Ngôn ngữ
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
- Thưa GS, xin thầy chia sẻ về những giá trị cốt lõi làm nền tảng và phương châm cho các hoạt động của Trường ĐHKHXH&NV trong một năm vừa qua ?
Có thể nói rằng những năm vừa qua, triết lý “giáo dục khai phóng” và tinh thần đổi mới sáng tạo là những giá trị nền tảng để Nhà trường xây dựng và điều chỉnh các kế hoạch hoạt động trên các lĩnh vực. Thuận lợi là Trường ĐHKHXH&NV có bề dày truyền thống và những thành tựu đáng tự hào trong hơn 70 năm qua. Nhà trường cũng tích luỹ được những giá trị và sức mạnh nội lực mà không phải một trường đại học nào cũng có được, đó là vị thế và uy tín xã hội, đó là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành của nhiều lĩnh vực KHXH&NV, đó là nền tảng truyền thống đào tạo của hàng chục ngành học và mối quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng với các trường đại học và đối tác lớn. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà Nhà trường càng cần nỗ lực đổi mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng và giáo dục đại học cũng đối mặt với những thách thức mới.
“Giáo dục khai phóng” đã trở thành triết lý hiện đại mà nhiều đại học hàng đầu trên thế giới theo đuổi. Triết lý này đề cao yếu tố con người, hướng tới phát huy tối đa sự sáng tạo của cá nhân, giải phóng tư duy của con người tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng cá nhân. Triết lý này đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của Trường ĐHKHXH&NV giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó dấu ấn đổi mới sáng tạo thể hiện rõ nét trong các lĩnh vực hoạt động.
GS.NGND Phan Huy Lê nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2017
- Với triết lý và phương hướng ấy, Trường ĐHKHXH&NV đã có những điểm sáng ấn tượng nào trong hoạt động khoa học năm học qua thưa thầy?
Trước tiên phải nhắc đến sự phát triển tăng dần đều của các công bố quốc tế trong đội ngũ cán bộ vài năm qua. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng bởi trước đó từng có quan điểm cho rằng khoa học xã hội và nhân văn khó có thể hội nhập quốc tế. Nếu năm 2010, công bố quốc tế của Nhà trường chỉ dừng ở mức 7 bài, thì năm 2016 là 42; năm 2017 có 52 công bố quốc tế, trong đó có 08 công trình công bố trên các tạp chí, nhà xuất bản thuộc hệ thống ISI/Scopus. Và quan trọng hơn là tinh thần công bố quốc tế đã dần dần trở thành nhận thức tất yếu của các thầy cô. Nhà trường hàng năm đều đặn áp dụng chính sách khen thưởng đặc biệt cho các bài báo công bố quốc tế, có các tọa đàm trao đổi kinh nghiệm công bố quốc tế giữa các giảng viên và tiến tới thành lập mạng lưới trao đổi thông tin và hỗ trợ công bố quốc tế trong Nhà trường. Tôi có thể khẳng định rằng với hơn 600 công bố trong nước mỗi năm thì tiềm năng khoa học của đội ngũ cán bộ nhà trường là rất lớn. Vấn đề là định hướng rõ ràng của chúng ta cho việc công bố quốc tế và phải triển khai được những hỗ trợ cần thiết cho các thầy cô tiếp cận với các tạp chí khoa học nước ngoài cũng như các nhà xuất bản uy tín của thế giới.
Bên cạnh đó, Nhà trường vẫn duy trì được những thành tích đáng ghi nhận trong NCKH hàng năm với việc thực hiện 17 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 03 đề tài Nafosted, 25 đề tài cấp ĐHQGHN và 33 đề tài cấp cơ sở. Trường cũng thành lập chương trình nghiên cứu “Internet và Xã hội” và có 03 phòng thí nghiệm được ĐHQGHN đưa vào đầu tư. Đội ngũ cán bộ của Trường đã công bố 15 sách chuyên khảo, giáo trình, trong đó có 02 sách chuyên khảo được xuất bản bằng tiếng Anh.
Đặc biệt, ngày 15/1/2017, GS.NGND Phan Huy Lê được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho công trình "Lịch sử và văn hoá Việt Nam - Tiếp cận bộ phận". Công trình này được đánh giá là bước đột phá về mặt lý luận và phương pháp trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, được giới khoa học quốc tế và trong nước đánh giá cao; là cơ sở khoa học cho việc làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa Thế giới. Tính đến nay, Trường ĐHKHXHNV đã có 13 nhà giáo nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN - một thành tích hiếm có trong các đơn vị nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam.
Cũng trong năm vừa qua, một hội thảo quốc tế lớn về Tâm lý học khu vực Đông Nam Á lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam do Trường ĐHKHXH&NV đăng cai với sự tham gia của các nhà Tâm lý học hàng đầu đến từ 35 quốc gia. Hội thảo gây tiếng vang lớn và là một thành công nổi bật trong hoạt động khoa học và hợp tác quốc tế của Nhà trường trong năm qua.
Hội thảo quốc tế về Tâm lý học với chủ đề “Hạnh phúc con người và phát triển bền vững” (“Human Well-being and Sustainable Development”) (29/11 – 1/12/2017) lần đầu tiên được tổ chức ở Đông Nam Á. Các đơn vị đồng tổ chức gồm: Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; IAAP - Hiệp hội Tâm lý học Ứng dụng Quốc tế; ITC - Ủy ban Kiểm tra Quốc tế; IACCP - Hiệp hội Tâm lý học Liên Văn hóa Quốc tế; CPS - Hội Tâm lý học Trung Quốc; APS - Hội Tâm lý học Australia. Hội thảo quy tụ các nhà Tâm lý học hàng đầu đến từ 35 quốc gia.
- Bên cạnh đó, tinh thần đổi mới sáng tạo thể hiện như thế nào trong hoạt động đào tạo của Nhà trường thời gian qua thưa thầy ?
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đại học nghiên cứu, năm học qua, Nhà trường đã đào tạo thành công và trao bằng Tiến sĩ cho 30 nghiên cứu sinh thuộc 15 chuyên ngành khác nhau. Đặc biệt, từ năm 2013, Trường ĐHKHXH&NV là cơ sở đầu tiên trong cả nước triển khai đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ và sau 4 năm đã có NCS đầu tiên được nhận bằng Tiến sĩ. Trong năm qua, Nhà trường cũng trao bằng Thạc sĩ cho 265 học viên thuộc 17 chuyên ngành khác nhau. Trong số đó, chuyên ngành Việt Nam học được đào tạo tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt từ năm 2015, lần đầu tiên có học viên tốt nghiệp và nhận bằng Thạc sỹ và là một học viên người nước ngoài. Những kết quả này phản ánh nỗ lực tiên phong của Nhà trường trong việc mở các chuyên ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội.
Năm vừa qua đánh dấu những bước tiến mới của công tác kiểm định chất lượng. CTĐT cử nhân ngành Triết học là ngành học thứ ba và Văn học là ngành đào tạo thứ tư (sau Ngôn ngữ học và Đông phương học) được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của AUN. Ngoài ra, CTĐT cử nhân ngành Việt Nam học và ngành Tâm lý học cũng được kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt kết quả tốt. Năm 2017, Trường cũng tiến hành triển khai đánh giá chất lượng đồng cấp các CTĐT cử nhân: ngành Báo chí, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Nhân học, Chính trị học. Hoạt động đảm bảo chất lượng tiếp tục có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đưa văn hóa chất lượng trở thành tiêu chí trong mọi hoạt động của Nhà trường.
Một nét đổi mới rất cần nhắc đến tại Trường ĐHKHXH&NV năm vừa qua là sự thay đổi và quán triệt về tinh thần phục vụ trong hoạt động tổ chức, quản lý và phục vụ đào tạo. Đặt sinh viên vào vị trí trung tâm, quy trình đào tạo đã được tối ưu và nâng cao hiệu quả, đối thoại sinh viên được tổ chức thực chất; cơ chế một cửa đã được đưa vào hoạt động; thái độ phục vụ và tôn trọng người học được đề cao. Hoạt động tuyển sinh được đẩy mạnh theo hướng tiếp cận gần hơn nhu cầu người học.
CTĐT cử nhân ngành Văn học được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN trong năm 2017
- Năm học vừa qua, những đầu tư cho con người được Nhà trường quan tâm như thế nào thưa GS?
Cũng trong năm học vừa qua, 03 cán bộ của Trường được bổ nhiệm chức danh GS, 07 cán bộ được bổ nhiệm chức danh PGS, đưa số lượng GS, PGS của Trường tăng lên 102 người (11 GS và 91 PGS), chiếm 27,49% tổng số giảng viên. Trường hiện có 152 cán bộ đang học sau đại học (142 nghiên cứu sinh, 10 học viên cao học), trong đó có 28 cán bộ đang học ở nước ngoài. Năm học vừa qua có 24 cán bộ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 05 cán bộ bảo về luận văn thạc sĩ. Hiện Trường có 232 cán bộ đã có bằng tiến sĩ, đưa tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 60,3%.
Những con số trên khẳng định công tác phát triển và xây dựng đội ngũ luôn là mối quan tâm hàng đầu, được coi là chỉ số tiên quyết để nâng cao vị thế và năng lực khoa học của Trường.
Với mục đích nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh trong đội ngũ cán bộ và sinh viên, Nhà trường đã thành lập 02 CLB tiếng Anh là Master’s Tea Club và Lunch Box Club for English cho sinh viên và cán bộ. Hai CLB sinh hoạt định kỳ hàng tuần, với những chủ đề nhất định liên quan đến học tập và nghiên cứu. Thành viên tham dự có cơ hội được thực hành tiếng Anh và trao đổi chuyên môn với các nhà khoa học nước ngoài và các sinh viên quốc tế đang giảng dạy và học tập tại Trường. Các lớp học tiếng Anh theo chuyên đề được tổ chức thu hút sự tham gia rộng rãi của cán bộ. Hoạt động của 02 CLB và các lớp học trên bước đầu đem đến làn gió mới trong ý thức sử dụng tiếng Anh như là chìa khóa cho chiến lược quốc tế hóa và hội nhập của Trường.
Năm 2017, Nhà trường cũng mở rộng hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ nhu cầu nâng cao năng lực cho cán bộ và sinh viên. Quỹ Đào Minh Quang (CHLB Đức) đã ký văn bản hợp tác chính thức với Trường, cam kết hàng năm hỗ trợ một khoản kinh phí là 380 triệu đồng cho các giải thưởng, học bổng và nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ, hướng tới xây dựng một Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu và Đào tạo giữa Nhà trường với CHLB Đức và EU. Hoạt động hợp tác quốc tế giúp thúc đẩy các hoạt động của Trường theo hướng hội nhập, xây dựng môi trường giao lưu học thuật có tính chất quốc tế cao.
Các tập thể và cá nhân được khen thưởng trong Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường ĐHKHXH&NV
- Vậy GS nhận định thế nào về những thách thức trong tương lai của Nhà trường ?
Về cơ bản, Nhà trường vẫn đang đi theo đúng lộ trình đã định ra. Tinh thần đổi mới sáng tạo đang dần thấm sâu vào các hoạt động và trong ý thức của cán bộ, sinh viên. Tất nhiên đây phải là một quá trình lâu dài mới có thể nhận ra những kết quả rõ rệt.
Trước mắt, Nhà trường phải đối mặt với nhiều thách thức có thể gọi tên được: ví dụ công bố quốc tế tuy có tăng trưởng song không đồng đều giữa các ngành học và ít công bố trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao (ISI/SCOPUS); nghiên cứu ứng dụng chưa nhiều; ít các nhóm nghiên cứu mạnh; chưa nhiều các sản phẩm khoa học đặc sắc và các hướng nghiên cứu là đặc trưng riêng của Trường; khả năng ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ còn hạn chế; đào tạo sau đại học đứng trước nhiều thách thức khi quy chế đào tạo tiến sĩ mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ĐHQGHN được ban hành; chưa có những CTĐT bằng tiếng Anh cho người nước ngoài…
Sắp tới, Nhà trường cũng đứng trước thách thức về tự chủ đại học, khi chúng ta phải tính nhiều đến các yếu tố thị trường, nhu cầu xã hội, tự chủ tài chính…
- Vậy đâu là những giải pháp hay yếu tố tiên quyết để giúp Nhà trường vượt qua những khó khăn trên ?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Nhà trường cần những cơ chế quản lý làm sao phát huy được sự sáng tạo và tính tự giác trong mỗi cá nhân. Chỉ khi mục tiêu của tập thể gắn bó và hoà hợp với lợi ích của cá nhân thì người ta mới sẵn sàng đam mê và cống hiến. Môi trường đại học phải thực sự cởi mởi và tháo bỏ được các ràng buộc mang tính hành chính cứng nhắc để cá nhân phát huy được hết năng lực của mình.
Đây là giai đoạn mà chúng ta không thể chần chừ trong việc đổi mới và hội nhập được nữa. Đó thậm chí còn là vấn đề tồn tại, hoặc là tiếp tục giữ vị trí tiên phong và gặt hái nhiều thành công dù nhiều khó khăn, hoặc là tụt hậu và thất bại. Khoa học xã hội và nhân văn vẫn đứng trước nhiều cơ hội để thể hiện vai trò của mình trong việc định hướng và xây dựng một xã hội tốt đẹp và giàu mạnh hơn.
- Với tư cách là Hiệu trưởng Nhà trường, thầy sẽ làm gì để thúc đẩy sự phát triển của Nhà trường trong tương lai?
Tôi sẽ tiếp tục cùng BGH kiên định triết lý “giáo dục khai phóng” vì một khi con người được giải phóng, năng lực sáng tạo của họ sẽ được nhân lên gấp bội. Trong năm học 2018, phương châm đó được cụ thể hóa bằng hai trọng tâm chính là đào tạo sau đại học và sản phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Hai nhiệm vụ này có liên quan mật thiết đến nhau. Các nghiên cứu sinh và học viên cao học là lực lượng tiềm năng cần được thu hút, quan tâm, chăm sóc. Các ý tưởng nghiên cứu của họ cần được nuôi dưỡng, trao đổi, đầu tư dưới sự hướng dẫn của các giáo sư đầu đàn đầu ngành. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được cả yêu cầu đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học. Đối với nghiên cứu khoa học, Nhà trường kêu gọi sự chủ động, tinh thần dấn thân, khả năng kết nối với các nhà khoa học trong và ngoài nước của các giảng viên trẻ, nghiên cứu sinh để có các công bố ở các nhà xuất bản uy tín quốc tế.
- Xin trân trọng cảm ơn GS.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn