Cô thủ khoa từng là học sinh chuyên Lý

Thứ sáu - 21/09/2018 05:00
Nguyễn Thị Tú Trinh - tân sinh viên ngành Quan hệ công chúng - là thủ khoa đầu vào khối D78 trong mùa tuyển sinh 2018 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều gì khiến cô nàng từ một học sinh chuyên Lý chuyển sang lớp chuyên Văn rồi lựa chọn thi vào ngôi trường Nhân văn… ?

Từng là một học sinh chuyên Lý…

Tú Trinh đạt tổng 25 điểm của khối D78, với điểm lần lượt các môn là Văn – 9,5, Anh – 8,2, Tổ hợp Sử-Địa-Giáo dục công dân – 7,33. Để đạt được kết quả như vậy, bạn đã phải cố gắng nỗ lực rất nhiều. Tú Trinh chia sẻ, hai môn Sử và Địa vốn không phải môn chuyên của em, mãi đến khi gần thi đại học em mới bắt đầu ôn tập.

Khi là học sinh cấp 2, Tú Trinh là một thành viên của đội tuyển môn Vật lý. Trinh cho biết đây chính là “tình yêu ban đầu của em”. Em đã tham gia rất nhiều kỳ thi của môn Vật lý và giải thưởng cao trong các kỳ thi Vật lý cấp Thành phố chính là niềm hãnh diện của em cho đến mãi cả sau này.

Tuy nhiên, khi lên cấp 3, Tú Trinh lại lựa chọn học lớp chuyên Văn 12D1 Trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh. Trinh chia sẻ rằng em muốn bứt ra khỏi cái vỏ bọc của bản thân, muốn khám phá những điều mới mẻ vì vậy đã quyết định chuyển hướng. Đó có lẽ cũng là cái duyên khi em đến với lớp chuyên Văn và cô giáo dạy Văn chính là người “truyền lửa” cho em. Tình yêu văn chương cũng lớn dần lên và gắn bó với em trong suốt những năm tháng cấp ba.

Nhân văn trong em…

Tú Trinh chia sẻ rằng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là nguyện vọng 1 của em từ đầu và em chưa từng có ý định thay đổi cả trước và sau khi có kết quả thi đại học. Tiền thân của trường là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - một cái tên nổi tiếng và có truyền thống lịch sử lâu đời.

Theo lời kể của Trinh thì em đặc biệt yêu mến hai chữ Nhân văn. Điều này phần lớn xuất phát từ tình yêu đối với bố. Cả tuổi thơ em in dấu hình bóng bố, những lời dạy của bố trong từng suy nghĩ, hành động. Với Trinh, bố chính là người thầy đầu tiên trong cuộc đời của em. Kể cả sau này khi lớn lên, điều ông mong muốn chỉ là Trinh có thể trở thành một người bình thường, sống một cuộc sống bình yên như bao người khác. Bố dạy Trinh phải luôn sống tử tế, biết ứng xử nhân văn và yêu thương mọi người. Tình yêu thương sẽ đem đến hạnh phúc và sức mạnh cho mỗi người trong cuộc sống, chứ không phải là vật chất hay địa vị. Cô bé thấu hiểu tất cả những lời dạy của bố và luôn khắc ghi nó rất sâu đậm trong lòng mình.

Bên cạnh đó, những mặt trái của cuộc sống mà cô bé nhìn thấy lại càng đưa em đến gần Nhân văn hơn nữa. Bởi đó chính là điều mà em vẫn luôn tìm kiếm giữa một xã hội còn những mặt trái của cơ chế thị trường và quyền lực của đồng tiền. Tình yêu thương, tinh thần nhân văn là những giá trị vô cùng trân quý trong xã hội này. Đây quả là một cô bạn có tâm hồn sâu sắc, nhưng không hề thiếu sự hoạt bát, nhí nhảnh - những phẩm chất khiến mọi người luôn quý mến Trinh ngay từ lần đầu gặp gỡ.

Lý do đến với Quan hệ công chúng…

Sự tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, gặp gỡ nhiều người đã khơi nguồn cảm hứng và thắp sáng lên trong Tú Trinh ước mơ được đi đến nhiều vùng đất mới. Trinh chia sẻ khát khao muốn được giúp đỡ nhiều người và bằng một cách nào đó đòi lại công bằng cho những người yếu thế. Vì thế, em yêu nghề phóng viên và muốn dùng ngòi bút của mình để đấu tranh vì một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.

Theo thời gian, ước mơ đó lại dần chuyển hướng sang nghề tổ chức sự kiện - đặc biệt là những sự kiện có độ lan toả và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hoá, xã hội. Để truyền đi những thông điệp nhân văn, những giá trị nhân bản, người làm tổ chức sự kiện không chỉ cần sự nhanh nhạy, năng động, đầu óc tổ chức tốt, có khả năng kết nối và thiết lập các mối quan hệ mà còn phải có một trái tim và tấm lòng nhân ái, yêu cái đẹp và hướng tới chinh phục cảm xúc của cộng đồng. Vì thế cô bạn quyết định lựa chọn ngành Quan hệ công chúng tại Trường ĐHKHXH&NV.

Hi vọng rằng cô bạn sẽ đạt được ước mơ của mình và có được những năm tháng đại học đầy ý nghĩa với những người thầy cô, bạn bè tuyệt vời tại mái trường Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Tác giả: Dương Thơm, K61 Báo chí. Ảnh: Trung Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây