra vào của Đại sứ quán Mỹ sáng 31/1/1968. Ảnh tư liệu
Về thời gian phát động tổng công kích, khởi nghĩa, được xác định bắt đầu từ giao thừa Tết Mâu Thân 1968. Khoảng 2 tuần trước khi phát động tiến công, trong thư gửi Trung ương Cục miền Nam (ngày 18 tháng 1 năm 1968), Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh thời điểm tiến công: Tình hình cho phép ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Đây là thời cơ chiến lược lớn để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Ta mở màn vào dịp tết nên cơ hội này càng đặc biệt[39].
Sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã tạo nên thời khắc vang đôi Tết Mậu Thân 1968. Tại thời điểm đó, lực lượng vũ trang và chính trị đã tiến công, nổi dậy khắp đô thị miền Nam, trong đó 2 mặt trận nòng nhất là Sài Gòn và Huế. Bình luận về sự kiện trọng đại này của cách mạng Việt Nam được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: Tết Mậu Thân năm 1968 là trận quyết chiến chiến lược lịch sử[40].
---------------------------------
[1] Theo nhận định của Ban chấp hành Trung ương, cho rằng đến cuối 1966 Hoa Kì đã sử dụng với khoảng 75% tổng số lục quân, 66% không quân chiến thuật, 40% hải quân của Hoa Kì vào Việt Nam[1]. Đến cuối năm 1967, Hoa Kì đưa nửa triệu quân vào chiến đấu ở miền Nam. Dẫn theo Đề cương báo cáo tại Hội nghị Trung ương tháng 1 năm 1967: Về một số vấn đề chỉ đạo chiến lược cách mạng miền Nam năm 1966, Văn kiện Đảng Toàn tập 28- 1967, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 88
[2] Tính đầy đủ tiêu chí của một đạo quân mạnh, lực lượng quân sự của Hoa Kì ở Việt Nam thời gian này thực sự đạo quân hùng hậu, mạnh. Đây là thực tế. Có điều đối phương, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam tài giởi hơn, có các yếu tố chính trị mạnh hơn nên đọa quân thiện chiến chưa từng thất bại của Hoa Kì đã kém hơn Quân đội nhân dân Việt Nam và đã thua trong cuộc chiến này.
[3] Có ý kiến cho rằng đạo quân này chiến đấu kém. Trước năm 1968 chỉ biết duyeeth binh và đảo chính. Chúng tôi cho rằng, lực lượng này đông (gấp đôi bộ đội Giải phóng) và được trang bị, huận luyện tốt, hành quân tác chiến khá. Có điều đối phương tài trí, mưu lược và đánh giỏi hơn nên quân đội Hoa Kì và Sài Gòn không thể phát huy được ưu thế của mình.
[4] Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ cho phép Tổng thống được sử dụng vũ lực ở một mức độ tại Đông Nam Á mà không cần tuyên chiến chính thức.
[5] Cho đến đầu 1968, bộ đội Giải phóng đã mở các chiến dịch, trận đánh Ba Gia, Đồng Xoài, Vạn Tường, Ia Đrăng (1965), Củ Chi, Dương Minh Châu, Át –tơn-bo-rơ, Xê –đa Phôn, Gian-xơn Xi-ty (1966)…
[6] Kế hoạch 3 thời kỳ: 1. đưa quân Mỹ vào ngăn chặn thua; 2: nửa đầu 1966 hành quân các khu vực ưu tiên nhằm tiêu diệt lực lượng địch và thực hiện bình định; 3: Nếu địch kiên trì thì họ có thể đanh bại trong một năm đến năm rưỡi sau giai đoạn 2. Xem Khi cầm quân ởi miền Nam Việt Nam, Westmoreland đã có kế hoạch 3 thời kỳ: 1. đưa quân Mỹ vào ngăn chặn thua; 2: nửa đầu 1966 hành quân các khu vực ưu tiên nhằm tiêu diệt lực lượng địch và thực hiện bình định và có thể kết thúc vào năm 1967; 3: Nếu địch kiên trì thì họ có thể đanh bại trong một năm đến năm rưỡi sau giai đoạn 2 (khoảng năm 1968). Xem William C. Westmorland: Tường trình của một quân nhân, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1988, tr. 77
[7] Bàn về tình hình chiến sự do Westmoreland chỉ huy ở miền Nam, dư luận Hoa Kì nhận định khôi hài: Tướng Westy (tên thân mật gọi Westmoreland) không có chiến lược gì ngoài xin tăng quân!
[8] Điều trần tại quốc hội Hoa Kì tháng 2-1968 đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8-1964), rằng quân đội tạo dựng sự kiện để Nhà trắng được phép mang quân sang Việt Nam và nếu tăng thêm hàng chục vạn quân thì phải động viên trong nước. Đó là điều bất khả thi trong điều kiện lúc đó
[9] Hoa Kì chia ra có hơn 70 nấc thang trong kế hoạch leo thang đánh phá miền Bắc.
[10] Theo đánh giá của Bộ quốc phòng Hoa Kì, dù đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt, nhưng hàng ngày vẫn có khoảng 200 tấn hàng được chuyển vào miền Nam, số lượng này lớn hơn cả mức yêu cầu hộ trợ cho chiến trường. Xem Mắc Namara: Nhìn lại quá khứ- tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.224.
[11] Westmoreland từng có kế hoạch xin thêm nửa triệu quân để đánh ra phía bắc khu Phi quân sự. Thời gian này miền Bắc đã chuẩn bị sẵn sàng đánh lục quân Mỹ. Đoàn 70 được thành lập, đứng chân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình vừa điều dưỡng bộ đội vừa sẵn sàng đánh quân Mỹ. Tại Kỳ Anh, nơi có mực biển sâu, nơi dải đất hẹp nhất miền Trung, bộ đội đã chuẩn bị án đánh quân đổ bộ. Những cán bộ đặc biệt của bộ công an đã được huấn luyện sẵn sàng để lót ổ (cụm từ chỉ cài lực lượng tại chổ) ở địa bàn này, chuẩn bị chiến đấu lâu dài.
[12] Điển hình cho đấu tranh của người da màu là Muhammad Ali, võ sĩ quyền Anh huyền thoại, người được gọi Vận động viên có tinh thần thể thao thế kỉ, đã chối quân dịch, năm 1967 ông đã châp nhận bị tù, bị tước đai vô địch…nhưng quyết không đi quân dịch sang Việt Nam.
[13] Greast Society của Tổng thống Johnson bao gồm chủ trương xây dựng xã hội dân quyền, dân chủ, chăm sóc sức khỏe, môi trường, tryuền thông cộng đồng, giáo dục, chống bần cùng hóa, phát triển kinh tế - xã hội đô thị, nông thôn…
[14] Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, được quốc hội Hoa Kì thong qua 7-8-1964 dựa trên sự dàn dựng xung đột quân sự với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho phép Tổng thống Hoa Kì mang quân sang xâm lược, đánh phá Việt Nam. Nghị quyết được 2 viên thông qua với số phiếu áp đỏa (99,60%), chỉ có 2 thượng nghị sỹ bỏ phiếu chống. Năm 1967 sự phân liệt trong quốc hội, chính phủ về chiến tranh Việt Nam đã sâu sắc.
[15] Nên dư luận Hoa Kì gọi chiến tranh ở Việt Nam thời gian này là cuộc chiến Johnson - Mcnamara.
[16] Mắc Namara: Nhìn lại quá khứ- tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 253.
[17] Những năm này Liên Xô có điều kiện phát triển hệ thống vũ khí chiến lược của mình. Năm 1972, khi Hoa Kì kí hiệp ước SALT 2 với Liên Xô, số đầu đạn tên lửa của đôi bên đã xấp xỉ như nhau.
[18] Từ sự ủng hộ từ thời gian trước, đến năm 1972, khi có sự hòa hoãn nước lớn về vấn đề Việt Nam thì tại Hội nghị các nước không liên kết tại Georgetow (Thủ đô Cộng hòa Guyana) các nước không liên kết đã ra thống báo chống mỹ xâm lược Việt Nam, ủng hộ nhân dân Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kháng chiến chống ngoại xâm.
[19] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Trung ương Đảng tháng 1 năm 1968. Xem Văn kiện Đảng toàn tập 29 1968, sdd, tr. 47.
[20] Vùng đất ven biên giới Việt Nam - Campuchia được chính phủ Campuchia cho lực lượng kháng chiến của nhân dân miền Nam đứng chân khi cần thiết. Địa bàn đó trở nên an toàn cho lực lượng cách mạng miền Nam vì khi đóng trú ở đó, Hoa Kì không thể vượt biên tiến công. Vì thế họ gọi đó là Đất Thánh Việt Cộng.
[21] Trong Thư vào Nam (5-5-1965) Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng viết: chỉ cần cơm no khoai đủ là ta có thể đánh nhau với Mỹ, 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa. Xem Lê Duẫn: Thư vào Nam, sdd, tr. 101.
[22] Hội Bộ Chính trị họp cuối năm 1966, ra nghị quyết đầu năm 1967.
[23] Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 1 năm 1967
[24] Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 1 năm 1968
[25] Tinh thần giành thắng lợi quyết định trong thời kỳ này là đánh sập quân Sài Gòn, trước khi Hoa Kì triển khai Chiến tranh Đặc biệt, từ thắng lọi quân sự quyết định, sẽ trải qua khâu trung gian, độc lập, hoà bình, trung lập ở miền Nam trước khi thực hiện thống nhất đất nước.
[26] Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 28, 1967, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 2003, tr. 116.
[27] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, sdd tr.116
[28] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, sdd tr. 120-121.
[29] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, sdd tr. 174
[30] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập 29 -1968. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004. tr 48
[31] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, 1968, Nxb Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 49
[32] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, 1968, sdd, tr. 48.
[33] Lê Duẫn: Thư vào Nam, sdd, tr. 191
[34] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, 1968, Nxb Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 50
[35] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, 1968, sdd, tr. 50
[36] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, 1968, sdd, tr. 50
[37] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, 1968, sdd, tr. 51
[38] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, 1968, sdd, tr. 51
39] Lê Duẫn: Thư Vào Nam, sdd, tr. 191.
[40] Bộ Quốc phòng- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Nxb, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 17
Tác giả: PGS. TS Nguyễn Đình Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn