Ngôn ngữ
GS.NGND Đinh Xuân Lâm (1925-2017). Ảnh: Thành Long
GS.NGND Đinh Xuân Lâm (1925-2017) sinh ra tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông là một nhà giáo, nhà khoa học tài năng, thuộc thế hệ những người đặt nền móng xây dựng nền Sử học cách mạng Việt Nam. Ông được biết đến như một trong “tứ trụ” huyền thoại của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Trong hơn 60 năm làm công tác nghiên cứu, GS.NGND Đinh Xuân Lâm đã hoàn thành và công bố hơn 400 công trình khoa học dưới dạng các giáo trình, sách tham khảo, bài báo khoa học gồm nhiều thể loại và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lịch sử đến văn học, văn hoá dân tộc. Nhưng những đóng góp chủ yếu của ông là về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử Việt Nam cận - hiện đại. GS.NGND Đinh Xuân Lâm còn là một nhà giáo mẫu mực, được các thế hệ học trò yêu mến và kính trọng về đức độ và nhân cách trong lối sống. Các thế hệ đồng nghiệp và học trò ngành Sử vẫn luôn ghi nhớ lời chia sẻ thể hiện tình yêu và đam mê cháy bỏng của ông với nghề giáo: “Nếu có kiếp sau và được chọn lại nghề, tôi vẫn chọn làm nghề dạy học”.
Có mặt trong lễ ra mắt Quỹ có rất đông các đồng nghiệp, học trò ngành Sử đến từ Viện Sử học, Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các trường đại học: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Giáo dục - ĐHQGHN, ĐH Hồng Đức, ĐH Vinh, ĐH Hà Tĩnh, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Khoa học Huế...
GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Trưởng Ban Điều hành Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm nhiệm kỳ I (2017-2022) - chia sẻ mục đích và sự ra đời của Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm: Để tưởng nhớ và vinh danh, đồng thời tạo điều kiện cho các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tiếp tục học tập, tiếp nối sự nghiệp và nhân lên những thành tựu Sử học của GS.NGND Đinh Xuân Lâm, sau khi ông mất, nhiều đồng nghiệp, các thế hệ học trò và gia đình đã bàn bạc và thống nhất kế hoạch thành lập Quỹ Sử học mang tên Đinh Xuân Lâm. Kế hoạch này đã được lãnh đạo Khoa Lịch sử và Trường ĐHKHXH&NV ủng hộ và tạo điều kiện để Quỹ triển khai hoạt động.
Khác với các quỹ học bổng khác, Quỹ Sử học Đinh Xuân Làm được dành tặng thưởng cho các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành Lịch sử, ưu tiên những người nghiên cứu đề tài thuộc giai đoạn lịch sử Việt Nam cận - hiện đại trong các cơ sở đào tạo từ Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá và Hà Nội. Tiêu chí của giải thưởng là: sinh viên có thành tích học tập từ Giỏi trở lên và có giải thưởng NCKH; học viên cao học có thành tích học tập từ Giỏi trở lên, kết quả bảo vệ luận văn đạt loại xuất sắc và có thành tích NCKH dưới dạng sách hoặc hài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước; NCS có kết quả bảo vệ luận án đạt loại xuất sắc và có công trình công bố ở các nhà xuất bản, tạp chí quốc gia, quốc tế có uy tín.
GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu
GS.NGND Phan Huy Lê có những lời tâm sự xúc động về người đồng nghiệp: Lễ ra mắt Quỹ đúng vào ngày sinh nhật của GS Đinh Xuân Lâm, tôi không khỏi xúc động bởi đến nay trong 4 cái tên "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" thì GS Vượng ra đi sớm nhất năm 2005, GS Lâm ra đi năm 2017, GS Tấn thì đang ốm rất nặng, còn mình tôi. Biết làm sao được, cuộc sống vốn là như thế. Nhưng bên cạnh sự xúc động và nỗi buồn cô đơn đó thì hôm nay chứng kiến lễ ra mắt Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm đã làm tôi rất vui.
GS Phan Huy Lê cho biết, khi sinh thời, GS Đinh Xuân Lâm đã từng tâm sự là rất muốn có Quỹ sử học mang tên ông để làm kỷ niệm cuộc đời nghiên cứu sử học của mình. Ông sinh ra, sống và làm việc ở nhiều miền quê, quê gốc ở Hà Tĩnh, lớn lên học ở Huế, sau đó ra dạy học ở Thanh Hóa và sinh sống tại Hà Nội. Chính vì vậy, ông muốn có giải thưởng dành tặng những sinh viên yêu Sử thuộc những cơ sở đào tạo từ Huế trở ra.
Ông Đinh Xuân Thọ - con trai GS.NGND Đinh Xuân Lâm
Ông Đinh Xuân Thọ - con trai GS.NGND Đinh Xuân Lâm và cũng là người sáng lập Quỹ nhớ về người cha của mình và tri ân tình cảm yêu mến mà đồng nghiệp học trò dành cho GS.NGND Đinh Xuân Lâm: Do học tập và công tác ở xa nên tôi không có điều kiện ở gần bên bố nhiều, song mỗi khi hỏi: “Bố có cần gì không ?”, câu trả lời luôn là: “Bố không cần gì cả, học trò lo cho bố nhiều rồi”. Sự quan tâm của mọi người dành cho GS.NGND Đinh Xuân Lâm luôn tận tình, chu đáo đến cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Đây là niềm hạnh phúc dù giản dị thôi song không phải ai cũng vinh dự có được.
“Cả cuộc đời bố tôi không phấn đấu về chức danh, không coi trọng tiền của, giá trị và di sản của ông để lại không cân đo đong đếm được, mà đọng lại chỉ là ước mong cháy bỏng được truyền bá những giá trị của nghiên cứu lịch sử cho thế hệ học trò mai sau. Tôi mong những bạn trẻ nhận được giải thưởng hôm nay có thể phát huy được những kiến thức và giá trị của các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Sử học để đóng góp cho xã hội và cuộc sống của chúng ta” - ông Đinh Xuân Thọ chia sẻ.
15 sinh viên ngành Sử nhận giải thưởng đợt một của Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm
02 Thạc sỹ ngành Sử nhận giải thưởng
03 Tiến sĩ ngành Sử nhận giải thưởng
Các đại biểu nhận kỷ niệm chương của Quỹ
1. GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Khoa Lịch sử, Trưởng ban. 2. GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng, Uỷ viên. 3. PGS.TS Vũ Văn Quân, Khoa Lịch sử, Uỷ viên. 4. PGS.TS Nguyễn Đình Lê, Khoa Lịch sử, Uỷ viên. 5. TS. Đặng Hồng Sơn, Khoa Lịch sử, Uỷ viên. 6. TS. Trương Thị Bích Hạnh, Khoa Lịch sử, Uỷ viên thư ký. |
1. Lê Thị Huyền, Khoa Lịch sử, Trường Đại học học Hồng Đức. 2. Nguyễn Thị Kim Oanh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Hồng Đức. 3. Huỳnh Ngọc Quốc, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế. 4. Hoàng Hải, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế. 5. Vũ Hà Thu, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 6. Nguyễn Hà Chi, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 7. Cao Thị Nga, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh. 8. Nguyễn Văn Tài, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh. 9. Phạm Thanh Huyền, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV. 10. Đàm Phương Thanh, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV. 11. Ngô Hoàng Anh, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV. 12. Lê Tùng Dương, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV. 13. Lê Văn Quân, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV. 14. Nguyễn Thị Thảo Linh, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV. 15. Hoàng Thị Thư, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.
1. ThS. Bùi Hoàng Tân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bảo vệ xuất sắc luận văn Tình hình sở hữu ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Hà Châu, tỉnh Hà Tiên nửa đầu thế kỷ XIX. 2. ThS. Nguyễn Văn Ngọc, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, bảo vệ xuất sắc luận văn Quá trình hình thành và tổ chức bộ máy quản lý hành chính thành phố Nam Định từ năm 1884 đến năm 1921.
1. TS. Trương Đắc Chiến, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, bảo vệ xuất sắc luận án Di tích Giồng Lớn và vai trò của nó với sự hình thành văn hoá Óc Eo ở vùng biển Đông Nam Bộ. 2. TS. Nguyễn Thị Bình, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, bảo vệ xuất sắc luận án Nguồn sử liệu tiếng Pháp về chính sách quản lý đất đai đô thị Hà Nội giai đoạn 1888-1945. 3. TS. Phạm Thị Hồng Hà, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, bảo vệ xuất sắc luận án Hệ thống ngân hàng ở miền Nam Việt Nam (1954-1975). |
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn