Ngôn ngữ
1. Tìm kiếm và lựa chọn giải pháp
Thực tế lịch sử cho thấy, trên cơ sở những thành quả trong các chiến dịch mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, cũng như thắng lợi trong cuộc chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Trung ương Đảng ta đã sớm dự tính đến khả năng mở một thế trận mới với phương châm: “Vừa đánh, vừa đàm”. Tuy nhiên, tình hình chính trị trong nước và quốc tế chưa bảo đảm những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện khả năng này. Đến năm 1967, Hội nghị BCHTW lần thứ 13 họp từ 23-26 tháng Giêng đã đề ra chủ trương đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao chống Mỹ. Nghị quyết số 155-NQ/TW Về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhận định: “trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động. Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc”(1). Từ đó, cùng với chính trị và quân sự, ngoại giao chính thức được coi là một mặt trận trọng yếu, có ý nghĩa chiến lược góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Quyết định đó đã mở ra cục diện mới cho đấu tranh ngoại giao với mục tiêu cơ bản ban đầu là đòi Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Thực hiện chủ trương trên, ngày 28-1-1967, trả lời phỏng vấn nhà báo Australia là W.Burchet, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: “Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới có thể nói chuyện với Mỹ”(2). Đây chính là sự khởi đầu cho hàng loạt những cuộc tiến công trên mặt trận ngoại giao theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 13. Trước thái độ của ta, ngày 8-2-1967, Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson đã gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc có điều kiện. Theo chỉ đạo của Người, chúng ta đã “trả lời công khai trên báo chí để làm cho Johnson càng lúng túng và nếu đưa tin Johnson gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn càng hoang mang”(3).
Bác Hồ và Bộ Chính trị họp bàn chiến dịch Tết Mậu Thân 1968
Cuối năm 1967, do phải đương đầu với sức ép ngày càng tăng của dư luận quốc tế, cũng như nhiều vấn đề kinh tế - xã hội trong nước và phong trào phản đối chiến tranh đang dâng cao của nhân dân Mỹ, tại Hội nghị lập hiến toàn quốc tổ chức ở San Antonio, Tổng thống Mỹ L.B.Johnson phải tuyên bố: “Hoa Kỳ sẵn sàng ngừng mọi hoạt động bắn phá bằng không quân và hải quân trên miền Bắc Việt Nam khi nào sáng kiến này dẫn đến những cuộc tranh luận có hiệu quả. Đương nhiên, chúng ta giả định rằng trong thời gian các cuộc thảo luận đó diễn ra, Bắc Việt Nam không lợi dụng việc chấm dứt hay hạn chế ném bom”(4). Việc tuyên bố chấm dứt ném bom có điều kiện đó của L.B. Johnson được dư luận quốc tế gọi là “Công thức Antonio”. Ngày 29-10-1967, để giành thế chủ động và thể hiện thiện chí của ta trước dư luận, trong phát biểu ngày 28-1-1967, thay mặt Chính phủ VNDCCH, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh lại tiếp tục tuyên bố: “Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ nói chuyện với Mỹ về những vấn đề liên quan”(5).
Song song với hoạt động ngoại giao, trên chiến trường miền Nam, các lực lượng vũ trang ta tiếp tục đẩy mạnh tiến công quân sự. Thực hiện nghị quyết Trung ương 14 về cách mạng miền Nam, cùng với mặt trận Khe Sanh, đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã diễn ra trên khắp miền Nam, đánh thẳng vào các thành thị lớn như Sài Gòn, Huế... Cuộc tổng tiến công đã giáng một đòn mạnh mẽ vào mưu đồ xâm lược và “uy danh” của Mỹ. Trong thế thất bại về chiến lược, ngày 31-3-1968, L.B.Johnson tuyên bố với nhân dân Mỹ rằng sẵn sàng “mở các cuộc hoà đàm ngay lập tức” và “sẵn sàng gửi đại diện đến bất cứ một diễn đàn nào, bất cứ lúc nào, để thảo luận về những biện pháp chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc này”. Theo ông ta: “Không cần trì hoãn các cuộc thương thuyết có thể đưa đến việc chấm dứt các cuộc chiến tranh dai dẳng và đẫm máu này”(6). Tuyên bố đó của L.B.Johnson có ba nội dung cơ bản: 1. Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; 2. Không tranh cử nhiệm kỳ hai; và 3. Nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cùng với việc thừa nhận “đang tìm cách xuống thang chiến tranh”, về điểm thứ nhất, Tổng thống Mỹ chỉ rõ: “Khu vực mà chúng ta không oanh tạc nữa chiếm xấp xỉ 90% dân cư và hầu hết lãnh thổ của Bắc Việt, ngoại trừ khu vực phía Bắc vùng phi quân sự”(7). Để chứng thực lời nói của mình, L.B.Johnson còn cử Averell Harriman, được coi là một nhà ngoại giao tài giỏi, từng có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc hội đàm giữa Mỹ với Nga thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, làm đại diện cho Tổng thống Mỹ và giao cho A.Harriman nhiệm vụ “tìm kiếm hoà bình”. Có thể coi đây là sự thể hiện những thay đổi mang tính chiến lược trong chính sách của Mỹ về vấn đề Việt Nam. Mỹ đã chấp nhận xuống thang chiến tranh, đồng ý thương lượng để thăm dò và tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Tổng thống Hoa Kỳ Johnson gặp các cố vấn sau cuộc tiến công Mậu Thân năm 1968
Ngày 13-5-1968, sau một thời gian tranh biện và lựa chọn địa điểm, Hội nghị song phương giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ chính thức họp phiên đầu tiên tại Trung tâm hội nghị quốc tế trên đường Kléber, thủ đô Paris của nước Pháp. Do chưa giành được ưu thế tuyệt đối trên chiến trường, nên phương châm chủ đạo của phái đoàn ta lúc bấy giờ là buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom không điều kiện miền Bắc rồi mới bàn đến các vấn đề khác. Ngày 21-10-1968, đoàn đại biểu Chính phủ ta chính thức đưa ra một thông báo cho phía Mỹ yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và tổ chức một Hội nghị bốn bên để tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Mỹ chấp thuận đề nghị đó. Sự hiện diện của Đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam với tư cách là một thực thể chính trị hợp pháp, chính thức không chỉ nâng cao vị thế của Mặt trận, góp phần làm cho thế giới hiểu thêm cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta mà còn tăng cường sức mạnh cho thế trận quân sự, chính trị, ngoại giao phối hợp giữa hai miền Nam - Bắc. Đó là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.
Mặc dù đã lường trước những phản ứng tiêu cực từ phía chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nhưng việc Mỹ chấp thuận tổ chức Hội nghị bốn bên với sự hiện diện của đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nảy sinh những bất đồng nghiêm trọng giữa Mỹ và giới cầm quyền Việt Nam Cộng hoà. L.B.Johnson từng chua chát thừa nhận: “Khi chúng ta đạt được sự dàn xếp với Hà Nội thì sự hoà hợp với Tổng thống Thiệu lại tan vỡ”(8).
Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự phiên khai mạc Hội nghị bốn bên về Việt Nam tại Paris ngày 25/1/1969
Trước những chuyển biến khá mau chóng của cuộc đàm phán, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu muốn kéo dài thêm thời gian để nói chuyện trực tiếp với Hà Nội và dựa vào hậu thuẫn của một số thế lực trong Đảng Cộng hoà Mỹ để từ chối tuyên bố của L.B.Johnson về chấm dứt ném bom và việc mở Hội nghị bốn bên giải quyết vấn đề Việt Nam. Lý do mà Sài Gòn đưa ra là cần phải có thời gian để xin ý kiến quốc hội. Hơn thế nữa, Thiệu không chấp thuận Mặt trận DTGP là một bên tham gia đàm phán và đề nghị cần phải giải quyết xong “vấn đề thủ tục” rồi mới họp. Trong tuyên bố của mình tại Sài Gòn, Thiệu còn chỉ rõ không sẵn sàng cử đoàn đại biểu sang Paris tham dự hội nghị như phía Mỹ đã đề nghị.
Trước thái độ đó của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, không thể bỏ lỡ cơ hội hoà bình, Mỹ đã quyết định “đi một mình”. L.B.Johnson ra lệnh chấm dứt các cuộc oanh tạc bằng không quân, hải quân và pháo binh miền Bắc Việt Nam. Mặt khác, để yên lòng Thiệu, Washington còn giải thích rằng sự tham gia thương thuyết của Mặt trận DTGPMNVN không có nghĩa là sự công nhận Mặt trận này về pháp lý. Trước sức ép của Mỹ, ngày 8-12-1968 chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải cử đoàn đại biểu đến Paris tham gia cuộc hoà đàm và trực tiếp chứng kiến một phần cuộc đấu tranh ngoại giao tài trí, khôn khéo, có nguyên tắc, giữ vững chủ quyền và độc lập dân tộc của chúng ta. Sài Gòn hiểu rằng: Khi người Mỹ đã chấp nhận đàm phán, chấm dứt ném bom và sau này là chấp nhận rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam thì ngày tận số của một chính quyền tay sai thân Mỹ chắc chắn không còn bao xa nữa.
Biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại New York năm 1968
2. Hội nghị Paris: Cam kết - Phi cam kết
Ngày 6-11-1968, Richard Nixon, ứng cử viên Đảng Cộng hoà đã trúng cử Tổng thống Mỹ với số phiếu 43,3% trong điều kiện Mỹ đang bị sa lầy ở Việt Nam, lợi ích chính trị và vị thế kinh tế của Mỹ trên thế giới bị suy giảm nghiêm trọng. Cũng như tổng thống tiền nhiệm, R.Nixon đã sớm nhận thấy sự bế tắc và thất vọng về cuộc chiến đang theo đuổi ở Việt Nam nhưng vẫn không dễ dàng thừa nhận thất bại. Sau Tết Mậu Thân, R.Nixon càng tin rằng cuộc chiến khó có thể giành “thắng lợi” nếu chỉ dùng vũ lực. Sau khi trở thành tổng thống, người đứng đầu Nhà trắng đã đưa ra “Học thuyết Nixon” tại đảo Guam ngày 25-7-1969. Trong thế thất bại trên chiến trường và sớm muộn phải rút quân về nước, “Học thuyết Nixon” dựa trên ba nguyên tắc: Sức mạnh của Mỹ; Chia sẻ trách nhiệm và Thương lượng trên thế mạnh. Đồng thời, trên bình diện quốc tế, Mỹ tìm cách “cải thiện” quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc hòng tìm một giải pháp chính trị có lợi nhất về “Vấn đề Việt Nam”, cắt giảm viện trợ cho Việt Nam mặt khác tranh thủ các nước này tác động đến cuộc đàm phán Việt - Mỹ ở Paris.
Vận dụng các nguyên lý của “Học thuyết R.Nixon” vào cuộc chiến tranh đang tiến hành ở Việt Nam, Nhà trắng đã đưa ra chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” nhằm giảm bớt sự cam kết của Mỹ với đồng minh, yêu cầu đồng minh thay thế từng bước quân Mỹ chiến đấu trực tiếp trên chiến trường để rút dần quân về nước... Mục tiêu cuối cùng là vẫn giữ được chính quyền thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Thực tế, chính sách này còn nhằm xoa dịu sự công phẫn của nhân dân Mỹ, cắt giảm gánh nặng chiến tranh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở miền Nam thông qua viện trợ vũ khí và cố vấn quân sự. Trước tình thế ngày càng suy yếu và thất bại không thể tránh khỏi của nguỵ quyền, Mỹ đã thực hiệp những biện pháp thoả hiệp, lôi kéo một số nước nhằm chia sẻ và duy trì quyền lợi, ảnh hưởng ở Đông Nam Á đồng thời tiếp tục chia cắt lâu dài đất nước ta.
Toàn cảnh Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam
Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, trong các năm 1970-1971, R.Nixon mở rộng chiến tranh ra cả ba nước Đông Dương nhằm ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia và giành thế mạnh trên bàn đàm phán. Sau Tết 1968, dư luận Mỹ ngày càng cho rằng việc đưa quân sang xâm lược Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng. Phong trào phản đối chiến tranh đã thâm nhập mạnh mẽ trong giới trí thức và sinh viên đại học Mỹ. Nhiều người dân Mỹ tin rằng, tình trạng lạm phát, các vấn đề đô thị và sự náo động trong các trường đại học... đều là những hậu quả mà xã hội Mỹ phải gánh chịu do tác động từ cuộc “Chiến tranh Việt Nam”. Với nền kinh tế Mỹ, trong các năm 1969-1970, mức độ lạm phát đã lên đến đỉnh cao. Ngay trong năm đầu tiên cầm quyền của R.Nixon, ngân sách đã thâm hụt 3 tỷ USD và tăng lên đến 23 tỷ USD vào năm 1971. Tình trạng kinh tế đó khiến cho Chủ tịch ngân hàng Mỹ Luy B. Londbook ngày 15-4-1971 đã phát biểu trước Uỷ ban quan hệ đối ngoại của Thượng viện: “Đối với tôi, dường như đã đến lúc phải nói rõ: Cuộc chiến tranh đã phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế Mỹ, đã làm rực cháy ngọn lửa lạm phát, đã làm khô kiệt tài sản vô cùng cần thiết để khắc phục các vấn đề nghiêm trọng trong nước... và đã hạ thấp tốc độ phát triển của lợi nhuận”(9). Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh đã tác động đến tâm lý và nhận thức của nhiều nghị sĩ Mỹ về những mục tiêu vô vọng mà chính quyền R.Nixon theo đuổi. Từ sau Tết Mậu Thân, chính quyền này phải liên tiếp đương đầu với những cuộc đấu tranh chính trị gay gắt diễn ra trong cơ quan lập pháp.
Trên mặt trận ngoại giao, ngày 8-5-1969, đoàn đại biểu MTDTGPMNVN đã đưa ra một giải pháp toàn bộ 10 điểm về vấn đề miền Nam Việt Nam. Đó là những nguyên tắc cơ bản đầu tiên chuẩn bị cho hàng loạt các thoả thuận ngoại giao nhằm đi đến ký kết một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Trong các cuộc họp chung và tiếp xúc riêng, đoàn đại biểu hai miền đã phối hợp chặt chẽ, không ngừng đấu tranh để tiếp tục đẩy Mỹ xuống thang trên các vấn đề then chốt, ép Mỹ đơn phương rút quân và khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù. Tại phiên họp lần thứ 21 diễn ra vào ngày 12-6-1969, lần đầu tiên đoàn miền Nam tham dự với danh nghĩa Đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Trả lời câu hỏi của các nhà báo về sự kiện lịch sử này, phát ngôn của đoàn Mỹ đã nhắc lại lời của Cabot Lodge: “Ai đại diện là công việc nội bộ của họ”. Sự thừa nhận đó của phía Mỹ khiến chính quyền Sài Gòn càng thấy thất vọng về vị trí của mình trong tiến trình đàm phán nhưng do lệ thuộc nặng nề vào Mỹ, không thể công khai chống lại Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Bình tại Lễ ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973
Nhằm thực hiện chính sách thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, trong thời gian đầu đàm phán, phía Mỹ luôn tìm cách lẩn tránh việc bàn về sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn. Trong các đợt đấu tranh ngoại giao năm 1971, phái đoàn ta đã kiên trì đòi loại bỏ Thiệu và tiến tới là loại bỏ tập đoàn cầm quyền Nguyễn Văn Thiệu khiến H.Kissinger cũng phải nói tới việc lập một tổ chức độc lập để tổng tuyển cử. Đây chính là một trong những vấn đề then chốt của cuộc hoà đàm. Đến tháng 10-1972, với phương châm thắng từng bước, chúng ta đã đi đến một quyết sách mạnh bạo, mềm dẻo “không đòi loại bỏ chính quyền Thiệu mà giữ nguyên trạng hai chính quyền, chỉ thỏa thuận một số nguyên tắc lớn như hai bên miền Nam sẽ hiệp thương để giải quyết vấn đề nội bộ miền Nam, lập một cơ cấu chính quyền để đôn đốc và giám sát thi hành hiệp định và tổ chức tổng tuyển cử”(10).
Sự nhân nhượng mang tính sách lược đó của phái đoàn ta khiến quan hệ giữa Washington và Sài Gòn thêm rạn nứt sâu sắc. Trên thực tế, trong khi đi đến thoả thuận đó, chính phía Mỹ cũng đã đánh giá thấp phản ứng của Thiệu. Họ cho rằng một hiệp định mà theo đó chính quyền thân Mỹ vẫn tồn tại và được thừa nhận trên văn bản pháp lý cũng đủ bảo đảm cho Thiệu coi đó là một thắng lợi nổi bật và các vấn đề khác sẽ chỉ có ý nghĩa thứ yếu. Nhưng, cùng với quyết định đi đến ký kết một hiệp định đình chiến thì chủ trương của Mỹ rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam càng khiến cho nguỵ quyền Sài Gòn cảm thấy hụt hẫng, mất chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần. Trao đổi với Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Ellsworth Bunker, Thiệu than thở: “Đây là vấn đề sống chết đối với Nam Việt Nam và 17 triệu dân Nam Việt Nam. Vị trí của chúng tôi rất bất hạnh. Chúng tôi đã rất trung thành với Mỹ và bây giờ chúng tôi cảm thấy mình đang bị hy sinh... Nếu chúng tôi chấp nhận văn kiện như hiện có, chúng tôi sẽ tự sát”(11). Trên thực tế, Thiệu đã cử Bùi Diễm sang Washington để giải thích cho phía Mỹ rằng: “vấn đề quân Bắc Việt Nam ở miền Nam là vấn đề sống còn đối với chúng tôi. Có thể bây giờ đã quá muộn để gây ảnh hưởng đối với họ... Nhưng như phương ngôn đã nói, còn nước còn tát”(12). Về phần mình, trong những tháng đầu năm 1972, Mỹ cũng ráo riết thực hiện các hoạt động ngoại giao nhằm “bình thường hoá” quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc... và muốn thông qua vai trò trung gian của một số nước để giải quyết “vấn đề Việt Nam” và các nước khác trên bán đảo Đông Dương(13). Nhưng cuối cùng, “Chính bè lũ Ních-xơn cũng phải thừa nhận nếu không nói chuyện với Việt Nam thì Mỹ không có lối thoát khỏi tình trạng bế tắc”(14).
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ với nụ cười chiến thắng tại Hội nghị Paris.
Trên chiến trường Việt Nam, đến tháng 9-1970, Mỹ đã đơn phương rút 140.000 quân về nước. Bước sang năm 1971, Mỹ vẫn tiếp tục đưa quân ra khỏi chiến trường Việt Nam. Hành động đó của Mỹ đã làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường. Sức chiến đấu của lục quân suy giảm nghiêm trọng. Thêm vào đó, cuộc tiến công chiến lược của các lực lượng vũ tranh ta Xuân - Hè năm 1972 trên mặt trận Bình Trị Thiên và Tây Nguyên càng đẩy địch đi vào thế suy yếu. Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của chính quyền Sài Gòn với sự hỗ trợ của cố vấn Mỹ và phương tiện chiến tranh hiện đại bắt đầu có những dấu hiệu khủng hoảng. Về ý nghĩa của cuộc tiến công năm 1972, đồng chí Lê Duẩn đánh giá: “Tuy thắng lợi còn bị hạn chế... nhưng cả thế và lực của ta đã tốt hơn, mạnh hơn nhiều so với trước. Phần lớn các đơn vị chủ lực đã trở về miền Nam, chủ động tiến công địch trên những địa bàn chiến lược quan trọng”(15).
Để cứu vẫn tình thế trên chiến trường miền Nam, R.Nixon đã huy động trở lại lực lượng quân sự Mỹ, gây lại chiến tranh phá hoại miền Bắc, thả thuỷ lôi phong toả cảng Hải Phòng và các cảng quan trọng khác hòng ngăn chặn đường tiếp vận của ta. Tháng 9-1972, trên cơ sở đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị Đảng ta chủ trương tranh thủ đạt được giải pháp ngoại giao trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ngày 4-10-1972, Bộ Chính trị đã điện cho đoàn tại Paris tạm gác một số yêu cầu khác về nội bộ miền Nam để sớm nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Nếu chấm dứt được sự dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam thì trong đấu tranh với nguỵ quyền sau này, ta có điều kiện để giành các mục tiêu đó và có thể đạt được thắng lợi lớn hơn(16).
Ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger trong buổi ký tắt Hiệp định Paris năm 1973
Quán triệt tinh thần nêu trên, phối hợp chặt chẽ với phái đoàn đàm phán, từ trong nước chúng ta đã khẩn trương chuẩn bị bản Dự thảo hiệp định. Ngày 8-10-1972, thay mặt Chính phủ ta, cố vấn Lê Đức Thọ trao cho H.Kissinger bản Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Trong các phiên họp riêng, một chiến dịch đấu tranh ngoại giao quyết liệt lại diễn ra trên từng nội dung, điều khoản của hiệp định. Đến cuối tháng 10-1972, “vận dụng lời dạy của Bác vào đàm phán ta đưa ra phương án thích hợp không đồng thời đòi hỏi giải quyết hai yêu cầu Mỹ cút và nguỵ nhào, mà tập trung đòi Mỹ cút trước, nhờ vậy làm cho đàm phán chuyển nhanh từ tháng Mười 1972”(17). Cuối tháng 10, bản hiệp định đã được chuẩn bị hoàn tất và hai bên thoả thuận sẽ ký vào ngày 31-10-1972 trước khi bầu cử tổng thống Mỹ. Lo ngại sự chống đối của chính quyền Sài Gòn có thể làm chậm thậm chí phá vỡ “kế hoạch hoà bình”, ngày 19 đến 23-10-1972, theo yêu cầu của R.Nixon, Kissinger đến Sài Gòn và chuyển đến Nguyễn Văn Thiệu bức thư của R.Nixon đề ngày 16-10 với lời cam kết: “Trong thời kỳ tiếp theo sau đình chiến, Ngài có thể hoàn toàn yên tâm rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho chính phủ Ngài một sự yểm trợ đầy đủ nhất, kể cả viện trợ kinh tế và bất cứ viện trợ quân sự nào phù hợp với những điều khoản ngưng chiến của hiệp định này”(18). Tuy nhiên, tại Sài Gòn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã phản ứng quyết liệt với những những thoả thuận của quan thầy Mỹ và khi biết nội dung bản dự thảo hiệp định đã lập tức đòi sửa chữa 69 điểm(19). Nhân cơ hội đó, lấy cớ “gặp khó khăn với Thiệu”, phía Mỹ yêu cầu phái đoàn ta “thoả thuận thêm” và đề nghị hoãn ngày ký hiệp định đồng thời cam kết sẽ không yêu cầu thêm bất kỳ sự thay đổi nào sau khi đạt được sự thoả thuận trong đợt gặp này.
Trước thái độ lật lọng đó, nhằm tranh thủ dư luận quốc tế và tiếp tục đưa cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao lên cao, ngày 27-10-1972, Chính phủ ta tuyên bố công khai tình hình đàm phán ở Paris và thông báo trước công luận về sự thoả thuận mà các bên đã đạt được trong tháng 10. Tại cuộc gặp sau đó, cùng với yêu cầu thay đổi một số nội dung mang tính nguyên tắc, H.Kissinger còn đề nghị bỏ đoạn viết: “Mỹ không cam kết với bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào ở miền Nam, không tìm cách áp đặt một chính phủ nào thân Hoa Kỳ ở Sài Gòn”(20). Trước sự đấu tranh kiên quyết của ta và lo sợ sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, ngày 26-10-1972, H.Kissinger phải tuyên bố: “Hoà bình trong tầm tay”. Do nuôi dưỡng tham vọng có thể tiếp tục kéo dài hoặc phá vỡ cuộc đàm phán, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức phản đối nội dung bản hiệp định. Mâu thuẫn giữa Washington và Sài Gòn bùng nổ công khai. Thiệu luôn cảm thấy bị Mỹ bỏ rơi trong các thoả thuận ngoại giao. Thấu hiểu tình cảnh của Thiệu, phía Mỹ đã “cho Thiệu biết rằng việc công bố chuyện mật đàm trong lúc này sẽ vô hiệu hoá sự chống đối chiến tranh ngày càng tăng, giúp duy trì sự ủng hộ nội bộ Hoa Kỳ, và ngăn chặn việc thông qua các dự luật của Quốc hội có hại cho chương trình Việt Nam hoá”(21).
Mặc dù được chính quyền Mỹ liên tiếp trấn an nhưng trong nhận thức của mình, trước sau chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn coi đó là một “hiệp định đầu hàng”. Để tiếp tục gây lòng tin với Thiệu, ngày 29-10-1972, người đứng đầu Nhà trắng lại khẳng định: “Nhưng điều quan trọng hơn những gì chúng tôi viết trong bản hiệp định về vấn đề đó là những gì chúng tôi sẽ hành động trong trường hợp kẻ thù tái diễn xâm lược. Tôi tuyệt đối cam đoan với ngài rằng, nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp định này, thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đũa mau lẹ và ác liệt nhất”(22). Dường như không thể yên tâm với những lời cam kết, ngày 18-11-1972, Thiệu cử đặc phái viên Nguyễn Phú Đức sang gặp R.Nixon để vừa trình bày quan điểm của chính quyền Việt Nam Cộng hoà vừa tìm cách gây áp lực trở lại đối với giới cầm quyền Mỹ.
Trong bối cảnh đó, cuộc đấu tranh ngoại giao diễn ra hết sức căng thẳng. Để gây sức ép buộc ta nhân nhượng, tại cuộc gặp riêng với cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ ngày 24-11-1972, H.Kissinger đã đưa ra tối hậu thư của R.Nixon: “Trừ phi phía bên kia tỏ ra sẵn sàng chú ý tới sự quan tâm hợp lý của chúng ta, tôi chỉ thị cho ông ngừng đàm phán và chúng ta sẽ phải tiếp tục lại các hoạt động quân sự cho đến khi phía bên kia sẵn sàng đàm phán theo điều kiện có danh dự”(23). Trước cuộc đấu tranh có nguyên tắc của ta, Mỹ đã đơn phương ngừng đàm phán nhưng không dám bỏ đàm phán mặt khác cũng không thể bác bỏ những đề nghị của Thiệu. Chưa thể dễ dàng gạt bỏ thể chế chính trị miền Nam Việt Nam, R.Nixon - H.Kissinger thực hiện chính sách hai mặt vừa vỗ về, an ủi Thiệu vừa đồng thời thông báo cho Thiệu biết về khả năng phản đối mạnh mẽ của nhiều nghị sĩ trong quốc hội Mỹ về thái độ hiếu chiến, kéo dài chiến tranh của chính quyền Sài Gòn.
Đại diện 4 bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ; Cộng hòa Việt Nam) ký Hiệp định Paris (27/1/1973)
Trước những bế tắc về đàm phán, từ ngày 18 đến 29-12-1972, hòng dùng sức mạnh quân sự đè bẹp ý chí của ta, Mỹ đã mở một cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố, khu đông dân cư khác, tàn sát dã man đồng bào ta. R.Nixon toan tính rằng, đối với nội bộ nước Mỹ, cuộc ném bom có thể sẽ xoa dịu phái hữu, ngăn họ cấu kết với Sài Gòn để chống R.Nixon. Cuộc tập kích còn nhằm mục đích vừa trấn an Thiệu về sức mạnh Mỹ, chứng minh sự cam kết của Mỹ để rồi từ đó gây sức ép buộc Thiệu phải sớm ký hiệp định. Thêm vào đó, “Đối với các đồng minh khác, ném bom để chứng minh rằng Mỹ rút ra khỏi chiến tranh với tư thế người chiến thắng, không đầu hàng, không bỏ rơi đồng minh”(24). Nhưng âm mưu cơ bản và thâm độc nhất là Mỹ muốn dùng sức mạnh quân sự nhằm gây sức ép tối đa với ta về chính trị và ngoại giao hòng buộc Việt Nam phải chấp nhận một bản hiệp định theo điều kiện của Mỹ. Sau trận ném bom huỷ diệt, Washington cũng nuôi hy vọng rằng có thể bẻ gãy ý chí chiến đấu và sức mạnh của ta, khiến quân và dân ta không còn đủ lực lượng để tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện sự nghiệp thống nhất nước nhà. Nhưng, quân và dân ta đã làm nên một trận “Điện Biên phủ trên không” và buộc Mỹ phải nối lại vòng đàm phán.
Đến giữa tháng 1-1973, văn bản hiệp định chính thức đã được các bên thoả thuận với nội dung căn bản giống như bản dự thảo hiệp định do Chính phủ VNDCCH đề xuất tháng 10-1972. Nhận thấy nguy cơ bị Mỹ bỏ rơi ngày càng lộ rõ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức phản đối tiến trình hoà đàm. Để mau chóng vượt qua sự chống đối của chính quyền Sài Gòn và muốn sớm kết thúc chiến tranh, tập trung sức lực đối phó với những vấn đề trong nước đặc biệt là thông tin về vụ Watergate ngày càng lan rộng, ngày 5-1-1973 R.Nixon lại tiếp tục sử dụng “con bài truyền thống” tức vừa cam kết làm hậu thuẫn mạnh mẽ cho Thiệu vừa đe doạ: “Vào lúc chúng tôi bước vào cuộc đàm phán sắp tới, tôi hy vọng rằng hai quốc gia chúng ta sẽ biểu lộ một mặt trận thống nhất... Nếu ngài quyết định, và tôi tin tưởng rằng ngài sẽ quyết định, đi với chúng tôi, thì tôi xin cam kết với ngài là sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam Cộng hoà trong thời kỳ sau hoà giải và chúng tôi sẽ phản ứng với toàn sức mạnh, nếu Bắc Việt vi phạm cuộc hoà giải đó”(25). Ngày 17-1-1973, trong thư gửi cho Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Mỹ còn tiếp tục tuyên bố: “Tôi xin nhắc lại những gì tôi đã nói với Ngài trong những lá thư trước của tôi: Nền tự do và độc lập của Việt Nam Cộng hoà vẫn còn là một mục tiêu tối cao của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ... Tôi xin một lần nữa tuyên bố những lời cam kết trong lá thư này: Thứ nhất, chúng tôi chỉ thừa nhận chính phủ của ngài là chính phủ hợp pháp duy nhất tại Việt Nam; Thứ hai, chúng tôi không thừa nhận quyền ở lại của quân đội ngoại quốc trên phần đất miền Nam Việt Nam; Thứ ba, Hoa Kỳ sẽ có những phản ứng mãnh liệt đối với những vi phạm hiệp định”(26).
Đó chỉ là một số đoạn trích trong 27 lá thư và thông điệp mà R.Nixon đã gửi cho chính quyền Thiệu trong ba năm cho đến khi ông ta phải từ chức ngày 9-8-1974 vì vụ Watergate. Mặc dù nội dung của các bức thư đó đề cập đến nhiều vấn đề nhưng luôn có một nội dung cơ bản là Hoa Kỳ cam kết quyết tâm ủng hộ chính quyền VNCH một cách toàn diện cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, những lời cam kết đó có nhiều xa lạ với thực tế lịch sử đặc biệt là nội dung hiệp định mà chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải chấp thuận. Trong nhận thức của chính quyền Sài Gòn, bản Hiệp định Paris gồm 9 chương và 23 điều thì điều 3b và điều 5 chương II có thể thực sự coi là một bản án.
Nhận thấy thái độ do dự của tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, ngày 19-1-1973, R.Nixon lại gửi tiếp cho Thiệu một bức thư do đại tướng Alexander Haig chuyển. Trong đó, ông ta thông báo cho Thiệu: “Tôi đã quyết định dứt khoát ký tắt hiệp định ngày 23-1-1973 tại Paris. Nếu cần tôi sẽ làm đúng thế một mình”(27). Trong các lần gặp tiếp sau, thậm chí A.Haig còn nói với Nguyễn Văn Thiệu và Hoàng Đức Nhã rằng: “nếu không ký hiệp định thì Hoa Kỳ sẽ có biện pháp tàn bạo”. Lập tức cả hai đều hiểu “ý nghĩa lịch sử” của câu nói đó muốn gợi đến sự kiện năm 1963. Không còn sự lựa chọn nào khác, Nguyễn Văn Thiệu đành phải chấp thuận và chỉ xin đề nghị sửa chữa một số điểm nhỏ. Ngày 20-1-1973, ngày R.Nixon vào Nhà trắng nhiệm kỳ hai, phía Mỹ lại cam kết với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu: “Hoa Kỳ công nhận chính phủ ngài là chính phủ hợp pháp duy nhất ở Việt Nam” đồng thời yêu cầu Thiệu chấp thuận với nội dung bản hiệp định và cho biết ý kiến chậm nhất là 12 giờ trưa ngày 21-1-1973. Trên thực tế, có thể coi đó là bản tối hậu thư của chính quyền R.Nixon đối với nguỵ quyền Sài Gòn. Ở Paris, chỉ 2 ngày sau Kissinger đã ký tắt vào văn bản và đúng 4 ngày sau đó, ngày 27-1-1973, chính quyền Sài Gòn cũng phải ký vào bản hiệp định. Trong diễn văn phát biểu trên truyền thanh và truyền hình ngày 23-1-1973, Tổng thống Mỹ cho rằng: “Một nền hoà bình trong danh dự đã được thực hiện”(Peace with Honor)(28). Nhưng, đối với tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu đó thực sự là “Một nền hoà bình cay đắng”(A Bittter Peace)(29). Và cái mà R.Nixon cho rằng, với bản hiệp định, VNCH đã giành được một quyền quý báu, tức là “quyền tự quyết định tương lai của mình”(30) thực chất với Sài Gòn là một sự bỏ rơi, rũ bỏ “trách nhiệm” không thương tiếc. Như vậy, đúng như Westmoreland, nguyên Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã thừa nhận: “Số phận Nam Việt Nam đã được định đoạt khi Kissinger ký Hiệp định ngừng bắn tại chỗ, rút quân Mỹ và cho phép hàng nghìn binh lính chính quy Bắc Việt Nam ở lại miền Nam”(31). Cũng cần phải nói thêm là, khi được Ehrlichman, một trong những phụ tá của R.Nixon hỏi: “Ông nghĩ rằng Nam Việt Nam tồn tại được bao lâu với hiệp định này?”. H.Kissinger đã trả lời: “Tôi cho rằng nếu họ may mắn, họ có thể cầm cự được một năm rưỡi”(32).
Như vậy, sau nhiều lần đi ngược lại những lời cam kết, Hoa Kỳ đã phải đi đến sự cam kết cuối cùng, cam kết bằng văn bản về vấn đề kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Đối với chúng ta, mục tiêu chiến lược khi ký Hiệp định Paris đã được thực hiện trọn vẹn. Bởi vì, cùng với việc buộc Hoa Kỳ và các bên liên quan công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thì “điều quan trọng của hiệp định Pa-ri không phải là ở chỗ thừa nhận hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, tiến tới thành lập chính phủ ba thành phần, mà mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại, hành lang Nam Bắc vẫn nối liền, hậu phương gắn liền với tiền phương thành một dải liên hoàn thống nhất; thế trận tiến công của ta vẫn vững. Ý định của ta là giữ nguyên thế và lực của mình ở miền Nam để tiến lên tiếp tục tiến công địch”(33). Đó là hai thắng lợi lớn nhất của ngoại giao Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trong tiến trình đi đến ký kết Hiệp định Paris.
3. Kết thúc chiến tranh và số phận của chính quyền Sài Gòn
Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức vào ngày 21/4/1975
Vào đầu những năm 1970, do tác động của cuộc khủng hoảng dầu lửa, nền kinh tế của thế giới tư bản trong đó có Mỹ lâm vào sự suy thoái nghiêm trọng. Trước những áp lực gay gắt trong nước về vấn đề lính Mỹ bị thương vong và bị bắt trong “Chiến tranh Việt Nam” cũng như phong trào phản đối chiến tranh ngày một lan rộng trên toàn thế giới, cùng với chiến trường miền Nam, Mỹ phải rút quân ra khỏi Thái Lan và giảm dần viện trợ cho các nước chư hầu.
Tuy thất vọng về thể chế chính trị Sài Gòn và khả năng tác chiến yếu kém của quân nguỵ nhưng Wasshington vẫn nuôi tham vọng duy trì chế độ tay sai Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam Việt Nam. Cùng với kế hoạch kinh tế hậu chiến 8 năm (1973-1980) hòng đưa kinh tế miền Nam vượt trội lên so với kinh tế miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trên phương diện chính trị và quân sự “Âm mưu nhất quán của Mỹ ở miền Nam Việt Nam là tiếp tục sử dụng nguỵ quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, tìm mọi cách xoá bỏ vùng giải phóng và lực lượng vũ tranh nhân dân ta, xoá bỏ chính quyền nhân dân, biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt thân Mỹ, được Mỹ viện trợ về quân sự, kinh tế, tài chính để Mỹ vẫn bám lấy miền Nam lâu dài mà tránh được nguy cơ trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn”(34).
Nhằm tăng cường sức mạnh cho quân Nguỵ, từ tháng 10-1972, một mặt hứa hẹn, cam kết ở Paris mặt khác Mỹ đã thực hiện kế hoạch “Enhance Plus” lập cầu hàng không, tăng viện vũ khí và thiết bị chiến tranh một cách ồ ạt cho chính quyền Sài Gòn. Trong vòng 2 tháng, Nhà trắng đã đưa sang Việt Nam 260.000 tấn thiết bị chiến tranh trị giá gần 2 tỷ USD. Dựa vào viện trợ và cố vấn Mỹ, nguỵ quyền Sài Gòn đã chuẩn bị “Kế hoạch Lý Thường Kiệt”, thực hiện chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ” nhằm giành dân, chiếm đất. Ngay trong thời điểm Hiệp định Paris chuẩn bị được ký kết, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu còn cho quân chiếm cảng Cửa Việt (Quảng Trị) và nhiều khu vực khác. Tuy nhiên, những hành động vũ trang đó không thể che đậy được thế suy yếu của chúng trên chiến trường. Trên cơ sở phân tích chiến lược, sau khi ký Hiệp định Paris, Trung ương Đảng ta đã nhận định: Một khi Mỹ đã rút quân ra khỏi miền Nam thì khó có khả năng quay trở lại. Song, nếu chúng có can thiệp trở lại trong một chừng mực nào thì cũng không thay đổi được tình thế chiến tranh.
Trong thời gian kéo dài đàm phán ở Paris, trên chiến trường miền Nam, Mỹ đã chuyển giao cho chính quyền Sài Gòn hầu hết các căn cứ quân sự. Đến năm 1973, tổng số quân nguỵ đã lên đến 1,1 triệu tên chiếm tới 50% số thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 35. Lầu Năm Góc cũng không ngừng củng cố sức mạnh của không lực và trọng pháo cho nguỵ quyền. “Bắt đầu chỉ với 75 máy bay lên thẳng kiểu cũ năm 1968, Việt Nam Cộng hoà có 657 chiếc kiểu mới nhất vào tháng 7 năm 1972. Như vậy là Việt Nam Cộng hoà có một trong những đội máy bay lên thẳng lớn nhất và hiện đại nhất thế giới. Ngoài ra, không quân gồm 740 máy bay, đứng thứ tư về số lượng trên thế giới. Vào năm 1971, quân đội Việt Nam Cộng hoà nhận ít nhất 1.000 pháo bức kích, 1.650 súng cối hạng nặng, trên 1.000 xe chở quân M.113, 300 xe tăng và một hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến để nối đội quân rải rộng đó với nhau. Số lượng trang bị mà đội quân đó nhận được là một điều bí ẩn vì sau khi Mỹ rút, Mỹ đã để lại một số lượng khổng lồ vật liệu”(35). Theo đuổi chính sách thực dân mới với âm mưu cơ bản là duy trì sự tồn tại chính quyền nguỵ Sài Gòn và chia cắt lâu dài đất nước ta, Mỹ còn cho đổi tên nhiều cơ quan quân sự thành dân sự mặt khác vẫn duy trì 24.000 cố vấn quân sự và nhân viên dân sự ở miền Nam.
Ngày 3 và 4-4-1973, Nguyễn Văn Thiệu đã sang Mỹ gặp Tổng thống R.Nixon tại San Clemente. Tại cuộc gặp, R.Nixon cam kết tiếp tục ủng hộ quân sự cho chính quyền Sài Gòn. Ngay sau đó, Mỹ nối lại các chuyến bay do thám trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, đình chỉ các cuộc họp của Uỷ ban kinh tế hỗn hợp về việc xây dựng lại miền Bắc Việt Nam. Tháng 5-1973, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhận định: “Đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục duy trì một sự cam kết nhất định về quân sự và tiếp tục giúp đỡ nguỵ quyền Sài Gòn để cho bọn tay sai đủ sức đứng vững và đối phó với miền Bắc, đồng thời đảm bảo cho Mỹ bám trụ lâu dài ở miền Nam, mà tránh được nguy cơ phải dính líu trực tiếp vào một cuộc chiến tranh mới ở miền Nam”(36). Mỹ dung túng và cùng với chính quyền Sài Gòn phá hoại có hệ thống hiệp định Paris. Từ tháng 2-1973 đến giữa năm 1974, dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, quân nguỵ đã tổ chức 34.266 cuộc tiến công quy mô lớn nhằm chiếm vùng giải phóng và 216.000 cuộc hành quân bình định trong vùng kiểm soát.
Nguỵ quyền di tản tháo chạy khỏi Sài Gòn vào ngày 30/4/1975
Nhưng bước sang năm 1974, tình hình chính trị, kinh tế Mỹ càng trở nên bất ổn. Trong nhiều nguyên nhân thì vụ Watergate đã đẩy nền chính trị nước Mỹ lâm vào một vụ bê bối nghiêm trọng. Vụ Watergate được coi là một sự đồi bại chính trị xấu xa nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vụ bê bối này đã gây nên một cuộc khủng hoảng sâu sắc về quyền lực khiến R.Nixon không thể cứu vãn nổi danh dự và cuối cùng phải từ chức tổng thống. Thất bại chính trị của R.Nixon đã khiến cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu mất đi một chỗ dựa tin cậy cuối cùng vào ô bảo trợ của Mỹ. Quan hệ giữa Washington và Sài Gòn từ đó càng lâm vào tình trạng khủng hoảng và mất lòng tin nghiêm trọng. Tuy nhiên, để trấn an và giữ “danh dự” với đồng minh, chưa đầy 24 giờ sau khi lên kế nhiệm R.Nixon, tân Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã gửi thông điệp cho Thiệu và khẳng định: “Những cam kết mà nước chúng tôi đã hứa hẹn với quý quốc trong quá khứ nó vẫn còn hiệu lực và sẽ được hoàn toàn tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi. Những cam kết này của tôi lại đặc biệt thích ứng với Việt Nam Cộng hoà trong điều kiện hiện tại”(37).
Trên thực tế, tình hình chính trị nước Mỹ không cho phép chính quyền G.Ford tiếp tục duy trì mức độ viện trợ cao cho nguỵ quyền. Từ ngày 2-1-1973, Hạ viện và Thượng nghị viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết cắt toàn bộ ngân sách cho bất kỳ hoạt động quân sự nào của Mỹ ở Đông Dương trừ khoản ngân sách hạn chế cho việc rút quân và hồi hương tù binh. Trong tình thế nguy ngập của chính quyền miền Nam, tháng 6-1974, tướng John Muray điện cho Lầu Năm Góc: “Nếu viện trợ còn 750 triệu đô la, Sài Gòn chỉ còn khả năng bảo vệ một phần đất đai. Nếu xuống thấp nữa có nghĩa là xoá bỏ Cộng hoà Việt Nam”(38). Trong báo cáo của Bộ tổng tham mưu nguỵ gửi Nguyễn Văn Thiệu năm 1975 cũng chỉ rõ “tầm quan trọng sống còn” của viện trợ Mỹ: “Nếu Mỹ viện trợ 1,4 tỷ đô la, Sài Gòn sẽ kiểm soát được toàn miền Nam; 1,1 tỷ đô la, Sài Gòn sẽ mất một nửa quân khu I về phía Bắc; nếu chỉ 900 triệu đô la sẽ mất toàn bộ quân khu I và quân khu II; nếu chỉ còn 600 triệu đô la thì chỉ kiểm soát một nửa quân khu III từ Biên Hoà tới quân khu IV”(39). Trên thực tế, viện trợ của Mỹ cho chính quyền Sài Gòn giảm từ 2,27 tỷ USD năm 1973 xuống 1,03 tỷ USD năm 1974 và 1,45 tỷ USD năm 1975.
Song song với cuộc đấu tranh ngoại giao, để ngăn chặn Mỹ và chính quyền Sài Gòn luôn vi phạm những điều khoản đã ký kết trong Hiệp định, các lực lượng vũ trang ta đã nắm vững thế chiến lược tiến công, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của quân đội Sài Gòn. Tháng 7-1973, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết XXI, tiếp tục khẳng định con đường bạo lực cách mạng, chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, đồng thời chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam.
Từ thực tế chiến trường và phân tích tình hình chính trị quốc tế, nhận thấy một số nước có tham vọng can thiệp vào vấn đề Việt Nam chưa thể thực hiện ngay những biện pháp cụ thể và Mỹ khó có khả năng đưa quân quay trở lại Việt Nam, ngày 30-9 đến 8-10-1974 Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương giải phóng miền Nam và đưa ra nhận định: “Lúc này chúng ta có thời cơ... Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”(40). Sau cuộc họp đợt hai từ 8-12-1974 đến 8-1-1975 Bộ Chính trị đã đề ra quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976 để rồi sau những thắng lợi dồn dập, nắm bắt Thời cơ chiến lược mới, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương lại đưa ra quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975(41).
Ngày 6-1-1975, khi tỉnh Phước Long được giải phóng, để trấn an dư luận, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger vẫn nhận định: “đây chưa phải là cuộc tiến công ồ ạt của Bắc Việt Nam”(42). Đến ngày 22-1-1975, trước những diễn biến mau lẹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Tổng thống G.Ford vẫn tuyên bố: “Sẽ không có hành động nào khác ngoài việc bổ sung viện trợ cho Sài Gòn. Hoa Kỳ sẽ không can thiệp mà không thông qua thủ tục hiến pháp và lập pháp”(43). Nhưng, sau Phước Long, chiến dịch Tây Nguyên mà trận thắng mở đầu mang ý nghĩa quyết định là Buôn Ma Thuột ngày 11-3 đã mở ra một thế cuộc mới cho cách mạng nước ta. Ngày 21-3, ta mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ngày 25-3-1975, Thiệu đã viết một bức thư dài gửi G.Ford với lời lẽ khẩn thiết:
“Trong lúc tôi viết bức thư này cho ngài thì tình hình quân sự tại Nam Việt Nam đang hết sức khẩn trương và cứ mỗi giờ qua đi lại càng trầm trọng hơn...
Theo những lời cam kết vững chắc lúc ấy, chúng tôi đã được hứa hẹn rằng Hoa Kỳ sẽ trả đũa nhanh chóng và mãnh liệt khi có bất cứ vụ vi phạm hiệp định nào của kẻ thù.
Chúng tôi đã coi những lời cam kết đó là bảo đảm quan trọng nhất cho hiệp định đình chiến. Chúng tôi tin lời cam kết đó là tối quan trọng cho sự sống còn của chúng tôi.
Thưa Tổng thống,
Trong giờ phút hết sức khẩn trương này, lúc mà sinh mệnh của miền Nam tự do đang lâm nguy và hoà bình đang bị đe doạ nghiêm trọng, tôi xin long trọng yêu cầu ngài thi hành hai biện pháp cần thiết sau đây:
- Ra lệnh cho phi cơ B-52 dội bom trong một thời gian ngắn nhưng thật mãnh liệt xuống những nơi tập trung quân và căn cứ hậu cần của địch tại Nam Việt Nam, và
- Cung ứng khẩn cấp cho chúng tôi những phương tiện cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tiến công
...
Thưa Tổng thống,
Một lần nữa, tôi muốn kêu gọi đến ngài, đến uy tín của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ và nhất là khiếu nại đến lương tri của nhân dân Hoa Kỳ”(44)
Quân Giải phóng Việt Nam tiến vào giải phóng Dinh Độc lập ngày 30/4/1975
Trong cơn cùng quẫn, để duy trì sự tồn tại của chính mình, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã bộc lộ rõ nhất bản chất phản động, đi ngược lại lợi ích dân tộc. G. Ford nhận được thư của Thiệu và thư cầu cứu của Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Việt Nam Cộng hoà nhưng không hề có một phản hồi nào. Ông cũng quyết định giữ lại những bức thư đó mà không thông báo cho chính phủ cùng hai viện biết. Không thể bước tiếp trên con đường hầm không lối thoát trong cuộc “Chiến tranh Việt Nam” và tiếp tục chịu đựng áp lực phản đối chiến tranh từ đồng thời nhiều phía, G.Ford lên máy bay đi nghỉ ở Palm Spring và chỉ 4 ngày sau Đà Nẵng, liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung của nguỵ quyền Sài Gòn, thất thủ. Đường tiến về Sài Gòn của đại quân ta đã rộng mở. Ngày 16-4, G.Ford ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn đồng thời gửi thư thượng khẩn cho Leonid Brezhnev đề nghị Ban lãnh đạo Liên Xô vận động Việt Nam để người Mỹ thực hiện chiến dịch di tản ra khỏi miền Nam Việt Nam. Số phận của chính quyền Sài Gòn chỉ còn tính được từng ngày. Tuy nhiên, một số thế lực trong chính quyền Sài Gòn vẫn hy vọng có thể đạt được một “giải pháp hoà bình” và Mỹ có thể huy động B-52 rải thảm, ngăn chặn cuộc tiến công thần tốc của quân đội ta.
Hai ngày sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, nhận thấy vận mạng chính trị của chính quyền miền Nam Việt Nam là không thể cứu vãn, ngày 23-4-1975, tại Trường Đại học New Orleans, Tổng thống Mỹ Gerald Ford phải thừa nhận trong sự tuyệt vọng: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ. Mỹ không thể giúp người Việt Nam được nữa, họ phải đương đầu với bất cứ số phận nào đang đợi họ”(45).
Và ngày 30-4-1975, khi các quân đoàn chủ lực của ta tiến về giải phóng Sài Gòn, vì “danh dự” và những lợi ích của nước Mỹ, giới cầm quyền Washington đã bỏ rơi chính nguỵ quyền Sài Gòn như họ đã từng bỏ rơi ngụy quyền Lon Non ngày 17-4-1975. Do nhiều nguyên nhân, trong những năm cuối cùng của cuộc “Chiến tranh Việt Nam”, nhằm tiếp tục duy trì ảnh hưởng của Mỹ và cứu vãn cho sự tồn tại của nguỵ quyền Sài Gòn, Mỹ đã không ngừng cam kết, đi ngược lại những điều cam kết và thực tế lịch sử cho thấy, với tiềm lực quân sự, kinh tế hùng mạnh không phải bao giờ Mỹ cũng có thể thực hiện được những lời cam kết với các nước “đồng minh”.
Trong quá trình đó, như thừa nhận của H.Kissinger, nền ngoại giao của Hoa Kỳ “đã bị tổn thương và cần có thời gian để lấy lại thăng bằng”. Theo sự biện minh của ông ta thì, do không giữ được lập trường, Hoa Kỳ đã phải “đi từ nhân nhượng này đến nhân nhượng khác trong khi Bắc Việt Nam không hề thay đổi các mục tiêu ngoại giao mà chỉ thay đổi không đáng kể lập trường ngoại giao của họ”(46). Kết quả cuối cùng là, trước quyết tâm sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của dân tộc ta; do biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nắm bắt đúng thời cơ cách mạng, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, kết thúc chiến tranh đúng lúc..., quân và dân ta đã đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, làm sụp đổ chính quyền tay sai thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, giải phóng miền Nam - thống nhất nước nhà.
Chú thích
1. Đảng Cộng sản VN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2004, Tập 28, tr.174.
2. Báo Nhân Dân, ngày 28-1-1967.
3. Trịnh Ngọc Thái: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hội nghị Paris; trong Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN.2004, tr.78
4. Tài liệu Lầu Năm Góc, Gravel Edition, Tập 4, tr.206.
5. Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb. Công an Nhân dân, 2004, tr.228-229.
6. Larry Berman: No Peace, No Honor - Nixon, Kissinger, and Betrayal in Vietnam, Published by Simon & Schuter, New York, 2002, p.14.
7. Larry Berman: No Peace, No Honor..., p.14.
8. Dẫn theo Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Sđd, tr.242.
9. Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội Nhân dân, H., 2003, tr.388.
10. Lưu Văn Lợi: Kissinger đối diện với Lê Đức Thọ; trong Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao..., Sđd, tr.114.
11. New York Time, Sunday, April 30, 2000.
12. A.J.Langguth: Our Vietnam - The War 1945-1975, Nxb Simon & Schuster, 2000; dẫn theo Lưu Đoàn Huynh: Tại sao Hoa Kỳ dùng B-52 trước khi ký Hiệp định?; trong Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao..., Sđd, tr.213.
13. Kit-Sinh-Gơ: Những biên bản hội đàm tuyệt mật chưa công bố, Nxb. Thanh Niên, H., 2002.
14.Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, H., 1985, tr.280.
15. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr.302.
16. Đoàn Huyên: Thắng Mỹ: Đánh và đàm, trong Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao..., Sđd, tr.141.
17. Nguyễn Thành Lê: Nhìn lại cuộc đàm phán Paris về Việt Nam; trong Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao..., Sđd, tr.403.
18. Dẫn theo Nguyễn Tiến Hưng - Jerrold L.Schecter: Hồ sơ mật dinh Độc lập (The Palace File), Harper & Row Publishers, Los Angeles, 1987, tr.1.
19. Về vấn đề này Hoàng Đức Nhã, nguyên “Bí thư Tổng thống, Tổng trưởng Dân vận và chiêu hồi” VNCH viết: “Thậm chí trong khoảng thời gian từ 12 cho đến 17 tháng 10 năm 1972, ông Kissinger và Lê Đức Thọ đã đồng ý với nhau về một văn bản hiệp định mà Việt Nam Cộng hoà chưa hề được thông báo. Họ tin rằng Nam Việt Nam sẽ không làm khó dễ: phía Cộng Sản Bắc Việt thì tin theo tuyên truyền của chính họ là Việt Nam Cộng hoà sẽ không kháng cự Hoa Kỳ, còn Hoa Kỳ thì cho rằng vì Cộng Sản không còn đòi Tổng thống Việt Nam Cộng hoà phải từ chức trước khi có hoà bình do đó ông sẽ bằng lòng ký hiệp định này”; Xem Larry Berman: Không hoà bình, Chẳng danh dự - Nixon, Kissinger và Sự phản bội ở Việt Nam, Việt Tide xuất bản, 2003, tr.16-17 (No Peace, No Honor - Nixon, Kissinger, and Betrayal in Vietnam, Published by Simon & Schuter, New York, 2002).
20. Dẫn theo Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Sđd, tr.304
21. Larry Berman: Không hoà bình, Chẳng danh dự..., Sđd, tr.163. Phát biểu trên truyền hình nhân sự kiện Hiệp định Paris được ký tắt, R.Nixon cũng nhắc lại quan điểm này.
22. Nguyễn Tiến Hưng - Jerrold L.Schecter: Hồ sơ mật dinh Độc lập, Sđd, tr.2.
23. Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Sđd, tr.305
24. Lưu Đoàn Huynh: Tại sao Hoa Kỳ dùng B-52 trước khi ký Hiệp định?; trong Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao..., Sđd, tr.215.
25. Nguyễn Tiến Hưng - Jerrold L.Schecter: Hồ sơ mật dinh Độc lập, Sđd, tr.2.
26. Nguyễn Tiến Hưng - Jerrold L.Schecter: Hồ sơ mật dinh Độc lập, Sđd, tr.4.
27. Dẫn theo Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Sđd, tr.318
28. Larry Berman: No Peace, No Honor..., p.286.
29. Pierre Asselin: A Bitter Peace - Washington, Hanoi, and the Making of the Paris Agreement, The University of North Carolina Press, 2002.
30. Larry Berman: No Peace, No Honor..., p.286.
31. Đinh Nho Liêm: Ý nghĩa thắng lợi và một vài bài học; trong Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao..., Sđd, tr.416.
32. Larry Berman: No Peace, No Honor..., p.8.
33. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr.359-360.
34. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr.334.
35. Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, tr.437.
36. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 34, tr.177.
37. Dẫn theo Nguyễn Tiến Hưng - Jerrold L.Schecter: Hồ sơ mật dinh Độc lập, Sđd, tr.403-404.
38. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN.1995, Tập 2, tr.599.
39. Hoàng Văn Thái: Những năm tháng quyết định, Nxb. Quân đội Nhân dân, H., 1985, tr.140.
40. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr.360-362
41. Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội Nhân dân, 2003, tr.124
42. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, Tập 2, tr.650.
43. Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Sđd, tr.543
44. Dẫn theo Nguyễn Tiến Hưng - Jerrold L.Schecter: Hồ sơ mật dinh Độc lập, Sđd, tr.5-6.
45. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, Tập 2, tr.713.
46. Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Sđd, tr.548.
Tác giả: GS.TS Nguyễn Văn Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn