Ngôn ngữ
Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, GS.TS Phạm Quang Minh nhắc đến những nền tảng truyền thống tuyệt vời mà bao thế hệ nhà giáo, nhà khoa học của Trường đã xây dựng nên để có một Trường ĐHKHXH&NV với uy tín và thương hiệu được thừa nhận như ngày hôm nay. Kế thừa truyền thống ấy, đội ngũ cán bộ trẻ đã khẳng định được trình độ, tri thức, bản lĩnh và tạo dựng được bản sắc riêng trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo.
GS.TS Phạm Quang Minh phát biểu tại buổi gặp mặt
Với triết lý giáo dục khai phóng, Nhà trường đang nỗ lực đổi mới tư duy trong triết lý phát triển và trong hoạt động quản lý để hướng tới hình ảnh mới: năng động, sáng tạo và hội nhập. Cùng với đó, các hoạt động đối thoại với sinh viên, cán bộ đi vào thực chất hơn, cởi mở hơn. Nhà trường đang làm hết sức mình để tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ phát huy được hết năng lực, trí tuệ với kỳ vọng các thầy cô sẽ vươn lên những đỉnh cao mới trong nghiên cứu và đào tạo, hội nhập với trình độ ngang bằng với các đồng nghiệp quốc tế.
Có 114 giảng viên dưới 35 tuổi trên tổng số 368 cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong toàn trường - đây là đội ngũ sẽ gánh vác trọng trách phát triển Nhà trường trong tương lai.
Nhưng GS Hiệu trưởng cũng đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có đang ngủ quên trên quá khứ hào hùng, trong khi đội ngũ cán bộ trẻ từ các trường đại học khác, họ đang vươn lên không ngừng?”. Trong 3 năm qua, có bao nhiêu cán bộ trẻ tham dự hội thảo quốc tế tại nước ngoài, dù Nhà trường có chính sách hỗ trợ tài chính cho các cá nhân tham gia ? Có bao nhiêu cán bộ trẻ đăng ký nhận hỗ trợ kinh phí của Trường cho các kỳ thi tiếng Anh quốc tế ? Trong số những hội thảo lớn và có quy mô quốc tế mà Nhà trường tổ chức, có bao nhiêu cán bộ trẻ chủ động tham gia để học hỏi, trau dồi chuyên môn ? Đó là những câu hỏi mà các cán bộ trẻ phải suy ngẫm để định hướng cho tương lai của chính mình.
Các cán bộ trẻ tại buổi gặp mặt
Về công bố khoa học trong nước, năm 2015, toàn trường có 550 bài báo khoa học, trong đó cán bộ trẻ dưới 35 tuổi có 165 bài, chiếm 30%. Năm 2016, có 540 bài báo khoa học và cán bộ trẻ là tác giả của 128 bài. Năm 2017, có 545 bài báo khoa học, trong đó cán bộ trẻ đóng góp 145 bài. Như vậy cán bộ trẻ đóng góp khoảng 25%-30% công bố trong nước hàng năm.
Về công bố quốc tế, năm 2015, Nhà trường ghi nhận trong số 47 bài báo quốc tế có 5 tác giả là cán bộ trẻ. Năm 2016, có 42 công bố quốc tế, trong đó có có 4 cán bộ trẻ có bài. Năm 2017, có 56 công bố quốc tế và số tác giả là cán bộ trẻ tăng lên là 7 người. Số các công bố quốc tế của cán bộ trẻ chiếm 10%-13% tổng số bài toàn trường.
Cho rằng những con số trên so với tiềm năng của đội ngũ cán bộ trẻ là chưa tương xứng, GS. Hiệu trưởng đề nghị các thầy cô cần thể hiện sự chủ động, có tinh thần xông pha và tự đặt ra những mục tiêu cao hơn cho bản thân.
Trước những băn khoăn của cán bộ trẻ về khó khăn trong công bố quốc tế đối với các ngành KHXH&NV, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng) khẳng định: công bố quốc tế không khó như mọi người tưởng. Tuy nhiên, các cán bộ trẻ đừng kỳ vọng quá nhiều vào các lớp tập huấn hay có tâm lý chờ đợi những chính sách hỗ trợ từ trường. Nỗ lực của bản thân là quan trọng nhất. Mỗi người cần ý thức về việc công bố quốc tế là yêu cầu bắt buộc và cần thiết để những người làm nghiên cứu nâng cao năng lực bản thân hướng tới hội nhập với cộng đồng khoa học thế giới. Đây là điều kiện sống còn và là xu thế không thể tránh khỏi.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại buổi gặp mặt
Về phía Nhà trường, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng đề xuất: muốn giúp cán bộ trẻ vượt qua những rào cản, để có những đột phá trong công tác NCKH và công bố quốc tế, Nhà trường phải có chính sách hỗ trợ cụ thể, từ việc nâng cao trình độ tiếng Anh, chuẩn hóa tiếng Anh cho đến hỗ trợ cán bộ trẻ đi dự hội thảo quốc tế, hiện thực hóa các ý tưởng nghiên cứu tốt. Cán bộ trẻ có thành tích tốt trong công bố quốc tế cần được tuyên dương, ghi nhận và có khen thưởng đặc biệt so với các đối tượng khác.
Tương lai phát triển của Nhà trường như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người, nên đầu tư cho nhân sự cần được ưu tiên hàng đầu và có chiến lược lâu dài, trong đó phải chấp nhận những đầu tư ban đầu nhưng cần thiết.
Khẳng định rằng thế hệ trẻ bây giờ gặp nhiều áp lực cạnh tranh hơn trước, yêu cầu trong công việc hay mục tiêu trong cuộc sống ngày càng cao song Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng những cơ hội mới đang mở ra ngày càng nhiều. Có nắm bắt được hay không để thành công nhờ phần lớn vào ý chí và sự chủ động của các bạn trẻ.
Kết thúc buổi gặp mặt, GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh: Nhà trường mong muốn và kỳ vọng đội ngũ cán bộ trẻ sẽ chủ động, tham gia tích cực và ghi những dấu ấn quan trọng trong các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Nhà trường trong thời gian tới. Chỉ cần các thầy có có ý tưởng khoa học tốt và đặc biệt là có khả năng công bố trên các tạp chí nước ngoài thì Nhà trường sẵn sàng hỗ trợ và đầu tư kinh phí ban đầu.
Bên cạnh đó, GS Hiệu trưởng đề nghị nên định kỳ tổ chức gặp gỡ giữa cán bộ trẻ và Ban Giám hiệu để được trực tiếp lắng nghe suy tư, trăn trở của các thầy cô, từ đó Nhà trường sẽ điều chỉnh các chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Tại buổi gặp mặt, các cán bộ trẻ cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn gặp phải, đồng thời khẳng định sẽ luôn nỗ lực vươn lên, phát triển năng lực bản thân, xứng đáng với truyền thống và thương hiệu của một trường đại học hàng đầu về KHXH&NV của Việt Nam.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn